Tốc độ phát triển công nghiệp của tỉnh Bình Dương trong những năm gần đây tăng nhanh, các khu công nghiệp đã hoạt động có tỷ lệ diện tích lấp đầy cao, đồng thời các KCN mới hình thành cũng đang thu hút được nhiều nhà đầu tư. Hoạt động công nghiệp đã và đang thải ra môi trường một lượng chất thải lớn và gia tăng theo thời gian. Do đó nguy cơ ô nhiễm môi trường do hoạt động công nghiệp là rất lớn. Các vấn đề ô nhiễm bao gồm cả nước thải công nghiệp, khí thải công nghiệp và chất thải rắn nguy hại. Một số vấn đề cần quan tâm hiện nay bao gồm:
2.3.1.Ô nhiễm do nước thải công nghiệp
Nước thải công nghiệp có thể làm suy giảm chất lượng nguồn nước mặt của Tỉnh, trong đó nguy cơ lớn nhất là tình trạng sông Sài Gòn đang là nguồn tiếp nhận phần lớn lượng nước thải của các khu/cụm công nghiep và các doanh nghiệp nằm ngoài KCN trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Tải lượng ô nhiễm vào sông Sài Gòn sẽ tiếp tục gia tăng nếu không có các giải pháp tăng cường kiểm soát các nguồn nước thải công nghiệp. Hậu quả có thể là khả năng khai thác nước sông Sài Gòn phục vụ cấp nước sẽ bị hạn chế trong tương lai gần. Ô nhiễm nước thải do hoạt động của các cụm công nghiệp, các cơ sở công nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp là vấn đề cấp bách nhất. Theo ước tính có khoảng 30.000 m3 nước thải từ các cơ sở này thải ra môi trường. Các vấn đề chính đối với nhóm nguồn thải này gồm: (i)thành phần nước thải có hàm lượng các chất ô nhiễm và các chất độc hại cao do phát sinh từ các ngành đặc thù: giấy, bột giấy, chế biến mủ cao su, dệt nhuộm, chế biến thực phẩm; (ii)nguồn thải phân tán rộng trên địa bàn toàn Tỉnh nên công tác quản lý giám sát rất khó khăn và (iii)việc tuân thu các quy định môi trường nếu không được thực hiện tốt sẽ gây khó khăn thêm cho các cơ quan quản lý môi trường.
2.3.2.Ô nhiễm khí thải công nghiệp
Khí thải do hoạt động của một số ngành đặc thù (gỗ, gốm sứ, gạch ngói, khai thác chế biến đất đá…) ở Bình Dương là vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay. Các vấn đề ô nhiễm chính là bụi, ồn, hơi dung môi hữu cơ và khí thải của quá trình đốt nhiên liệu.
2.3.3.Vấn đề quản lý chất thải rắn công nghiệp
Công tác quản lý chất thải rắn công nghiệp và chất thải công nghiệp nguy hại hiện nay còn rất hạn chế. Hệ thống quản lý đồng bộ chưa được thiết lập, cơ sở xử lý chất thải nguy hại tập trung chưa có. Hiện nay một xí nghiệp xử lý chất thải tập trung đã được thiết lập tuy nhiên đang ở giai đoạn đầu của dự án và mới chỉ quản lý được một phần chất thải rắn đô thị. Khu vực Nam Bình Dương hiện nay có nguy cơ tồn lưu nhiều loại chất thải nguy hại chưa được xử lý.