Một nền VH thích hợp, mang đặc trưng riêng sẽ đưa doanh nghiệp đi đến thành công và ngược lại có thể là nguyên nhân dẫn đến thất bại. Đó được xem là đặc tính “mạnh/yếu” của VHDN. (Nguyễn Mạnh Quân, 2007)
Có hai cách tiếp cận trong việc nhận diện một nền văn hóa mạnh/yếu:
Cách tiếp cận thứ nhất, thuật ngữ “Văn hóa mạnh” để chỉ các mô hình VHDN mà trong đó, hầu hết các nhà quản lý cùng nhân viên chia sẻ các giá trị và có phương thức nhất quán trong việc tiến hành các hoạt động của mình. VH mạnh được biểu hiện qua những biểu hiện đặc trưng - các biểu trưng của VH tổ chức. Một nền VH được xem là “mạnh” nếu đáp ứng được các đặc tính cơ bản sau:
- Có ảnh hưởng, chi phối sâu rộng đối với thành viên doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu chung. Nói một cách khác, đó chính là sự nhất trí chia sẻ các giá trị văn hóa thể hiện qua hành vi văn hóa chung trong doanh nghiệp.
- Nền tảng quá khứ (tính truyền thống, kế thừa). - Có đặc trưng riêng, gần gũi.
- Năng động và có khả năng tự thích ứng để phát triển.
Cách tiếp cận thứ hai, người lãnh đạo “mạnh” sẽ tạo ra “văn hóa mạnh”, đồng thời được xác định qua hai nhân tố chủ yếu: Sự chia sẻ và Cường độ.
- Sự chia sẻ đề cập tới mức độ mà các thành viên trong doanh nghiệp có cùng nhận thức chung về những giá trị cốt lõi. Sự chia sẻ này bao hàm những yếu tố đa dạng, thậm chí là khác nhau, nhưng cùng hòa hợp trong một sự phát triển chung và làm phong phú thêm những giá trị cốt lõi.
- Cường độ là mức độ tích cực, tự giác, nhiệt tình đã trở thành thói quen, tập quán của các thành viên doanh nghiệp trong việc hành xử theo các giá trị cốt lõi. Trong hai cách tiếp cận nêu trên, cách thứ nhất mang tính định tính để nhận diện được một nền VH mạnh; cách thứ hai mang tính định lượng để nghiên cứu đánh giá mức độ mạnh/yếu của nền văn hóa đó.