Các yếu tố chính ảnh hưởng đến quản lý di dân vùng xung yếu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý công tác di dân vùng xung yếu tại huyện quỳnh phụ, tỉnh thái bình (Trang 35 - 38)

2.1.4.1. Nhóm yếu tố về cơ chế, chính sách của nhà nước và địa phương

+ Chính sách

Theo Nguyễn Quốc Tuấn (2009): Chính sách là những chuẩn tắc cụ thể để thực hiện đường lối, nhiệm vụ. Chính sách được thực hiện trong một thời gian nhất định, trên những lĩnh vực cụ thể nào đó. Bản chất, nội dung và phương hướng của chính sách tùy thuộc vào tính chất của đường lối, nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, … Như vậy, có thể hiểu: Chính sách là chương trình hành động do các nhà lãnh đạo hay nhà quản lý đề ra để giải quyết một vấn đề nào đó thuộc

phạm vi thẩm quyền của mình. Các chính sách có thể được đề ra và thực hiện ở

những cấp khác nhau, từ các tổ chức quốc tế đến từng quốc gia, từ nhà nước đến các đơn vị, tổ chức chính trị xã hội, ... nhằm giải quyết những vấn đề đặt ra cho mỗi tổ chức đó và chúng chỉ có hiệu lực thi hành trong tổ chức đó.

+ Cơ chế

Theo Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học biên soạn và xuất bản năm 2000 thì “cơ chế là cách thức mà theo đó một quá trình được thực hiện.” Như vậy, khi nói đến trách nhiệm quản lý của bộ, ngành và của người đứng đầu bộ, ngành là nói đến cách thức mà theo đó việc quản lý, điều hành của bộ, ngành đó, của người đứng đầu thực hiện việc quản lý, điều hành, là mối quan hệ, điều phối, phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan, giữa bộ, ngành đó với Chính phủ và các cơ quan công quyền cũng như với người dân.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho các hộ dân di chuyển từ vùng xung yếu vào khu vực an toàn, đồng thời thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách mới đảm bảo phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế xã hội chung của đất nước.

Bên cạnh đó, tùy theo điều kiện phát triển kinh tế của mỗi địa phương mà có cơ chế chính sách hỗ trợ riêng, giúp các hộ dân giảm bớt khó khăn khi thực hiện việc di chuyển.

Tuy việc di chuyển vào nơi ở mới để bảo đảm an toàn cuộc sống là rất cần thiết nhưng với hầu hết các hộ dân đang sinh sống ở vùng xung yếu thì đây vẫn là

những tiền đề quan trọng để các hộ dân xem xét, quyết định việc có nên di chuyển vào khu tái định cư để ổn định cuộc sống hay không.

Hiện nay, mặc dù Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương đã ban hành rất nhiều các cơ chế, chính sách hỗ trợ như: chính sách về đất đai, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, chính sách hỗ trợ trực tiếp hộ gia đình, chính sách hỗ trợ cộng đồng bố trí dân cư xen ghép, hỗ trợ ổn định dân cư tại chỗ và các chính sách khác, ... nhưng mới chỉ dừng ở việc hỗ trợ quyền sử dụng đất và các tài sản trực tiếp, chưa tính đến các tài sản gián tiếp (như lợi thế từ chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, đánh bắt cá, …), nên mức hỗ trợ còn hạn chế (còn thấp hơn tài sản thực tế của các hộ rất nhiều), kinh phí hỗ trợ không kịp thời, một số chính sách chưa phù hợp, ... chưa đáp ứng được nhu cầu ổn định tại nơi ở mới của các hộ di chuyển.

2.1.4.2. Nhóm yếu tố về điều kiện tự nhiên

+ Đất đai: Là yếu tố đầu vào đầu tiên, là điều kiện cần của các dự án di dân vào khu tái định cư vì phải có đủ diện tích đất đai cần thiết thì các địa phương mới có thể quy hoạch được các điểm tái định cư.

Đối với các hộ dân, đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt, đất sản xuất có yếu tố quyết định đến việc các hộ có đến định cư tại nơi ở mới hay không vì thu nhập chủ yếu của các hộ là từ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trên sông. Khi đến khu tái định cư, việc nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trên sông là không khả thi, vì vậy sản xuất nông nghiệp trở thành nguồn thu chính của các hộ di dân. Tại các điểm tái định cư có chất đất tốt, phù hợp với sản xuất nông nghiệp và thói quen canh tác của các hộ dân thì khả năng thu hút các hộ di chuyển khỏi vùng xung yếu cũng sẽ cao hơn và ngược lại.

Bên cạnh đó, yếu tố về nguồn nước, thời tiết, khí hậu, môi trường ... cũng đóng góp vai trò quan trọng trong hiệu quả của các dự án. Với những dự án di dân nội vùng thì các yếu tố trên ảnh hưởng không nhiều tuy nhiên với những dự án di dân ngoại vùng thì sự khác biệt về thời tiết, khí hậu, môi trường, nguồn nước không thuận lợi, ... là những thách thức lớn đối với công tác quản lý các dự án di dân.

2.1.4.3. Nhóm yếu tố về điều kiện kinh tế - xã hội

+ Vốn: Trong sản xuất nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng, vốn là điều kiện cho các hộ di dân đảm bảo cuộc sống ban đầu và việc tiếp cận được

các nguồn vốn cho phép họ có khả năng tiến hành phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, đối với các hộ di dân vùng xung yếu, việc tiếp cận được với nguồn vốn là khá khó khăn, do việc ưu đãi trong vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội còn hạn chế như mức vay thấp, đối tượng vay theo quy định chỉ áp dụng cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách, … trong khi các hộ ở vùng xung yếu về cơ bản không thuộc các đối tượng trên.

+ Cơ sở hạ tầng: Cơ sở hạ tầng đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội, các nguồn lực cho sản xuất. Việc đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội sẽ góp phần ổn định đời sống cho các hộ di dân vùng xung yếu, đặc biệt là hạ tầng về thủy lợi, cấp nước sạch, điện sinh hoạt, giao thông… sẽ làm thu nhập tăng, mức độ thụ hưởng các dịch vụ công cộng của người di dân được cải thiện.

+ Phong tục tập quán: Mỗi địa phương, mỗi thôn, làng có phong tục tập quán riêng, có nét sinh hoạt văn hóa mang bản sắc riêng và phương thức sản xuất riêng. Sự pha trộn, xen ghép giữa các hộ mới chuyển đến và các hộ sở tại nếu không được xử lý tốt mối quan hệ này sẽ dẫn đến sự chia rẽ, mất đoàn kết trong khu tái định cư.

2.1.4.4. Nhóm yếu tố về vai trò của chính quyền

Chính quyền đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển sản xuất và ổn định đời sống cho các hộ dân vùng xung yếu. Nếu các hộ này, nhận được sự quan tâm hỗ trợ cụ thể của Chính quyền thông qua các chính sách của Đảng, Nhà nước hiện nay như: Giao quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất lâu dài và hỗ trợ sản xuất sẽ giúp các hộ này sớm ổn định cuộc sống và hòa nhập với các hộ dân sở tại.

Vai trò của chính quyền còn được thể hiện trong công tác chỉ đạo, ban hành các quyết định, kết nối các hoạt động trong quản lý việc di dân, các hoạt động hỗ trợ, tuyên truyền và đào tạo nghề cho các hộ di dân, .... Năng lực của chính quyền tốt, có hiệu lực quản lý, ... sẽ làm cho công tác di dân đạt kết quả tốt và ngược lại.

Mặt khác, với các địa phương có nguồn lực mạnh, có cơ chế hỗ trợ riêng cho các hộ di chuyển (ngoài cơ chế hỗ trợ của cấp trên theo quy định) thì khả năng hoàn thành các dự án di dân cũng cao hơn các địa phương còn khó khăn về nguồn ngân sách.

2.1.4.5. Nhóm yếu tố về đối tượng di chuyển

+ Nguồn lực kinh tế: Thực tế cho thấy, các hộ dân có nguồn lực kinh tế từ mức khá trở lên có nhu cầu vào khu tái định cư để ổn định cuộc sống cao hơn so với các hộ nghèo, cận nghèo. Vì ngoài phần được nhà nước hỗ trợ, kinh phí phải bỏ ra thêm để xây dựng nhà tại nơi ở mới là khá lớn, cũng là một khó khăn đối với các hộ gia đình.

+ Độ tuổi: Với các chủ hộ có độ tuổi cao, nhu cầu di chuyển chỗ ở là rất thấp vì tâm lý chung đều ngại phải xây dựng lại nhà cửa tại nơi ở mới do khối lượng công việc quá lớn.

+ Trình độ văn hóa, nhận thức: Người dân có trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật và kỹ năng lao động, nhận thức tốt sẽ dễ dàng tiếp tiếp thu được các tiến bộ khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm tiên tiến vào sản xuất tại nơi ở mới, vì vậy hiệu quả của dự án di dân cũng sẽ tăng lên.

Tóm lại: Có rất nhiều các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác di

dân vùng xung yếu. Việc xem xét các yếu tố ảnh hưởng này cho phép nhà quản lý đề ra được các giải pháp phù hợp để giảm thiểu các ảnh hưởng xấu, góp phần ổn định đời sống cho các hộ di dân vùng xung yếu và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý công tác di dân vùng xung yếu tại huyện quỳnh phụ, tỉnh thái bình (Trang 35 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(133 trang)