Các yếu tố về điều kiện kinh tế xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý công tác di dân vùng xung yếu tại huyện quỳnh phụ, tỉnh thái bình (Trang 108 - 110)

+ Về vốn:

- Đối với các hộ di dân của xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Phụ, nguồn vốn để thực hiện việc di chuyển, xây dựng nhà tại khu tái định cư và đầu tư sản xuất, ổn định cuộc sống chủ yếu là từ nguồn hỗ trợ theo cơ chế, chính sách của tỉnh và vốn tự có của các hộ.

- Theo kết quả khảo sát, số hộ gia đình có nhu cầu vay vốn ngân hàng hoặc vay vốn từ bạn bè, người thân để đầu tư vào sản xuất và nâng cấp các công trình phục vụ cuộc sống là 33,3%. Trong số đó, có 20% số hộ được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách. Số hộ được vay vốn không cao một phần vì các hộ không có nhu cầu, bên cạnh đó việc tiếp cận được với các nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng và các tổ chức tín dụng là rất khó khăn, do việc ưu đãi trong vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội còn một số hạn chế như mức vay thấp, thủ tục phức tạp, đối tượng vay theo quy định chỉ áp dụng cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách, … trong khi các hộ ở vùng xung yếu về cơ bản không thuộc các đối tượng trên. Có thể nói, những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay (đặc biệt là các nguồn vốn ưu đãi) cũng làm ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả của các dự án di dân.

+ Cơ sở hạ tầng:

Tại khu tái định cư được quy hoạch, Ủy ban nhân dân huyện và xã Quỳnh Lâm đã đầu tư san lấp mặt bằng, phân lô đất nền và xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ bao gồm: Hệ thống đường giao thông trục chính, đường nhánh, hệ thống đường điện sinh hoạt, mỗi hộ được trang bị một giếng khoan, hệ thống cung cấp nước sạch và tiêu thoát nước, nhà văn hóa khu dân cư, ... đã đáp ứng được cơ bản các nhu cầu của nhân dân.

Vì được thực hiện xây dựng mới, đồng bộ nên hạ tầng ở khu tái định cư tốt hơn rất nhiều so với khu vực xung yếu.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng, tác động tích cực đến tâm lý của các hộ dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện di chuyển của các hộ dân và tiến độ chung của dự án.

Theo kết quả khảo sát, mức độ hài lòng của các hộ dân được khảo sát về cơ sở hạ tầng khu tái định cư được tổng hợp như sau:

- Có 73,3% số hộ được hỏi cho rằng cơ sở hạ tầng khá tốt, đáp ứng được nhu cầu trong sinh hoạt và sản xuất của các hộ;

- Có 26,7% các hộ cho rằng cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được kỳ vọng, lý do các hộ đưa ra là: hệ thống đường nội bộ trong khu tái định cư còn nhỏ, chưa được cứng hóa, chưa có nhà văn hóa thôn và sân thể thao thôn để tổ chức các sinh hoạt cộng đồng, hệ thống điện với công suất nhỏ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế trong thời gian tới. Đây cũng là những ý kiến cần được đưa vào xem xét để có giải pháp khắc phục đối với các dự án sau.

Với các hộ gia đình tự thực hiện di chuyển của xã An Khê và xã An Thanh, các yếu tố về điều kiện kinh tế không có ảnh hưởng quá nhiều vì các hộ thực hiện di chuyển theo hình thức tự phát nên thường quyết định di chuyển sau khi đã xem xét, tính toán về nguồn vốn tự có của gia đình và lựa chọn khu vực để ổn định cuộc sống. Qua khảo sát cho thấy, các hộ đều thực hiện việc di chuyển vào khu xen ghép, nơi có các hộ dân đã sinh sống ổn định từ rất lâu, đã được đầu tư trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới nên đều có cơ sở hạ tầng tương đối tốt.

+ Phong tục tập quán

Qua điều tra cho thấy, ở mỗi vùng xung yếu khác nhau, các hộ dân lại có nếp sống, thói quen sinh hoạt khác nhau và khác với tình hình chung:

- Ở xã Quỳnh Lâm và An Khê, nhịp sinh học được bắt đầu và kết thúc từ rất sớm. Các hộ thường lao động, sản xuất từ sáng sớm đến 10 giờ, tranh thủ ăn trưa, nghỉ và bắt đầu làm việc buổi chiều vào 11 giờ, kết thúc vào 15 giờ, 16 giờ các hộ ăn bữa tối và đến 20 giờ là giờ đi ngủ.

- Ở xã An Thanh thì gần như ngược lại, các hộ thường bắt đầu ngày làm việc rất muộn và kết thúc khi trời đã tối khuya.

Ngoài ra, các hộ vùng xung yếu còn có một số điểm chung, đó là sự khép kín trong quan hệ, ít giao lưu: Các hộ thường ít tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng của xã tổ chức, …; tính cục bộ địa phương cao hơn ở các nơi khác trên địa bàn xã.

Tuy các thói quen, phong tục có sự khác biệt này không ảnh hưởng nhiều đến kết quả thực hiện dự án nhưng để các hộ ổn định cuộc sống, hòa nhập thật tốt với dân cư tại khu vực tái định cư đòi hỏi sự điều chỉnh trong cách sống, làm việc của các hộ dân vùng xung yếu, đồng thời cũng cần có sự quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn của chính quyền địa phương cũng như các hộ dân sở tại.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý công tác di dân vùng xung yếu tại huyện quỳnh phụ, tỉnh thái bình (Trang 108 - 110)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(133 trang)