Biểu tượng Đất và những phái sinh của biểu tượng Đất

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tâm thế ly hương, hoài niệm trong thơ y phương và mai liễu (Trang 93 - 95)

- HOÀI NIỆM TRONG THƠ Y PHƯƠNG VÀ MAI LIỄU

3.4.2. Biểu tượng Đất và những phái sinh của biểu tượng Đất

Mỗi nhà thơ sinh ra và lớn lên trưởng thành, gắn bó với mảnh đất quê hương bản quán của mình. Và vùng đất chôn nhau cắt rốn luôn là cội rễ, là mạch nguồn cảm hứng trong cuộc sống sáng tạo của nhà thơ. Và trong cuộc sống sáng tạo đó, mỗi nhà thơ luôn luôn có một vùng đất, một không gian, một thế giới của riêng mình. Qua tìm hiểu các tập thơ của Y Phương và Mai Liễu, chúng tôi nhận thấy cả hai nhà thơ đều rất có dụng ý khi xây dựng biểu tượng đất cùng nghĩa gốc và nghĩa phái sinh của biểu tượng ấy. Đất trong nghĩa thực là một hình ảnh đặc trưng cho thiên nhiên, cuộc sống vùng cao, nhiều đồi núi. Trong sáng tác của Y Phương và Mai Liễu, đất và các phái sinh của đất xuất hiện đậm đặc và mang đến sự đa dạng trong cách biểu hiện. Với ý nghĩa phổ quát nhất, đất bao phủ cuộc sống quê hương hai nhà thơ. Biểu tượng đất trở đi trở lại trong sáng tác của Mai Liễu. Dù đó là mảnh đất cằn, đá sỏi nhưng gắn bó biết bao kỉ

niệm của nhà thơ: Đất trơ sỏi đá thương cây khát/ Em đã đợi chờ ta đã mong/ Cơn

mưa gội mùa xanh non lá/ Bong bóng mọc lên lại vỡ òa [12, tr.315]. Chỉ qua vài câu

thơ, Mai Liễu đã giới thiệu đầy đủ về quê hương mình với, đồi, núi, suối, sông, thung

lũng: Quê tôi đồi núi triền miên / Bước xuống gặp suối, bước lên gặp đèo/ Mây vờn

vách đá cheo leo/ Sương sa thung lũng, suối reo đầu nhà [12, tr.254]. Trong thơ Y

Phương, biểu tượng đất đã hóa thân thành những gì to lớn và ý nghĩa nhưng cũng rất

đỗi gần gũi thân thương: Đất nước sinh ra từ ngực người đàn bà/ Sau đó sinh ra làng

quê xóm mạc / Sinh ra tình yêu sinh ra bi kịch [22, tr.42]

Một trong những đặc trưng của thiên nhiên vùng núi cao đó là có rất nhiều đá với những dáng vẻ, hình thù khác nhau. Đồng bào miền núi sống chung với đá, làm bạn với đá. Đó cũng là điều khiến chúng ta cảm thấy dễ hiểu khi hình ảnh đá xuất hiện trong thơ ca của rất nhiều nhà thơ dân tộc miền núi. Trong thơ Y Phương và Mai Liễu, biểu tượng đá có lẽ xuất hiện nhiều nhất. Trong bài thơ Nói với con, hình ảnh đá xuất hiện lặp đi lặp lại vừa khắc họa hình ảnh quen thuộc của quê núi vừa như nhắc nhở, gợi nhớ về những con người miền núi khỏe khoắn bền bỉ và tài hoa: Sống trên đá không chê đá gập

ghềnh..../Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương [22, tr.105].

Với Y Phương, ông luôn mang trong mình tình yêu với đá. Đây là hình ảnh xuất hiện trong thơ tình yêu của ông với tần suất tương đối nhiều. Nhà thơ đã thổi hồn vào

đá nên đá cũng có suy nghĩ, cũng biết vui, biết buồn. Đá được ví như người: Mùa hè/

Đá như người/ Rịn mồ hôi muối [22, tr.76] Hình ảnh đá còn tượng trưng cho tâm hồn,

tình cảm của chàng trai Tày đã hóa đá trong tình yêu. Với tình yêu hóa đá ấy, chàng luôn mong mỏi, nhớ nhung, khao khát người thương quay về. Sự mạnh mẽ, cứng cỏi của mỗi hòn đá cũng giống như những người con dân tộc Tày ở làng Hiếu Lễ - nơi nhà thơ sinh ra và lớn lên. Họ luôn là những người có ích cho đời. Họ mạnh mẽ trước sóng gió cuộc đời. Họ tự lập bước chân vào đời mà không cần phải luồn cúi. Họ

mang trong mình sức mạnh và bản chất của đá: Có hòn làm bóng mát/ Có hòn hỏi

ông trời/ Ngựa hí và bò rống/ Đá ngửa mặt lên cười(...)/ Những đứa con chân

đất/Lăn lóc đi vào đời [22, tr.173]

Đá còn là nơi chứng kiến sự hình thành và lớn lên của con người, quê hương Hiếu Lễ trở đi trở lại trong thơ Y Phương với giọng gọi thiết tha: Ơi cái làng mẹ sinh

con/ Có ngôi nhà xây bằng đá hộc/ Con con đường trâu bò đi vàng đen kìn kịt [22,

tr.97]. Thơ Y Phương hay khắc họa đá giống con người về tính cách suy nghĩ hay

chính là con người nơi đó đã hóa thân vào đá để bộc lộ: Hôm nay khuất núi rồi/ Hòn

đá như con người / Đứng âm thầm thương cụ [22, tr.165]

Biểu tượng đá cũng xuất hiện rất nhiều trong thơ Mai Liễu. Đá gắn liền với tuổi thơ, với cuộc sống thường ngày của người dân tộc Tày: Và nó trở đi trở đi trở lại trong nỗi nhớ của nhà thơ: Xa quê năm tháng biền biệt/ Đêm đêm thức gió rủ rê về/

Đâu biết rừng xưa giờ đã kiệt/ Suối trơ mắt đá, thác xanh rêu [12, tr.112]. Cũng có

khi đá xuất hiện trong những sự kiện trọng đại của dân tộc, mang lại sự may mắn

trường tồn: Phiến đá trước đình Tân Lập/ Phẳng phiu giữa bãi cỏ xanh/ Xưa làng đặt

lễ trời đất/ Cầu cho mưa thuận gió hòa [12, tr.66].

Nếu như Y phương trăn trở nhớ về núi thì Mai Liễu cũng dành những tình cảm

sâu nặng về quê núi của mình: Thôi chào nhé/ Dòng Lô xanh sắc núi/ Ta về xuôi xa

khuất đại ngàn/ Tưởng đã nguôi ngoai nửa đời lận đận/ Mái đầu sương nhuộm lại

lần đi [12, tr.194].

Đọc thơ Y Phương, ta thấy xuất hiện hình ảnh những ngọn núi đầy hoa. Nó được coi như là một tín hiệu cho thấy đã đến mùa vạn vật sinh sôi, nảy nở, trong đó có cả con người. Đặc biệt, hình ảnh núi còn được Y Phương sử dụng như một biểu tượng của đỉnh cao, của cái đích mà mỗi người dân miền núi cần vượt qua. Và khi đã

chinh phục được nó đó rồi, họ sẽ được chính "sóng núi" đưa lên một tầm cao mới:

Con sóng núi duỗi ra dài dài/ Ngọn sóng núi chồm lên cao cao/ Những người dân

thấp bé/ Đi từ chân núi lên đỉnh núi (...)/ Họ trèo lên/ Đu lên/ Đầy thỏa thích/ Ngọn

sóng núi đưa người lên cao vút [22, tr.154].

Nhà thơ Mai Liễu thương nhớ cội nguồn với những câu thơ đau đáu: Vẫn nhớ

núm nhau mình nơi đồi vắng/ mà khóc cười xa biệt mấy mươi năm [12, tr. 224].

Trong khi đó, nhà thơ Y Phương tha thiết dặn dò con về làng quê, bản quán của mình:

Ơi cái làng của mẹ sinh con/ Có ngôi nhà xây bằng đá hộc...Có con đường trâu bò vàng đen đi kìn kịt/Có niềm vui lúa chín tràn trể/ Có tình yêu tan thành tiếng thác/

Vang lên trời/ Vọng xuống đất/ Cái tên làng Hiếu Lễ của con [22, tr.97].

Điểm tương đồng ở đây là cả hai nhà thơ Y Phương và Mai Liễu đều sử dụng biểu tượng Đất để hàm chỉ ý nghĩa cội nguồn, hướng đến các giá trị văn hóa quê hương, vùng miền. Điểm khác biệt giữa hai nhà thơ khi sử dụng biểu tương Đất đó là trong thơ Y Phương, biểu tượng đất còn để chỉ về sự sinh sôi phát triển, hiện lên mạnh mẽ, khỏe khoắn. Còn trong thơ Mai Liễu, biểu tượng Đất hiện lên chân thực, mộc mạc gợi nhiều đến quê hương bản quán của người Tày.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tâm thế ly hương, hoài niệm trong thơ y phương và mai liễu (Trang 93 - 95)