Cơ chế, chính sách của nhà nước và địa phương

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý công tác di dân vùng xung yếu tại huyện quỳnh phụ, tỉnh thái bình (Trang 103 - 107)

Căn cứ Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020”; Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định số 2994/QĐ-UBND về chính sách hỗ trợ các hộ gia đình di chuyển chỗ ở từ vùng xung yếu ngoài đê vào khu tái định cư của xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Phụ. Theo đó, các hộ dân thực hiện di chuyển được áp dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ như sau:

a) Giao đất ở tại khu tái định cư:

Mỗi hộ gia đình được giao 01 lô đất ở tại khu tái định cư và được miễn tiền sử dụng đất. Hộ có diện tích đất ở tại nơi ở cũ lớn hơn diện tích được giao tại vùng tái định cư (nằm trong hạn mức quy định: xã Quỳnh Lâm là 200 m2/hộ) thì được hỗ trợ bằng tiền đối với diện tích đất chênh lệnh theo giá đất của bảng giá đất hiện hành do UBND tỉnh phê duyệt. Hộ có diện tích đất ở tại nơi ở cũ nhỏ hơn diện tích được giao tại vùng tái định cư thì phải nộp thêm tiền cho diện tích đất chênh lệch theo quy định nêu trên, trước mắt cho các hộ nợ lại số tiền này.

b) Hỗ trợ đất vườn liền kề:

Hộ gia đình có đất vườn liền kề đất ở tại nơi ở cũ được hỗ trợ 50% giá đất ở trên toàn bộ diện tích đất vườn liền kề theo giá đất của bảng giá đất hiện hành do Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

c) Hỗ trợ tài sản trên đất:

- Hỗ trợ đối với công trình xây dựng trên đất bằng 80% mức bồi thường. - Mức hỗ trợ đối với cây lâu năm được trồng trên diện tích đất vườn liền kề đất ở bằng 50% mức bồi thường. Đối với cây hàng năm nằm trên diện tích đất vườn liền kề đất ở không được hỗ trợ, các hộ thực hiện bàn giao đất cho UBND xã quản lý ngay sau khi thu hoạch xong cây trồng thời vụ hiện tại.

d) Hỗ trợ kinh phí di chuyển:

Mức hỗ trợ di chuyển của hộ gia đình trong nội vùng là 20 triệu đồng/hộ.

đ) Quản lý đất thu hồi:

Những diện tích đất đã được hỗ trợ giao cho Ủy ban nhân dân xã quản lý, sử dụng vào mục đích quy hoạch thoát lũ.

e) Nguồn vốn hỗ trợ: Ngân sách nhà nước.

Trong quá trình thực hiện, do phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc nên ngày 24/9/2013 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2073/QĐ-UBND về việc ban hành chính sách hỗ trợ bổ sung cho các hộ gia đình di chuyển chỗ ở từ vùng xung yếu ngoài đê vào khu tái định cư của xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Phụ. Quyết định 2073/QĐ-UBND với một số cơ chế hỗ trợ bổ sung cho từng đối tượng với các nội dung cụ thể như sau:

- Hộ gia đình có đất ao liền kề đất ở tại nơi ở cũ được hỗ trợ bằng 50% giá đất ở trên toàn bộ diện tích đất ao liền kề theo giá đất của Bảng giá đất hiện hành do Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

- Hỗ trợ các hộ gia đình chính sách trên địa bàn vùng xung yếu ngoài đê theo Đề án xây dựng nhà ở cho gia đình người có công của tỉnh với mức 50 triệu đồng/hộ để các hộ có thêm kinh phí di chuyển, xây dựng nhà tại khu tái định cư.

Tiền hỗ trợ tạm thời chi trả cùng với tiền bố trí thực hiện dự án di dân từ vùng xung yếu ngoài đê vào khu tái định cư xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Phụ; theo cơ chế, chính sách hỗ trợ tại Quyết định số 2994/QĐ-UBND ngày 19/12/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh và sẽ được cân đối sau.

- Đối với các hộ gia đình có đất (được tách từ năm 2008 về trước) đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng chưa xây nhà, vẫn sống chung với bố mẹ tại vùng xung yếu ngoài đê được giao 01 lô đất ở tại khu tái định cư và được miễn tiền sử dụng đất (theo hình thức đất đổi đất) thực hiện theo Quyết định số 2994/QĐ-UBND ngày 19/12/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Các hộ gia đình, cá nhân có đất, tài sản hoặc được thừa kế và đã làm thủ tục thừa kế theo quy định tại vùng xung yếu ngoài đê nhưng hiện tại đang sinh sống ở nơi khác thì được hưởng chính sách bồi thường để thu hồi đất theo Quyết định số 16/2009/QĐ-UBND ngày 03/11/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Có thể nói, các cơ chế, chính sách được UBND tỉnh Thái Bình ban hành rất hợp lý, hợp tình, đúng quy định của Nhà nước, góp phần giảm bớt khó khăn và đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của các hộ dân.

Tuy nhiên, theo đánh giá của một số hộ, cơ chế, chính sách nhà nước ban hành vẫn chưa được thỏa đáng, kết quả điều tra được thể hiện trong biểu đồ sau:

Biểu đồ 4.6. Đánh giá về chính sách hỗ trợ của các hộ

Theo kết quả khảo sát, đa số các hộ cho rằng cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước là tốt, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân (53,3%). Tuy nhiên vẫn còn khá nhiều hộ cho rằng quy định về cơ chế, chính sách như vậy là ở mức trung bình (36,7%), cá biệt còn có hộ đánh giá ở mức kém (10,0%), nguyên nhân theo các hộ là do cơ chế, chính sách còn một số bất cập như: mức hỗ trợ thấp, chưa tương xứng với tài sản hiện có, không có cơ chế hỗ trợ cho việc mất sinh kế (chăn nuôi, đánh bắt thủy sản, …), cơ chế hỗ trợ còn chậm, nhiều thủ tục, … một số hộ chưa đồng tình và đề nghị ngoài cơ chế hỗ trợ của tỉnh thì huyện và xã cũng phải có cơ chế hỗ trợ cho các hộ dân.

Đây cũng là một trong những vấn đề cần được nghiên cứu, điều chỉnh để nâng cao hiệu quả của các dự án sau.

- Nhận xét của cán bộ huyện về ý kiến của các hộ dân

Hộp 4.4. Nhận xét, đánh giá về ý kiến của các hộ dân

 Những bất cập mà các hộ dân đưa ra như trên là khá hợp lý, nhưng đây là dự án an sinh xã hội, cần phải có sự chung tay, góp sức của các hộ dân, sự đóng góp từ các nguồn xã hội hóa.

 Mặt khác, nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nên thủ tục, quy trình phải thực hiện theo luật ngân sách, vì vậy sẽ rất khó khăn trong việc khắc phục những tồn tại, hạn chế trên.

Ông: Nguyễn Ngọc Lăng

Chức vụ: Cán bộ phụ trách công tác di dân của huyện.

Trong thực tế, việc giải quyết được hết các đòi hỏi, bất cập của các hộ dân đưa ra là không thể thực hiện được, vì vậy các địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác vận động, tuyên truyền để nhân dân hiểu, đây là dự án đảm bảo an toàn cho chính các hộ và cần phải chia sẻ khó khăn, đồng thời ủng hộ chính quyền địa phương các cấp trong quá trình thực hiện dự án.

Đối với các hộ di chuyển của xã An Khê và xã An Thanh, do thực hiện di chuyển theo hình thức tự phát nên không được hưởng cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước. Đây cũng là một vấn đề cần được các cấp chính quyền quan tâm, xem xét, hỗ trợ để khuyến khích và tạo điều kiện cho các hộ di chuyển giảm bớt khó khăn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý công tác di dân vùng xung yếu tại huyện quỳnh phụ, tỉnh thái bình (Trang 103 - 107)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(133 trang)