Những yếu tố ảnh hưởng đến ngòi bút NguyễnTrương Qúy

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hà nội trong tản văn nguyễn trương quý (Trang 35 - 39)

7. Cấu trúc của luận văn

1.3.2. Những yếu tố ảnh hưởng đến ngòi bút NguyễnTrương Qúy

Thăng Long – Hà Nội, trái tim yêu thương, niềm tự hào của người dân Việt Nam. Và trong mỗi chúng ta ai cũng có Hà Nội của riêng mình. Người yêu Hà Nội vì nét đẹp rêu phong, cổ kính; người lại thích vẻ đẹp thanh lịch, nhã nhặn của những con người nơi đây; cũng có người mê mảnh đất này vì sức sống căng tràn của một thành phố trẻ… Chính vì thế đã có không ít vần thơ, lời ca, câu chuyện ca ngợi về mảnh đất kinh kì ngàn năm văn hiến. Nhạc sĩ Phú Quang đã cảm nhận về Hà Nội mơ mộng, lãng mạn, đầy thi vị: “Em ơi, Hà Nội phố/ Ta còn em mùi hoàng lan/ Ta còn em mùi hoa sữa/ Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ/ Ai đó chờ ai tóc xõa vai mềm” (Em ơi

Hà Nội phố). Còn nhà thơ Tô Như Châu và nhạc sĩ Trần Quang Lộc lại khắc khoải chờ đợi, tìm kiếm vẻ đẹp mong manh của mùa thu Hà Nội: “Tháng tám mùa thu lá khởi vàng chưa nhỉ/ Từ độ người đi thương nhớ âm thầm/ Có phải em là mùa thu Hà Nội/ Tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm …” (Có phải em mùa thu Hà Nội).

Không phải ngẫu nhiên Hà Nội lại có vị trí đặc biệt trong lòng mỗi người. Có lẽ chiều sâu văn hóa và lòng hiếu khách của người Hà Nội đã tạo nên sức hút lớn như vậy. Phải chăng Hà Nội giống như bức tranh đẹp, một bản đồ bí ẩn và ai cũng muốn được một lần khám phá và chinh phục. Khi đã được trải nghiệm khám phá, họ phải thừa nhận Hà Nội là mảnh đất có nhiều chồng lớp văn hóa, lịch sử.

Thăng Long – Hà Nội – Thủ đô có nhiều trầm tích văn hóa. Với bề dày lịch sử ngàn năm tuổi, Hà Nội từ lâu đã trở thành biểu tượng cho các giá trị văn hóa của dân tộc. Nhắc tới Hà Nội chúng ta nghĩ tới một thành phố thanh lịch, trang trọng, nhã nhặn. Nếp sống, nếp sinh hoạt của những con người nơi đây đều toát lên vẻ lịch lãm, nền nã sang trọng. Vẻ đẹp thanh tao ấy đã đi vào câu ca dân gian như một giá trị vĩnh hằng: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Cốt cách người Hà Nội dường như “hữu xạ tự nhiên hương” và cũng rất tự nhiên đi vào những trang văn. Chỉ là một cô hàng nước, nhưng từ cách ăn mặc cho đến điệu bộ cử chỉ của cô Dần trong tác phẩm Hàng nước cô Dần của Thạch Lam đã làm toát lên sự mộc mạc chân phương nhưng cũng rất đỗi thanh nhã lịch sự của người Hà Nội. Trong tác phẩm Một người Hà Nội của nhà văn Nguyễn Khải, là hình ảnh bà Hiền người Hà Nội gốc xưa luôn giữ ngọn lửa tin yêu với những nét văn hóa truyền thống của người Hà Nội dẫu cho lịch sử đất nước có biến động thăng trầm thì người Hà Nội vẫn lịch lãm, tài hoa, thẳng thắn và giàu lòng tự trọng, song cũng rất khiêm tốn và rộng lượng. Sự nền nã thanh lịch được chung đúc từ nhiều đời và trở thành biểu tượng đẹp mỗi khi nghĩ về người Hà Nội.

Hà Nội còn giữ một vị trí đặc biệt, nằm trong vùng tam giác châu thổ sông Hồng, được phù sa màu mỡ bồi đắp, đất đai tươi tốt nên nơi đây cũng trở thành trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước. Hà Nội như trái tim của cả nước, tiếp nhận những mạch huyết quản văn hóa từ mọi nơi hội tụ về rồi lại lan tỏa ngược lại ra các nơi khác. Vì thế văn hóa Hà Nội là tổng hòa các yếu tố giao lưu, hội nhập, dung hòa, tiếp biến

một cách cởi mở, linh hoạt để tạo nên bản sắc Thăng Long - Hà Nội, một vùng đất hội thủy, hội nhân và hội tụ văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng. Tất cả đã làm nên một thành phố Hà Nội tràn căng năng lượng sống. Đây cũng chính là một trong những yếu tố khơi nguồn cảm hứng cho nhà văn trẻ nghĩ và viết về Hà Nội.

May mắn sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thủ đô Hà Nội, Nguyễn Trương Qúy cũng như biết bao con người khác dành cho quê hương mình tình yêu cháy bỏng. Yêu nên mới nhớ đến từng chi tiết, từng chuyển động của phố phường của con người, … Yêu thích thì cũng mới nói ra những xô bồ, bối rối trong những biến đổi của đời sống đô thị, một cách tự trào mà sau rồi lại man mác buồn, lại phải nghĩ ngợi. Nguyễn Trương Qúy vẫn ngược dòng thời gian nghĩ về tuổi thơ êm đềm bình dị của Hà Nội xưa và đối sánh với Hà Nội nay “… hồi đó thành phố vẫn còn “quê”. Nơi tôi sống vẫn còn rất nhiều ao hồ, thậm chí nhiều khu vực mênh mông của quận Đống Đa, Ba Đình vẫn còn là ruộng vườn. Hà Nội phố xá buôn bán chỉ có một chút ở những ngã tư đầu ô hay khu vực bờ hồ với những cửa hàng, cửa hiệu hay sáng đèn ”[26,tr.7]. Trong miền kí ức xa xôi thì Hà Nội ngày ấy như một miền cổ tích quá xa xôi kì ảo. Dưới con mắt của một họa sĩ nhìn về những bức tranh Hà Nội của 40 năm trước trong khung cảnh ngăn nắp, toàn bích và giống chân dung bức ảnh các thành phố di sản khắp thế giới “Những ngôi nhà nhỏ bé với mái gói lô xô vảy cá như đợt sóng, những nhà hát, bảo tàng, trụ sở …tất cả thành một quần thể dễ thương. Một thành phố như thể sinh ra để người ta đến du lịch. Nó bình yên, thơ mộng, cái gì cũng bé xinh, tỉ mỉ khiến bất cứ ai cũng yêu ngay được”[26,tr.8]. Yêu Hà Nội bao nhiêu lại càng muốn viết về nó bấy nhiêu nhưng với Nguyễn Trương Qúy “tìm đến tình yêu Hà Nội không phải là hướng về thành phố xa xưa ấy như một sự thoát ly thực tại ”[26,tr.9]. Với anh quá khứ đã hoàn thành sứ mệnh của mình và nhiệm vụ của chúng ta “mang lại cho người đọc cái nhìn thẳng thắn và thực tế về bối cảnh sống của họ. Nhà văn Nguyễn Trương Qúy đến với văn chương như “duyên tiền định”. Nói về chặng đường này nhà văn Nguyễn Trương Qúy đã có dịp chia sẻ : Thuở nhỏ anh là dân văn, lớn lên thì mê vẽ vời. Theo học vẽ một thời gian bỗng thấy sợ làm họa sĩ, vì văn nghệ sĩ thường hay trên gió trên mây, lại cứ tưởng tượng ra cảnh họa sĩ thì thường bị màu vẽ lấm lem, nhếch nhác. Thế là lại bỏ đam mê, chạy theo tiếng gọi rất lý trí – nghề kiến trúc sư mốt nhất lúc bấy

giờ. Nhưng tốt nghiệp xong Đại học Kiến trúc anh lại dứt áo với nó mà chạy theo tiếng gọi của văn chương. Ban đầu là thích, yêu và bây giờ thì đã mê mẩn nghề viết lắm rồi[50].

Khi nghề kiến trúc vừa thời thượng, hợp mốt thì anh “dứt áo” xoay sang viết văn; trong khi tản văn bị coi là văn chương loại hai, là khúc nghỉ chân của các nhà văn thì nhà văn Nguyễn Trương Qúy lại chọn thể loại này để bước vào nghề. Anh cho rằng tản văn phù hợp với cuộc sống đa mang, ôm đồm nhiều việc của anh. Hơn nữa, anh thấy tản văn có khả năng càn lướt hiện thực ghê gớm, mà đó lại là mục đích anh muốn hướng tới.

Khi bắt tay vào viết một bài tản văn, anh luôn đặt vấn đề mình viết để ai đọc và người ta đọc trong bối cảnh nào? Theo quan điểm của nhà văn thì “Tiểu thuyết có thể là ngăn kéo, thơ có thể âm thầm giữ kín, còn tản văn phải giải quyết một nhu cầu giải tỏa, xét nghiệm hoặc giãi bày với xung quanh. Dường như không có thể loại sáng tác nào lại tương tác mạnh với độc giả như tản văn”[40]. Có thể nói, người viết tản văn giống như người dẫn dắt chương trình trên ‟các talkshow ngày nay, anh ta có thể nói trời nói biển” nhưng luôn biết rằng có một cử tọa đang theo dõi. Thiếu yếu tố này tản văn như nhiều người e ngại, dễ trở thành thứ văn ‟thổ lộ cảm xúc, du dương co cụm và khó khiến người ngoài nhận thấy tác giả đang muốn chia sẻ với mình”. Hơn nữa, theo nhà văn “viết tản văn thì cũng phải có luật chơi. Người này cũng giống như một tổng biên tập, quyết định độc giả được đọc cái gì và dẫn dắt họ theo cách của mình. Viết vì độc giả và không chiều ai cả, ngay cả bản thân người viết. Viết tản văn mà lan man không tiết chế, rất dễ có những câu thừa và đi lạc chủ đề mà người viết theo đuổi”[39]. Để có được những hiểu biết và kinh nghiệm khi viết tản văn, tìm được cho mình một lối viết khác với những nhà văn khác là những ngày anh cần mẫn ghi chép, nghiên cứu, học tập, lắng nghe những chia sẻ của người đi trước đúc rút và chắp bút. Anh đã viết đầy nhiệt huyết, tất cả sự đam mê và tất thảy tình yêu anh có về nơi anh đang sống: Hà Nội. Để viết nhiều và hay như vậy về Hà Nội nhà văn Nguyễn Trương Qúy đã trang bị cho mình rất nhiều kiến thức về Hà Nội từ nhiều góc nhìn khác nhau. Đối với anh, Hà Nội nghìn năm tuổi và đi vào trong thơ văn từ ngàn đời nay. Thế nhưng, Hà Nội trong mắt anh là một Hà Nội rất chân thực, có hình ảnh, có trạng thái vận động

mạnh mẽ, con người Hà Nội cũng từng ngày từng giờ hoạt động giao tiếp như một thực thể sống động và tràn căng sức sống. Hà Nội trong tản văn của Nguyễn Trương Qúy là một Hà Nội đang xảy ra những thứ rất có thể sẽ biến mất chỉ vài năm sau đó. Mỗi cuốn tản văn theo một mạch chủ đề khác nhau, hoặc hình thái kiến trúc và cảnh quan nơi người ta đang sống, hoặc những mối quan hệ văn phòng công sở của dân Hà Nội, hoặc các cách ứng xử, hành vi, thói quen tiêu dùng của họ, rồi cách đi lại của người Hà Nội, hay là khám phá Hà Nội theo từng cột mốc cây số. Hà Nội diễm lệ và kỳ ảo qua những ca khúc viết về Hà Nội… Có thể nói, tản văn của anh chủ yếu là những quan sát trực diện của chính nhà văn trong suốt cuộc đời từ nhỏ cho tới lúc cầm bút viết. Những tư liệu về Hà Nội thấm vào tư tưởng của anh qua nhiều kênh thông tin: đọc, học, xem, nghe, thấy… Ký ức và hiện tại cứ xoắn vào với nhau, hiện lên qua cách nhìn, quan sát, đánh giá của chính anh. Tuy vậy, kí ức chỉ được nhà văn nói đến khi thật cần để nói chuyện hiện tại. Đối với nhà văn Nguyễn Trương Qúy thì đề tài về Hà Nội vẫn còn nhiều khía cạnh để khai thác, phản ánh, là đề tài mà anh còn phải “bận tâm”.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hà nội trong tản văn nguyễn trương quý (Trang 35 - 39)