Trong quy trình chuyển gen vào thực vật, việc xác định được loại vật liệu có khả năng tiếp nhận gen mới và tái sinh thành cây hoàn chỉnh là hết sức quan trọng. Hệ số tái sinh càng cao thì hiệu quả chuyển gen càng lớn, đồng nghĩa với hệ số cây chuyển gen thu được càng cao. Khả năng này phụ thuộc vào mỗi loài, giống, vào các mẫu nuôi cấy và đặc biệt là vào các nồng độ và tổ hợp khác nhau của các chất điều hoà sinh trưởng. Vì vậy, hệ thống tái sinh cây in vitro là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công biến nạp gen. Xây dựng một hệ thống nuôi cấy và tái sinh cây hoàn chỉnh là tiền đề quan trọng cho các nghiên cứu chuyển gen vào cây trồng nói chung và cây bạch đàn Urô nói riêng. Cho đến nay, nuôi cấy in vitro đối với các loài cây thân gỗ luôn gây khó khăn cho các nhà nghiên cứu, đặc biệt đối với loại cây thân gỗ lâu năm, có chứa nhiều hợp chất như phenol, turpentine, colophany, v.v. (Đỗ Tiến Phát, 2009)và bạch đàn Urô thuộc đối tượng này [14]. Do vậy, việc xác định được môi trường thắch hợp để tạo mô sẹo, tái sinh chồi/phôi soma và tạo cây hoàn chỉnh trong nuôi cấy in vitro mang một ý nghĩa quan trọng.
Một số loài bạch đàn như E. urophylla , E. nitens và E. grandis, E. grandis x E.urophylla đã được nghiên cứu tái sinh qua nuôi cấy phát sinh cơ quan thành công Bạch đàn E. urophylla là một trong những loài được trồng rộng rãi nhất trên thế giới và ở Việt Nam, nhưng cho đến nay các nghiên cứu tái sinh cho thấy hệ số chồi tái sinh từ mô nuôi cấy có hiệu suất thấp. Hiện nay, hướng nghiên cứu cải thiện hệ thống tái sinh trong ống nghiệm kết hợp chuyển gen đang rất được chú trọng.
Trong báo cáo này, chúng tôi trình bày kết quả nghiên cứu tái sinh cây bạch đàn Urô thông qua mô sẹo phục vụ cho công tác cải thiện giống bằng kĩ thuật chuyển gen.