7. Đóng góp của luận văn
3.4.1. Giọng điệu thiết tha sâu lắng
Có thể nói, trong mọi yếu tố của thơ Nguyễn Duy đều thấm đẫm chất ca dao dân ca. Bên cạnh ngôn ngữ mang tính chất bác học, ngôn ngữ dân gian cũng được nhà thơ Nguyễn Duy phát huy triệt để trong thể loại thơ lục bát. Có lẽ vì vậy mà thơ ông luôn giản dị gần gũi với lối sống thường ngày của con người đặc biệt là người dân lao động. So với các nhà thơ cùng thời, thơ Nguyễn Duy không có gì mới lắm về đề tài nhưng ông biết thể hiện bằng giọng điệu rất “Nguyễn Duy”. Ông viết về tất cả những gì quen thuộc, thậm chí ta bắt gặp rất nhiều trong ca dao như : Tre Việt Nam, Đàn bầu, những người thân (Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, Vợ ốm); những người lao động (Hơi ấm ổ rơm, Bát nước ngô của bà mẹ Việt ở Cam Lộ…); hình ảnh làng quê nông thôn (Về làng, Về đồng, Xuồng đầy…) thậm chí khi viết về cuộc sống và chiến đấu của người lính trong rừng Trường Sơn bom đạn ác liệt (Bầu trời vuông, Lời ru đồng đội…) thì ta vẫn thấy giọng thơ nhịp nhàng, tha thiết. Bằng giọng điệu chân thành, giản dị mà không dễ dãi, hời hợt, có lúc cảm xúc tự nhiên được thốt lên như những tiếng gọi đầy trìu mến :
- “Rơm rạ ơi ta trở về đây”
- “Mà sao nên lũy nên thành tre ơi”
- “Tay nhè nhẹ chút người ơi”
Viết về xứ Huế, nơi có những người con gái thầm thương trộm nhớ, tình cảm gắn bó của nhà thơ dường như được xen lẫn với một nỗi buồn man mác :
hỏi thăm áo tím qua cầu gió bay Ớt Đông Ba có còn cay
gạo de An Cựu độ này còn thơm hỏi thăm hoa phượng bên đường
sông Hương bữa ấy mưa nguồn còn trong quán cơm Âm phủ còn không
cô gì hôm ấy lấy chồng hay chưa? (Hỏi thăm).
Với lối mượn cớ hỏi thăm của ca dao, nhà thơ không chỉ làm nổi bật nên những nét đặc trưng của xứ Huế mà chốt lại cuối bài thơ là nỗi nhớ về con người. Hai đại từ phiếm chỉ rất ca dao: “áo tím”, “cô gì hôm ấy” cùng với lối nói bóng gió xa xôi, kết cấu lặp…khiến cho bài thơ mang đậm chất dân gian. Có khi bài thơ được mở đầu bằng một lối kể giống như mở đầu trong các câu chuyện cổ tích:
Tre xanh
xanh tự bao giờ?
Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh
Với lối kể như vậy khiến âm hưởng câu thơ nhẹ nhàng lan tỏa, nhẹ nhàng chiếm lĩnh tâm hồn độc giả. Thành công của Nguyễn Duy là ông sử dụng ngay thể thơ truyền thống- thể lục bát- vốn thích hợp với việc diễn tả những cảm xúc sâu lắng, ngọt ngào để viết về những giá trị truyền thống của dân tộc:
Nghìn năm trên dải đất này cũ sao được cánh cò bay la đà cũ sao được sắc mây sa
cũ sao được khúc dân ca quê mình (Khúc dân ca)
Giọng điệu trữ tình sâu lắng, tha thiết của nhà thơ còn được thể hiện rất rõ trong những bài thơ viết về những người thân đặc biệt là người mẹ và người vợ. Đó là nỗi xót xa của con trước sự lam lũ vất vả của mẹ:
Mẹ ta không có yếm đào
nón mê thay nón quai thao đội đầu ...
Rối ren tay bí tay bầu
Váy nhuộm buồn áo nhuộm nâu bốn mùa (Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa)
Dường như sự thiếu thốn đói nghèo đã hằn sâu vào cuộc đời mẹ. Mẹ chắt chiu, vất vả để đem lại cho con tất cả những gì là tốt đẹp nhất. Đằng sau những cảm xúc nghẹn ngào của người con khi nghĩ về mẹ là một niềm biết ơn vô hạn, là tấm lòng thành kính vô bờ. Khi viết về vợ, nhà thơ bộc lộ một niềm yêu thương đằm lịm, sự trân trọng tình nghĩa ngọt nồng bằng một giọng điệu đầy tha thiết:
Mỗi năm tết có một lần
mời em li rượu tay nâng ngang mày vợ cười chưa uống đã say
ngọt ngào thì nổi đắng cay thì chìm (Mời vợ uống rượu)
Tình cảm nhà thơ dành cho vợ chính là một sự bù đắp cho tất cả những hi sinh, lo toan của chị. Dẫu có lúc vị tình yêu trở nên đắng chát bởi những nhọc nhằn trước cuộc mưu sinh đầy giông bão. Có thể nói tình cảm thiêng liêng của
Nguyễn Duy dành cho những người thân đã được thể hiện rất sâu sắc trong dòng cảm xúc ngọt ngào, đằm thắm. Tình cảm tự nhiên mà thiêng liêng ấy được bộc lộ bằng nguồn mạch tự nhiên của truyền thống dân tộc. Nhờ những tình cảm ấy mà tâm hồn mỗi con người trở nên trong sáng hơn.
Với chiều sâu của sự suy nghĩ chiêm nghiệm, hình tượng thiên nhiên trong thơ Nguyễn Duy cũng mang những triết lí sống :
Quả không sa xuống từ mây Qủa đi từ dưới gốc cây lên cành (Và lời của quả)
Từ quy luật thiên nhiên, Nguyễn Duy đã khẳng định giá trị cội nguồn. Đó là điều mà bất cứ ai cũng đều phải khắc ghi. Mặc dù mang ý nghĩa khái quát cao nhưng trong thơ Nguyễn Duy luôn nhuần nhị, gợi cảm. Vì vậy mà thơ ông dễ dàng thấm vào tâm hồn người đọc và luôn nhận được sự đồng cảm của nhiều trái tim. Như vậy giọng điệu thiết tha sâu lắng và giàu chất chiêm nghiệm đã giúp cho thơ lục bát Nguyễn Duy tự nhiên nhưng sâu sắc. Nhờ giọng điệu này mà thơ ông mềm mại, uyển chuyển và thuyết phục độc giả với những rung động mãnh liệt.