Hà Nội qua những cuốn tiểu thuyết, tản văn, và khảo cứu viết về Hà Nội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hà nội trong tản văn nguyễn trương quý (Trang 26 - 31)

7. Cấu trúc của luận văn

1.2.2. Hà Nội qua những cuốn tiểu thuyết, tản văn, và khảo cứu viết về Hà Nội

Hà Nội thời nào cũng vậy, luôn đóng vai trò là trái tim của cả nước, là trung tâm văn hóa kinh tế cũng là nơi khơi nguồn cảm hứng cho các nhà văn nhà thơ, nghệ sĩ, nhạc sĩ sáng tác. Đã có nhiều tác phẩm viết về Hà Nội đi vào lòng người yêu sách như những tác phẩm của nhà văn Băng Sơn, Đỗ Phấn, Nguyễn Ngọc Tiến, Trần Chiến, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Trương Qúy…. Mỗi tác giả viết về một Hà Nội ở những góc nhìn khác nhau nhưng đều chan chứa tình yêu tha thiết, cháy bỏng đối với mảnh đất này.

Trước hết, nói về tản văn viết về Hà Nội của nhà văn Băng Sơn.Tác giả có nhiều tập sách viết về Hà Nội như tùy bút Thú ăn chơi người Hà Nội (1993), Đường vào Hà Nội (1997), Dòng sông Hà Nội, Phập phồng Hà Nội, Hà Nội 36 phố phường, mới đây nhất nhà văn cho ra mắt bạn đọc tập tản văn Hà Nội rong ruổi quẩn quanh

(2013) Nhìn vào những cống hiến này của nhà văn Băng Sơn viết về Hà Nội người đọc đủ hiểu tình yêu với Hà Nội trong nhà văn đằm thắm, ân tình biết bao nhiêu. Chỉ có yêu Hà Nội thì nhà văn mới có thể viết say sưa, viết nhiều về Hà Nội đến vậy. Đến nay chúng ta cũng không thấy làm lạ khi chính tác giả khẳng định “mình quá hiểu Hà Nội lắm rồi”. Có thể nói tất thảy những gì thuộc về Hà Nội gần như đã nằm trọn trong khối óc và trái tim của nhà văn Băng Sơn. Cũng vì vậy mà chỉ một câu chuyện, sự vật hay chuyển động nhỏ của Hà Nội cũng làm trái tim ông rung động mà nhả hồn chữ về mảnh dất này. Từ những món ăn quan thuộc gần gũi như bún , phở, bánh cuốn món quà sáng của người Hà Nội. Những gia vị của các món ăn cũng đi vào trang văn của tác giả. Rồi thú uống trà, dòng sông, con phố, cây xanh, những địa danh lịch sử cũng ẩn hiện trong văn của nhà văn Băng Sơn bằng tình yêu máu thịt. Gần đây, tập tản văn

Hà Nội rong ruổi quẩn quanh như một minh chứng tiêu biểu, điển hình nhất cho sự gắn bó sâu đậm của tác giả với Hà Nội. Chỉ bằng 200 trang sách nhưng nhà văn đã dẫn dẵn người đọc vào một tour du lich văn hóa Thủ đô đầy chân thực: Từ những địa danh lịch sử, những con phố, cây xanh đến những câu chuyện “phiền toái” sẵn có ở Hà Nội nay là ùn tắc giao thông, khói bụi ô nhiễm …

Tác giả Băng Sơn đại diện cho những người sống ở thành phố ngàn năm tuổi này giới thiệu một “Hà Nội vừa tha thiết u trầm chất phương Đông, vừa náo nức đua chen xô bồ hối hả một chất phương Tây” qua những tác phẩm của ông.

Nhà báo, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Là tác giả được đánh giá là người viết nhiều về Hà Nội nhất, mỗi tác phẩm đều thể hiện tình yêu với Hà Nội chân thành và sâu đậm. Người đọc dễ dàng cảm nhận tình cảm này của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến qua những ấn phẩm: những tập tản văn, khảo cứu như 5678 bước chân quanh Hồ Gươm, Đi dọc Hà Nội, Đi Ngang Hà Nội, Đi xuyên Hà Nội, Mong Manh...

Một tập tản văn là mỗi góc nhìn cũng như nỗi niềm mà nhà văn muốn gửi đến bạn đọc. Theo chia sẻ của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến trên trang báo điện tử Đời sống và pháp luật, do phóng viên Lạc Thành thực hiện: “Các tác phẩm của tôi viết về Hà Nội khác với các tác giả khác vì tôi thiên về mảng đời sống thị dân, những thay đổi hiện nay của người Hà Nội. Ở cuốn 5678 bước chân quanh Hồ Gươm, tôi kể về những

chuyện “lặt vặt” nhưng “rất Hà Nội”, “lặt vặt” từ khi hồ có tên Lục Thủy đến khi mang tên Hồ Gươm. Chuyện về con người, cảnh vật quanh con hồ thẫm đẫm huyền thoại và lịch sử. Thêm vào đó là những chuyện tôi biết, trải nghiệm về Hà Nội theo cái nhìn cá nhân. Tôi không nhìn Hà Nội theo con mắt đạo đức mà theo hiện thực xã hội. Hà Nội với tôi là những thứ gần gũi thân thương”[49]. Qủa đúng như vậy, chỉ có tình yêu chân thành tha thiết với nơi chôn nhau cắt rốn, nơi nuôi dưỡng thể xác và tâm hồn nhà báo, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến nên nơi đâu cũng ghi dấu những kỉ niệm với tác giả. Những gì nhỏ nhặt, vụn vặt tác giả cũng muốn nâng niu chân trọng. Tình yêu không cần tìm ở nơi đâu mà chính là tìm về với những sự vật, sự việc đang ngày ngày hiện hữu xung quanh mỗi chúng ta.

Hai cuốn sách Đi ngang Hà Nội, Đi dọc Hà Nội được tác giả viết dưới dạng kí - khảo cứu. Tác giả dẫn dắt người đọc đến với những câu chuyện nhạy cảm ít ai đề cập đến như ,Tư sản Hà Nội, Xẩm Hà Nội, Thú chơi đĩa than ở Hà Nội, Câu chuyện về chiếc xe đạp, Những giai thoại dân gian, Những bài văn vần về dất Hà Thành…; hoặc dẫn người đọc đi dọc theo tiến trình lịch sử của Hà Nội: từ câu chuyện Ai là người xây Tháp Rùa, Đào Nhật Tân, Kẻ cắp chợ Đồng Xuân,… Hai cuốn sách này của nhà báo, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến được nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội năm 2012.

Đi xuyên Hà Nội là cuốn tản văn mới ấn hành gần đây của nhà báo, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, qua lời văn tài hoa, đôn hậu nhà văn giúp người đọc hiểu hơn về văn hóa, thói quen, nếp sống của người Hà Nội từ góc nhìn đối sánh xưa và nay. Đi xuyên Hà Nội cũng là tiếng lòng của tác giả khi nghĩ vè những truyền thống nghìn năm văn hiến đang dần phôi pha ở thực tại. Bên cạnh đó, cũng là thái độ bình thản chấp nhận như một chuyển mình mang tính tất yếu của thời đại. Ẩn sâu bên trong từng câu chữ vẫn là sự nuối tiếc, hoài nhớ về một thời đã qua nay chỉ còn vang bóng và tác giả vẫn “luôn mơ về một Hà Nội thơm phức như thế…”.

Nhà báo, nhà văn Trần Chiến tác giải của hai cuốn sách viết về Hà Nội: tiểu thuyết Cậu ấm và tản văn A đây rồi Hà Nội 7 món. Cả hai tác phẩm của nhà văn đều được đề cử nhận giả thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội, hạng mục tác phẩm. Nội dung của hai tác phẩm vẫn hướng vào đời sống thị dân Hà Nội nhưng không phải

là xã hội ở thế kỉ XXI, mà hướng về xã hội của thế kỉ XX. Trước hết nói về tiểu thuyết

Cậu ấm, tác giả có chia sẻ những suy nghĩ của mình trên trang báo điện tử Thể thao và văn hóa do Nha Đam thực hiện “Những thay đổi trong cuộc sống của thị dân Hà Nội đến cùng nhiều thay đổi thời cuộc. Họ đã sống qua thời nho tàn, Tây học, Cách mạng, Kháng chiến, sau này là cải cách ruộng đất… Tất cả để lại dấu tích rõ ràng trong cuộc đời, trong tâm thức, trong lối sống của thị dân Hà Nội”[39]. Những tâm sự này của nhà văn đã gửi gắm trọn vẹn vào nhân vật Vận trong tiểu thuyết Cậu ấm. Vận mang trong mình đam mê cháy bỏng với ẩm thực Hà Nội nhưng vấp phải nhiều khó khăn từ gia đình, cuộc sống và xã hội nên Vận đành chôn vùi niềm đam mê đó. Chiến tranh qua đi, hòa bình lấp lại ở Hà Nội, Vận đã có cơ hội để thực hiện đam mê của mình nhưng thật không thuận lợi như Vận nghĩ vì phải sống trong một nỗi e dè.

Tản văn A đây rồi Hà Nội 7 món là một tản văn thể hiện tình yêu và tình thương với mảnh đất kinh kỳ Thăng Long Hà Nội đã oằn mình trải qua bao biến cố của thời cuộc. Với nhà văn tình yêu với Hà Nội thì luôn thường trực trong tâm trí vì nhà văn quan niệm “sống ở Hà Nội thì nên yêu Hà Nội. Có tình yêu thì vẫn tốt hơn, đừng coi nơi đây như một chốn dừng chân”. Cũng bởi vậy mà những gì thuộc về “đặc sản” của Hà Nội cứ tự nhiên chảy tràn trên mỗi trang văn: những con phố gợi cảm, những kiến trúc cổ kính, nếp sống thanh lịch, ăn nói nhỏ nhẹ nhưng tự nhiên duyên dáng của người Hà Thành đến những nhược điểm như “xét nét”, dè dặt trong cuộc sống cũng được nhà văn phản ánh chân thực. Đằng sau tình yêu với Hà Nội là lòng thương cảm về một Hà Nội càng ổn định, càng phát triển thì những giá trị nếp sống lại càng dần phôi pha. Nỗi niềm đó được tác giả gửi gắm ít nhiều qua mỗi tản khúc nhưng rõ nét nhất là “Hà Nội đáng thương”. Có lẽ vì vậy mà con mắt của nhà văn lúc nào cũng ẩn một nỗi u hoài.

Gần đây trên các diễn đàn văn chương người ta nhắc nhiều đến hai nhà văn trẻ Nguyễn Việt Hà và Nguyễn Trương Qúy với tư cách là những người viết tiếp mảng văn học viết về Hà Nội. Cùng là một cái nhìn trẻ về phố, đô thị và thị dân Hà Nội nhưng mỗi nhà văn lại có những thiên hướng khác nhau.

Nhà văn Nguyễn Việt Hà dậm tô đậm về “người” trong “Con giai phố cổ”. Mọi nếp sống, nếp nghĩ, nếp ăn, ở của đất Hà Thành đều phát lộ từ con người sống ở đó.

“Phải những ai từng sống đủ lâu ở Hà Nội mới thấm thía và như nhận thấy rõ hình bóng mình từ những câu chữ nhởn nhơ của Nguyễn Việt Hà: "Bọn họ thong thả ăn, tinh tế mặc, chầm chậm sống. Có bọn họ, Hà Nội hôm nay mới có nổi dăm bảy hàng phở ngon, vài ba quán cà phê thị dân sâu lắng. Bọn họ chẳng chịu là gì, sống bạc nhược nghệ sĩ nửa mùa, rồi trả ơn Hà Nội bằng cách quyết liệt tự nuôi cho mình những thói quen của bao đời Hà Nội"[35].

Nhà văn Nguyễn Trương Qúy lại có cái nhìn lạ, độc đáo và không kém phần chân thực về Hà Nội. Hà Nội trong 6 cuốn tản văn của nhà văn Nguyễn Trương Qúy là một Hà Nội tồn tại như một thực thể sống động. Nhà văn ít đề cập đến câu chuyện Hà Nội của quá khứ, có chăng cũng chỉ là mượn chuyện cũ để nói nay mà thôi. Đô thị Hà Nội được tác giả quan sát qua lăng kính của nhà kiến trúc sư, đô thị ấy giờ đây là những lát cắt vỡ vụn, nham nhở không có một hình khối hay không gian cụ thể như vấn đề quy hoạch công viên ở Hà Nội. Soi xét kĩ ở mọi góc cạnh thì công viên ở Hà Nội chỉ là gán ghép của những mảnh đất thừa mà các nhà quy hoạch không biết xây gì vào chỗ đó cho thỏa đáng, hợp lí cả. Công viên cũng không thực hiện đúng vai trò và chức năng của một khu vui chơi giải trí văn minh, lành mạnh mà ngược lại là nơi thể hiện lối hành xử văn hóa thời hiện đại. Khu phố cổ, trung tâm của Hà Nội tước kia được xem là phần linh hồn của phố thị Hà Nội thì nay cũng đã có những biến đổi méo mó cả rồi. Ngay cả “phở” được xem là “quốc hồn, quốc túy” của ẩm thực Hà Nội thì này cũng khó thấy ngon, mặc dù thời nay gia vị nhiều hơn, sẵn hơn xưa rất nhiều … Dường như chỉ còn lại những bài ca Hà Nội là vẫn vẹn nguyên giá trị: Hà Nội lãng mạn, kì diệu hơn khi đi vào những lời ca tiếng hát và cho đến nay vẫn còn nhiều người hát tiếp những bài ca Hà Nội này như ca sĩ Giang Trần chẳng hạn. Ca sĩ Giang Trần là người đã cùng nhà văn Nguyễn Trương Qúy thực hiện chương trình Radio bài ca Hà Nội và được đề cử giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 9.

Chỉ điểm qua một số tác giả, tác phẩm viết về Hà Nội người đọc cũng dễ thấy một Hà Nội toàn bích hơn khi được soi chiếu dưới mọi góc cạnh, góc quan sát và những xúc cảm riêng của các nhà văn. Chúng ta cũng nhận thấy một Hà Nội phát triển theo chiều dài của lịch sử: Hà Nội xưa và nay. Ở thời nào thì Hà Nội cũng có cái hay và cái dở tuy vậy nhìn vào thực tại ngày hôm nay chúng ta đang sống thì Thủ đô Hà

Nội đang có sự phát triển không đồng đều. Kinh tế phát triển với tốc độ chóng mặt, đô thị cũng đi lên nhanh chóng nhưng những giá trị về văn hóa và tinh thần hình như lại tỉ lệ nghịch với thời đại công nghiệp hóa. Nghĩ về vấn đề này dường như ở trang văn của bất cứ nhà văn nào cũng đầy nỗi niềm ưu tư, chất vấn và trên hết là những thông điệp mà mỗi nhà văn muốn gửi tới bạn đọc mọi thế hệ cùng thức tỉnh và cùng bảo vệ những truyền thống tốt đẹp, những thuần phong mĩ tục của người Hà Nội nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hà nội trong tản văn nguyễn trương quý (Trang 26 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)