Phần 4 Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.1. Thực trạng mô hình quản lý công ty mẹ-công ty con trong VATM
4.1.1. Căn cứ, mục tiêu và lộ trình chuyển đổi mô hình quản lý
4.1.1.1. Căn cứ chuyển đổi
- Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) đã chỉ rõ: “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các TCT Nhà nước, hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh. Thí điểm, rút kinh nghiệm để nhân rộng việc thực hiện chuyển TCT Nhà nước sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ- công ty con, trong đó TCT đầu tư vốn vào các doanh nghiệp thành viên là những công ty TNHH một chủ (100% vốn TCT) hoặc là những công ty cổ phần mà TCT giữ cổ phần chi phối. Ngoài ra, TCT có thể đầu tư vào các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác”.
- Luật Doanh nghiệp năm 2005 có hiệu lực từ 01/07/2006; Luật Doanh nghiệp năm 2014 có hiệu lực từ 01/07/2015. Đã đề cập đến mô hình công ty mẹ - công ty con như là một hình thức của nhóm công ty. Nhóm công ty là tập hợp các công ty có mối quan hệ gắn bó lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác. Nhóm công ty bao gồm: công ty mẹ – công ty con, tập đoàn kinh tế và các hình thức khác. Một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc có quyền trực tiếp hay gián tiếp bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên HĐQT, Giám đốc, Tổng Giám đốc hoặc có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty đó. Tuỳ thuộc vào loại hình pháp lý của công ty con và bản chất mối quan hệ mà công ty mẹ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình đối với công ty con với tư cách thành viên, chủ sở hữu hoặc cổ đông. Các hợp đồng, giao dịch giữa công ty mẹ và công ty con phải thực hiện bình đẳng như giao dịch giữa những chủ thể pháp lý độc lập, ngoại trừ những chi phối mang tính chất thực hiện các quyền của công ty mẹ đối với công ty con theo quy định.
- Nghị định số 95/2006/NĐ-CP ngày 08 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại công ty nhà nước
- Nghị định của Chính phủ số 111/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 về tổ chức, quản lý tổng công ty Nhà nước và chuyển đổi tổng công ty nhà nước, công ty nhà
nước độc lập, công ty mẹ là công ty nhà nước theo hình thức công ty mẹ - công ty con là công ty nhà nước theo hình thức công ty mẹ - công ty con hoạt động theo luật doanh nghiệp.
- Nghị định 09/2009/NĐ-CP ngày 05/02/2009 của Chính phủ ban hành quy chế quản lý tài chính của công ty Nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác.
- Quyết định số 177/QĐ-TTg ngày 29/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch điều chỉnh tiến độ sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Bộ Giao thông vận tải.
- Quyết định số 526/QĐ-BGTVT ngày 03/3/2010 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc phê duyệt danh sách, kế hoạch chuyển đổi doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Bảo đảm hoạt động bay Việt Nam.
- Nghị định số 25/2010/NĐ-CP ngày 19/3/2010 của Chính phủ về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và tổ chức quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
- Nghị định 102/2010/NĐ-CP ngày 01/10/2010 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp. Điều 38 của Nghị định quy định: Công ty mẹ, công ty con và các công ty khác hợp thành tập đoàn kinh tế có các quyền, nghĩa vụ, cơ cấu tổ chức quản lý và hoạt động phù hợp với hình thức tổ chức doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, pháp luật liên quan và Điều lệ công ty.
- Thông tư số 79/2010/TT-BTC ngày 24/5/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý tài chính khi chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
- Thông tư 117/2010/TT-BTC ngày 05/8/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu
- Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về việc chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần.
4.1.1.2. Mục tiêu chuyển đổi
- Thực hiện kế hoạch phát triển theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã đề ra về sắp xếp, đổi mới, phát triển doanh nghiệp nhà nước; Duy
trì nhiệm vụ cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay là chính, bao gồm: Dịch vụ không lưu (dịch vụ điều hành bay, dịch vụ thông báo bay, dịch vụ tư vấn không lưu và dịch vụ báo động); Dịch vụ thông tin, dẫn đường, giám sát; Dịch vụ thông báo tin tức hàng không; Dịch vụ khí tượng và Dịch vụ tìm kiếm- cứu nạn cho tất cả các chuyến bay của các hãng hàng không trong và ngoài nước đi đến các cảng hàng không sân bay tại Việt Nam, bay qua vùng trời thuộc chủ quyền của Việt Nam và bay qua vùng thông báo bay do Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế giao cho Việt Nam kiểm soát và điều hành;
- Xây dựng đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh, đảm bảo kinh doanh có hiệu quả, phát huy vai trò của một ngành kinh tế kỹ thuật đặc thù, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng; Xây dựng thành một doanh nghiệp hoạt động có uy tín, đảm bảo cung cấp dịch vụ phục vụ hoạt động bay an toàn, có năng lực cạnh tranh, kinh doanh có hiệu quả; khắc phục triệt để những nhược điểm của mô hình cũ, hình thành cơ chế hoạt động của Tổng Công ty thông qua quan hệ kinh tế - tài chính giữa Tổng công ty với các Công ty con trên cơ sở sở hữu về vốn và phát huy quyền tự chủ của các công ty con trực thuộc Công ty mẹ.
- Xây dựng mô hình tổ chức và cơ chế quản lý của Tổng công ty nhằm phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh phù hợp với Luật Doanh nghiệp.
- Chuyển Tổng công ty từ liên kết hành chính với cơ chế giao vốn sang liên kết bền chặt bằng cơ chế đầu tư tài chính là chủ yếu; xác định rõ quyền lợi, trách nhiệm về vốn và lợi ích kinh tế giữa công ty mẹ với các công ty con và công ty liên kết, tăng cường năng lực kinh doanh cho các đơn vị tham gia liên kết.
- Phát triển năng lực, quy mô và phạm vi kinh doanh của Tổng công ty, thúc đẩy việc tích tụ vốn, sử dụng tiềm lực tài chính và các nguồn lực khác của Tổng công ty để đầu tư, góp vốn và tham gia liên kết với các doanh nghiệp khác, đẩy mạnh việc cổ phần hóa và đa dạng hóa sở hữu các đơn vị thành viên của Tổng công ty.
- Sắp xếp lại tổ chức để có bộ máy quản lý, điều hành gọn, nhẹ, giảm bớt đầu mối trung gian, chủ động phân bổ lại lực lượng lao động hiện có cho phù hợp với nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh trong giai đoạn tới.
- Cổ phần hóa các đơn vị hạch toán phụ thuộc theo lộ trình đã phê duyệt. - Huy động vốn nhàn rỗi trong cán bộ công nhân viên và các thành phần kinh tế khác phục vụ công tác đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
- Đầu tư, góp vốn, thành lập các công ty liên kết để khai thác các dự án gồm:
+ Dự án khai thác Trung tâm thương mại, Văn phòng cho thuê tại khu vực bãi Anten - phường Bồ Đề - quận Long Biên - Thành phố Hà Nội.
+ Dự án Tổ hợp dịch vụ kỹ thuật, văn phòng và thương mại tại 58 Trường Sơn - quận Tân Bình - Thành phố Hồ Chí Minh.
4.1.1.3. Lộ trình chuyển đổi
* Giai đoạn đến 05/05/2010:
- Chuẩn bị hồ sơ, tài liệu liên quan đến chuyển đổi doanh nghiệp.
- Tiến hành kiểm kê, phân loại, xác định vốn, tài sản, công nợ Tổng công ty đang quản lý và sử dụng.
- Phân loại, lập danh sách lao động. Phương án sắp xếp lại lao động. - Phương án sử dụng đất của Tổng công ty đang quản lý.
- Lập phương án xử lý tài chính, tài sản; báo cáo tài chính và dự kiến vốn điều lệ.
- Xây dựng mô hình và cơ cấu tổ chức của công ty mẹ. Xây dựng dự thảo Điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty TNHH một thành viên – Tổng công ty Bảo đảm hoạt động bay Việt Nam.
* Giai đoạn từ 06/5 đến 20/5/2010
- Trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định và phê duyệt đề án chuyển đổi. * Giai đoạn từ 21/5 đến 15/6/2010: triển khai thực hiện đề án chuyển đổi:
- Đề xuất nhân sự đảm nhiệm chức danh quản lý điều hành Tổng công ty. - Bộ Giao thông vận tải bổ nhiệm người đại diện theo ủy quyền và các chức danh quản lý điều hành Tổng công ty.
- Hoàn tất chuyển đổi Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật Bảo đảm hoạt động bay thành công ty TNHH một thành viên.
- Thành lập Trung tâm Dịch vụ thương mại Quản lý bay và sẽ cổ phần hóa khi đủ điều kiện.
* Giai đoạn từ 15/6 đến 30/6/2010.
- Tổng công ty tiến hành đăng ký kinh doanh.
- Gửi quyết định chuyển đổi đến các đối tác liên quan và thông báo cho người lao động trong doanh nghiệp.
* Giai đoạn từ 01/7/2010:
- Tổng công ty hoạt động theo mô hình mới.
- Tiếp tục nghiên cứu triển khai việc hình thành các công ty con, công ty liên kết.