Nghĩa gián tiếp hay ký hiệu mật ngôn của biểu tượng chim

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hệ thống biểu tượng trong then tày (Trang 61 - 66)

8. Bố cục của luận văn

3.1.2. nghĩa gián tiếp hay ký hiệu mật ngôn của biểu tượng chim

3.1.2.1. Chim mang ý nghĩa biểu trưng cho thông tin về mùa vụ

Trong then Tày, bách điểu là một trăm thứ chim, đó là cách nói thậm xưng để diễn tả rằng loài chim trong đời sống của họ là rất phong phú. Như đã giới thiệu ở chương trước, Then Tày mô tả khá nhiều loại chim, nhưng trong đó én là loài được nhắc đến nhiều nhất, mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc, gắn với đời sống tâm linh của con người.

Chim én là loài chim sống di cư, lanh lẹn, khoẻ, đẹp. Thường thì mùa đông, én bay về phương Nam tránh rét, đến mùa xuân ấm áp, én mới bay về phương Bắc. Với

người Việt, từ lâu chim én đã đi vào thơ ca như một biểu tượng bất diệt của mùa Xuân. Đối với người Tày và một số dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, én cũng là một trong các loài chim được trông đợi, yêu quí nhất. Cứ mùa xuân, từng đàn chim én lại từ phương Nam bay về phương Bắc. Đồng bào nhìn thấy chim én biết rằng mùa xuân đã gõ cửa bản làng.

Xuân về hoa đua ban nở rộ Chân én mang hoa nhị lừng thơm Én bay qua vườn hồng muôn sắc Thẳng cánh về đến đất Nam Tào

Nghiêng cánh xuyên mây cao sương tỏa Qua suối khe, mây gió điệp trùng.

[68, tr.66]

Không chỉ báo mùa xuân, trong tâm trí của người Tày, én thân thuộc tới mức họ thuộc tất cả các mùa vụ trong vòng quay tuần hoàn của loài chim yêu quí này:

Tháng 1: Én rúc rích tìm đàn Tháng 2: Én trong lòng bối rối Tháng 3: Én lặn lội tình yêu

Tháng 4: Én cách nghiêng bay liệng Tháng 5: Én giang cách về rừng Tháng 6: Én tìm tơ duyên mai trúc Tháng 7: Én giao dịch tình đa Tháng 8: Én giao ca kết bạn Tháng 9: Én về bản hồi hương Tháng 10: Én tơ vương xây tổ…

[68, tr. 66-67]

Trong Sli, Lượn và cả Phong Slư, én cũng có mặt với vai trò là tín hiệu truyền tin. Như vậy, sự xuất hiện của chim én trong thơ ca dân gian Tày mang nội dung trước hết là truyền thông điệp mùa xuân. Thông điệp mùa xuân có lẽ không lạ bởi ở nước ta mùa xuân đã gắn liền với cánh én và trở thành hình tượng nghệ thuật khá quen thuộc.

Nhưng trong Then Tày, biểu tượng én còn cho ta thêm những nét nghĩa mới, gắn với tâm hồn tình cảm và phong tục, tín ngưỡng của tộc người bản địa giầu bản sắc văn hóa này: đó là phương tiện truyền tin đáng tin cậy về tình yêu, sự tốt lành và số phận của con người. Nét nghĩa này chính là nghĩa gián tiếp mang tính khái quát cao hơn, là ký hiệu mật ngôn ở mức cô đọng hàm súc hơn của biểu tượng chim én. Điều đó được gửi gắm trong loài vật bé nhỏ mà mạnh mẽ, linh hoạt, có sức sống và ý chí vượt thời gian.

3.1.2.2. Chim là phương tiện truyền tin đáng tin cậy về tình yêu, sự tốt lành và số phận may rủi của người Tày

Nói đến chim én là nói đến loài chim đáng yêu, đáng quí vì nó thực sự gần gũi với đời sống con người.

Riêng với tộc người Tày, Nùng, chim én luôn có mặt trong các nghi lễ và tâm thức của họ. “Trong tang lễ của người Tày, Nùng hình chim Én không thể thiếu trên áo, mũ cũng như trên bàn thờ tổ của các thầy mo, thầy then..., và trong những cây hoa, cây tiền dâng cho người quá cố. ( …) Vào những dịp Tết xưa, trai gái người Tày, Nùng có trò đánh cầu lông làm bằng lông gà, nhưng trò đó gọi là trò “Đánh Én”. (…) Chim Én xuất hiện trên phong slư - bức thư tình viết bằng chữ Nôm Tày - Nùng thể thơ lục bát hoặc thể thơ 5 chữ, 7 chữ trên tấm vải trắng, quanh tấm vải thêu hình bướm hoa, rồng phượng, én ương.(…)

Vào dịp Tết tháng Giêng, người Tày, Nùng gói bánh chưng bằng lá dong, tua lá được cắt tỉa hình đuôi én gọi là bánh đuôi én. Tết Rằm tháng Bảy, người Tày, Nùng làm bánh lá gai cắt tua hình đuôi én, rồi cặp thành từng đôi, từng đôi, khi treo những cặp bánh trên sào hoặc trên dây trông giống như đàn chim Én đang đậu rất đẹp mắt. Cửa sổ nhà người Tày, Nùng xưa thường chạm khắc hình chim Ưng, chim Én…[89]

Như vậy, chim én luôn có mặt trong đời sống của người Tày, Nùng. Từ lâu, chim én đã đi vào lời Then, trở thành biểu tượng giàu tính ẩn dụ, gắn bó mật thiết với đời sống đồng bào, mang yếu tố tâm linh đậm nét. Có thể nói, trong cuộc sống thường nhật cũng như trong Then Tày, én luôn xuất hiện với vai trò quan trọng: phương tiện truyền tin đáng tin cậy về: tình yêu, sự tốt lành và số phận may rủi của kiếp người.

Hình ảnh từng đàn chim én bay về khi mùa xuân đến đã trở nên quen thuộc với đồng bào. Thường thì mùa xuân là mùa mà các đôi lứa yêu nhau hay bày tỏ tình cảm riêng tư, hứa hẹn những điều tốt đẹp về đời sống lứa đôi khi tết đến xuân về. Chính điều đó đã gợi cho trai gái Tày những xúc cảm chân thành, giúp họ nói được điều khó nói bằng lời Then Hỉn ẻn tha thiết. Trong Then Hỉn ẻn, tác giả dân gian miêu tả việc nhờ én đưa hồn các cặp thanh niên nam nữ lên trời gặp các thánh để đoán biết đời tư cho từng người chơi én:

Gọi đến én cánh vàng vách núi Nhờ đến én cánh đốm rìa rừng Nghe chúa gọi én nhanh vỗ cánh Én nhạn bay xao xác đến thưa:

- Hỡi Tạng có việc chi sự lạ?

Tạng cất lời miệng nói sự tình

- Có bốn trai bốn gái nhờ đến…

[42, tr. 132-133]

Cũng trong Then Hỉn ẻn, én được mô tả là một vị “sứ giả”tuyệt vời, không quản khó khăn gian khổ giúp đưa thông tin của con người lên mường trời:

Bay tít tắp chẳng ngơi

Én nhạn bay qua chốn Nặm hoa Bay vượt qua dòng Nặm Bioóc Én nhạn bay đến chốn Sơn Tây Lửa bốc cháy trời mây sáng chói Én nhạn khó tiến thoái lưỡng nan Nắng thiêu thêm lửa hồng rực cháy…

[42, tr. 156-157]

Trong lễ Then Kỳ yên, ở chặng Gọi hương, én (còn gọi là én ương, ương) giúp đưa Then lên trời xin với Hoa vương Thánh Mẫu ban hoa vàng hoa bạc cho con người, đem lại niềm hạnh phúc cho gia chủ. Chuyến đi của én ương mang ý nghĩa thiêng liêng, giúp bày tỏ ước mơ con hoa con nụ được mạnh khỏe, gia đình bình an. Và lúc xong nhiệm vụ, én lại bay trở về trần gian:

Vỗ cánh ương bay là là Giang cánh sá bay là là Bay lên trời không nghỉ Ương xinh đến Mẹ Hoa Sá vàng bay về ruộng Mẹ Nụ Lạy lên mẹ Thích Ca

Lạy lên cô Thích Đế (…)

Chốc lát mụ đã về, hoa để cúng Ương được lời quay gót

Sá hỡi… sá được lời về thôi…

[6, tr. 55]

Biểu tượng chim én trong Then Tày còn mang ý nghĩa diễn tả số phận của con

người. Trong lời Then Hỉn ẻn, người Tày khuyên én chọn cây để đậu vì họ tin rằng: én chính là sứ giả truyền đạt thông tin về số phận may rủi của con người. Hàng loạt cây rừng, người Tày đều khuyên én không nên đậu vì những lý do rất cụ thể mà họ đưa ra:

Chớ đậu vào cây Rồm bờ sông Có hoa mà lại không có trái Đậu cây Sậy giữa vực gió lay

Chim muông không có nơi đan tổ (…) Cây Sung rùng, cây Dặm càng chê Chớ có đậu bay xa em nhé

Chớ đi đậu cây Trẩu, Bồ Đề Khoác túi rách ăn mày về không…

[42, tr. 163-164]

Còn rất nhiều cây rừng khác, người Tày đều khuyên én không nên đậu, đó là cây Gụ, cây Lim, cây Vông, cây Đa, cây Sâu, cây Si, cây Trẩu, cây Sở, cây Sung, cây Soan…Đó là những cây nếu đậu vào thì số phận sẽ long đong vất vả, duyên kiếp lỡ làng hoặc nghèo khó, cô độc…Tuy nhiên, trong lời khuyên, người Tày luôn dành cho én sự tin tưởng và vẫn canh cánh rằng xấu tốt là do số phận mà ra:

Cây nào tốt hãy đậu Cây nào hay hãy dừng

Tốt xấu đều do số mình sinh ra.

[42, tr. 172]

Cũng trong Then, người Tày cho rằng én nên đậu vào cây Cam hoặc cây Đào sẽ đem lại sự may mắn, tốt lành. “Nếu én đậu cây Cam sẽ là người khéo léo, số sinh hai gái một trai, đời sống chẳng lo chi vất vả (…) Nếu én đậu vào cây Đào thì số mệnh được thọ lão trường sinh, nhà khang trang bạc vàng chẳng thiếu, sinh hoa vàng hoa bạc đủ đôi, tình phu thê vững chãi như núi cao…”[42, tr.126]

Như vậy, biểu tượng chim Én trong văn hóa dân gian Tày vừa mang những nét chung thống nhất của biểu tượng chim Én trong tư duy nhân loại nhưng cũng vừa mang những nét riêng độc đáo.

Trong Then Tày, biểu tượng chim én mang ý nghĩa gián tiếp, ẩn trong hình tượng con chim nhỏ bé mà dẻo dai, mạnh mẽ là phương tiện truyền tin đáng tin cậy

về tình yêu, sự tốt lành và số phận may rủi của kiếp người.

Trong quan niệm của người Giáy, én (roọc ẻn” là “con vật linh thiêng, là sứ giả truyền tin lên thiên giới, là phương tiện cho các thần linh, các quan lên trời. Người Giáy không thờ én nhưng tin chim én là con vật sát cánh với các quan thần linh làm nhiệm vụ bảo vệ con người… [65, tr. 156]

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hệ thống biểu tượng trong then tày (Trang 61 - 66)