2.1.4.1. Đặc điểm thực vật học
Cây cam là cây lâu năm và thường có tuổi thọ cao, đặc biệt ở những nơi khí hậu ôn hoà, đất tốt nhưng có độ dốc thoát nước tốt. Cam thường ra nhiều cành, hoa thường ra đồng thời với cành non và thường ra rộ, một cây cam ước tính khoảng 60.000 hoa. Vì vậy, hoa non thường rụng nhiều. Thụ phấn thường tốt và có những giống thường không thụ phấn (Vũ Công Hậu, 1999).
Rễ cam thuộc loại rễ cọc, thời gian đầu cắm sâu xuống đất nhưng bộ rễ cám hút dinh dưỡng chủ yếu, phát triển trên mặt đất từ độ sâu 50cm trở lên. Do đó, phải xới nông, một đặc điểm nữa là bộ rễ chỉ phát triển nếu đất tơi xốp, đủ oxy, nếu tỷ lệ oxy trong đất dưới 1,2 - 1,5% thì sẽ ngừng phát triển (Vũ Công Hậu, 1999).
2.1.4.2. Đặc điểm kỹ thuật sản xuất cam
Cây cam là cây ăn quả lâu năm, có bộ rễ ăn sâu, chỉ mọc tốt ở những nơi đất không có tầng sét, tầng đá gần mặt đất. Thường bộ rễ chỉ phát triển tốt ở những nơi đất thoáng có kết cấu tốt không lẫn quá nhiều sỏi đá, không bị đọng nước dù chỉ thời gian ngắn. Vì vậy, đất bị đá ong hoá ở các vùng đồi, đất đầm lầy không thích hợp. Đất đỏ, đất phù sa ven sông thoát nước là những đất tốt nhất. Đất trồng phải có kết cấu tốt, tơi thoáng, giữ được nhiều nước, nhiều oxy bởi vì vài năm sau khi trồng, khi rễ lan ra khắp nơi thì không còn có thể cày sới được nữa. Cây cam là cây trồng khó tính đòi hỏi trình độ thâm canh cao, trong điều kiện thâm canh tốt cam cho hiệu quả kinh tế cao nhưng nếu chăm sóc không tốt cam dễ bị sâu bệnh tấn công nhất là bệnh Greening (bệnh vàng lá chè) do vi khuẩn Liaerobacteratium gây ra, bệnh loét cam do vi khuẩn Xanthomonas gây ra, sâu đục cành thuộc họ xén tóc Grambixidae, bộ cánh cứng Coleoptera gây ra.
Hình 2.1. Bệnh loét cam do vi khuẩn Xanthomonas gây ra
Hình 2.2. Bệnh vàng lá greening trên cây có múi
Nguồn: Vũ Công Hậu (1999). Do nguồn gốc á nhiệt đới cam không chịu được nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp, trên 36oC hoặc dưới 50oC thì các hoạt động sinh lý hoá đã ngừng hẳn, nhiệt độ thích hợp để phát triển cây cam là từ 13oC – 33oC, thích hợp nhất là từ 23oC – 28oC. Cam là cây ưa độ ẩm trung bình, thích hợp với những vùng có lượng mưa từ 1.200 mm - 1.600 mm. Cam là cây mẫn cảm với sự dao động của độ ẩm trong đất khi thì cao, khi thì thấp dễ làm cho cam ra quả trái vụ lãng phí dinh dưỡng, loạn nhịp sinh trưởng, hơn nữa khi quả đã lớn, dù chưa chín nếu độ ẩm đất thay đổi thất thường quả cam dễ bị nứt đôi cho nên đất trồng phải tương đối dày, độ
mùn hơn 2% tơi xốp, thoát nước, tầng canh tác dày từ 70 cm trở lên, giữ được ẩm (Vũ Công Hậu, 1999).
Cam có tên khoa học là Citrus sinensis Osbeck thuộc họ rutaceae. Là loại cây ăn quả cùng họ với bưởi. Nó có quả nhỏ hơn bưởi, vỏ mỏng, khi chín thường có màu vàng cam, có vị ngọt hoặc hơi chua. Nó là cây nhỏ, cao đến khoảng 10m có cành gai và lá thường xanh dài khoảng 4 - 10cm. Cam bắt nguồn từ Đông Nam Á, có thể từ Ấn Độ, Việt Nam hay miền Nam Trung Quốc (Vũ Công Hậu, 1999).
Ở Việt Nam theo thống kê đã có khoảng 80 giống cam, được trồng tại các nhà vườn, trang trại, nông trường quốc doanh, trung tâm nghiên cứu, các giống này thường đặt theo tên các địa phương chúng được trồng (Vũ Công Hậu, 1999).
Cây cam là loại cây khó tính thuộc loại thực vật 2 lá mầm thân gỗ. Trong điều kiện sinh thái nước ta cần lưu ý mấy đặc điểm sau: Trước tiên để hạt nảy mầm rễ phải xuất hiện trước. Rễ của cam thuộc loại rễ nấm. Nấm Micorhiza ký sinh trên lớp biểu bì của rễ hút cung cấp nước, muối khoáng và một lượng nhỏ các chất hữu cơ cho cây. Cây cam không ưa trồng sâu do bộ rễ phân bố rất nông chủ yếu là các rễ bất định phân bố tương đối rộng và dày đặc ở tầng đất mặt. Rễ cam sợ đất chặt, bí và không phát triển được ở những nơi có mực nước ngầm cao (Hoàng Ngọc Thuận, 2000).
Tuy nhiên, sự phân bố của các tầng rễ cam phụ thuộc vào từng loại đất, độ dày tầng đất mặt, thành phần hoá học và mực nước ngầm, đặc biệt là các kỹ thuật canh tác như làm đất,bón phân và hình thức nhân giống, giống gốc ghép và giống cây trồng. Cây chiết và cây giâm cành có bộ rễ ăn nông nhưng nhiều rễ hút phân bố rộng và tự điều tiết được tầng sâu phân bố theo sự thay đổi của điều kiện sinh thái đặc biệt là mực nước ngầm. Các cây ghép trên gốc ghép chấp Thái Bình, gốc bưởi chùm và bưởi chua, gốc cam chua Hải Dương, cam voi Quảng Bình và cam chua Đạo Sử có bộ rễ ăn sâu hơn. Ghép trên các gốc ghép là quýt cleoparte, chanh sần, chanh ta, chanh eureka có bộ rễ ăn nông nhưng rộng và có nhiều rễ hút hơn (Hoàng Ngọc Thuận, 2000).
Cây cam thuộc dạng thân gỗ, một cây trưởng thành có thể có từ 4-6 cành chính. Nếu không chú ý tạo tán ngay từ đầu thì cam quýt sẽ rất ít khi có thân chính, tùy theo tuổi cây và điều kiện sông. Các giống cam khác nhau thì sẽ có chiều cao và hình thái khác nhau. Ví dụ, cam sành Lạng Sơn 25 năm tuổi cao 6,20m, đường kính 4,25m, đường kính gốc 17 cm, cây phân cành hướng ngọn, tán hình chồi sẽ phân cành thưa. Cam Vân Du 9 năm tuổi trồng ở Nghệ Tĩnh có chiều
cao 4,82m, đường kính tán 4,28m, đường kính gốc 16 cm, tán hình trụ hoặc hình cầu, phân cành nhiều, tán chặt (Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả Phủ Quỳ, 1990).
Ở nước ta cành quả của đa số các giống cao, quýt, bưởi là cành mùa xuân. Ở các tỉnh phía nam cây thường ra quả ở các cành phát triển ở đầu và cuối mùa mưa, do đó cỏ thể có nhiều vụ quả trong năm. Tuy vậy, cành quả là cành mùa xuân vẫn chiếm tỷ lệ cao hơn cả (Hoàng Ngọc Thuận, 2000).
Nói chung, các giống cam quýt thường cho thu hoạch sau khoảng từ 3-4 năm sau khi trồng. Nếu nhân giống bằng cách ghép hoặc chiết thì thường cho thu hoạch năm thứ 2 sau trồng. Nếu nhân giống bằng phương pháp gieo hạt phải từ 5-8 năm sau trồng (tủy loại) mới được thu hoạch (Hoàng Ngọc Thuận, 2000).
Đời sống cây cam quýt được chia thành các thời kỳ sau: (1) Thời kỳ cây non là thời kỳ kiến thiết cơ bản tính từ khi trồng đến vụ thu quả đầu tiên; (2) Thời kỳ mới thu hoạch là những năm đầu mới thu quả; (3) Thời kỳ cho sản lượng cao cây đã ổn định về sinh trưởng và cho năng suất thu hoạch cao; (4) Thời kỳ suy yếu và tàn lụi.
Thời gian của mỗi thời kỳ dài ngắn tùy thuộc vào các điều kiện thời tiết, khí hậu, đất đai, kỹ thuật thâm canh, giống và giống gốc ghép.
Ở nước ta cam quýt nhanh chóng bước vào thời kỳ kinh doanh hơn ở các nước khác trên thế giới nhưng tuổi thọ của cây thường ngắn hơn. Với điều kiện khí hậu nước ta 1 năm cây cam quýt có thể ra 4 đợt lộc: Lộc xuân (cuối tháng 2 đầu tháng 3) hoặc có thể sớm hơn, lộc hè (từ tháng 5 - tháng 7), lộc thu (từ tháng 8 - tháng 9). Lộc hè và lộc thu thường xuất hiện ở cành dinh dưỡng và cành quả do vậy mà con người có thể đoán được năng suất của năm sau. Có thể dùng kỹ thuật bón phân, tưới nước để xúc tiến mạnh số lượng cũng như chất lượng loại cành này. Riêng ở những cây non còn có đợt cành mùa đông đây là hiện tượng đặc biệt đối với những cây cam vùng nhiệt đới có một mùa đông lạnh. Tuy nhiên ở miền bắc tỷ lệ này thấp hơn từ 3 - 4% thường ra vào cuối tháng 10 và tháng 12. Những cây sống lâu năm hoặc cây trưởng thành trước ra nhiều quả thì mùa hè, mùa thu hoặc mùa đông rất ít ra lộc hoặc không có lộc (Hoàng Ngọc Thuận, 2000).
Trên một cây cam quýt có nhiều cấp cành được phân bố hình thành theo kiểu hợp trục do hiện tượng rụng ngọn. Đặc tính sinh học của mỗi cấp cành có những điểm khác biệt nhau trong những điều kiện nhất định chúng tuân theo các quy luật tương đối sau: (1) Tuổi thọ và sức sinh trưởng của cành giảm từ cấp
cành thấp đến cấp cành cao. Cấp cành một có tuổi thọ cao hơn cả; (2) Phần trăm lộc mới ra trên cành giảm từ cấp cành cao đến cấp cành thấp; (3) Tỷ lệ đậu quả hữu hiệu tăng cao theo cấp cành; (4) Các cấp cành cao nở hoa trước rồi mới đến các cấp cành thấp; (5) Số hạt trung bình trong một quả tăng từ cấp cành thấp đến cấp cành cao. Tỷ lệ nảy mầm của hạt cũng tuân theo quy luật trên; (6) Khả năng cất giữ vận chuyển của quả tăng từ cấp cành thấp đến cấp cành cao. Quả ra trên các cành thấp, khả năng chịu cất giữ vận chuyển kém hơn; (7) Tỷ lệ sống của mặt ghép, cành giâm, cành chiết của cam quýt tăng từ cấp cành thấp đến cấp cành cao. Trong rất ít trường hợp sức sống của mặt ghép lại tốt ở những cấp cành thấp. Đây là những quy luật quan trọng để tác động các biện pháp kỹ thuật tạo hình, cắt tỉa, nhân giống và tạo giống để đạt hiệu quả cao.
Cam là cây thân gỗ nhỏ, cao từ 5-15 m tùy loại, với thân cây có gai và các lá thường xanh mọc so le có mép nhẵn. Hoa mọc đơn hay thành ngù hoa nhỏ, mỗi hoa có đường kính 2-4 cm với 5 (ít khi 4) cánh hoa màu trắng và rất nhiều nhị hoa. Hoa thông thường có mùi thơm rất mạnh. Quả là loại quả có múi, một dạng quả mọng đặc biệt, hình cầu hay cầu thuôn dài, chiều dài 4-30 cm và đường kính 4-20 cm, bên trong quả khi bóc lớp vỏ và cùi sẽ thấy lớp vỏ mỏng, dai, màu trắng bao quanh các múi bên trong chứa nhiều tép mọng nước. Chi này có vai trò quan trọng về mặt thương mại do nhiều loài (hoặc cây lai ghép) được trồng để lấy quả. Quả được ăn tươi hay vắt, ép lấy nước. Quả cam đáng chú ý vì mùi thơm của chúng, một phần là do các terpen chứa trong lớp vỏ, và chủ yếu là do nó chứa nhiều nước. Nước quả có hàm lượng axít citric cao, tạo ra hương vị đặc trưng của chúng. Chúng cũng là nguồn cung cấp vitamin C và các flavonoit đáng chú ý. Là giống chín muộn, thu hoạch đến tận tháng ba, tháng tư năm sau đó là những đặc trưng của cam (Vũ Công Hậu, 1999).