Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2010
- Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, mở rộng và phát triển các đô thị.
- Thị xã Thủ Dầu Một giữ vai trò trung tâm, tập trung các cơ sở kinh tế kỹ thuật chủ yếu tạo ra động lực phát triển của toàn tỉnh.
- Phát triển các đô thị độc lập hoặc vệ tinh lân cận là các thị trấn công nghiệp, hình thành chùm đô thị Nam Bình Dương.
- Động lực chủ yếu đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bình Dương là phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ.
- Trước hết là phát triển các khu công nghiệp tập trung dựa vào lợi thế của vùng kinh tế trọng điểm, thu hút được nhiều dự án phát triển công nghiệp đồng thời đảm bảo cho việc đáp ứng nhanh cơ sở hạ tầng và bảo vệ môi trường với mục tiêu phát triển ổn định, bền vững.
- Dự kiến hình thành 13 khu công nghiệp tập trung của tỉnh. Các khu công nghiệp này đều nằm trên hành lang công nghiệp của Tỉnh2. Hành lang này nằm trên vùng đất đồi cao (trên 20m so với mặt biển) là vùng đất ít thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nhưng rất thuận lợi cho xây dựng, dễ giải tỏa, đền bù thấp. Hơn nữa nằm cạnh các tuyến giao thông quan trọng trong tỉnh như QL 13, tỉnh lộ 741, 742, 743, ga đường sắt Sóng Thần, sân bay, bến cảng của vùng kinh tế trọng điểm phía nam - cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh 40 km; gần các nguồn cấp điện, cấp nước, các trung tâm đô thị và khu dan cư, lao động trẻ có trình độ văn hóa, tay nghề khá.
Trên cơ sở qui hoạch tổng thể kinh tế xã hội tỉnh cần vốn đầu tư rất lớn vào cơ sở hạ tầng, phát triển công nghiệp, xử lý ô nhiễm môi trường và các công trình phúc lợi xã hội khác. Do vậy, ngoài chính sách chung của Chính phủ, tỉnh sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư khảo sát thị trường và khuyến khích đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, các công trình phúc lợi xã hội. Với mong muốn các nhà đầu tư tìm thấy không những cơ hội đầu tư mà còn có thiện chí trên cơ sở hợp tác đôi bên cùng có lợi, tỉnh đang triển khai cải tiến và từng bước hoàn thiện thủ tục có liên quan đến hồ sơ đầu tư trên cơ sở pháp luật để các dự án sớm được tiến hành và đi vào hoạt động.
Các giải pháp được thực hiện quy hoạch
Tất cả các dự án khi đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Dương đều thực hiện theo cơ chế một cửa một cách nhanh chóng, thuận lợi. Hiện tỉnh có hai Ban quản lý KCN là Ban quản lý các KCN Bình Dương và Ban quản lý KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) được Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư uỷ quyền cấp phép đầu tư (từ 40 triệu USD trở xuống).
Với cơ chế thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xét, cấp phép đầu tư được nhanh chóng, đúng luật các nhà đầu tư khi có nhu cầu đầu tư tại Bình Dương chỉ cần đến liên hệ tại một cơ quan đầu mối để được hướng dẫn và giải quyết các thủ tục đầu tư.
Các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh hỗ trợ và phục vụ thiết thực cho các nhà đầu tư triển khai dự án sau khi được cấp phép đầu tư.
Đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống trường dạy nghề để đào tạo và cung ứng lao động cho các đơn vị và đặc biệt là các KCN, đảm bảo cả về số lượng lẫn chất lượng lao động. Hình thành và phát triển các khu dân cư (KDC), đô thị gắn liền với các KCN tập trung, hình thành mạng lưới dịch vụ cho quá trình xây dựng và hoạt động của các KCN tập trung.
Đối với các dự án đầu tư trong các KCN tập trung các nhà đầu tư nhất là trên lĩnh vực điện tử, chế biến nông sản phẩm xuất khẩu với công nghệ kỹ thuật tiên tiến sẽ được khuyến khích với giá cho thuê đất giảm hơn giá bình quân.
Đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực giao thông, qui hoạch phát triển vùng rau xanh sạch để cung cấp cho khu đô thị, chế biến nông sản, chăn nuôi, đầu tư phát triển cây công nghiệp dài ngày như cao su ở phía Bắc của tỉnh sẽ được đặc biệt khuyến khích như: giá cho thuê đất giảm, nhà nước đầu tư hỗ trợ hệ thống kỹ thuật hạ tầng.
Bảng 4-Các chỉ tiêu KTXH đến năm 2010 của tỉnh Bình Dương
Lọai hình kinh tế 2000 2005 2010
Giá trị Tỷ lệ % Giá trị Tỷ lệ % Giá trị Tỷ lệ %
Công nghiệp 1.817,5 49,4 3.485,7 53,4 6.517,6 55,0
Nông-lâm-thủy sản 736,0 20,0 906,3 13,9 1.097,4 9,2
Dịch vụ 985,0 26,8 1.855,3 28,4 3.651,3 30,8
(Nguồn: www.binhduong.gov.vn)
Bảng trên cho thấy cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng CNH - HĐH toàn vùng. Bên cạnh đó hoàn thiện và hiện đại dần hệ thống cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ. Phát triển kinh tế - xã hội tổng thể trong giai đoạn đến 2010 có nhiều biến chuyển mà mục tiêu là phát triển kinh tế - xã hội phải đi đôi với bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, khai thác sử dụng tài nguyên, sử dụng đất đai tiết kiệm và có hiệu quả.