Các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý tài chính bệnh viện

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện công tác quản lý tài chính tại bệnh viện đa khoa huyện đại từ, tỉnh thái nguyên (Trang 31 - 35)

5. Kết cấu của luận văn

1.1.5. Các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý tài chính bệnh viện

1.1.5.1. Các yếu tố khách quan

a. Chính sách, pháp luật của Nhà nước

Trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường nhiều thành phần và hội nhập quốc tế, Nhà nước đã có nhiều thay đổi trong hệ thống chính sách trong đó có chính sách tài chính y tế. Những thay đổi này tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh viện thực hiện hợp tác quốc tế, thu hút nguồn viện trợ nước ngoài cũng như tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Trong môi trường hội nhập, bệnh viện có nhiều cơ hội trong việc hợp tác với các tổ chức y tế trong và ngoài nước, chuyển giao công nghệ và nhận các khoản viện trợ không hoàn lại từ các tổ chức quốc tế.

Với chính sách xã hội hoá y tế, các thành phần kinh tế và các hình thức sở hữu trong y tế trở nên đa dạng, tạo điều kiện tăng các nguồn lực xã hội để phát triển y tế. Chính sách này cho phép các bệnh viện đa dạng hoá việc khai thác các nguồn tài chính phục vụ cho công tác khám chữa bệnh của mình: xây dựng khoa khám và điều trị tự nguyện; phát triển thành bệnh viện bán công. Chính sách xã hội hoá làm thúc đẩy cạnh tranh giữa các bệnh viện công lập và

dân lập, cũng như giữa các bệnh viện công với nhau, đòi hỏi bệnh viện phải nâng cao chất lượng hoạt động khám chữa bệnh và hoàn thiện quản lý tài chính theo hướng công bằng và hiệu quả hơn.

Hệ thống các chính sách y tế nói chung đều hướng tới việc củng cố và phát triển hệ thống y tế, nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế đồng thời đảm bảo công bằng và hiệu quả trong công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, đặc biệt là các chính sách tài chính áp dụng cho quản lý bệnh viện đã tạo hành lang pháp lý cho bệnh viện tổ chức thực hiện tốt quản lý tài chính. Chính sách viện phí và bảo hiểm y tế là hai chính sách tài chính y tế có tác động rõ rệt nhất đến quản lý tài chính bệnh viện công.

Về chính sách viện phí: Trước thời kỳ đổi mới, các bệnh viện được Nhà nước bao cấp hoàn toàn, nhân dân được khám chữa bệnh miễn phí. Bước sang thời kỳ đổi mới, nguồn NSNN không thể đảm bảo cho công tác chăm sóc sức khoẻ nên vấn đề tài chính cho các bệnh viện càng trở nên bức xúc. Để có thêm nguồn kinh phí cho hoạt động khám chữa bệnh, từ năm 1989 Nhà nước đã ban hành chính sách thu một phần viện phí. Chính sách này đã tăng nguồn tài chính cho hoạt động của các bệnh viện, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Viện phí cũng là một chính sách tăng cường sự tham gia đóng góp của cộng đồng nhất là các đối tượng có khả năng chi trả từ đó có thêm nguồn ngân sách để tăng cường khám chữa bệnh cho người nghèo.

Về chính sách bảo hiểm y tế: Bảo hiểm y tế được triển khai ở Việt Nam từ năm 1993 và trong những năm qua đã tạo nhiều thuận lợi cho quản lý tài chính bệnh viện công. Song các loại hình bảo hiểm y tế tự nguyện chưa đa dạng, phong phú và chưa thu hút được các đối tượng tham gia. Theo số liệu của BHXH, tính đến cuối năm 2013, tổng số người tham gia BHYT là 61,4 triệu người, đạt tỷ lệ 68,5% dân số. Trong tổng số người tham gia BHYT, nhóm nghèo, cận nghèo chiếm tỷ lệ cao nhất với 26%. Các đối tượng được

NSNN hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí tham gia BHYT chiếm tỷ lệ 60% tổng số người có BHYT.

b. Trình độ phát triển kinh tế-xã hội

Tăng trưởng kinh tế những năm gần đây tương đối cao và ổn định; Cơ sở hạ tầng phát triển mạnh mẽ; Lạm phát được kiềm chế; Đầu tư cho y tế nói chung, đặc biệt là cho các bệnh viện tăng nhiều; Chi từ NSNN cho y tế hàng năm chiếm khoảng trên 1% GDP; Tình trạng đói nghèo được cải thiện. Tất cả những yếu tố nói trên tạo cơ hội tăng nguồn kinh phí cho hoạt động của bệnh viện công, có tác động tích cực đến quản lý tài chính bệnh viện.

Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, trình độ dân trí và mức sống của đại đa số nhân dân được nâng lên so với trước thời kỳ đổi mới. Nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ tăng nhanh về số lượng và đòi hỏi cao hơn về chât lượng. Như vây nguồn thu viện phí và các khoản chi của bệnh viện cũng phải tăng theo. Tuy nhiên cùng với sự phát triển kinh tế thị trường là sự phân hoá giàu nghèo trong tầng lớp ân cư. Theo số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2010, mức chi phí điều trị nội trú bình quân mỗi người một năm là 1.500.000 đồng, chiếm khoảng 10% so với thu nhập-đây là mức chi phí quá cao. Một điều tra xã hội học của Bộ Y tế cũng chỉ ra: chỉ có khoảng 30% người dân đủ khả năng tự chi trả đầy đủ chi phí khám chữa bệnh; hơn 30% thuộc diện không chịu nổi mức viện phí như hiện nay.

Mặt khác, mặc dù nền kinh tế tăng trưởng tương đối mạnh song do xuất phát điểm thấp, lại chưa thực sự vững chắc, các lĩnh vực xã hội khác như vấn đề giáo dục, việc làm, an sinh xã hội, môi trường cũng đòi hỏi cấp bách phải chi rất nhiều, dẫn đến đầu tư cho ngành y tế còn chưa tương xứng mặc dù đầu tư phục vụ khám chữa bệnh cho các bệnh viện vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng đầu tư cho y tế. Do mức sống người dân nói chung còn thấp nên khả năng thu phí để tái đầu tư mở rộng bệnh viện công còn rất hạn chế. Việc xác

định các đối tượng nghèo không có khả năng chi trả chi phí khám chữa bệnh để thực hiện các chế độ ưu đãi còn rất khó khăn.

1.1.5.2. Các yếu tố chủ quan

a.Đội ngũ nhân lực chuyên môn

Nói cho cùng thì con người là nhân tố trung tâm và quyết định sự thành công của bệnh viện. Đặc biệt do đặc thù của bệnh viện là cung cấp các dịch vụ phục vụ cho chăm sóc sức khoẻ con người nên yếu tố nhân lực của bệnh viện lại càng quan trọng. Nó đòi hỏi đội ngũ y bác sĩ, nhân viên của bệnh viện phải vừa có y đức vừa có tay nghề chuyên môn tốt.

Trong đội ngũ nhân lực của bệnh viện thì ban lãnh đạo, các cán bộ quản lý bệnh viện mà trực tiếp là bộ phận quản lý tài chính là những người đưa ra các quyết định tài chính, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động và sự phát triển của bệnh viện nói chung. Với đội ngũ cán bộ quản lý tài chính có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có hiểu biết và kinh nghiệm, năng động và trung thực, là điều kiện tiền đề để công tác quản lý tài chính của bệnh viện đi vào nền nếp và ngày càng hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tài chính bệnh viện. Ngoài ra đội ngũ cán bộ nhân viên làm việc ở tất cả các bộ phận khác nhau của bệnh viện, thông qua việc thực hiện các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của mình, đều có ảnh hưởng đến quá trình quản lý tài chính bệnh viện.

b.Phương hướng chiến lược phát triển của bệnh viện

Phương hướng chiến lược phát triển bệnh viện quyết định trực tiếp tới hoạt động tài chính cũng như quản lý tài chính của bệnh viện. Do đó, bệnh viện phải xác định được chính xác, đúng đắn phương hướng chiến lược phát triển của mình để từ đó xây dựng các mục tiêu và giải pháp quản lý tài chính phù hợp. Mục tiêu chung mà quản lý tài chính bệnh viện công phải hướng đến là tính hiệu quả và tính công bằng. Tính hiệu quả nghĩa là đảm bảo thực hiện được các mục tiêu của bệnh viện với kết quả cao nhất và chi phí thấp nhất. Do đó nó đòi hỏi phải xem xét thận trọng các quyết định đầu tư, mua sắm và sử

dụng trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ, phương pháp phân bổ và sử dụng các nguồn lực, hệ thống kiểm soát chi tiêu và chất lượng dịch vụ y tế cung cấp cho nhân dân. Tính công bằng nghĩa là cung cấp dịch vụ y tế đồng đều cho những người có mức độ bệnh tật như nhau, thoả mãn nhu cầu khám chữa bệnh của người dân khi ốm đau với chi phí nhất định mà không đòi hỏi khả năng chi trả của người bệnh là trọng tâm. Thực hiện tính công bằng trong điều kiện nguồn NSNN cũng như các nguồn lực khác của bệnh viện còn rất hạn chế quả là một thách thức lớn đối với quản lý tài chính bệnh viện công. Ngày nay để đáp ứng nhu cầu về chăm sóc sức khỏe của nhân dân đang ngày càng tăng lên trong điều kiện nền kinh tế thị trường hội nhập và toàn cầu hóa, phần lớn các bệnh viện công ở nước ta đều xây dựng chiến lược phát triển của mình theo hướng tăng trưởng, đầu tư tài chính cả về chiều rộng và chiều sâu.

c. Quy mô phát triển và chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện

Ngày nay do kinh tế xã hội phát triển đòi hỏi quy mô và chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện cũng phải tăng để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao và đa dạng của nhân dân cũng như để cạnh tranh với các hình thức cung cấp dịch vụ y tế khác. Khi quy mô và chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện tăng lên lại đòi hỏi các bệnh viện phải đầu tư mua sắm thiết bị, phương tiện hiện đại, kỹ thuật mới, thuốc mới cũng như phải đầu tư cho đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề của đội ngũ nhân lực. Điều này đặt hoạt động quản lý tài chính bệnh viện trước những thách thức mới trong bối cảnh quy mô và chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện công hiện nay còn hạn chế. Tuy nhiên nếu xác định quy mô bệnh viện phù hợp và nâng cao được chất lượng khám chữa bệnh sẽ tạo cơ sở để tăng thu nhập và cân đối thu chi tài chính cho bệnh viện.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện công tác quản lý tài chính tại bệnh viện đa khoa huyện đại từ, tỉnh thái nguyên (Trang 31 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)