Khái quát đặc điểm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản trị rủi ro tín dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ tại ngân hàng tmcp công thương việt nam chi nhánh thăng long​ (Trang 54 - 56)

- Năng động, linh hoạt, phản ứng nhanh trước những thay đổi của thị trường

DNVVN có khả năng chuyển hướng kinh doanh và chuyển hướng mặt hàng nhanh do bản thân doanh nghiệp xuất phát hoạt động trong quy mô vừa và nhỏ, mô hình tổ chức đơn giản, số lượng lao động không lớn. Bên cạnh đó, DNVVN hoạt động ở mọi thành phần kinh tế với sản phẩm đa dạng, phong phú nhưng số lượng không lớn. Vì vậy, nếu sản phẩm hoặc lĩnh vực kinh doanh của DNVVN không thích ứng với nhu cầu của thị trường thì việc điều chuyển này cũng không khó khăn và tốn kém như sự thay đổi ngành nghề sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp lớn. Với lợi thế này của mình các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể nắm bắt được các cơ hội mang tính thời điểm nhanh, các yếu tố mang tính khu vực và địa phương, khai thác được tối đa năng lực về vốn, lao động , kỹ thuật… nhằm thích ứng tốt với nhưng thay đổi của thị trường.

- Năng lực kinh doanh còn hạn chế

Hầu như các DNVVN đều gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn để thực hiện sản xuất kinh doanh. Tài chính của DNVVN xuất phát từ ba nguồn chính: Vốn tự có, vốn huy động từ bạn bè, gia đình; tín dụng thương mại và các khoản vay từ các tổ chức tín dụng. Trong đó, tỉ lệ vốn tự có, tự huy động thường rất thấp. Tín dụng thương mại thì gặp nhiều khó khăn do DNVVN chưa có vị thế trong đàm phán hợp đồng với các đối tác để hình thành quan hệ mua bán chịu, mua bán trả chậm hay trả góp. Khi đó, giải pháp của doanh nghiệp là vay vốn ngân hàng. Tín dụng ngân hàng có nhiều ưu thế vượt trội nhưng đòi hỏi DNVVN phải đáp ứng được các điều kiện tín dụng chặt chẽ và chịu chi phí sử dụng vốn cao. Với thực tế là năng lực tài chính nội tại thấp, không có tài sản bảo đảm hoặc giá trị không bảo đảm khi ngân hàng xét tài trợ cùng rất nhiều nguyên nhân khác đã dẫn tới khó khăn cho DNVVN trong việc tiếp cận tín dụng ngân hàng.

Tại Việt Nam, theo số liệu điều tra của Cục phát triển DNVVN thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành với hơn 41,000 doanh nghiệp ở 30 tỉnh, thành phía Bắc, vấn đề tài chính là vấn đề nổi cộm hàng đầu của DNVVN. Có tới 70% số doanh

nghiệp xác định vấn đề này là trở ngại lớn nhất ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của doanh nghiệp mình. Hầu hết đều không có khả năng tiếp cận hoặc khó tiếp cận nguồn vốn của nhà nước và các nguồn vốn khác.

Do quy mô vốn nhỏ nên các DNVVN không có điều kiện đầu tư quá nhiều vào nâng cấp, đổi mới máy móc, mua sắm thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại. Việc sử dụng các công nghệ lạc hậu dẫn đến chất lượng sản phẩm không cao, tính cạnh tranh trên thị trường kém. DNVVN cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm, thâm nhập thị trường và phân phối sản phẩm do thiếu thông tin về thị trường, công tác marketing còn kém hiệu quả. Điều đó làm cho các mặt hàng của DNVVN khó tiêu thụ trên thị trường.

- Nguồn lao động dồi dào nhưng trình độ hạn chế

Theo Cục Phát triển Doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu Tư, tính đến hết năm 2009 cả nước có 453,000 DNVVN, chiếm 97% tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Với số lượng lớn, các DNVVN thu hút một lượng lao động lớn trên thị trường. Tuy nhiên tay nghề, trình độ của người lao động còn nhiều hạn chế, không được đào tạo cơ bản. Do nguồn vốn hoạt động bị hạn chế, không đầu tư nhiều vào máy móc thiết bị nên các DNVVN phải tận dụng lao động chân tay để thay thế. Trường hợp này rất phổ biến trong các DNVVN tại các nước có lực lượng lao động dồi dào và nhân công giá rẻ. Lao động phổ thông, trình độ tay nghề còn đơn giản, chưa được đào tạo chiếm tới 60 – 70% lực lượng lao động trong các DNVVN. Có tới 80% DNVVN hướng vào các ngành cần nhiều lao động thủ công như khai thác chế biến nguyên liệu tại chỗ, chế biến nông sản thực phẩm, gỗ, dệt may, sản xuất gạch ngói… Chi phí trung bình để tạo ra một chỗ làm trong các DNVVN thường chỉ bằng 10% doanh nghiệp lớn.

- Năng lực quản lý doanh nghiệp thấp

Với quy mô về vốn và số lượng lao động ở mức trung bình và nhỏ, tổ chức sản xuất của DNVVN thường gọn nhẹ, không có nhiều khâu trung gian nên quan niệm của chủ doanh nghiệp là quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh dựa trên kinh nghiệm là chính. Vì vậy, các chủ doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến việc

nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ quản lý doanh nghiệp theo định hướng thị trường hiện đại. Đồng thời, kiến thức và hiểu biết về thị trường, về kinh tế - xã hội, về khoa học – công nghệ của họ còn có nhiều hạn chế. Trình độ học vấn của chủ DNVVN thấp, tỷ lệ có trình độ học vấn từ đại học trở lên thường chỉ chiếm phần nhỏ và chủ yếu là có trình độ trung cấp trở xuống. Mặt khác, DNVVN ít có khả năng thu hút được những nhà quản lý và lao động có trình độ , tay nghề cao do khó có thể trả lương cao và có các chính sách đãi ngộ hấp dẫn để thu hút và giữ chân những nhà quản lý cũng như những người lao động giỏi.

Với các đặc điểm cơ bản nêu trên, DNVVN hiện nay còn gặp nhiều khó khăn về mọi mặt dẫn đến giảm năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả đầu tư và sức cạnh tranh trên thị trường. Nhiều doanh nghiệp sau từ 3 – 5 năm hoạt động đã rơi vào tình trạng thua lỗ, phá sản. Trong quá trình vận động và phát triển của một quốc gia, DNVVN có nhiều cơ hội để phát triển nhưng cũng gặp rất nhiề kho khăn, thách thức đòi hỏi sự nỗ lực của từng doanh nghiệp cũng như sự hỗ trợ hiệu quả từ phía Chính phủ. (TS. Trương Quang Thông, 2010)

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản trị rủi ro tín dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ tại ngân hàng tmcp công thương việt nam chi nhánh thăng long​ (Trang 54 - 56)