Mô hình công ty mẹ-công ty con ở các nước trên thế giới

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu mô hình quản lý theo hình thức công ty mẹ công ty con tại tổng công ty quản lý bay việt nam (Trang 34 - 38)

Phần 2 Tổng quan tài liệu

2.2. Cơ sở thực tiễn

2.2.2. Mô hình công ty mẹ-công ty con ở các nước trên thế giới

2.2.2.1. Mô hình công ty mẹ - công ty con ở các nước

- Ở Nhật Bản: Theo quy định của Luật Thương mại Nhật Bản, khi một công ty nắm trên 50% cổ phần của công ty khác thì quan hệ công ty mẹ – công ty con được hình thành, trong đó, công ty nắm cổ phần là công ty mẹ, công ty bị nắm cổ phần là công ty con [38, tr.54]. Quan hệ công ty mẹ – con được thiết lập bằng 4 con đường: thành lập mới công ty mẹ, công ty con; mua quá nửa cổ phần; nhận quá nửa cổ phần phát hành mới và trao đổi cổ phần.

Về mặt pháp lý, công ty mẹ và công ty con sau khi đăng ký thương mại có tư cách pháp nhân độc lập. Mối liên hệ giữa công ty mẹ -con thông qua sở hữu cổ phần, sau khi quan hệ công ty mẹ – con được thiết lập, công ty mẹ trở thành cổ đông của công ty con. Công ty mẹ có quyền tham gia đại hội cổ đông, quyết định các vấn đề về bổ nhiệm thành viên, quyết định phương hướng hoạt động của công ty con. Căn cứ vào tỉ lệ sở hữu cổ phần có thể chia công ty mẹ -con thành hai loại: một là công ty con do công ty mẹ sở hữu 100% cổ phần và công ty con do công ty mẹ sở hữu từ 51% đến dưới 100% cổ phần.

Trường hợp 1, công ty con do công ty mẹ sở hữu 100% cổ phần. Công ty mẹ có khả năng chi phối trực tiếp đến hoạt động của công ty con. Về mặt pháp luật, công ty con phải tuân thủ theo quyết định của đại hội cổ đông, tức là theo đường lối kinh doanh do hội đồng quản trị công ty mẹ đề ra.

Trường hợp 2, công ty mẹ là cổ đông có cổ phần chi phối, nắm trên 50% cổ phần của công ty con. Công ty mẹ tuy chỉ là một cổ đông trong số nhiều cổ đông khác, nhưng công ty mẹ có nhiều phiếu biểu quyết trong phiên họp của đại hội cổ đông quyết định phương hướng sản xuất kinh doanh, bổ nhiệm nhà quản lý của công ty con.

Công ty con thực hiện đường lối kinh doanh do công ty mẹ đề ra, do vậy, trong trường hợp, công ty mẹ đưa ra chỉ thị cho công ty con, gây thiệt hại cho công ty con thì công ty mẹ phải gánh chịu trách nhiệm. Công ty mẹ có thể bị truy cứu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý hoặc vô ý gây thiệt hại cho công ty con.

Về chế độ giám sát của công ty mẹ đối với công ty con: Kiểm soát viên của công ty mẹ, kiểm toán viên, kế toán có quyền yêu cầu công ty con cung cấp báo cáo tài chính và có quyền điều tra tình hình công ty con để ngăn chặn công ty con

lợi dụng công ty mẹ để giả mạo quyết toán. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số, Luật cho phép công ty con bảo vệ bí mật của công ty mình, có quyền từ chối việc yêu cầu điều tra trong trường hợp có lý do thoả đáng.

Từ kinh nghiệm của Nhật Bản, pháp luật điều chỉnh quan hệ công ty mẹ con không chỉ đơn thuần qui định về con đường hình thành quan hệ công ty mẹ con mà còn điều chỉnh hoạt động quản lý công ty, xác định rõ trách nhiệm của thành viên hội đồng quản trị công ty mẹ quyết định các vấn đề quản lý kinh doanh của công ty con.

- Ở Hoa Kỳ: Những năm từ 1880 trở đi ở đó đã có rất nhiều công ty hoạt động trong hững ngành công nghiệp khác nhau. Họ là nguồn cung trong nền kinh tế. Khi số cung nhiều thì giá hàng sẽ giảm và lợi tức sẽ ít đi. Để chống lại mối nguy này, các công ty sản xuất các công đoạn khác nhau của một sản phẩm kết hợp lại với nhau theo các loại hợp đồng để lập nên một sự phối hợp hành chính nhằm giảm phí tổn và mở rộng sản xuất. Đó là sự tập trung theo hàng dọc mà mục đích cuối cùng là dẹp bớt các doanh nghiệp khác. Riêng các công ty khác nhau cùng kinh doanh một mặt hàng họ cũng ký kết hợp đồng nhằm kiểm soát giá cả và lượng hàng bán ra. Đó là sự tập trung theo chiều ngang. Xin hình dung hai loại kết hợp này như những đường thẳng và chúng dính với nhau như những chữ “T” mà sẽ được áp đặt trên nền kinh tế. Tập trung như thế là “hạn chế kinh doanh” và luật pháp của Mỹ điều chỉnh các mối quan hệ này. Khi bị điều chỉnh mối quan hệ, các đường thẳng kia, mỗi loại, bèn uốn cong lại thành một hình tròn và trở thành công ty mẹ con. Vậy là sự phát triển sản xuất tạo nên các công ty mẹ con.

Quá trình từ đường thẳng thành đường tròn đã diễn ra như thế này: một người có uy tín trong các công ty thẳng hàng lập ra một công ty mới, hay là chính họ biến đổi đi, họ liên kết các công ty khác đứng trong hàng bán cổ phần cho họ và họ trở thành “công ty mẹ”; sau đó họ bỏ tiền mua cổ phần của các công ty đã góp vốn vào và thế là có “công ty con”. Điều diễn ra thực sự là sự chuyển dịch tài sản trên giấy tờ, còn mỗi công ty vẫn hoạt động như cũ nhưng với một tên mới. Công ty mẹ chỉ có tiền bỏ vào các công ty con; không có máy móc gì, chẳng sản xuất gì, nhưng nó phối hợp được công việc kinh doanh của các công ty con và công ty mẹ được gọi là “holding company”. Về sau luật lệ cho phép loại công ty này ra đời.

Ngày nay, công ty holding được lập theo hai cách. Một là thành lập ngay từ đầu theo luật, với chức năng là góp vốn vào các công ty khác. Hai là một người

đầu tư mua lại một công ty sản xuất đang hoạt động; sau đó sáp nhập nó với một công ty cùng ngành để mở rộng ra. Khi có thừa tiền, thay vì trả cổ tức cho cổ đông thì công ty bỏ tiền vào các công ty hoạt động trong các ngành khác. Tiếp theo nó có thể niêm yết trên thị trường chứng khoán để có tiền mua vốn của nhiều công ty khác nữa, biến tất cả thành công ty con. Lúc này công ty mẹ vừa sản xuất, vừa bỏ tiền đầu tư. Một ngày nào đó, nó bán phần sản xuất đi và trở thành công ty holding.

Khi công ty mẹ góp vốn vào thì có quyền quản trị ở công ty con. Quyền nhiều hay ít tùy theo số tiền bỏ vào. Mẹ có thể bỏ theo hai cách: một là trên 51% số vốn của con; hai là khoảng 5-49%. Để phân biệt hai cách bỏ vốn, hoặc nắm quyền này, thì người ta gọi công ty con mà có 51% vốn của mẹ là “subsidiary” còn loại kia là “associate”.

- Ở Anh: Theo Luật Công ty của Anh năm 1985, công ty mẹ được hiểu là công ty nắm cổ phần khống chế (trên 50%) ở công ty khác (công ty con). Tuy nhiên theo tu chính năm 1989 để phù hợp với “Hướng dẫn chính thức lần thứ 7 về luật công ty“ (Seventh Company Law Directive) của Cộng đồng Châu Âu (EC) thì (A) là công ty mẹ của công ty con (B) khi:

+ A là cổ đông nắm giữ đa số phiếu bầu ở B;

+ A là cổ đông và có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm phần lớn thành viên HĐQT của B;

+ A có quyền quyết định về chính sách tài chính và sản xuất kinh doanh (SXKD) của B bằng sự thỏa thuận chính thức hay hợp đồng;

+ A là cổ đông của B và có quyền kiểm soát phần lớn phiếu bầu một cách độc lập hay liên kết với các cổ đông khác;

+ A có quyền lợi tham gia điều hành (Participating interest- được hiểu là nắm giữ từ 20% cổ phần) và trên thực tế thực hiện quyền chi phối đối với B hoặc A và B có cùng một cơ chế quản lý thống nhất. Ngoài ra, nếu giữa B và C có quan hệ tương tự như A và B thì A và C có quan hệ như mô hình trên (công ty mẹ-công ty con).

- Ở Nga: Theo Luật Công ty của Liên Bang Nga năm 1995, một công ty được gọi là công ty con (tiếng Nga gọi là Dotchemie) nếu do một công ty khác - công ty mẹ (Osnovnoe) nắm giữ cổ phần khống chế trong vốn điều lệ, hoặc bị công ty khác chi phối các quyết định của mình, hoặc bằng một thỏa thuận chính

thức hay dưới hình thức nào đó. Luật không qui định một cách cụ thể thế nào là cổ phần khống chế và không nêu cụ thể hình thức hợp đồng, thỏa thuận như thế nào liên quan đến việc chi phối các quyết định của công ty con [38, tr.54].

- Ở Trung Quốc: Còn ở Trung Quốc, công ty mẹ là một doanh nghiệp có các quyền và nghĩa vụ của một pháp nhân độc lập và có sự phân biệt tương đối rõ giữa các loại hình công ty con (còn gọi là DNTV) bao gồm:

+ DNTV liên kết chặt: Là các công ty con do công ty mẹ đầu tư toàn bộ vốn điều lệ và có toàn quyền quyết định đối với công ty đó. Công ty mẹ trực tiếp quyết định các vấn đề quan trọng của công ty con từ chiến lược phát triển, kế hoạch kinh doanh dài và ngắn hạn...

+ DNTV liên kết lỏng (DNTV chịu sự chi phối của công ty mẹ): Là các công ty con có vốn cổ phần hoặc vốn góp chi phối của công ty mẹ. Thông qua vốn đầu tư chi phối, công ty mẹ có các quyền quyết định đối với doanh nghiệp những vấn đề đòi hỏi có biểu quyết của chủ sở hữu phần vốn hay cổ phần chi phối. Quyền chi phối được thông qua đại diện trực tiếp của công ty mẹ ở các cơ quan quản lý doanh nghiệp đó. Các quyền này được quy định trong điều lệ cụ thể của từng doanh nghiệp.

+ DNTV chịu sự điều phối của công ty mẹ. Loại doanh nghiệp này không có cổ phần hoặc vốn góp chi phối của công ty mẹ, thậm chí hoàn toàn không có vốn đầu tư của công ty mẹ song tự nguyện chịu sự điều phối của công ty mẹ thông qua các hợp đồng liên kết. Cơ sở của vấn đề xuất phát từ lợi ích về thị trường, công nghệ, thương hiệu...

Các DNTV trên đều phải có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập với công ty mẹ. Mối liên kết được duy trì hoặc chấm dứt bằng cách công ty mẹ duy trì vốn đầu tư hoặc rút vốn ra khỏi công ty con. Từng DNTV đều có thể có các công ty con, hoặc có cổ phần, vốn góp chi phối ở các doanh nghiệp khác.

2.2.2.2.Các công ty mẹ-công ty con điển hình ở các nước trên thế giới

- Công ty LG (Hàn Quốc): Mô hình công ty mẹ-công ty con sẽ cho phép LG xây dựng hệ thống quản lý mang tính tin cậy thông qua việc quản lý chuyên nghiệp các hoạt động kinh doanh chủ đạo. Mô hình này cũng sẽ cho phép LG xây dựng một chiến lược tập trung vào các ngành kinh doanh chủ đạo trong tương lai thông qua việc xóa bỏ các hoạt động kinh doanh khác, sáp nhập và bán các công ty liên kết và sản phẩm phụ.

- Công ty BAYERR (Đức): Công ty mẹ sẽ quyết định chiến lược tổng thể, quyết định danh mục đầu tư và tiến hành việc phân bổ nguồng lực. Việc tạo ra cơ cấu công ty mẹ - công ty con là một chuỗi lô – gic trong việc xác định lại mục tiêu, thay đổi hình thức tổ chức để có thể hoạt động hiệu quả hơn và tạo điều kiện cho các liên kết mang tính chiến lược.

- Công ty SONY (Nhật Bản): Tìm kiếm sự ổn định thông qua sức mạnh tổng hợp và phát triển dịch vụ và sản phẩm giữa các công ty. Đáp ứng theo sự tăng trưởng của Internet bằng cách tăng tốc phát triển các thiết bị gia dụng nối mạng và các nội dung phần mềm mới.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu mô hình quản lý theo hình thức công ty mẹ công ty con tại tổng công ty quản lý bay việt nam (Trang 34 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)