8. Bố cục của luận văn
4.1.2. Là nội dung và mục đích biểu trưng mang tư duy mẫn cảm tộc người
Điều đáng chú ý là giữa những sự vật, hiện tượng được lấy làm phương tiện biểu trưng với nội dung và mục đích biểu trưng có mối quan hệ liên tưởng tương đồng và tương cận. Nhưng sự liên tưởng này thường được "giấu kín", nó chỉ được giải mã hoàn toàn khi ngoài những hiểu biết về lý thuyết biểu tượng, người tiếp cận có mối dây liên hệ với văn hóa, lịch sử. Sự chuyển nghĩa theo kiểu ẩn dụ hoặc hoán dụ thường phải đủ các điều kiện: có sự tương đồng hoặc tương cận giữa hai đối tượng khác loại ở hai vế biểu hiện và được biểu hiện. Theo đó, sự giải mã cũng phải đáp ứng những điều kiện cần và đủ như: có sự hiểu biết về văn hóa và thời kỳ lịch sử mà phương thức nghệ thuật ấy ra đời, tồn tại; có trí tưởng tượng nhạy bén và phong phú… Trong Then Tày cũng vậy, biểu tượng được tạo nên bởi các sự vật hiện tượng trong tự nhiên và trong đời sống xã hội, chúng đương nhiên sẽ mang nghĩa trực tiếp (nghĩa đen), đó là cây và hoa với tư cách là những loài thực vật có trong tự nhiên, khỏe khoắn hoặc yếu đuối; bền vững hoặc mỏng manh… Đó là Đàn Tính và cây cầu với tư cách là những sự vật hiện tượng do con người tạo ra, mang tâm hồn tình cảm của cộng đồng Tày…
Biểu tượng được tạo nên bởi lớp nghĩa thứ hai nảy sinh từ những sự vật hiện tượng được lấy làm phương tiện biểu trưng ở trên để hướng đến nội dung và mục đích biểu trưng. Nếu là những phương thức nghệ thuật thông thường, thì nét nghĩa ở tầng thứ hai đã là giới hạn biểu đạt. Tuy nhiên, như đã biết, biểu tượng là một loại phương thức nghệ thuật đặc biệt, chúng mang nét nghĩa khái quát, cố định tới mức đôi khi không thay đổi nếu tách khỏi văn bản; nhưng lại linh hoạt tới mức có thể biến đổi, tạo ra các biến thể.
Biểu tượng hoa trong Then Tày được dùng để chỉ những gì quí hiếm, đẹp đẽ,
cần gìn giữ nâng niu theo quan niệm của người Tày. Đó là con người (người ta là hoa
đất) với các dạng tồn tại: Mẹ Hoa (Mẹ Nụ), đứa trẻ đẹp như hoa do Mẹ Hoa chia cho, vẻ đẹp và sự thanh tân của người phụ nữ, cuộc đời mỗi con người… Đó cũng chính là nội dung và mục đích biểu trưng, là kết quả của sự chuyển nghĩa ẩn dụ, hoán dụ trong các biểu tượng nghệ thuật Then Tày. Cũng là hoa nhưng đây là hoa vàng hoa bạc, hoa cầu tự mà nên:
Lại lên cầu cùng mẹ Thích ca Xin hoa sẽ được hoa thơm nhất (…) Bông nào không lo héo mẹ ban Hoa nào không lo tàn mẹ để Mẹ gửi xuống cửa dưới đáo gia Họ sẽ được vinh hoa tấn tới…
[9, tr.234]
Là tiếng Đàn Tính hay đó là những cung bậc cảm xúc trong tâm hồn con người:
Tính vọng mười hai cung bậc
Vọng xa tỏa đi khắp quan san Dây thứ nhất vọng mười Nam Bắc Dây thứ hai vọng đi khắp Tây Đông Cung thứ ba gọi bướm ong đua nhị Cung thứ tư âm sắc ngũ thanh…
[68, tr. 37]
Điều khác biệt là những biểu tượng trong Then mang trong đó tư duy mẫn cảm của tộc người Tày. Nếu như biểu tượng trong dân ca Mông là khèn, cây lanh, sáo
bầu… thì trong Then Tày đó là hoa, chim én, Đàn Tính, Nhạc Xóc… Sự khác biệt này bắt đầu từ việc chọn lựa các phương tiện biểu trưng (cái biểu hiện) trong quá trình tạo nên biểu tượng. Như vậy, nội dung và mục đích biểu trưng (cái được biểu hiện) cũng sẽ mang tư duy, tâm hồn tình cảm riêng của mỗi tộc người. Nhiều sự vật, hiện tượng có trong tự nhiên như cây, chim én, hoa… có trong môi trường sinh thái Tày đều được sử dụng làm phương tiện để gửi gắm những nội dung, ý nghĩa mang giá trị nhân văn sâu sắc. Cũng không riêng gì người Tày mới chọn thiên nhiên để tạo nên những biểu tượng nghệ thuật. Người Việt (người Kinh) sống trong môi trường đồng bằng gắn bó với những dòng sông, bến nước, con đò, cánh đồng thẳng cánh cò bay thơ mộng, biểu tượng trong dân ca của họ sẽ phản ánh cụ thể sinh động điều đó. Nhưng trong Then Tày, những sự vật, hiện tượng đó mang hơi thở núi rừng và được trở đi trở lại gây ám ảnh. Và các loài cây, hoa, chim cũng được người Tày chọn lựa và sử dụng cũng theo cách riêng, độc đáo, khác biệt….
Như vậy, sự khác biệt không chỉ ở chỗ chọn sự vật hiện tượng nào (làm phương tiện biểu trưng) mà còn ở chỗ cấp cho các biểu tượng đó nội dung, ý nghĩa nào (làm nội dung và mục đích biểu trưng). Và các biểu tượng trong Then, những sáng tạo độc đáo, gắn bó lâu đời với cuộc sống của người Tày trở thành biểu tượng nghệ thuật chứa đựng ý nghĩa hàm súc, sâu sắc, mang tư duy mẫn cảm của tộc người Tày.
Có thể nói, cách tư duy nghệ thuật của người Tày nhiều mầu sắc vừa cụ thể, sinh động nhưng vẫn đậm chất trí tuệ, giầu cảm xúc.