7. Đóng góp của luận văn
1.2.2. Con đường sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Duy
Khi nói đến những chặng đường sáng tạo của một tác giả, nhà thơ P.Antokolxky đã nói rằng: “Cũng như trong bất kỳ một lĩnh vực nào cái quan trọng nhất trong nghệ thuật là quá trình, là sự hình thành, là cuộc đấu tranh, là sự tìm tòi, là một dòng nước không bao giờ cạn tự khơi lấy một dòng sông”. Để tìm hiểu về hành trình sáng tạo và những cảm hứng chính trong thơ Nguyễn Duy phải nhìn nhận sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Duy trong gần
bốn mươi năm qua như một hành trình mà mỗi tác phẩm chỉ là một sự kiện, một mắt xích, một cột mốc trong hành trình đó.
Nguyễn Duy sinh ra ở một miền quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Cái nôi quê hương ấy đã giúp Nguyễn Duy sớm được tắm mình trong dòng suối mát của dân ca, để rồi sau này, một cách tự nhiên, nó thẩm thấu vào trong thơ ông như một nguồn mạch vô tận . Những năm vào quân ngũ, Nguyễn Duy đi qua nhiều vùng đất của tổ quốc. Rồi tiếp tục cuộc hành trình vượt ra ngoài biên giới, Nguyễn Duy đã đi tới các nước Xã hội chủ nghĩa, qua các nước Tây Âu và Mĩ. Hành trình rộng dài và phong phú ấy giúp cho ông tích lũy được nhiều trải nghiệm và cảm xúc. Đến đâu ông cũng đặt bút viết, cũng xúc cảm và suy ngẫm. Ông khám phá cuộc sống để nếm trải, lắng nghe, quan sát và suy tư. Do sự tác động của hoàn cảnh lịch sử và sự vận động trong ý thức của nhà thơ, hành trình sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Duy có thể chia làm hai giai đoạn: trước năm 1975 và sau năm 1975.
1.2.2.1. Giai đoạn trước 1975
Nguyễn Duy làm thơ rất sớm. Tác phẩm đầu tay Trên sân trường sáng tác khi nhà thơ mới học lớp 2. Song phải chờ đến sự ra đời của hàng loạt các tác phẩm như Trận địa tím (1969), Khẩu súng trên tay ta (1970), Khúc hát dân ca (1970), Tiếng hát mùa gặt (1971)… Đặc biệt là tác phẩm: Tre Việt Nam, Bầu trời vuông, Hơi ấm ổ rơm (chùm tác phẩm đoạt giải nhất trong cuộc thi thơ tuần báo Văn nghệ 1972 - 1973) Nguyễn Duy mới bộc lộ rõ một thế giới nội tâm có bản sắc để từ đó định hình một phong cách thơ. Cát trắng
là tập thơ đầu tay của Nguyễn Duy. Ở tập thơ đầu tay này, Nguyễn Duy đã khẳng định được diện mạo riêng. Với Cát trắng Nguyễn Duy được chú ý đến như một gương mặt thơ có tiềm năng. Hoài Thanh đã nhận xét: “Thơ anh thường hay cảm xúc và suy nghĩ trước những chuyện lớn nhỏ quanh mình. Cái điều ở người khác có thể chỉ là thoáng qua thì ở anh nó lắng sâu và
dường như dừng lại…Dẫu sao cũng chỉ là bước khởi đầu, thơ anh có thể còn nhiều hứa hẹn” [45]. Trong tập Cát trắng , chiếm số lượng lớn là những bài thơ viết về người lính, về những điều đã cảm nhận trên các nẻo đường chiến tranh: Hầm chữ A, Chiều khẩu đội, Bầu trời vuông, Cát trắng, …Còn lại là những bài thơ viết về tình yêu và lẽ sống ở đời: Nhớ, Xó bếp, Hơi ấm ổ rơm,… Những năm chiến đấu trong chiến trường cũng là thời gian Nguyễn Duy lăn lộn trong cuộc sống, mở rộng tầm mắt, căng phồng ngực để đón nhận vào tâm hồn mình những sắc, mầu, hương thơm, mật ngọt và cả những đắng cay của cuộc sống. Thơ viết ra vừa là để trang trải “món nợ” với đời, vừa là những bước chân trên chặng đường dài tự tìm và tự khẳng định mình. Tập thơ chưa thật đặc sắc, nhưng ta cũng đã có thể tìm được nhiều tứ thơ hay:
Tôi say sắc chiều ươm chín đỏ cánh đồng Chiều bồn chồn chảy tím dòng sông Chiều dát bình minh theo đường viền núi Ráng chiều nung nấu màu chờ đợi
Ơi chiều khẩu đội tôi say
(Chiều khẩu đội)
Cong cong võng bạt anh nằm
Khuyên lên nền lá vành trăng lưỡi liềm
(Võng trăng)
Thơ Nguyễn Duy thời kỳ này đã đậm giọng điệu triết lý, ngôn ngữ giàu hình tượng với từ ngữ gợi cảm, liên tưởng. Cách sử dụng ngôn ngữ kiểu như thế ta bắt gặp ở rất nhiều các bài thơ khác như: Tre Việt Nam, Khúc dân ca, Võng trăng, Hơi ấm ổ rơm, Tiếng chim bạn bè…
Cát trắng là sản phẩm từ cảm hứng yêu nước, tự hào cách mạng, nhưng ngôn ngữ thơ rất giản dị, trong sáng. câu thơ như lời nói tự nhiên mộc mạc, ân
tình. Giọng điệu này, thường bắt gặp trong thơ chống Mỹ lúc bấy giờ. Ngôn ngữ thơ Nguyễn Duy rất gần với ca dao, tạo thành giọng điệu thơ đằm thắm, thể hiện một tâm trạng tràn đầy yêu thương
Tóm lại, trước năm 1975, thơ trữ tình Nguyễn Duy mang nặng ý thức trách nhiệm của thế hệ trước vận mệnh của tổ quốc. Những vần thơ được sinh ra từ lửa đạn, mang theo hơi thở của chiến trường, mang theo nhịp đập của một tâm hồn trẻ trung sôi nổi. Cái tôi ấy cũng trăn trở, suy ngẫm nhưng vẫn mang nhiều mầu sắc sử thi. Để chuyển tải nội dung thơ mang cảm hứng sử thi, tác giả đã sử dụng bút pháp lãng mạng cách mạng. Trong đó điểm nhấn là lớp ngôn ngữ giản dị nhưng vẫn bay bổng, giàu tính nhạc, tính biểu cảm.
1.2.2.2.Giai đoạn sau 1975
Xu hướng chung của quá trình vận động thơ ca Việt Nam từ sau 1975 là đi từ cảm hứng sử thi đến cảm hứng thế sự, đời tư. Giai đoạn thơ trữ tình sau 1975 đã bớt đi ít nhiều chất mượt mà, ngôn ngữ hoa mĩ trau chuốt, thêm vào đó là sự xuất hiện của chất đời thường trước tác động của hiện thực cuộc sống. Nguyễn Duy cũng không là ngoại lệ.
Lời “tiên đoán” của Hoài Thanh đã không nhầm: với tập Ánh Trăng, sự nghiệp thi ca của Nguyễn Duy thêm một lần toả sáng. Đó là giải A cùng với
Hoa trên đá của Chế Lan Viên trong giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam. Tập thơ Ánh trăng chỉ có khoảng 30 bài nhưng diện đề tài khá rộng. Ánh trăng đã bao quát được hầu khắp các vùng của đất nước. Cùng chung một cái gốc nhân bản và một tâm hồn nhân hậu, thế mà ở thơ Nguyễn Duy, mỗi khu vực địa lý vẫn có những nét khác nhau. Đồng bằng Bắc bộ hiện ra sau một khúc dân ca, hoặc một luỹ tre. Hàm súc và gợi cảm biết bao, là những câu thơ về ruộng đồng miền bắc:
Vỏ ốc trắng những luống cày phơi ải Bờ ruộng bùn lấm tấm dấu chân cua
Giọt sương muối co ro đầu nhánh mạ
Nhức nhối bàn chân phì phọp thở trong bùn
(Lời ấm áp từ gió lạnh)
Và thân thuộc gắn bó đến nao lòng:
“chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng
mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng...”
(Đò Lèn)
Có thể thấy Nguyễn Duy viết rất hay về đồng bằng Bắc Bộ đặc biệt là quê hương Thanh Hóa, điều đó không có gì lạ vì đây là nơi “chôn nhau cắt rốn” của nhà thơ. Thế nhưng không chỉ giới hạn “sau lũy tre làng”, thơ Nguyễn Duy còn có cái nhìn rộng mở về đất nước, về nhân sinh. Bài thơ Nhìn từ xa...Tổ quốc của ông thực đã tháo tung mọi ràng buộc, để sự thật đắng cay trần trụi phơi bày trước mắt mọi người:
“Xứ sở phì nhiêu sao thật lắm ăn mày... Xứ sở nhân tình
sao thật lắm thương binh đi kiếm ăn đủ kiểu nạng gỗ khua rỗ mặt đường làng...
Xứ sở từ bi sao thật lắm thứ ma ma quái- ma cô- ma tà- ma mãnh... Xứ sở linh thiêng
sao thật lắm đình chùa làm kho hợp tác đánh quả tù mù trấn lột cả thần linh ..
sao thật lắm trẻ con thất học
Lắm ngôi trường xơ xác đến tang thương Tuổi thơ oằn vai mồ hôi nước mắt
tuổi thơ còng lưng xuống chiếc bơm xe đạp tuổi thơ bay như lá ngã tư đường...”
(Nhìn từ xa...Tổ quốc)
Hàng loạt những câu hỏi tự vấn của nhà thơ là tất cả cái trăn trở, suy tư về cuộc sống hiện tại. Trong mỗi dòng thơ đều hằn lên nỗi khắc khoải, khi tác giả nhìn nhận thẳng vào sự thật đất nước. Ông đã viết được những điều cần nói bằng cả máu và nước mắt của mình trên giấy. Nguyễn Duy đã viết nhiều những “câu thơ tuẫn tiết” như vậy ngay trong thời buổi “tờ giấy mỏng manh che chở làm sao được/ mỗi câu thơ chống đỡ mấy mạng người” (Bán vàng). Đúng là ông đã lấy sinh mạng chính trị của bản thân và gia đình để bảo đảm cho thơ. Có lẽ vì thế mà Đỗ Ngọc Yên đã đánh giá rất cao Nguyễn Duy khi viết: “Nguyễn Duy là người đốt mình sống cho thơ. Thơ anh mới từ sự tìm tòi cần mẫn trong cát bụi cuộc đời và được chưng cất lên thành những viên ngọc tinh tú.” [57]
Như vậy, hành trình sáng tạo của Nguyễn Duy là một hành trình kiên trì bền bỉ trước sau như một, luôn vượt lên mọi hoàn cảnh để sáng tác. Một trong những yếu tố quan trọng giúp ông có được sự bền lòng ấy chính vì ông luôn xác định vị thế của mình “Cứ chìm nổi với đám đông”( Bao cấp thơ ), nghĩa là khi cất lên tiếng nói của người dân, ông luôn tin tưởng vào sự tồn tại của đời mình, của thơ mình: “Ta là dân –vậy thì ta tồn tại”. Đặc biệt, Nguyễn Duy đã cho ra đời nhiều tập thơ như: Mẹ và em (1987), Đãi cát tìm vàng (1987), Đường xa (1989), Quà tặng (1990), Sáu và tám (1994), Về
Tập thơ tuyển Mẹ và em (1987) là tập thơ đặc sắc nhất. Hầu hết những bài thơ hay trong đời thơ Nguyễn Duy đều nằm trọn trong tập thơ ấy: Tre Việt Nam, Hơi ấm ổ rơm, Ánh trăng, Đò Lèn, Cầu Bố, Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, Sông Thao, Đà Lạt một lần trăng…Các tập thơ còn lại tuy không phải bài nào cũng đặc sắc nhưng chúng đã góp phần quan trọng làm nên sự nghiệp, phong cách thơ ông. Chủ đề chính trong thơ lúc này số phận của con người, là công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước. Cảm hứng chính của tập thơ này là cảm hứng thế sự, đời tư
Qua khái quát trên ta thấy, nếu trước năm 1975, Nguyễn Duy sáng tác chủ yếu bằng cảm hứng sử thi thì sau năm 1975, ông lại sáng tác chủ yếu bằng cảm hứng thế sự, đời tư.Và để chuyển tải nội dung thơ mang cảm hứng thế sự, đời tư ông đã lựa chọn một hình thức thơ tương ứng. Về thể thơ, Nguyễn Duy đã chọn hình thức nghệ thuật truyền thống là thơ lục bát và thơ tự do làm phương tiện nhận thức, biểu hiện và sáng tạo. Vì vậy, thơ ông có sự thống nhất cao độ về nội dung và hình thức. Ngôn ngữ thơ Nguyễn duy là sự kết hợp giữa ngôn ngữ đời thường và ngôn ngữ bác học. Trong đó, ngôn ngữ đời thường là chủ đạo, tạo nên giọng điệu thơ mang âm hưởng đằm thắm trữ tình pha lẫn sự suy tư, hài hước, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại.
Hành trình nghệ thuật của Nguyễn Duy còn là một hành trình kiên trì bền bỉ, đó là kết quả của sự nỗ lực vượt lên hoàn cảnh để khẳng định mình