Những yếu tố tạo nên sự thành công của PPP

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp tư nhân khi tham gia đầu tư theo hình thức hợp tác công tư trong các dự án nhà ở xã hội tại thành phố hồ chí minh​ (Trang 25 - 30)

CHƯƠNG 2 : CƠ SỞ LÝ THUYẾT

2.1. Tổng quan về mô hình hợp tác công tư (PPP)

2.1.4 Những yếu tố tạo nên sự thành công của PPP

Theo ADB (2008), để đạt được những mục tiêu thông qua PPP, các chính phủ đã thực hiện hàng loạt các cải cách liên quan đến hình thức đầu tư này bao gồm: hoàn thiện khung pháp lý (Boyfield, 1992; Stein, 1995), điều tiết chính sách hỗ trợ của chính phủ (Zhang và các tác giả, 1998), ổn định môi trường kinh tế vĩ mô (Dailami và Klein, 1997), phát triển thị trường tài chính (Akintoye và các tác giả, 2001b), lựa chọn các tập đoàn tưnhân có năng lực (Tiong, 1996; Birnie, 1999), thực hiện nghiên cứu khả thi/ phân tích chi phí-lợi ích (Brodie, 1995; Hambros, 1999); phân bổ rủi ro hiệu quả (Grant, 1996), và xây dựng quy trình đấu thầu cạnh tranh (Kopp, 1997); (Marcus và Graeme, 2004). Những yếu tố trên được xem là rất quan trọng để đảm bảo sự thành công của các dự án PPP.

Theo Bùi Viết Sang, 2012: Một dự án hợp tác công tư là một dự án dài hạn (10- 30 năm) và phức tạp do đó các dự án này chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều các yếu tố ngoại sinh như môi trường pháp lý, môi trường kinh tế xã hội của các nước thực

hiện dự án cũng như các yếu tố nội sinh của bản thân dự án đó như việc lựa chọn nhà đầu tư, các quy định trong hợp đồng hợp tác công tư hay vai trò giám sát của nhà nước đối với khu vực tư nhân trong quá trình thực hiện dự án.

Môi trường pháp lý:

Môi trường pháp lý là tổng hợp các yếu tố pháp lý tác động, ảnh hưởng đến sự hình thành, tồn tại, hoạt động, phát triển và tiêu vong của doanh nghiệp.

Môi trường pháp lý là yếu tố đầu tiên quyết định đến việc dự án mà chính phủ kêu gọi đầu tư có hấp dẫn được nhà đầu tư hay không. Môi trường pháp lý tốt không chỉ gây ấn tượng cho các nhà đầu tư xem xét đầu tư vào một khu vực, một quốc gia mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh đáng kể cho khu vực, quốc gia đó so với những địa điểm đầu tư khác. Môi trường pháp lý có thể hấp dẫn được nhà đầu tư phải có đầy đủ các yếu tố sau:

Các quy định về đầu tư phải thể hiện được rằng các nhà đầu tư được tạo điều kiện để tiếp cận thị trường một cách dễ dàng nhất. Điều này được thể hiện ở các quy định về việc đăng ký thủ tục đầu tư, cấp phép đầu tư. Thủ tục thông thoáng, thời gian làm thủ tục nhanh gọn tạo ra yếu tố tâm lý tốt và tỏ ra hiệu quả trong việc khiến các nhà đầu tư hài lòng, thúc đẩy mong muốn đầu tư và mở rộng kinh doanh của các nhà đầu tư.

Các quy định hạn chế thương mại, bảo hộ ngành hàng trong nước lại là những rào cản lớn cho việc xâm nhập thị trường của các nhà đầu tư nước ngoài. Ở một số nước, việc bảo hộ nghiêm ngặt cho các ngành trọng điểm quốc gia như năng lượng, cung cấp nước sạch khiến cho nhà đầu tư hầu như không mặn mà với những lĩnh vực này làm cho việc kêu gọi đầu tư gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng quan tâm đến việc mình có được bảo hộ đầu tư hay không đặc biệt là bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Một số loại dự án PPP bao gồm cả các vấn đề chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cho bên đối tác khu vực nhà nước. Nếu không đảm bảo được những quyền lợi này, chắc chắn sự hấp dẫn đầu tư sẽ bị giảm đi đáng kể.

Chính sách ưu đãi đầu tư cũng là một điều kiện khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhiều rủi ro này. Có thể kể đến

chính sách như chính sách hỗ trợ tín dụng, giảm lãi suất cho vay, các ưu đãi về đất đai, thuế sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc được ưu tiên đầu tư vào các dự án khác mang lại lợi nhuận cao hơn.

Cuối cùng quan trọng nhất đó chính là các quy định về quan hệ hợp tác công tư. Mặc dù ADB đã đưa ra các quy tắc chung cho các nước khi xây dựng khung pháp lý cho mô hình hợp tác công tư, song đối với từng nước, tùy điều kiện cụ thể sẽ có những quy định khác biệt phù hợp với hoàn cảnh của mỗi nước. Điều cần quan tâm là những quy định đó có phù hợp với các nhà đầu tư không, mức độ hướng dẫn chi tiết của các quy định này như thế nào. Nhiều nhà đầu tư lo lắng rằng, các cơ chế thiếu đầy đủ và không rõ ràng sẽ làm xuất hiện nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình đầu tư, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu mà họ đặt ra khi quyết định đầu tư.

Môi trường kinh tế xã hội

Các yếu tố kinh tế xã hội có ảnh hưởng gián tiếp hoặc đôi khi là trực tiếp đến sự thành công của một dự án hợp tác công tư. Đối với một nhà đầu tư, khi tiến hành nghiên cứu đầu tư vào một dự án cụ thể ở một thị trường, các nhà đầu tư luôn quan tâm tới việc xem xét tính hấp dẫn của thị trường này.

Các yếu tố kinh tế vĩ mô như GDP, tốc độ tăng trưởng kinh tế, lạm phát, sự biến động của tỉ giá là các yếu tố có ảnh hưởng rất lớn tới thành công của một dự án PPP. Các chỉ số GDP, tốc độ tăng trưởng cho các nhà đầu tư một cái nhìn tổng quát về dung lượng và tiềm năng của thị trường mà họ hướng tới. Chỉ số lạm phát và sự biến động của tỉ giá lại có ý nghĩa đặc biệt trong việc đánh giá dự trù chi phí trong một dự án PPP. Một nước có chỉ số lạm phát quá cao, đồng tiền lại thường xuyên biến động không ổn định khó lòng có thể thu hút nhà đầu tư bởi rủi ro đội chi phí lên cao là rất lớn, đặc biệt là đối với các dự án dài hạn như PPP.

Bên cạnh đó, vấn đề về nguồn vốn, cơ cấu vốn và khả năng huy động vốn của khu vực nhà nước cũng là yếu tố ngoại sinh quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự thành công của một dự án hợp tác công tư. Đa số các quốc gia, áp dụng mô hình hợp tác công tư vào các dự án cơ sở hạ tầng công cộng là vì thiếu hụt nguồn vốn

đầu tư. Để đáp ứng được nhu cầu đầu tư của mình, các nước đó thường đưa ra các quy định cơ cấu vốn tương đối cố định, nhằm đảm bảo khu vực tư nhân sẽ cung cấp một lượng vốn nhất định đủ bù đắp sự thiếu hụt của khu vực nhà nước. Thay vào đó, khu vực nhà nước sẽ có những ưu đãi, hoặc quy định lỏng lẻo hơn đối với trách nhiệm của khu vực tư nhân. Điều này có thể làm cho dự án có nguy cơ gặp những rủi ro trong quá trình đầu tư. Trái lại đối với các nước có dư thừa vốn hay có khả năng huy động vốn dồi dào, áp lực về vốn thấp, họ thường hướng tới các quy định chặt chẽ hơn nhằm tăng cường hiệu quả tối đa cho một dự án.

Các nguồn lực kinh tế bao gồm các nguồn nhiên liệu, nguồn nhân lực và nền tảng cơ sở hạ tầng là nguồn cung cấp các yếu tố đầu vào cho không chỉ cho các dự án hợp tác công tư mà cho bất kỳ một dự án nào. Nguồn nguyên liệu sẵn có, giá cả ổn định (hay lạm phát thấp) cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ đảm bảo cho nhà đầu tư có thể hoàn thành dự án một cách nhất với chi phí giá thành thấp. Trong khi đó nền tảng cơ sở hạ tầng đóng vai trò quan trọng trong việc mang lại hiệu quả cao cho một dự án.

Yếu tố cuối cùng đó là sự minh bạch của thị trường. Trong một hợp đồng hợp tác công tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, sự minh bạch càng cần thiết bởi đây là một hợp đồng có giá trị lớn, dài hạn, việc minh bạch thông tin, minh bạch quản lý đảm bảo cho các nhà thầu biết rõ về các khía cạnh của hợp đồng cũng như mục tiêu chính phủ đặt ra, tránh tình trạng lựa chọn nhà thầu kém chất lượng hoặc những nhà thầu có năng lực nhưng không có thông tin để tham gia.

Đánh giá nhu cầu thị trường

Đối với các dự án hợp tác công tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng nói chung và nhà ở xã hội nói riêng, việc đánh giá nhu cầu thị trường đối với dịch vụ cơ sở hạ tầng là một vấn đề vô cùng quan trọng bởi theo các kết quả này, khu vực tư nhân cũng như khu vực nhà nước sẽ có những tính toán thích hợp về mức độ đầu tư của mình. Nếu các đánh giá nhu cầu thị trường không chính xác, rất có thể mang đến hậu quả là sự lãng phí nguồn lực xã hội. Đối với nhu cầu về nhà ở xã hội được tập

hợp và đánh giá là lượng cung còn quá ít so với lượng cầu nên việc đầu tư vào nhà ở xã hội không phả sợ lượng cung vượt quá cầu.

Chất lượng nhà đầu tư

Chất lượng nhà đầu tư ở đây chính là khả năng huy động vốn, có năng lực về tài chính, có khả năng hoạch định rủi ro và chia sẻ rủi ro phù hợp… Các dự án hợp tác công tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng hướng tới việc tận dụng lợi thế của khu vực tư nhân để bổ sung vào các thiếu sót của khu vực nhà nước như lợi thế về tài chính, cùng chia sẻ rủi ro, khả năng huy động vốn, khả năng thực thi dự án,… Do đó chất lượng của đối tác tư nhân cũng là một yếu tố ảnh hưởng tới sự thành công của một dự án hợp tác công tư.

Tính chặt chẽ của hợp đồng hợp tác công tư

Tính chặt chẽ của hợp đồng hợp tác công tư là yếu tố quan trọng nhất quyết định đến sự thành công của một hợp đồng. Rõ ràng tất cả các nước khi áp dụng mô hình này đều đã có những nguyên tắc hướng dẫn cụ thể đối với từng hình thức, tuy nhiên ở mỗi nước có sự khác nhau về kinh tế, chính trị xã hội thì các quy định trong hợp đồng sẽ có những điểm khác nhau. Điểm quan trọng là các quy định đó có mức độ ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm và quyền hạn của các bên liên quan hay không bởi điều này đảm bảo một cách chính xác rằng, các bên tham gia hợp đồng sẽ tuân thủ thực hiện các điều khoản này một cách tốt nhất để đảm bảo được quyền lợi của mình.

Tính chặt chẽ của hợp đồng hợp tác công tư được thể hiện ở những điểm sau: Phân chia rõ ràng trách nhiệm, quyền lợi và rủi ro các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Có cách chế tài xử phạt nếu một bên vi phạm hợp đồng, hoặc các quy định thanh toán theo mức độ thành quả tạo ra.

Quá trình quản lý giám sát hỗ trợ nhà đầu tư của khu vực nhà nước

Sự quản lý, giám sát, hỗ trợ nhà đầu tư tư nhân của khu vực Nhà nước là một vấn đề không thể thiếu đối với bất kỳ một dự án đầu tư nào có sử dụng ngân sách nhà nước. Đối với các dự án hợp tác công tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng sự quản

lý, giám sát, hỗ trợ nhà đầu tư của khu vực nhà nước là yếu tố thúc đẩy nhà đầu tư tư nhân có thái độ nghiêm túc và có trách nhiệm làm việc cẩn trọng nhằm đảm bảo hiệu quả của một dự án. Việc quản lý giám sát ngăn chặn các hành vi ăn bớt, “tham nhũng”, “hối lộ” hoặc có thể giải quyết ngay những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện dự án. Với sự hỗ trợ nhiệt tình từ phía cơ quan nhà nước sẽ giúp các nhà đầu tư tư nhân có thêm động cơ làm việc nhằm đạt được hiệu quả cao nhất.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp tư nhân khi tham gia đầu tư theo hình thức hợp tác công tư trong các dự án nhà ở xã hội tại thành phố hồ chí minh​ (Trang 25 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)