7. Đóng góp của luận văn
1.2.1. Vài nét về tiểu sử của nhà thơ Nguyễn Duy
Nguyễn Duy tên khai sinh là Nguyễn Duy Nhuệ, sinh ngày 7 tháng 12 năm 1948 tại xã Đông Vệ, thị xã Thanh Hóa. Nơi đây từng được coi là vùng đất thiêng vừa mang tính huyền thoại, vừa mang tính lịch sử lại giàu truyền thống văn hóa. Vùng đất này góp phần hình thành quốc gia, hình thành văn hóa. Đây là nơi đã sinh ra nhiều anh hùng lừng danh và nhiều vị vua sáng nghiệp: bà Triệu Thị Trinh với cuộc khởi nghĩa lừng danh thời Bắc thuộc; các bậc đế vương như: Vương triều Hồ, Vương triều Lê, Vương triều Nguyễn. Đây cũng là một vùng quê có nhiều lễ hội dân gian là hình thức sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, những lễ hội tâm linh, lễ hội lịch sử. Xứ Thanh cũng đồng thời là vùng đất có tiếng về âm nhạc dân gian. Miền quê này từng đi vào lòng người nhờ những làn điệu dân ca Đông Anh, hò sông Mã, của hát bội (hát Tuồng), hát chèo, hát ghẹo, hát khúc, hát đối đáp nam nữ... và đặc biệt là một trong những cái nôi của ca trù... May mắn được sinh ra và hầu như sống nhiều trên mảnh đất thiêng, vùng đất có một nền văn hóa dân gian phong phú, đặc sắc, nên con người Nguyễn Duy đã thấm một cách tự nhiên nền văn hóa ấy, từ lối sống đến tư tưởng, tình cảm, cách nhìn, cách nghĩ. Đọc các tác phẩm của Nguyễn Duy, người đọc thấy niềm tự hào của ông về mảnh đất quê hương đã sinh ra nhiều tài năng cho dân tộc. Người ta thấy cái không khí thiêng liêng của đền chùa, miếu mạo phảng phất trong khá nhiều bài thơ của Nguyễn Duy. Đặc biệt là hình ảnh vùng quê nghèo lặp đi lặp lại khá nhiều nó trở thành một ám ảnh miên man không bao giờ dứt trong đời thơ của nhà thơ.
Xét về hoàn cảnh gia đình, từ nhỏ Nguyễn Duy đã mồ côi mẹ. Ông ở với bà ngoại, vì thế, trong tâm hồn Nguyễn Duy, bà ngoại là hình ảnh gần gũi, thân thuộc nhất. Bà ngoại Nguyễn Duy không biết chữ nhưng thuộc rất nhiều ca dao, hò vè, truyện tiếu lâm… Những ngày tháng thơ ấu sống cùng
bà, Nguyễn Duy được tắm mình trong những câu ca dao, những câu chuyện cổ tích. Nguồn văn hóa dân gian ấy như dòng sữa ngọt ngào của mẹ đã nuôi ông lớn lên rồi ngấm vào tâm hồn ông, ngấm vào thơ ông một cách tự nhiên. Nó trở thành cái có sẵn trong bản thể. Đây có thể là điều khiến sau này nhà thơ viết thành công thể loại lục bát và vận dụng ca dao một cách điêu luyện, tài tình. Hòa nhập với thơ ca đương đại, song cái cội rễ, cái linh hồn của thơ Nguyễn Duy vẫn là chất truyền thống, vẫn mang mạch thuần Việt.
Nguyễn Duy lớn lên trong một thời đại đầy biến động của lịch sử, văn hóa, xã hội Việt Nam. Cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt cuốn ông vào làn song sục sôi tranh đấu như một lẽ tất yếu của tinh thần trách nhiệm với quê hương. Năm 1965, từng làm tiểu đội trưởng tiểu đội dân quân trực chiến tại khu vực cầu Hàm Rồng, một trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ trong những năm chiến tranh Việt Nam. Năm 1966 ông nhập ngũ, trở thành lính đường dây của bộ đội thông tin, tham gia chiến đấu nhiều năm trên các chiến trường đường 9 - Khe Sanh, Đường 9 - Nam Lào, Nam Lào, chiến trường miền Nam, biên giới phía Bắc (năm 1979). Nguyễn Duy làm thơ rất sớm, khi đang còn là học sinh trường cấp 3 Lam Sơn, Thanh Hóa . Vào chiến trường, ông vẫn tiếp tục sáng tác những tác phẩm mang âm hưởng sôi nổi, hâò hứng của tuổi trẻ. Năm 1973, Nguyễn Duy đoạt giải nhất cuộc thi thơ tuần báo Văn nghệ với chùm thơ: Hơi ấm ổ rơm, Bầu trời vuông, Tre Việt nam (trong tập Cát trắng). Từ đây, tên tuổi Nguyễn Duy được biết đến như một hiện tượng thơ với một phong cách riêng, vừa trẻ trung mới mẻ vừa đậm đà phong vị dân gian.
Từ sau năm 1975, trong giai đoạn khó khăn của đất nước thời kì hậu chiến, ông từng đã làm đủ nghề để nuôi sống vợ con. Chính cuộc sống nhiều bươn chải, khó khăn này lại làm ông có cái nhìn chân thực và đầy đủ nhất về cuộc sống, hiểu sâu sắc hơn nỗi khổ của gánh nặng cơm áo gạo tiền. Có lẽ vậy mà Nguyễn Duy đã viết nhiều trang thơ về cuộc sống vất vả, cực nhọc của
người lao động đặc biệt là hình ảnh người vợ tảo tần, dãi nắng dầm sương trong thơ ông. Cái nhọc nhằn vất vả đè nặng lên những thân phận người ở xứ sở nghìn năm không khi nào thôi bão tố làm Nguyễn Duy đau đáu khôn nguôi. Các sáng tác thời kì này: Ánh trăng (1978); Đãi cát tìm vàng (1987); Mẹ và em (1987); Đường xa (1989); Quà tặng (1990); Về (1994); Bụi (1997);Thơ Nguyễn Duy (2010, tuyển tập); Thể loại khác: Em Sóng (kịch thơ - (1983); Khoảng cách (tiểu thuyết - 1986); Nhìn ra bể rộng trời cao (bút ký - 1986)
Năm 1997 ông tuyên bố "gác bút" để chiêm nghiệm lại bản thân rồi tập trung vào làm lịch thơ, in thơ lên các chất liệu tranh, tre, nứa, lá, thậm chí bao tải. Năm 1998, Nguyễn Duy cho triển lãm thơ. Ông dùng bút lông viết thơ mình lên những bức ảnh chụp vật dụng nhà quê như nơm, giỏ, quang, gánh, thúng mủng…Với cách làm mới lạ đó, Nguyễn Duy đã nổi đình nổi đám trong làng thơ Việt. Năm Từ năm 2001, ông in nhiều thơ trên giấy dó. Năm 2005 cho ra mắt tập thơ thiền in trên giấy dó (gồm 30 bài thơ thiền thời Lý, Trần do ông chọn lọc) khổ 81cm x 111 cm có nguyên bản tiếng Hán, phiên âm, dịch nghĩa và dịch thơ tiếng Việt, dịch nghĩa và dịch thơ tiếng Anh với ảnh nền và ảnh minh họa của ông.
Nguyễn Duy được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007