8. Bố cục của luận văn
1.2.4. Phân loại các biểu tượng trong Then Tày
1.2.4.1. Tiêu chí phân loại
Bất kỳ sự phân loại mang tính khoa học nào cũng cần xác định rõ tiêu chí, bởi đó chính là cơ sở khoa học giúp cho phân loại chuẩn xác và khách quan.
Như đã trình bày, có nhiều cách phân loại biểu tượng. Tuy nhiên, lựa chọn cách phân loại nào phụ thuộc vào đối tượng và mục đích nghiên cứu.
Qua khảo sát, thống kê, chúng tôi nhận thấy, biểu tượng trong Then Tày là biểu tượng nghệ thuật, chủ yếu dùng để diễn tả một cách sâu sắc, hàm súc nội dung tiềm ẩn trong những sự vật hiện tượng được lấy làm phương tiện biểu đạt. Chúng gắn bó với môi trường tự nhiên và đời sống văn hóa Tày. Bởi vậy, phân loại biểu tượng theo
tiêu chí nguồn gốc là cách thích hợp hơn cả trong số các phương án phân loại kể trên. 1.2.4.2. Kết quả phân loại
Trên cơ sở tiêu chí và cách thức phân loại đã xác định, biểu tượng trong Then Tày có thể chia thành hai loại:
- Biểu tượng có nguồn gốc từ môi trường văn hóa Tày.
Biểu tượng có nguồn gốc từ môi trường sinh thái Tày là biểu tượng được tạo nên bởi những sự vật hiện tượng có trong môi trường tự nhiên. Đó gồm những biểu tượng sử dụng sinh vật, thực vật, đồ vật có sẵn trong thiên nhiên để tạo nên phương diện cái biểu đạt (mặt vật chất của ký hiệu học hàm nghĩa) như: cây, hoa, chim, ve,… Biểu tượng có nguồn gốc từ môi trường văn hóa Tày là biểu tượng được tạo nên bởi những sự vật hiện tượng trong môi trường xã hội. Đó gồm những biểu tượng sử dụng sinh vật, thực vật, đồ vật có sẵn trong xã hội, và tương tự như trên, để tạo nên phương diện cái biểu đạt (mặt vật chất của ký hiệu học hàm nghĩa)
như: đàn tính và chùm nhạc xóc, cây cầu, mụ Dả Dỉn và lão Pú Cấy,...
Mỗi loại lại tiếp tục được chia theo từng nhóm căn cứ vào nguồn gốc và tính chất của biểu tượng. Trong mỗi nhóm, ngoài phần giới thiệu chung, luận văn dành đi sâu xem xét biểu tượng tiêu biểu trong nhóm. Hy vọng cách phân loại và triển khai này giúp cho việc tìm hiểu biểu tượng trong Then Tày không sa vào chi tiết mà quên mất tổng thể, cũng như nghiên cứu khái quát mà bỏ qua các khảo sát nhỏ lẻ.
Tiểu kết
Những vấn đề về biểu tượng như khái niệm, cấu trúc ngữ nghĩa, vai trò của biểu tượng trong thơ ca, vận dụng biểu tượng trong nghiên cứu văn học nghệ thuật, những vấn đề về Then…là cơ sở để triển khai tìm hiểu biểu tượng trong Then Tày. Có thể thống nhất định nghĩa: Biểu tượng là những hình ảnh tượng trưng được phô bày khiến người ta có thể cảm nhận một giá trị trừu xuất nào đó đang tiềm ẩn trong lòng của nó. Để triển khai nghiên cứu biểu tượng trong Then Tày, cũng cần xem xét
cấu trúc của phương thức nghệ thuật này. Dựa trên lý thuyết chuyên ngành và liên ngành, cấu trúc của biểu tượng được xác định gồm hai phần: cái biểu hiện và cái được biểu hiện. Cái biểu hiện là phương tiện, là “cơ sở vật chất” ban đầu tạo nên biểu tượng. Cái được biểu hiện là nội dung, ý nghĩa chứa đựng trong phương tiện vật chất ban đầu đó. Tuy nhiên, trong cấu trúc nội tại của biểu tượng, mối quan hệ được xác định giữa cái biểu hiện và cái được biểu hiện là khá phức tạp. Song đó vẫn là cơ sở. là gợi ý để giải mã biểu tượng trong Then Tày. Bên cạnh đó, luận văn cũng khẳng định: biểu tượng là “tín hiệu” có mặt trong nhiều lĩnh vực đời sống tinh thần của con người.
Trong văn học nói chung, nhất là trong thơ ca, trong Then Tày nó có vai trò đặc biệt quan trọng.
Là một loại hình văn hóa tín ngưỡng đậm dấu ấn tộc người, Then Tày được hiểu là một hình thức văn hóa tín ngưỡng có từ xa xưa trong đời sống của người Tày.
Nội dung Then phản ánh những vấn đề liên quan đến đời sống xã hội của người Tày trong quá khứ. Nghệ thuật Then là sự tổng hợp của nghi lễ với lời hát, điệu múa, âm nhạc, hội họa và lời ca nhằm đưa con người tới được những bí ẩn của thế giới tâm linh với niềm tin linh thiêng. Có lịch sử ra đời và phát triển lâu dài, Then Tày được
xác định là loại dân ca nghi lễ phong phú về nội dung, đa dạng về loại và độc đáo về hình thức thể hiện. Nội dung Then Tày chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc, là quan niệm của dân gian Tày về thế giới tự nhiên và xã hội, là bài học mang tính giáo dục cao, là sự phản ánh sinh động về xã hội người Tày trong quá khứ và là hình ảnh khúc xạ vẻ đẹp thiên nhiên miền núi cùng cuộc sống sinh hoạt của đồng bào. Các loại biểu tượng trong Then Tày được xác định là có nguồn gốc từ môi trường sinh thái và môi trường văn hóa Tày cũng là cơ sở để luận văn triển khai nghiên cứu về biểu tượng trong Then Tày.
Chương 2: CỘI NGUỒN VÀ Ý NGHĨA TRỰC TIẾP CỦA CÁC NHÓM BIỂU TƯỢNG TRONG THEN TÀY NHÌN TỪ BÌNH DIỆN
CÁI BIỂU HIỆN
Như đã biết, mối quan hệ giữa môi trường tự nhiên và môi trường xã hội đối với con người nói chung và với các sản phẩm văn hóa mà họ tạo ra trong suốt tiến trình lịch sử nói riêng là mối quan hệ qua lại, biện chứng. Tìm hiểu biểu tượng, một sáng tạo nghệ thuật đặc biệt cần truy nguyên về cội nguồn để có cơ sở giải mã. Cũng cần tìm hiểu lớp nghĩa đầu tiên, trực tiếp nằm ở bình diện cái biểu hiện của biểu tượng để khám phá phương thức nghệ thuật này.
Nghiên cứu những vấn đề trên cũng là cơ sở để bước đầu tiếp cận môi trường sống, môi trường văn hóa Tày, nơi sản sinh và nuôi dưỡng Then, trong đó có hệ thống biểu tượng độc đáo, giầu ý nghĩa của tộc người Tày.