Văn hóa công sở cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng công chức, viên chức. Văn hóa công sở là biểu hiện của những thói quen, tác phong làm việc
và phong cách ứng xử của công chức, viên chức trong khi thực thi nhiệm vụ, và là sự thể hiện trình độ văn hoá của mỗi người CCVC. Tại Sở giao thông Vận tải đã thực hiện xây dựng văn hóa công sở theo Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg, ngày 02/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Theo quy định này, văn hóa công sở trong cơ quan hành chính Nhà nước chỉ giới hạn trong các quy định về trang phục, giao tiếp và ứng xử của công chức, viên chức khi thi hành nhiệm vụ, bài trí công sở. Theo đó, đội ngũ công chức, viên chức của Sở giao thông Vận tải luôn được ban lãnh đạo tuyên truyền, phổ biến nội quy về trang phục trong giờ làm việc, ngôn ngữ giao tiếp sử dụng và tác phong ứng xử, phục vụ nhân dân.
Nhìn chung, toàn bộ đội ngũ CCVC tại Sở đã đảm bảo ăn mặc trang phục công sở phù hợp với môi trường làm việc, CCVC nam mặc áo sơ mi/áo phông có cổ, quần âu, CCVC nữ mặc váy công sở dài đến đầu gối hoặc áo sơ mi/quần âu/ chân váy. Bản thân mỗi CCVC đều ý thức được việc ăn mặc trang phục phù hợp với văn hóa công sở, một mặt vừa thể hiện bản thân tuân thủ quy định chung của Nhà nước và yêu cầu cơ bản của mỗi CCVC, vừa thể hiện tính chuyên nghiệp trong công việc, trước tiên ở trang phục ăn mặc tôn trọng đồng nghiệp và nhân dân đến làm việc tại đơn vị. Trong thời gian qua, Sở GTVT không có CCVC nào ăn mặc trang phục không phù hợp (mặc đồ ngủ, áo không cổ, hở hang, không đúng yêu cầu của trang phục công sở) đến cơ quan làm việc.
Văn hóa công sở còn thể hiện ở việc giao tiếp giữa CCVC với đồng nghiệp, với cấp trên và trong quá trình phục vụ nhân dân. Tại Sở giao thông Vận tải tỉnh Hưng Yên, văn hóa công sở thể hiện trước hết ở lời chào theo nguyên tắc cơ bản: nam chào nữ trước, cấp dưới chào cấp trên, trẻ chào già trước, người đến sau chào người đến trước, người từ ngoài vào chào người ở trong phòng... Việc chào hỏi được xem như một nghi thức quan trọng đầu tiên trong mối quan hệ giao tiếp, giữa cấp dưới với cấp trên, với đối tác, với đồng nghiệp và các mối quan hệ khác. Hình thức thể hiện và thái độ chào hỏi đã được thể hiện phù hợp với tuổi tác, chức vụ, môi trường công tác và đảm bảo những giá trị về văn hoá, đạo đức của người Việt Nam. Trong khi thực hiện công vụ, giao tiếp với công dân, mỗi CCVC đều thực hiện việc chào hỏi ngay khi tiếp xúc và thái độ chào hỏi niềm nở thể hiện rất rõ trình độ, phẩm chất của người cán bộ, và thể hiện sự tôn trọng, quan tâm và sẵn sàng phục vụ yêu cầu của công dân, góp phần xây dựng hình ảnh người công chức, viên chức Sở GTVT tỉnh Hưng Yên gắn bó với dân và hoạt động vì dân.
Đội ngũ công chức, viên chức được yêu cầu và quán triệt tinh thần khi tiếp công dân phải có thái độ nhã nhặn, lắng nghe ý kiến, ghi chép đầy đủ các nội dung phản ánh, đề xuất, kiến nghị của công dân; hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về các quy định liên quan đến phạm vi, thẩm quyền giải quyết công việc theo quy định của pháp luật; xưng hô với công dân đúng mực và trả lời những yêu cầu chính đáng của công dân. Khi giao tiếp qua điện thoại, công chức, viên chức phải xưng tên, cơ quan, đơn vị nơi công tác; trao đổi ngắn gọn, tập trung vào nội dung công việc; không ngắt điện thoại đột ngột, không nói lớn tiếng làm ảnh hưởng tới người khác, không sử dụng điện thoại cơ quan để thăm hỏi người thân hoặc sử dụng vào các mục đích cá nhân khác.
Văn hóa công sở tại Sở GTVT còn thể hiện ở việc CCVC tuân thủ quy định về việc cấm hút thuốc lá, uống rượu bia tại nơi làm việc và các quy định về việc tiết kiệm, chống lãng phí như: không buôn chuyện tại cơ quan, không làm các việc cá nhân tại cơ quan để tiết kiệm thời gian làm việc, không sử dụng tài sản công vào các mục đích cá nhân,…
Ngoài ra, công đoàn cùng BLĐ luôn đảm bảo đội ngũ CCVC của Sở được hưởng các chế độ phúc lợi tốt nhất như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cũng như các chế độ thăm hỏi, nghỉ dưỡng khác để CCVC cảm thấy tin tưởng, trân trọng và yên tâm gắn bó, công tác tại đơn vị lâu dài.