Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn
2.2. Cơ sở thực tiễn
2.2.2. Kinh nghiệm quản lý du lịch làng nghề ở trong nước
2.2.2.1. Làng nghề Đông Hồ, tỉnh Bắc Ninh
Theo Tú Nhi (2009): Làng tranh Đông Hồ Bắc Ninh từ lâu đã nổi tiếng với những sản phẩm tranh đông hồ có giá trị và đặc sắc. Đây cũng là nơi thu hút hàng ngàn du khách ghé thăm mỗi năm. Làng tranh Đông Hồ Bắc Ninh là làng nghề nổi tiếng về tranh dân gian, nằm tại xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cách Hà Nội chừng trên 35 km. Làng Đông Hồ (đôi khi dân địa phương chỉ gọi là làng Hồ) nằm trên bờ nam sông Đuống, cạnh bến đò Hồ, nay là cầu Hồ.
Tranh Đông Hồ, hay tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, là một dòng tranh dân gian Việt Nam với xuất xứ từ làng Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Trước kia tranh được bán ra chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán, người dân nông thôn mua tranh về dán trên tường, hết năm lại lột bỏ, dùng tranh mới.
Sở Du lịch Bắc Ninh liên tục phát động hoạt động của các làng nghề gắn với hoạt động du lịch tại đây và lựa chọn làng tranh Đông hồ để định hướng đầu tư các dịch vụ du lịch, hình thành nên các phòng trưng bày (hay bảo tàng làng nghề) các trạm thông tin và hướng dẫn du lịch. Lễ hội ở các làng nghề truyền thống cũng được khôi phục và duy trì với nhiều nghi thức trang nghiêm với các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật dân gian phong phú, hấp dẫn, mang đậm bản sắc văn hóa.
Chính quyền tỉnh Bắc Ninh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá về du lịch làng nghề như tổ chức tham gia các hội chợ triển lãm, hội chợ du lịch trong nước và quốc tế. Mỗi năm, chợ tranh chỉ nhộn nhịp và tấp nập nhất vào tháng Chạp, họp 5 phiên vào các ngày 6, 11, 16, 21 và 26. Du khách thập phương đổ về mua tranh đông vui, tấp nập. Hàng nghìn, hàng triệu bức tranh các loại được mang ra xếp gọn lại bán cho những lái buôn, hoặc bán lẻ cho các gia đình mua về làm tranh treo tết để mang phú quý, vinh hoa cho nhà mình. Sau phiên chợ tranh cuối cùng (26/12 âm lịch) những gia đình nào còn lại tranh đều bọc kín
đem cất đi chờ đến mùa tranh năm sau lại mang ra chợ tranh bán. Đến chợ tranh làng Hồ không chỉ có khách buôn và mua tranh, mà có cả những người hâm mộ nghệ thuật tranh dân gian thích thăm thú, xem tranh và đi trảy hội mùa xuân.
Giới thiệu thông tin chi tiết về các sản phẩm làng nghề trên các tạp chí, các phương tiện thông tin đại chúng, các sách báo, ấn phẩm mà khách du lịch thường quan tâm theo dõi. Ðẩy mạnh việc trưng bày, Giới thiệu sản phẩm ở các thành phố, đô thị lớn là nơi tập trung nhiều du khách. Các cửa hàng trưng bày này có thể kết hợp giới thiệu về những truyền tích, giai thoại về các vị tổ sư, những người thợ cùng với kinh nghiệm kết tinh trí tuệ nét đẹp văn hóa của những làng nghề.
Liên kết xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các công ty du lịch của tỉnh và các địa phương khác để xây dựng sản phẩm, thường xuyên cập nhật thông tin và có nguồn khách ổn định. Các đơn vị kinh doanh lữ hành cần phối hợp cơ quan quản lý Nhà nước tổ chức tốt các tua du lịch làng nghề để thông qua du khách có thể quảng bá sản phẩm bằng hình thức truyền miệng từ người này sang người khác.
2.2.2.2. Làng hương Xuân Thủy - Huế
Theo Quang Tiến (2013): Làng hương Thủy Xuân nằm ở cửa ngõ của những điểm du lịch, mỗi lần ngang qua du khách đều dừng chân ghé xem người dân làm hương và rất thích thú, dần dần nó thành điểm du lịch cho nhiều du khách đến với vùng đất cố đô Huế. Theo chị Nguyễn Thị Loan - Chủ hộ kinh doanh hương tại phường Thủy Xuân, thành phố Huế, khi du lịch phát triển người dân đã đem hương ra trưng bày, bán cho du khách. Mỗi ngày có khoảng 10-15 đoàn ghé thăm làng làm hương trên trục đường này. Nắm bắt cơ hội đó, người dân Thủy Xuân phát triển làng nghề truyền thống thành sản phẩm du lịch. Trước đây, hương chỉ có hai màu nâu và đỏ. Nhưng để bắt mắt du khách, những người thợ cần mẫn đã tìm cách phối thành nhiều màu để nhuộm. Từng bó hương với đủ loại màu sắc cứ thế níu chân không biết bao đoàn du khách.
Làng nghề liên tục sáng tạo các hoạt động du lịch và xây dựng tuyến du lịch làng nghề thu hút du khách, tạo sự hấp dẫn, mới lạ. Rất nhiều du khách đã về tận các làng nón để được tận mắt chứng kiến và tham gia vào các công đoạn của nghề làm hương. Du khách đã thật sự bất ngờ, thích thú khi được người thợ làm hương trình diễn từng bước làm tỉ mỉ và tự tay làm vật kỷ niệm cho riêng mình
Bà Elaine - một du khách đến từ nước Anh, sau khi được chủ kinh doanh hướng dẫn cũng muốn tự mình làm thử một cây hương. Bà hào hứng nói: “Thật
thú vị và hấp dẫn khi tôi được tự mình làm một cây hương. Những cây hương với đầy đủ màu sắc đỏ, tím, vàng, xanh... trông thật lạ mắt và hấp dẫn”. Còn đối với bà Lane Radford, việc được trải nghiệm làm hương là một kỷ niệm khó quên trong chuyến du lịch đến Huế lần này. Bà Lane Radford - du khách Anh chia sẻ: “Tôi đã nghe chị hướng dẫn viên giới thiệu về hương nhưng những điều tôi thấy quả thật là rất tuyệt. Người dân ở đây thật sáng tạo khi đã tạo ra những loại hương này, vừa thơm lại vừa đẹp. Thật tuyệt”.
Từ lâu, các chủ kinh doanh ở phố làm hương Thủy Xuân, Thành phố Huế đã quen với việc hướng dẫn du khách tự làm hương. Công việc này không những giúp họ bán được hương, mà còn tạo được niềm vui cho du khách mỗi khi đến tham quan tại đây.
Với định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, những năm gần đây, tỉnh quan tâm đến tour du lịch làng nghề Xuân Thủy, xem đây là loại hình du lịch văn hóa tổng hợp đưa du khách tham quan, thẩm nhận các giá trị văn hóa và mua sắm những hàng hóa đặc trưng của các làng nghề truyền thống.
Vào những năm lẻ, festival nghề truyền thống của tỉnh là dịp làng nghề Xuân Thủy tham gia phô diễn, quảng bá sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Đây cũng là điểm nhấn để hình thành tour du lịch làng nghề.
Trong khi nhiều làng nghề truyền thống đang gặp khó khăn cho đầu ra của sản phẩm thì với cách làm này, người dân làng hương Thủy Xuân đã tạo cho sản phẩm của mình một đầu ra ổn định.
2.2.2.3. Làng nghề Vạn Phúc, quận Hà Đông
Nguyễn Thanh Ngân (2017): Nhắc đến Hà Đông, người ta nhắc ngay đến nghề dệt lụa Vạn Phúc có tuổi đời hơn 1000 năm. Nhiều tour du lịch Hà Nội ngày nay có một phần lịch trình ghé qua làng lụa Hà Đông (hay còn gọi là Làng lụa Vạn Phúc).Làng nằm bên bờ sông Nhuệ, thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội khoảng 10km.
Làng Vạn Phúc nổi tiếng với nghề dệt lụa và các sản phẩm từ lụa. Các sản phẩm của làng lụa Vạn Phúc rất đa dạng về mầu sắc, phong phú về chủng loại như gấm, lụa, the, sa, xuyến, băng quế, lĩnh, đoạn, đũi, sa tanh, vải... Nét đặc biệt của lụa Vạn Phúc nói chung là ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Hoa
văn trang trí trên vải lụa rất đa dạng như mẫu Song hạc, mẫu Thọ Đỉnh, mẫu Tứ Quý ... khiến cho các bộ trang phục trở nên duyên dáng, sống động.
Năm 2011-2013, lụa Vạn Phúc được tặng “Thương hiệu vàng Thăng Long”. Năm 2014, làng Vạn Phúc đón nhận Quyết định công nhận kỉ lục Việt Nam “Làng nghề dệt Lụa tơ tằm lâu đời nhất còn duy trì hoạt động đến ngày nay” do Trung tâm sách kỉ lục Việt Nam trao tặng. Và trong nghị quyết của HĐND TP Hà Nội 2015, làng lụa Vạn Phúc cũng được chọn là 1 trong 7 làng nghề truyền thống tiêu biểu của Hà Nội cần được bảo tồn.
Vạn Phúc còn có các di tích làm phong phú thêm các điểm tham quan cho du lịch làng nghề như Chùa Vạn Phúc, đền thờ tổ nghề dệt lụa và khu nhà tưởng niệm Bác hồ, lễ hội truyền thống làng nghề dâng hương cho Đức Thành Hoàng - Ả Lã Đê Nương trong 3 ngày từ 1 đến 3/3 âm lịch hằng năm.
Năm 2016, làng Vạn Phúc chính thức được quy hoạch phát triển thành điểm du lịch chuẩn quốc gia của thành phố Hà Nội theo Kế hoạch số 207/KH- UBND về thực hiện Nghị quyết số 06 của về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020. Khu đất nghiên cứu quy hoạch của làng Vạn Phúc có diện tích khoảng 51,6ha (bao gồm: làng Vạn Phúc hiện có khoảng 38,2ha, khu đất đấu giá Vạn Phúc khoảng 1,84ha, một phần điểm tiểu thủ công nghiệp làng nghề Vạn Phúc khoảng 5,67ha, một phần dự án đầu tư Khu nhà ở khoảng 5,89ha), nằm trên địa giới hành chính phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội.
Trong thời gian qua, cùng với những định hướng và mục tiêu phát triển kinh tế xa hội, đặc biệt là Kế hoạch phát triển du lịch của Thành phố Hà Nội hằng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội và quận Hà Đông đã và đang thực hiện quản lý du lịch nói chung và du lịch làng nghề nói riêng. Tại UBND quận, phòng Văn hóa - Thông tin là cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận có chức năng tham mưu giúp UBND quận thực hiện quản lý nhà nước về công tác du lịch trực tiếp nhận chỉ đạo và triển khai các hoạt động theo đúng phân cấp của Thành phố và UBND quận.
Về hoạt động nghiệp vụ du lịch: Phòng VHTT - UBND quận tập trung xây dựng các chương trình, dự án triển khai kế hoạch số Kế hoạch số 207/KH- UBND của UBND Thành phố về phát triển du lịch Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020: rà soát tiềm năng khai thác du lịch trên cơ sở các di tích lịch sử của làng
nghề; tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch làng nghề Vạn Phúc năm 2014, Liên hoan du lịch làng nghề Hà Nội 2016, Hội chợ thương mại làng nghề truyền thống Hà Đông 2017; Tổ chức 12 lớp tập huấn về nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch và lớp nghiệp vụ lễ tân khách sạn nhà hàng; Sở Du lịch phối hợp với Quận ủy hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn thực hiện kinh doanh đúng pháp luật, chấp hành đầy đủ chính sách pháp luật của nhà nước, kinh doanh lành mạnh, văn minh, lịch sự, cạnh tranh bình đẳng.
Về hoạt động quy hoạch và phát triển tài nguyên du lịch: Hoạt động quy hoạch và phát triển tài nguyên du lịch của Sở và Quận ủy giai đoạn qua đóng vai trò định hướng cho du lịch làng nghề; xây dựng các chiến lược về thị trường, sản phẩm du lịch. Khu đất nghiên cứu quy hoạch khoảng 51,6 ha (bao gồm: làng Vạn Phúc hiện có khoảng 38,2 ha, khu đất đấu giá Vạn Phúc khoảng 1,84 ha, một phần điểm tiểu thủ công nghiệp làng nghề Vạn Phúc khoảng 5,67 ha, một phần dự án đầu tư Khu nhà ở Galaxy 1 khoảng 5,89ha), nằm trên địa giới hành chính phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội.
Về công tác thanh tra hoạt động du lịch: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội triển khai và thực hiện cũng với sự phối hợp của Quận ủy đã thực hiện chương trình kế hoạch công tác thanh tra hằng năm.