Nhóm biểu tượng Đàn Tính và Nhạc Xóc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hệ thống biểu tượng trong then tày (Trang 47 - 50)

8. Bố cục của luận văn

2.2.1. Nhóm biểu tượng Đàn Tính và Nhạc Xóc

Trong Hát Then, Đàn Tính và Nhạc Xóc là hai loại nhạc cụ rất quan trọng. Đây là những nhạc cụ vừa có chức năng giữ nhịp, đệm cho hát, vừa có khả năng diễn tấu linh hoạt…Thường thì, hai loại nhạc cụ này được dùng đệm cho hát Then, múa Then. Cũng có những cuộc Then không sử dụng Đàn Tính, Nhạc Xóc nhưng đó là trường hợp hiếm gặp, bởi hai loại nhạc cụ này không chỉ có tác dụng giữ nhịp mà còn tạonhiều hứng thú cho hát và múa Then.

*Đàn Tính(còn gọi là Tính Tẩu hay cây Tính Tẩu)là nhạc cụ được sử dụng trong các sinh hoạt nghi lễ Then của người dân tộc Tày và một số dân tộc khác cùng nhóm ngôn ngữ như Nùng, Thái. Về nghĩa Tày cổ, cóý kiến cho rằng “từ “Tính” được người Tày đặt theo âm thanh tượng thanh tiếng đàn phát ra: tính, tình, tang. Còn “Tẩu” theo ngôn ngữ Tày Thái cổ là quả bầu, do đó Tính Tẩu theo cách hiểu đơn giản của người dân lao động thì âm thanh của nó được phát ra từ quả bầu, nhưng thực chất để tạo nên được những âm thanh là từ các sợi tơ. Khi người chơi đàn sử dụng ngón tay gảy những sợi tơ, làm cho chúng rung lên tạo thành sóng âm, tác động vào bầu

đàn. Bầu đàn là nơi cộng hưởng các sóng âm đó và thoát ra ngoài tạo thành âm thanh. Vì vậy mà âm sắc của Đàn Tính hơi đục, ấm áp, nghe gần như lời thủ thỉ tâm tình, nghe xa thấy bay bổng, ngọt ngào, pha trộn cùng chùm Xóc Nhạc tạo nên tổ hợp giàu sắc thái riêng, không lẫn với nhạc khí các tộc người khác” [96].

Nhưng có ý kiến lại cho rằng: Đồng bào Tày thường gọi là Đàn Tính, hay Tính Tẩu. Theo nghĩa gốc của từ: Tính là đàn, còn Tẩu là bầu. [53, tr.349] Phải chăng gọi như vậy sẽ trùng với một loại nhạc cụ của người kinh (Đàn Bầu) nên đồng bào Tày quen gọi là Đàn Tính hay Tính Tẩu để phân biệt?

Về hình dáng cần đàn, Đàn Tính của người Tày có 5 loại: đầu Tính hình hoa chuối, đầu Tính hình song mã, đầu Tính hình linh bài, đầu Tính hình con phượng, đầu Tính hình con rồng. Riêng Đàn Tính của người Thái Tây Bắc có hình Khau Cút (tức nóc đầu hồi nhà và mang hình dáng cách điệu con gà trống).

Cây Đàn Tính gồm: đầu Tính, cần Tính, bầu Tính, mặt Tính, ngựa Tính và dây Tính. Nhìn chung, tất cả các bộ phận của Đàn Tính đều là nguyên liệu lấy từ thiên nhiên nhưng trong đó có bàn tay sáng tạo khéo léo, tinh tế của các nghệ nhân Tày. Bầu đàn chế tác từ quả bầu khô; mặt đàn làm bằng thân cây gỗ vông, gỗ thông; Cần

đàn làm từ cây dâu rừng, hoặc gỗ thực mực, gỗ dâu tằm; Đầu đàn cũng bằng gỗ,

được làm theo nhiều hình thù khác nhau; Ngựa đàn thường bằng tre hoặc gỗ nhỏ, là chỗ dùng kê dây đàn phía trên mặt đàn; Tai đàn làm bằng gỗ chìa ra hai bên mặt

ngựa; Dây đàn trước đây thường được làm từ sợi tơ tằm se lại, lấy sáp ong hoặc nhựa củ nâu tuốt cho chắc và bền (gần đâydây đàn còn được làm bằng sợi nilon). Như vậy, Đàn Tính là vật thể nhân tạo nhưng lại mang màu sắc, hương vị của núi rừng rất rõ nét từ hình dáng đến chất liệu.

Đàn Tính của người Tày có 3 dây. Theo các nhà nghiên cứu âm nhạc, cấu tạo như vậy nên âm hưởng phát ra dày dặn, nghe rõ tiếng âm trầm, hiệu quả độ vang lớn, âm sắc nghe mềm mại, ấm áp, tạo ra âm hưởng làm say đắm lòng người.

Âm thanh của Đàn tính trong Then được diễn tả là làm đắm say lòng người:

Buồn lòng các em đẹp núi rừng

Vui thấy người thế gian dạo làng

Chốn ấy chốn thượng đàng mường then

Tiếng Đàn Tính như tiếng ong tìm ve…

*Nhạc Xóc (hay Xóc Nhạc) là nhạc cụ “thuộc họ tự thân vang, phương pháp kích âm là rung hoặc lắc, các vòng tròn nhỏ cùng các quả nhạc (chuông nhỏ) tác động vào nhau phát ra âm thanh.

Chùm Xóc Nhạc có nhiều tên gọi khác nhau theo mỗi địa phương. Ở Cao Bằng gọi là miạc, ở Lạng Sơn gọi là pây mạ, sáu mạ (nghĩa là nhạc ngựa), ở Hà Giang gọi là sáu má rính, ở Thái Nguyên gọi là Chùm xóc nhạc…và cũng tùy từng địa phương mà Chùm Xóc Nhạc có kích cỡ khác nhau. (…) Chùm Xóc Nhạc thường gồm có 2 quả xóc to, 3 quả xóc nhỏ bằng đồng, kèm vào đó là những vòng khuyên đồng có đường kính 15 đến 18 mm, được móc nối với nhau thành những chuỗi xích, vì vậy người ta căn cứ vào số chuỗi xích để bổ sung thêm các quả xóc cho phù hợp. (…)

Tùy theo hình thức biểu diễn hoặc tính chất cuộc Then mà người xóc nhạc có thể vừa đeo ở chân vừa đàn tính vừa hát, hoặc cầm ở tay theo kiểu xỏ khuyên chùm xóc vào ngón tay giữa hoặc cầm xóc bằng 3 ngón tay chụm lại” [96].

Bên cạnh Đàn Tính, chùm Nhạc Xóc tạo ra âm hưởng tiết tấu cho giai điệu Then, góp phần đưa lời hát thăng hoa. Đàn Tính và chùm Nhạc Xóc vừa là nhạc cụ đệm cho hát Then vừa được coi là vật linh thiêng do trời đất ban cho con người.

Như vậy, về cội nguồn, Đàn Tính và chùm Nhạc Xóc đều ra đời từ môi trường sống phong phú, sinh động của người Tày. Chúng sẽ trở thành phương tiện chuyển tải những nét nghĩa quen thuộc, góp phần tạo nên biểu tượng trong Then. Đó là những vật dụng được con người chế tác nhằm phục vụ đời sống tâm hồn tình cảm của họ.

Vừa mang tính chất văn học vừa đậm mầu sắc văn hóa, Đàn Tính và Nhạc Xóc là hai biểu tượng do con người sáng tạo ra từ bàn tay khéo léo, óc tưởng tượng phong phú và lòng yêu đời, yêu văn hóa văn nghệ của mình. Không phải là biểu tượng có tần số xuất hiện cao trong văn bản Then Tày, biểu tượng Đàn Tính chỉ có mặt 85 lần trên 3.359 lần xuất hiện các biểu tượng khảo sát, chiếm tỉ lệ ~ 5, 45 %. Xuất hiện thưa hơn biểu tượng Nhạc Xóc có mặt 35 trong tổng số 3.359 lần trong các biểu tượng đã khảo sát, chiếm ~ 1, 04 % (xem thêm Bảng 5, phần Phụ lục)

Tuy nhiên, ấn tượng về sự có mặt của biểu tượng Đàn Tính và Nhạc Xóc là không thể phủ nhận. Biểu tượng Đàn Tính và Nhạc Xóc mang hơi thở cuộc sống, cả trong lúc ở trần thế và khi lên tiên giới, chứa đựng trong đó tiếng lòng của tộc người

Tày. Đàn Tính và Nhạc Xóc được đoàn quân Then mang theo trong các cuộc dâng lễ lên Mường trời như một báu vật, như một sinh thể vậy.

Với nguồn gốc và ý nghĩa như trên, Đàn Tính và Nhạc Xóc luôn đồng hành cùng đời sống của đồng bào, trở thành một biểu tượng độc đáo, đậm chất văn hóa của cộng đồng Tày.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hệ thống biểu tượng trong then tày (Trang 47 - 50)