5. Bố cục của luận văn
1.2.1. Quản lý thu phí và lệ phí ở Việt Nam
Hiện nay, quản lý thu phí và lệ phí ở Việt Nam có những tình hình sau: Thứ nhất, về công tác quản lý và sử dụng số thu từ phí và lệ phí, Việt Nam theo định hướng phải phân biệt rõ ràng giữa phí, lệ phí của khu vực công với phí, lệ phí của khu vực tư. Do phân biệt rõ ràng giữa khu vực công, tư nên các khoản thu phí, lệ phí do khu vực công thực hiện đều phản ánh vào NSNN.
Thứ hai, quy định cụ thể danh mục các loại phí, lệ phí trong Luật về phí, lệ phí. Việt Nam hiện nay cải cách quản lý phí, lệ phí theo hướng thống nhất các văn bản quy định về phí, lệ phí trong cùng một văn bản pháp luật là Luật phí, lệ phí. Tránh tình trạng phát sinh nhiều loại phí, lệ phí thuộc các văn bản luật khác nhau gây khó khăn trong quá trình kiểm soát, quản lý phí, lệ phí [17].
Thứ ba, hoạt động quản lý thu phí và lệ phí được phân chia thành 03 khâu rõ ràng, đó là khâu lập dự toán, khâu chấp hành dự toán, khâu quyết toán.
Ở khâu dự toán: Việc lập, giao dự toán thu không sát với thực tế làm tăng số phí, lệ phí được để lại sử dụng tại đơn vị vì số được để lại được sử dụng tính bằng tỷ lệ cố định trên tổng số thu. Kết quả kiểm toán các bộ, ngành các tỉnh thành phố cho thấy số thu phí, lệ phí nhiều đơn vị vượt rất cao so với dự toán như: Số thu phí, lệ phí năm 2005 của Bộ Y tế vượt 43%, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vượt 71,5%, Bộ Khoa học và Công nghệ vượt 53,3% so với dự toán được giao… làm tăng số phí, lệ phí được để lại sử dụng dễ dẫn đến việc các đơn vị sử dụng không đúng mục đích kinh phí (sử dụng để chi lương, thưởng không đúng chế độ, chi mua sắm, sữa chữa tài sản cho hoạt động thường xuyên không liên quan đến hoạt động thu phí, lệ phí…). [8]
Ở khâu thực hiện quản lý thu phí, lệ phí, trong những năm qua tồn tại những yếu kém sau: Quy định thu phí, lệ phí trong các Bộ thủ tục hành chính (cấp phép, cấp giấy chứng nhận trong lĩnh vực xây dựng, tài nguyên môi trường...) chưa đúng quy định hiện hành về cả đối tượng và mức thu...; Chưa
chấp hành nghiêm quy định về quản lý, thực hiện thu phí, lệ phí. Một số cơ quan, đơn vị thu một số loại phí, lệ phí khi chưa được cơ quan có thẩm quyền quyết định; Không thu hoặc thu với mức thu chưa đúng quy định, thu các khoản có tính chất trùng với phí trên cùng một đối tượng; Tình trạng thu cao hơn quy định các loại phí chợ, phí vệ sinh, phí cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh,...; thu thấp hơn quy định lệ phí địa chính, phí, lệ phí quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm,... hoặc thậm chí không thực hiện thu mặc dù có quy định thu như phí kiểm dịch y tế đối với hàng hóa, tàu, máy bay xuất cảnh, quá cảnh, phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng,... [21].
Ở khâu kiểm tra, giám sát quản lý thu phí, lệ phí: Hiện nay, nhà nước chưa tăng cường nhiều vào khâu kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm phí, lệ phí. Hàng năm, số vụ vi phạm trong quá trình thu phí, lệ phí được phát hiện chưa nhiều.
Bên cạnh thực trạng chung về quản lý thu phí và lệ phí như trên, hiện nay cũng có một số đề tài nghiên cứu đến công tác quản lý thu phí và lệ phí tại Việt Nam. Cụ thể, năm 2013, đề tài cấp Bộ “Cơ chế quản lý, sử dụng phí, lệ phí” do TS Phạm Ngọc Thạch, Vụ Chính sách thuế và TS. Lê Xuân Lãm, Đại học Tài chính - Kế toán làm đồng chủ nhiệm đã nghiên cứu cơ sở lý luận cũng như thực trạng quản lý, sử dụng phí và lệ phí ở Việt Nam. Đề tài được bố cục gồm 3 chương: Chương 1: Cơ sở lý luận về quản lý, sử dụng phí, lệ phí; Chương 2: Thực trạng về quản lý, sử dụng phí, lệ phí, Chương 3: Phương hướng, giải pháp hoàn thiện cơ chế quản lý, sử dụng phí và lệ phí. [14]
Với việc nghiên cứu nghiêm túc, công phu, đề tài đã đạt được kết quả cơ bản sau hệ thống hóa được một số vấn đề cơ bản về phí, lệ phí làm căn cứ cho việc phân biệt phí, lệ phí, những nguyên tắc trong việc phân phối, quản lý, sử dụng số tiền phí, lệ phí thu được; Sưu tầm và tổng hợp được một số quy định về cơ chế quản lý, sử dụng phí, lệ phí của Đức, Thụy sĩ, Trung Quốc có giá trị tham khảo tốt; Mô tả được quá trình triển khai thực hiện Pháp lệnh Phí,
Lệ phí với những kết quả về hiệu quả số thu ngân sách, về thực hiện cơ chế quản lý sử dụng số phí, lệ phí để lại ở đơn vị thu, bước đầu đã gắn với việc thực hiện chủ trương xã hội hóa các dịch vụ công và tự chủ tài chính ở các đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, Đề tài đã chỉ ra được một số điểm vướng mắc, tồn tại trong cơ chế quản lý và sử dụng số tiền phí, lệ phí thu được (như việc sử dụng nguồn thu chưa phù hợp với quy định của pháp luật, việc quản lý, sử dụng phí, lệ phí chưa thống nhất với Luật Ngân sách nhà nước...); Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá thực tế triển khai, đề tài đã đề xuất 4 giải pháp hoàn thiện cơ chế quản lý, sử dụng phí, lệ phí [14]. Đề tài trên là tài liệu tham khảo có giá trị cao cả về mặt lý thuyết cũng như thực tiễn cho tác giả làm luận văn này.