7. Cấu trúc của luận văn
2.3.2. Từ trong ca khúc người Hà Nội lịch lãm, duyên dáng
Những cảm xúc, hình ảnh về Hà Nội qua bốn thời kỳ: tiền chiến - chiến tranh - bao cấp - thời đại mới sẽ được gửi gắm qua các bài hát tiêu biểu thấm đẫm tinh thần Hà Nội.
Chẳng hạn thời Thăng Long, Kẻ Chợ thì chúng ta chỉ biết qua những ca khúc sau này, như một sự tái hiện những câu chuyện lịch sử. Tuy nhiên, có thể thấy sự đa dạng của một đô thị hiện đại trong các ca khúc ngay từ thời đầu tân nhạc. Nghe ca khúc, có thể hình dung về cách ăn mặc của phụ nữ thời đó. Nói chuyện về chiếc áo dài nhà văn Nguyễn Trương Qúy đã có những ghi chép rất cụ thể “áo dài tân thời ra đời từ những cải tiến từ áo dài năm thân của phụ nữ xưa, kết hợp với những chi tiết của vạt áo người Chăm và cổ áo người Hoa, rồi được phổ biến qua thiết kế của họa sĩ Cát Tường những năm 1930. Năm 1934 họa sĩ Lê Phổ cải tiến thêm để thành chiếc áo dài ngày nay… Phần thân trên ôm sát, phần hai vạt áo để buông tự nhiên, làm nổi lên dáng vẻ yêu kiều và thon thả của người phụ nữ Việt Nam. Hình ảnh cô gái Hà Nội đã trở thành một biểu tượng”[25,Tr.57]. Có lẽ vì vậy mà tà áo dài cũng đã đi vào thơ ca như một điều tất yếu. Những khúc nhạc lời ca đằm thắm, e ấp dịu dàng ngân lên gợi ca tà áo dài Việt Nam: Với Văn Cao là: “Tà áo em rung theo gió nhẹ thẹn thùng ngoài bến xuân”; với Tô Vũ: “Tà áo hương nồng, mắt huyền trìu mến sưởi ấm lòng anh”; với
Hoàng Dương là: “Áo màu tung gió chơi vơi”… Sau này nhạc sĩ Đoàn Chuẩn còn dành hẳn một sáng tác để ngợi ca tà áo người yêu, với màu xanh biếc và để lại nhiều dư ba người đọc nhiều thế hệ: Em còn nhớ anh nói rằng,/ Khi nào em đến với anh xin đừng quên chiếc áo xanh/ Em ơi, có đâu ngờ đến rằng,/có màu nào không phai, như màu xanh ái ân…[25,Tr.58]. Qua ca khúc ta cũng có thể thấy thời tiết, tình ái, sự biến động thời cuộc… Đặc biệt là vẻ lịch lãm, duyên dáng trong ứng xử, tình cảm và thái độ sống của người Hà Nội được tô đậm trong các thời đã qua. Những điều đó thể hiện qua nhiều nhạc phẩm: Cô láng giềng, Dư âm…
Mỗi thời kỳ có cái hay riêng.Thời tiền chiến thì phong phú về câu chuyện, vì các ca khúc khi ấy nặng tính tự sự, kể lể, tựa như những tản văn hay truyện ngắn. Đây là những bài hát ra đời trong kháng chiến chống Pháp, những bài hát lãng mạn của các nhạc sĩ được hát trong các quán nhạc, hay trên đài phát thanh Con Nhạn của Pháp ở Đông Dương. Để hợp thức hóa và qua mắt người Pháp dễ dàng những bài hát theo phong cách lãng mạn đều được gọi là “tiền chiến” – tức là trước cuộc kháng chiến chống Pháp. Sau này, thuật ngữ này trở thành tên gọi cho một dòng nhạc trữ tình. Những ca khúc Buồn tàn thu, Trương Chi, Cô hàng cà phê, Thiên Thai đã một thời nổi tiếng ở Hà Nội. Có người đã lấy tên bài hát để đặt tên cho phòng trà, quán cà phê…
Thời chiến tranh lại có cái vẻ bi tráng, rắn rỏi, nhiều sáng tạo vừa ngẫu hứng vừa chỉnh chu. Hà Nội thời chiến là một Hà Nội mà ai cũng phải sống trong gian khổ. Gian khổ khó khăn, nhà cửa chật hẹp nhưng người Hà Nội chưa bao giờ hết yêu: Mỗi nét đơn sơ cũng đượm tình nhiều. Đấy chính là phong thái hào hoa của người Hà Nội, cho dù trong hoàn cảnh gian khổ nhất. Chúng ta còn thấy nét rắn rỏi của tinh thần người Hà Nội qua ca khúc Bài ca của một người Hà Nội của nhạc sĩ Huy Du: Hà Nội ơi! Qua từng cơn bão lửa/ Ta vẫn cất tiếng cười trong chiến thắng/ Tiếng hát át quân thù/ Của những người Hà Nội thân thương[25,Tr.792]. Hay trong ca khúc “Phi đội ta xuất kích” của nghệ sĩ Tường Vi, là ca khúc dành tặng những chiến sĩ phi công mới chỉ đôi mươi. Tinh thần thép đã buộc tổng thống Mĩ Johnson phải tuyên bố chấm dứt ném bom bắn phá miền Bắc. Hà Nội đã có những khoảnh khắc yên lặng của chiến tranh.
Thời sau thì có tiết tấu mới mẻ hơn, phiêu diêu hơn. Nhiều người biết đến ca khúc “Sao em nỡ vội lấy chồng” của nhạc sĩ Trần Tiến, với ca từ có lấy gợi ý từ bài thơ Lá diêu bông của nhà thơ Hoàng Cầm. Ca khúc “thấm đẫm chất dân gian và bí ẩn, về một tuổi thơ nơi Kinh Bắc đầy cổ tích, về một không gian của những khách đa tình và giai nhân … những mối tình mang ẩn dụ về khát vọng nghệ thuật”[25,Tr.257]. Không khí Hà Nội của những năm 80. Bây giờ nghe lại về thời của những thay đổi ban đầu sau những năm tháng dài chiến tranh và nghèo khó, con người cựa quậy, không gian Hà Nội cựa quậy. Nó bỡ ngỡ mà mê đắm “không gian thi ca vẫn là Hà Nội, vẫn những mái nhà rêu phong, những phố phường Hà Nội còn lưu lại chút dáng vẻ như trong tranh Bùi Xuân Phái, nơi diễn ra những mối tình u uẩn, những bóng dáng của một thời xưa cũ chen lẫn những biến đổi hậu chiến. Thơ ca không còn chức năng cổ động tuyên truyền mà đã có những dòng chảy cá tính, những truy vấn về thiên chức nghệ sĩ sáng tạo. Nhạc sĩ Phú Quang sau này đã bắt được cảm xúc ấy trong thơ Phan Đan và phổ thành bài hát Phía tối tâm hồn tôi”[25,Tr.258].
Thật ra, nỗi lòng người đi thời nào cũng vậy, nhất là trong thời chủ nghĩa lãng mạn vẫn có sức hấp dẫn. Ở đây, hát về Hà Nội là ngợi ca một thời sống, một thời yêu và một thời nhớ. Và cảm xúc riêng tư cũng đáng trọng bởi khi dồn lại, chúng mang tâm sự của cả một thời đã đi vào ký ức. Chủ đích vẽ một bức tranh đa sắc về Hà Nội, nhưng tác giả đã làm được hơn thế khi mở ra được cả một không khí Hà Nội, đánh thức hoài niệm của những người yêu Hà thành. Thủ đô trong lòng người đi xa luôn được bọc trong một lớp khói sương của cảm xúc, được bồi đắp bằng những kỷ niệm riêng tư, như trong câu hát của Phú Quang phổ thơ Thanh Tùng: "Tôi bồi hồi khi chạm bóng cửa ô/ Như ngày xưa mỗi lần chạm vai gầy áo mẹ/ Ôi nỗi nhớ muôn đời vẫn thế/ Như dòng sông Hồng cuộn đỏ mãi trong tôi”.