7. Cấu trúc của luận văn
1.3.1. NguyễnTrương Quý – nghiệp đời, nghiệp văn
Nguyễn Trương Qúy tên thật là Nguyễn Trung Qúy, sinh ngày 28 tháng 8 năm 1977 tại thành phố Hà Nội. Anh sinh ra trong một gia đình bố mẹ là những người lao động, bố từng đi bộ đội thời chống Pháp, mẹ là công nhân. Tuổi thơ của anh là những chuỗi ngày thiếu thốn của cả gia đình. Bố từ chiến trường trở về, mang theo những kí ức thời chiến, về sự ra đi của những người đồng đội … Sức khỏe của ông cũng không còn để tham gia làm những công việc nặng nhọc hay căng thẳng. Tuy vậy ông lại là một người rất khéo tay, việc gì cũng làm được như một người vạn năng “sửa điện trong nhà, làm mộc, chữa xe đạp, may quần áo gia công, bán phở, mở quán nước chè …[9,Tr.252]. Nhà văn Nguyễn Trương Qúy đã thừa hưởng những nét tài hoa này từ người cha của mình. Từ nhỏ anh cũng đã thích vẽ tranh màu nước và thường tự tập vẽ bên hồ Hoàn Kiếm hay Hồ Tây, công viên …
Trong cuốn nhật kí chuyên văn đã gợi ca tài năng văn chương của anh ‟Nguyễn Trương Qúy đã đĩnh đạc bước vào lớp chuyên văn Amsterdam Hà Nội với một giải Văn Toàn quốc. Ở tuổi mười lăm anh đã nhạy cảm, tài hoa và tinh đời. Ngay từ nhỏ anh đã mê mẩn nhạc tiền chiến, kiến trúc cổ điển, thích vẽ tranh màu nước và yêu văn chương”[49]. Đây đều là những dấu hiệu của một tài năng trẻ.
Con đường đến với văn chương của nhà văn cũng không được trải thảm đỏ mà ngược lại thật đây gian nan. Anh học xong trung học phổ thông thì thi tuyển vào trường Đại học kiến trúc Hà Nội, khóa 1995 – 2000. Sau 4 năm học đại học anh ra làm việc và cũng trải qua nhiều công việc khác nhau, vị trí làm việc khác nhau. Năm 2000 -2004, anh làm trưởng phòng thiết kế web tại công ty VietSofware. Sau đó anh chuyển
qua làm kiến trúc sư thiết kế cho công ty kiến trúc ADC. Làm ở lĩnh vực nào Nguyễn Trương Qúy đều có những thành công nhất định và anh đều giữ cho mình thái độ làm việc nghiêm túc, làm đến nơi đến chốn. Sau đó, anh còn làm phóng viên cho Báo sinh viên Việt Nam; thư kí tòa soạn Tạp chí người đô thị. Hiện nay anh làm biên tập viên phụ trách truyền thông chi nhánh Hà Nội. Ngoài ra, anh còn cộng tác với nhiều tờ báo khác nhau và sáng tác văn chương. Năm 2015 - 2017 anh học thạc sĩ truyền thông Đại học Stirling, Anh Quốc và được nhận bằng xuất sắc. Anh đã để lại nhiều ấn tượng với hội đồng bảo vệ tại Anh Quốc về tài năng, thái độ ham học hỏi, làm việc thì luôn tỉ mỉ từng chi tiết, khả năng sáng tạo vô cùng phong phú… Con đường học tập vẫn đang rộng mở ở tương lai và chúng ta tin rằng sự học của anh chưa dừng ở đây.
Sau khi nhập môn nghiệp văn chương như kiểu ‟trời định mệnh cho anh”. Anh đã làm việc như con ong chăm chỉ để góp mật cho đời, cũng là để bù lại những tháng ngày ‟lạc lối khỏi văn chương”. Ngay từ ngày chắp bút Nguyễn Trương Qúy đã xây dựng cho mình một thương hiệu tản văn, với một văn phong độc đáo, lối viết tung tẩy dí dỏm chừng mực. Miệt mài theo đuổi thể loại tản văn, đến nay, Nguyễn Trương Qúy đã cho ra mắt công chúng 6 cuốn tản; cũng trong năm 2013 anh cũng cho xuất bản tập truyện ngắn Dưới cột đèn đường rót một ấm trà (2013); Tản văn Mỗi góc phố một con người đang sống (2015) – đều là những cuốn tản văn viết về con người và phố thị Hà Nội.
Tập sách đầu tiên, Tự nhiên như người Hà Nội (2014), là những quan sát về hình thái đô thị như một loại “hồ sơ kiến trúc ”. Cuốn thứ hai “Ăn phở rất khó thấy ngon ”(2008), là chân dung về con người sống trong đô thị ấy, tập chung vào giới viên chức văn phòng với các thói tật và hành vi. Cuốn thứ ba, Hà Nội là Hà Nội (2010), là cuộc tìm kiếm những giá trị văn hóa mang những câu hỏi bao trùm hơn. Cuốn thứ tư,
Xe máy tiếu ngạo (2012), là cuộc khảo sát văn chương về phương tiện xe máy của nhân dân thành phố, cũng như ghi lại đậm nét thêm những hành vi và lối sống của người đô thị. Ghi lại những gì quan sát và trải nghiệm về “đối tượng Hà Nội ”. Cuốn thứ năm, Còn ai hát về Hà Nội (2013), nhà văn mang đến cho bạn đọc một thống kê hoàn hảo về các bài hát liên quan đến Hà Nội kể từ khi nền tân nhạc sơ khai hình thành. Cuốn Còn ai hát về Hà Nội gồm các ca khúc như một lí do để tác dẫn người đọc tiếp cận thành phố nghìn năm tuổi này theo cách vừa riêng vừa sâu sắc. Cuốn tản văn
thứ 6, Mỗi góc phố một con người đang sống (2015), là cuốn tản văn mới nhất của nhà văn Nguyễn Trương Qúy. Cuốn tản văn này cho thấy sự “chín” hơn trong nghề viết văn, góc nhìn kiến trúc cũng dần dần không còn chi phối vào văn. Như nhà văn Đỗ Bích Thúy khẳng định “chính anh đã làm một cuộc “li khai” nhỏ để rồi giờ đây anh làm chủ đôi mắt của mình. Nó trở thành phương tiện để Nguyễn Trương Qúy ngó nghiêng cuộc đời và phơi bày cái tôi giữa những cái sặc sỡ của thế giới”. “Mỗi bài tản văn như một cuộc du ngoại được dẫn dắt qua không gian của hoài niệm, của ghi chép về xã hội, của những tham chiếu văn hóa sâu xa và những sáng tạo hài hước pha cay đắng. Những cuốn sách của Nguyễn Trương Qúy đưa chúng ta đến với Hà Nội, cho chúng ta có được cơ hội trở nên thông thạo nơi này cùng một trong những nhà quan sát sắc sảo nhất của nó”[30]. Tập truyện ngắn Dưới cột đèn đường rót một ấm trà (2013), nhân vật trong truyện ngắn của anh hầu hết là giới nhân viên văn phòng, trí thức trẻ thành thị. Những nhân vật có họ có tên cụ thể, có gương mặt, có gia đình con cái, có yêu có ghét cụ thể. Họ quen nhau qua mạng, họ ngoại tình, họ lãng đãng, họ vô tâm, họ sĩ diện, họ hèn, họ tinh tế vặt… Với tập truyện ngắn này của nhà văn, chúng ta có thể thấy: Với nhiều người khác thì tản văn là một quãng nghỉ chân giữa các tiểu thuyết hay truyện ngắn. Với Nguyễn Trương Qúy, ngược lại, truyện ngắn có thể lại là một quãng nghỉ chân giữa các tập tản văn. Nhưng cũng có thể, chính tập truyện này lại mở ra một hướng đi hoàn toàn khác. Hiện nay anh đang thai ghén và hứa hẹn sẽ cho ra mắt bạn đọc hai tập truyện ngắn mới cũng viết về đề tài quen thuộc: Hà Nội.
Mỗi tập tản văn của nhà văn Nguyễn Trương Qúy khi ra mắt bạn đọc đều nhận được sự yêu mến, đón đợi của bạn đọc. Sự yêu mến này được thể hiện qua số lần tái bản của mỗi tập tản văn: Tự nhiên như người Hà Nội, Ăn phở rất khó thấy ngon, đều tái bản lần thứ 7. Hà Nội là Hà Nội, tái bản lần thứ hai. Xe máy tiếu ngạo và Mỗi góc phố một con người đang sống, tái bản lần thứ nhất. Riêng tập tản văn Xe máy tiếu ngạo, được Jacob O. Gold, nghiên cứu sinh ngành nhân chủng học, Đại học Illinois dịch ra Tiếng Anh. Như vậy, tản văn của nhà văn Nguyễn Trương Qúy đã vượt khỏi giới hạn biên giới trong nước và đến với bạn đọc nước ngoài. Tôi cho rằng đây cũng là một thành công của anh. Tập tản văn Còn ai hát về Hà Nội, Mỗi góc phố một con người đang sống và truyện ngắn Dưới cột đèn đường rót một ấm trà tái bản lần thứ nhất.
Lại nói riêng về tập tản văn Còn ai hát về Hà nội, nội dung của cuốn tản văn này được Nguyễn Trương Qúy cùng với ca sĩ Giang Trang và nhà sản xuất Vũ Đặng Hùng (công ty Radio Việt – Mega Media) đã cùng nhau thực hiện chương trình Radio Bài ca Hà Nội, phát trên kênh FM 90MHz của đài phát thanh truyền hình Hà Nội. Chương trình gồm 150 số với tổng cộng 700 ca khúc về Hà Nội và nó được ví như là “cẩm nang bằng âm nhạc về Thủ đô”, giúp người nghe có thể tìm thấy những vẻ đẹp của đời sống văn hóa lịch sử thông qua các bài hát có diễn biến theo các mốc thời gian, từ thời Thăng Long Kẻ Chợ tới thời Đông Dương và sau giải phóng đến nay. Nói về chương trình này tác giả Huy Thông trên báo Thể thao và Văn hóa có viết “Fomat chương trình xoay quanh cơ sở là giọng đọc cảm xúc đặc biệt của Giang Trang và những ghi chép của Nguyễn Trương Qúy về Hà Nội. Mỗi một số là một chủ đề Hà Nội, xen kẽ giữa những câu chuyện là những bài hát có liên quan nội dung, hoặc cùng thời điểm lịch sử chủ đề hoặc có khi để dẫn mạch cảm xúc”. Thành quả của bộ ba này cho bài ca Hà Nội được đề cử chính thức vào hạng mục Giải việc làm – Vì tình yêu Hà Nội thuộc giải thưởng Bùi Xuân Phái lần 9 của báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN). Tài hoa của nhà văn Nguyễn Trương Qúy không dừng ở danh xưng Kiến Trúc sư hay nhà văn mà anh còn là họa sĩ vẽ màu nước cũng rất tinh tế. Hầu hết những bức tranh anh vẽ đều làm nổi bật khung cảnh Hà Nội: Khi là cảnh hồ Gươm, khi là phong cảnh nơi công viên, khi lại là không khí đường phố hay cô gái Hà Nội thướt tha trong tà áo dài trắng yểu điệu trên chiếc xe đạp mi ni nữ tính… Như đã nói ở trên, ở lĩnh vực nào anh đều có những thành công đáng kể. Trong vai trò là một họa sĩ vẽ màu nước tranh của anh có mặt ở một số phòng trưng bày tranh ở Hà Nội và cả Sài Gòn. Ngoài ra những lúc rảnh rỗi anh còn mở lớp dạy vẽ tranh màu nước cho người Hà Nội có nhu cầu học vẽ. Điều đặc biệt là, 4/7 cuốn sách đã xuất bản đều do anh thiết kế, tự vẽ bìa bằng màu nước hay kí họa.
Không chỉ là một kiến trúc sư, sáng tác văn học, họa sĩ vẽ màu nước Nguyễn Trương Qúy còn tham gia dịch sách. Một số tác phẩm anh tham gia dịch bao gồm: Hà Nội và Rumba Cửu Long – câu chuyện âm nhạc của Jason Gibbs (2008), Chuyến tàu mang tên Dục vọng của Tennesse William (2011) và một số sách khác.
Hiện nay anh đang làm biên tập viên của NXB Trẻ, phụ trách truyền thông chi nhánh Hà Nội. Ngoài ra anh còn cộng tác với nhiều báo, đài và các cơ quan văn hóa khác.
Càng đi sâu nghiên cứu những sáng tác của nhà văn Nguyễn Trương Qúy, chúng ta nhận thấy Nguyễn Trương Qúy có thể viết mãi không dừng, vì với tài quan sát của anh thì bất kỳ hiện tượng gì cũng là đề tài để viết. Từ to tát vĩ mô như chuyện quy hoạch thành phố, văn hóa công viên, bàn về kiến trúc… cho đến vi mô là những cái chợ nhỏ, chợ to, chuyện gập lụt phải nằm co nhịn đói, chuyện oi bức không lãng mạn chút nào của đời sống Thủ đô, rồi lại bàn cả vòng hai của gái ba mươi, chuyện tình online, chuyện lễ, tết, chuyện chùa chiền đức tin… Đọc văn của anh rất khó thấy “chán” vì chất hài hước nhẹ nhõm chạy trên những trang sách khiến người đọc thấy dễ chịu, không phải kiểu móc máy cay nghiệt, cười nhạt cười đểu mà là một nụ cười tủm tỉm một mình của một người lấy cái tự trào để hóa giải mọi điều chưa hợp lí, hay thậm chí vô lí vẫn tồn tại trong cuộc sống của những con người đang sống nơi đây. Giọng văn giễu nhại, gần gũi với những chao chát phố xá, đậm chất tư liệu, biên khảo và càng ngày càng đậm màu chiêm nghiệm.
Bạn đọc yêu mến và nể phục gọi nhà văn là nhà tâm lí Hà Nội học. Anh đã viết hộ tâm tình một thế hệ cư dân mới của đô thị mới đã lớn gấp ba lần về diện tích và gấp nhiều lần về dân số, ngoài ra gấp cả nhiều lần về khói bụi ô nhiễm và biết bao vấn đề đương đại khác. Cũng vì vậy, mà nhà văn khó mà chọn cách viết nhẹ nhàng mùa thu hương cốm được. Tuy vậy vẫn thấp thoáng của một tấm lòng hoài cổ.