Đời sống văn hóa Hà Nội trong phạm vi trung tâm Hà Nội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hà nội trong tản văn nguyễn trương quý (Trang 65 - 70)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.1. Đời sống văn hóa Hà Nội trong phạm vi trung tâm Hà Nội

Ở cự li 10 cây số, ứng với phạm vi trung tâm Hà Nội nhà văn viết về những “dòng chòm dòng nổi” của đời sống văn hóa. Nhà văn đi sâu khai thác những niềm vui giản dị của một thành phố không có dáng vẻ hoa lệ tý nào, và cả những nỗi buồn của đô thị nham nhở của “một nước thế giới thứ ba”.

Hành trình đi tìm kiếm những giá trị văn hóa của Thăng Long – Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được tác giả bắt đầu từ mốc số 0. Nhà văn Nguyễn Trương Qúy định hình “Có người ví nếu Hồ Gươm là trái tim của Hà Nội thì tháp rùa là mốc số 0”. Hà Nội, vị trí trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của cả nước, là nơi là những nét văn hóa dường như đã được định hình sẵn: Hà Nội thanh lịch, hào hoa và diễm lệ. Ở một góc nhìn chân thực hơn nhà văn Nguyễn Trương Qúy lại có những suy nghĩ khác “các tầng văn hóa của Hà Nội khi tích hợp với văn hóa toàn cầu vẫn là cuộc chia dòng giữa dòng chìm và dòng nổi, có khi cạnh tranh có khi chung sống”[46]. Từ điểm nhìn này nhà văn đã có những khảo sát, trải nghiệm về những nét văn hóa của người Hà Nội ngày nay.

Trước hết là văn hóa ứng xử của người Hà Nội. Theo truyền thống thì “người Hà Nội, với vốn từ phong phú lại biết vận dụng đúng hoàn cảnh giao tiếp, không gian giao tiếp nên đã tạo ra một phong cách riêng không pha trộn, vừa hào hoa, nhã nhặn, vừa lịch lãm nhún nhường”[54]. Nhìn chân thực hơn, ở một khía cạnh khác nhà văn Nguyễn Trương Qúy lại thấy những nét văn hóa có phần phôi phai.

Trước hết là những vấn đề về thời tiết, bàn về vấn đề này nhà văn Nguyễn Trương Qúy có lí giải trong cuốn Hà Nội là Hà Nội “Hà Nội là cái rốn của đồng bằng Bắc Bộ, nơi điển hình về khí hậu nhiệt đới gió mùa, có lạnh thấu xương mà cũng nóng cháy mặt đường”[28,tr.11]. Mùa lạnh được xem như “đặc sản của người Hà Nội”, còn nóng lên dường như là kêu ca mất kiên nhẫn, là ca cẩm, dễ cáu kỉnh, dễ làm hỏng và va chạm với nhau hơn. Trời càng nóng thì những người làm kinh doanh lại trở nên năng động hơn với những sản phẩm quảng cáo đánh trúng tâm lí nhu cầu giải nhiệt của người dân. Ví như “nóng trong người – uống trà thảo dược”, “điều hoà mát quá, chỗ nào cũng mát”, thậm trí còn rộn ràng phố nhạc “mùa nào thức nấy”. Đối diện với cái nóng người ta tìm đủ mọi cách để hạ nhiệt “các bà nội trợ tận dụng nước vo gạo, nước rửa rau để té ra đường, người đi qua hồ Tây nhảy ùm xuống cho mát,mua vé đi du lịch…”[25,Tr.14]. Điều đáng buồn đó là “Người ta chấp nhận làm việc cầm chừng hơn, viện cớ thời tiết nóng quá để xí xóa cho cái giảm sút năng suất công việc. Tất cả phập phồng thở chờ cơn nóng qua, như thể chờ kẻng máy bay oanh tạc”[25,Tr.14]. Chỉ bằng cách liên hệ đơn giản nhưng chúng ta có thể ngầm hiểu những ngụ ý phê phán của tác giả, dường như người Hà Nội đã bớt dũng cảm hơn, mà vị kỷ nhiều hơn.

Từ góc nhìn này nhà văn cũng đề cập đến những hành vi ứng xử của người Hà Nội ngày nay. Cái gọi là “thanh lịch” xưa nay đã biến tướng thành thương mại hóa. Tệ hơn nữa người Hà Nội đang dần đánh mất đi những truyền thống văn hóa ngàn năm trong mắt bạn bè quốc tế “Nếu một anh Tây với cái ba lô ngất nghểu trên lưng mà cuốc bộ trên vỉa hè, ắt sẽ trở thành mục tiêu chèo kéo và săn đuổi của trẻ con bán dạo, của người bán hàng mặt phố …Nhưng nếu anh này mà phóng một cái xe máy, thể nào cũng được xem như kẻ đã có “thẻ xanh”… Bỏ qua những kiểu láu vặt “chăn con gà tây” thì người Việt Nam lấy làm thú vị khi người bên ngoài nắm được luật chơi của mình”[25,Tr.19]. Hay như đọng lại trong câu chuyện về người bạn Thái Lan của tác

giả đã phải trả 400 nghìn đồng cho một chuyến tắc xi từ Hà Nội ra Nội Bài. Mặc dù trong tay anh ta đã có sách chỉ dẫn, đáng nhẽ chỉ mất 100 nghìn đồng. Vậy là chuyến du lịch Việt Nam “và câu chuyện háo hức khám phá kỳ quan thiên nhiên thế giới của bạn tôi đọng lại ở cái thứ tẹp nhẹp như thế đấy”[25,Tr.122].

Nói về thói quen tiêu dùng người Hà Nội nhà văn Nguyễn Trương Qúy lại bàn về giới nhà giàu ở Hà Nội cũng phải theo “mốt”. Nhà giàu mà mới chỉ nhà to, đất đẹp, cổ phiếu blue – chip … thì cũng chỉ “áo gấm đi đêm” hoặc “kiểu nhà giàu húp tương”. Vì vậy nhất định là phải có ô tô con, mà xe hơi đi trên đường cao tốc thì không ai ngắm nên cứ phải “chen chúc với xe máy mới ra đẳng cấp”. Đã là xe xịn phải có biển độc “tứ quý, tứ lộc (bốn con sáu), tứ phát (bốn con tám),…số gánh, số kép hay sinh tài phát lộc”, “Đại gia ở Hà Nội hay Sài Gòn chẳng kém cạnh, săn biển số đẹp với số thuê bao điện thoại di động tài lộc”[28,Tr.27]. Nói chuyện người xưa chỉ cần “thanh gươm, yên ngựa” đã tỏ được cái chí khí của người anh hùng. Ngày nay, những phương tiện giao thông mà đại gia sắm để cho sang chủ nhân, và cầu may, cầu tài, cầu lộc có lẽ cũng được xếp vào “gươm đàn nửa gánh của nam nhi những nghìn năm trước”. Nói tiếp câu chuyện của xe cộ thời nay, khi “xe xịn” đi ra “phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ” gặp cảnh “tắc đường” nhất là những đoạn đường nút cổ chai ở Hà Nội thì đúng là “xe xịn cũng như xe trâu”, trong khi xe máy phát huy tối đa tính tiện lợi của mình “vượt lề, len lỏi theo lối du kích để về nhà kịp bữa cơm tối thì có bạc tỷ cũng đành chết đứng như Từ Hải”[27,Tr.31]. Hay xe bạc tỷ mà gặp “bốn ngày ngập ở Hà Nội” thì “xe tiền tỷ đi ở Hà Nội cũng khổ như ai”.

Một câu chuyện đơn giản hơn về văn hóa sống của người dân Hà Nội cũng được nhà văn Nguyễn Trương Qúy dành cho không ít trang văn để “càn quét”. “Có lẽ là Cà phê góp thêm một thói quen uống, một cách dùng trong những lề thói từ khắp nơi đến mảnh đất tụ họp tinh hoa này”[28,Tr.34]. Mặc dù, Hà Nội không đóng vai trò gì trong lịch sử phát triển ngành cà phê Việt Nam nhưng lại có văn hóa uống cà phê “Nó giống như kiểu cách đồ ăn thức uống Hà Nội: luôn vừa phải, vừa đủ độ đậm, lại vừa dịu nhẹ, thơm nhưng không điếc mũi. Ai đã nghĩ ra cách gọi “đen đá”, “nâu nóng”? Nguyên cái tên gọi đã rất Hà Nội, vừa phản ánh yếu tố thị giác vừa nói lên cách nhìn sự vật luôn có phần folkore hóa của người nơi đây. Tếu táo mà cũng ương

ngạnh, nghiêm chỉnh mà nhũn nhặn, những nét tính cách ấy trong văn hóa uống cà phê của người Hà Nội đều có cả”[28,Tr.35].

Tuy vậy, phần hồn của văn hóa cà phê nằm ở kiểu cách uống cà phê. Trước hết, là khung cảnh uống cà phê gắn với cảnh Hà Nội và đã trở thành công thức: “nằm ở một góc phố không quá ồn ào, dưới bóng một cây già, lối vào xưa là những mành trúc hoặc kết giấy quả trám, trên trần phần phật cánh quạt đuổi gió hè… mô hình lai căng Sài Gòn: chạy dài mặt phố, hai ba tầng lầu, người ngồi hàng hàng lớp lớp, nhạc mở vui tai, nội thất nhiều màu rực rỡ và biển hiệu bắt mắt, lại chấn ở những con đường lớn nhiều làn xe, lúc nào cũng nườm nượp khách”[28,Tr.37]. Không gian xưa hay nay đều có điểm chung đó là một nơi chốn thanh cảnh, yên tĩnh. Uống cà phê là một hành vi tiêu dùng chở cả một đời sống văn hóa. Uống cà phê như thế nào là ngon lại nhờ vào tài năng của người pha chế cà phê. Có những người pha cà phê được người ta nhớ mãi và tìm đến như cà phê Lâm trở đi trở lại trong những cuốn hồi kí của Tô Hoài. Lại cũng có kiểu uống “cà phê chạy”. Đó là kiểu uống cà phê tại bờ hồ Thuyền Quang, khách đến uống cà phê “ngồi bệt xuống đất trên những tấm bìa carton lấy ra từ thùng mì tôm, như thể những đôi tình nhân ngồi ngắm hồ. Họ gọi đó là cà phê chạy, tức chạy các trật tự viên, và câu chuyện của họ, vẫn là những câu chuyện của một thành phố underground”[28,Tr.48].

Tóm lại “uống cà phê ở Hà Nội cũng là uống một lịch sử hiện đại của thành phố này. Cà phê tuy không được danh xưng “quốc túy” như phở, nhưng cùng với những thứ “của Tây” như bánh mì patê, xe đạp, hay tàu điện một thời, đã ký tên đồng tác giả cho khung cảnh một Hà Nội không có tuổi”[28,Tr.41].

Từ góc nhìn văn hóa tác giả viết tiếp câu chuyện học hành của giới trẻ. Tiêu chí mà tác giả đưa ra để mở đầu cho câu chuyện học ở Hà Nội nói riêng và ở các vùng miền nói chung. Trung thu xưa thì trẻ con tụ tập múa lân, rước đèn ông sao đơn giản, náo nhiệt và đúng nghĩa là tết Trung thu. Ngày nay, trung thu là một phần thưởng khi con được điểm 10. Nhưng trẻ lại học theo cái kiểu “chạy đua cho kịp xung quanh”. Trẻ mà học không giỏi thì bố mẹ cầu cúng, đôn đáo tìm ra gia sư, xin học thêm cho con miễn là “thỏa mãn cách đánh giá của nhà trường”. Còn mỗi buổi tối họ cùng con thì không khí thật tệ “không khí đối diện với việc học hành cứ như thể trên đầu hai mẹ

con là một lưỡi gươm Damocles thay vì đèn chống cận sáng trưng” [28,Tr.91]. Theo đó việc thời nay cũng có cái qui tắc riêng: học thì không có luật, chỉ cần đáp ứng đủ chỉ tiêu thi đua “làm sao đại bộ phận học sinh đạt tiên tiến trở lên” và cháu nào cũng đủ chuẩn “đạo đức”. Nghĩ về vấn đề này nhà văn có nhiều những trăn trở suy ngẫm. Nhà văn cho rằng thời nay đáng nhẽ phải là “rau tươi sách sạch”. Nhưng điều oái oăm là “rau tươi” quảng cáo sạch thì bán mới dễ, chứ sách mà “sạch” “là nhạt nhẽo, vô thưởng vô phạt, không bán được đâu”[28,Tr.111]. Có lẽ vì vậy, mà còn kiểu “Văn bờ hồ”. Xưa thư án là nơi yên tĩnh, trang nghiêm, thanh tịnh, người đọc sách thánh hiền cũng phải có cốt cách khí chất chứ không như bây giờ mang văn thơ ra viết ở bờ hồ và bán luôn ở đấy “gọi là văn bờ hồ”. Từ nền tảng giáo dục này mà giới trẻ ngày nay chỉ biết có game, không biết con bò ngoài đời mày ngang mũi dọc ra sao, ra đường thì phóng xe bạt mạng, không may va quệt thì ngay lập tức cãi vã, xung đột…. Phải chăng đó cũng là nguyên nhân dẫn đến “thanh lịch hay diễm huyền” chỉ còn có trong quá khứ, trong những trang văn “vang bóng một thời”, trong tranh của Bùi Xuân Phái, nhạc của Đoàn Chuẩn, Hoàng Giác, Phú Quang … mà thôi.

Không gian đô thị Hà Nội theo chân nhà văn Nguyễn Trương Qúy “đang bị ô nhiễm nặng nề”, chúng ta dễ thấy đầy cảnh báo về thảm họa môi trường “lượng bụi do sản xuất công nghiệp tăng lên, song chủ yếu do tốc độ xây dựng, lượng ô tô xe máy và rác thải sinh hoạt tăng vọt”[28,Tr.73]. Ra đường thì ngập lụt trong tiếng còi xe, tiếng ống xả xe máy, tiếng nhạc chuông điện thoại, máy đầm bê tông từ các công trình xây dựng. Với người Hà Nội bây giờ tiếng còi to thay cho tiếng nói để báo hiệu và giành đường đi đã góp phần biến đổi cách cư xử của cư dân.

Vì thế mà nhà văn Nguyễn Trương Quý không tránh khỏi nhưng tiếng thở dài “Tôi vẫn nghĩ là có một “trường phái mỹ cảm có tên Hà Nội”. Cùng thế hệ tôi, tiếp nối các thế hệ trước, vẫn có những tín đồ của trường phái ấy – là gu thẩm mỹ, gu sống, nhưng ngày xưa thường hay có các hội đoàn và được cổ vũ. Trí tuệ của trí thức Hà Nội dường như chỉ để làm dáng. Bây giờ chúng tôi là những người đơn độc, và trường phái ấy chưa đến nỗi thất bại, nhưng đang trở thành thiểu số” [54].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hà nội trong tản văn nguyễn trương quý (Trang 65 - 70)