Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn
2.1. Cơ sở lý luận
2.1.4. Những yếu tố ảnh hưởng đến quản lý nhà nước về du lịch làng nghề
Du lịch vốn dĩ là một ngành kinh tế nhạy cảm, chịu sự tác động và chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau, từ điều kiện tự nhiên, khí hậu, môi trường, dịch bệnh cho đến kinh tế - xã hội, an ninh – chính trị, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Để có thể đưa ra những định hướng, chiến lược và giải pháp đúng đắn, hiệu quả nhằm phát triển ngành du lịch trở thành một ngành kinh tế của Huyện, chúng ta cần tìm hiểu và đánh giá xác đáng vai trò của các yếu tố ảnh hưởng. Có thể nhìn nhận hai nhóm yếu tố cơ bản dưới đây tác động đến sự quản lý và phát triển du lịch làng nghề truyền thống.
2.1.4.1. Nhóm yếu tố chủ quan
a. Các yếu tố liên quan đến chính sách
Đường lối phát triển du lịch có ý nghĩa cực kì quan trọng đối với mỗi quốc gia, bởi nó chính là chìa khóa đem lại sự thành công cho ngành công nghiệp được ví như “con gà đẻ trứng vàng”. Đường lối phát triển du lịch được biểu hiện cụ thể qua các chiến lược xác định phương hướng, mục tiêu phát triển du lịch về tổng thể dài hạn như: chiến lược đầu tư, xúc tiến, quảng bá du lịch; chiến lược về sản phẩm; nâng cao chất lượng các dịch vụ; giữ gìn, tôn tạo và phát triển tài nguyên môi trường đi kèm với đó là những giải pháp cơ bản nhất để thực hiện chiến lược. Nó góp phần hỗ trợ và giúp các nhà quản lý chủ động trong kế hoạch đầu tư phát triển ngành du lịch, tạo cơ sở xây dựng các quyết sách đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tế.
Như vậy, có thể nói việc xây dựng được chiến lược phát triển, đưa ra được những bước đi đúng hướng sẽ tạo cho ngành du lịch có những bước đột phá mới trong tiến trình hoạt động, ngược lại, nếu đưa ra những đường hướng không phù hợp với quy luật và thực tế phát triển nói chung sẽ trở thành nguyên nhân kìm hãm sự phát triển du lịch.
Sự phát triển của du lịch là đối tượng của QLNN trên địa phương hay khu vực nào đó. Hoạt động du lịch tốt thể hiện qua sự phát triển của du lịch. Khi du lịch phát triển, quy mô của nó ngày càng lớn hơn, phạm vi mở rộng hơn và chất lượng cao hơn cũng như nhiều quan hệ phát sinh và phức tạp hơn. Hay nói cách khác, đối tượng của QLNN về du lịch luôn vận động và thay đổi theo thời gian và theo quy luật kinh tế khách quan, trong khi các quyết định của QLNN mang tính chú quan. Do đó, QLNN về du lịch cũng luôn phải đổi mới toàn diện và có tính khoa học cao từ hoạch định, tổ chức, điều hành tới kiểm soát, điều chỉnh.
b. Các yếu tố liên quan đến kỹ năng quản trị của chính quyền các cấp
Để bảo đảm QLNN về du lịch có hiệu lực và hiệu quả thì yếu tố này rất quan trọng. Yếu tố này được cấu thành bởi bốn thành phần: Tổ chức bộ máy; cơ chế hoạt động; nguồn nhân lực quản lý; nguồn lực cho quản lý. Hoạt động QLNN về du lịch cũng là một hoạt động kinh tế khi nó cung cấp sản phẩm là các quyết định QLNN. Quá trình này cũng đòi hỏi phải có các nguồn lực để thực hiện. Do đó, số lượng điều kiện nguồn lực cũng quyết định tới chất lượng hoạt động của công tác QLNN về du lịch.
Nguồn nhân lực quản lý và lao động trong ngành du lịch: Trước hết là yếu tố năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ, công chức địa phương làm công tác quản lý hoạt động du lịch. Bên cạnh đó, sự phát triển của ngành du lịch địa phương còn phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức, văn hóa, lối sống, trình độ, kỹ năng của đội ngũ lao động trực tiếp tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ du lịch… Muốn có đội ngũ cán bộ quản lý và nguồn lao động du lịch có chất lượng cao, phải chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.
c. Các yếu tố mang tính tổ chức – kỹ thuật
Cơ sở vật chất kỹ thuật ảnh hưởng đến sự sẵn sàng đón tiếp cũng như chất lượng dịch vụ du lịch cung cấp cho khách hàng. Có hai loại cơ sở vật chất kỹ thuật đó là: Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và cơ sở hạ tầng xã hội. Các thành tựu kinh tế, chính trị cũng có sức thu hút đối với nhiều khách du lịch. Các cuộc triển lãm thành tựu kinh tế, kỹ thuật là một ví dụ cho việc thu hút du khách: Các thương nhân tìm đến để thiết lập quan hệ, quảng bá sản phẩm; khách tham quan tìm đến để thỏa mãn những mối quan tâm, hiếu kỳ; các nhà nghiên cứu tìm đến để quan sát, xem xét và học hỏi,….
Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá: Các hoạt động này tác động mạnh mẽ đến sự thu hút, phân bổ luồng khách du lịch, giúp cho khách du lịch nắm được các thông tin về điểm du lịch để họ sắp xếp kế hoạch đi du lịch một cách hợp lý.
2.1.4.2. Nhóm yếu tố khách quan a. Các yếu tố tự nhiên
Là một hoạt động đặc trưng, du lịch chỉ phát triển được trong những điều kiện mà nó cho phép. Trong những điều kiện này có những điều kiện mang tính đặc tính chung thuộc về các mặt của đời sống xã hội, bên cạnh đó do đặc điểm vị trí địa lý từng vùng mà tạo nên những tiềm năng du lịch khác nhau.
Điều kiện tự nhiên là toàn bộ các điều kiện môi trường tự nhiên như: địa hình; khí hậu; nguồn động, thực vật; vị trí địa lý, có nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn… Đây là cơ sở cho quy hoạch phát triển du lịch và các biện pháp chính sách để phát triển sản phẩm du lịch, khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch. Những yếu tố về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên thuận lợi giúp cho việc hoạch định phát triển du lịch và thực thi các quyết định QLNN về du lịch.
b. Các yếu tố kinh tế - xã hội
Tình hình phát triển kinh tế của địa phương là yếu tố quan trọng tác động tới sự phát triển của du lịch và quản lý du lịch. Khi kinh tế phát triển ổn định với môi trường chính sách thuận lợi sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp và du khách thuận lợi tham gia vào các hoạt động du lịch, điều đó cũng thuận lợi cho công tác QLNN. Trong thực tế, sự ổn định chính trị và xã hội được một số nghiên cứu coi như là một đặc điểm của sản phẩm du lịch ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu của nhiều phân đoạn thị trường du lịch. Khi các điều kiện kinh tế, chính trị và xã hội của một điểm du lịch biến động nhiều hơn khả năng dự trữ nguồn tài nguyên thì chúng có thể là nguyên nhân làm vai trò và sự đóng góp của ngành du lịch trong GDP (Tổng sản phẩm quốc nội) không ổn định.