4.2.1.1. Quy hoạch chung
Trong những năm gần đây, công tác lập quy hoạch chung gắn với quy hoạch Nông thôn mới đã được huyện Quỳnh Phụ và các địa phương tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện khá tốt.
Việc lập, phê duyệt và công khai quy hoạch được các địa phương thực hiện theo một quy trình chung: Căn cứ vào hiện trạng và nhu cầu sử dụng đất trong những năm tiếp theo, Ủy ban nhân dân cấp xã xây dựng quy hoạch chung của địa phương; tổ chức lấy ý kiến của các trưởng thôn và các ban, ngành có liên quan; xin ý kiến thỏa thuận của các Sở chuyên ngành có liên quan, sau đó trình Ủy ban nhân dân huyện thẩm định và phê duyệt. Bản vẽ quy hoạch được niêm yết công khai tại trụ sở hành chính, tại các khu trung tâm của xã và tại các nhà văn hóa của thôn.
Trong bản vẽ quy hoạch chung, diện tích đất dùng để xây dựng khu tái định cư, phục vụ cho việc di chuyển các hộ dân vùng xung yếu trong những năm tới cũng được thể hiện khá rõ. Qua khảo sát thực tế, có đến 100% số hộ dân được hỏi đều biết về các bản vẽ quy hoạch được địa phương công bố. Tuy nhiên, việc đánh giá của các hộ về quy hoạch là rất khác nhau.
Kết quả đánh giá về công tác quy hoạch chung của các hộ khảo sát được tổng hợp như sau:
Bảng 4.8. Đánh giá về công tác lập quy hoạch chung của các hộ
Nội dung điều tra Xã Quỳnh Lâm Xã An Khê Xã An Thanh
Số hộ Tỷ lệ Số hộ Tỷ lệ Số hộ Tỷ lệ Đánh giá về công tác QH 60 30 30 Tốt 40 66,67 16 53,33 18 60,00 Khá 11 18,33 7 23,33 6 20,00 Trung bình 7 11,67 4 13,33 5 16,67 Kém 2 3,33 3 10,00 1 3,33
Nguồn: Tổng hợp từ kết quả điều tra (2016)
Theo bảng tổng hợp trên, cơ bản các hộ đều đánh giá công tác lập quy hoạch ở mức “Tốt” và “Khá”, một số ít các hộ đánh giá ở mức “Trung bình”, cá biệt có một số hộ đánh giá ở mức “kém”.
Qua khảo sát cho thấy, vẫn còn một số hộ chưa đánh giá cao công tác lập quy hoạch, nguyên nhân chính là do các xã mới chỉ thực hiện việc lấy ý kiến đến trưởng thôn và đại diện các ban, ngành của xã, chưa tổ chức các cuộc họp ở các thôn để xin ý kiến trực tiếp của các hộ dân, chỉ đến khi quy hoạch được công khai, các hộ dân mới biết cụ thể diện tích được quy hoạch khu, điểm tái định cư nằm ở vị trí nào.
Việc xây dựng quy hoạch chưa có ý kiến tham gia trực tiếp của các hộ dân cũng là một trong những tồn tại, hạn chế, cần được khắc phục và rút kinh nghiệm trong các lần điều chỉnh quy hoạch tiếp theo.
4.2.1.2. Quy hoạch chi tiết các khu, điểm tái định cư
Bên cạnh việc xây dựng quy hoạch chung, các quy hoạch chi tiết như: Quy hoạch mạng lưới giao thông, quy hoạch chi tiết hệ thống giao thông và thủy lợi nội đồng, quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã, … thường xuyên được quan tâm xây dựng và điều chỉnh. Công tác quy hoạch điểm tái định cư phục vụ di dân vùng xung yếu cũng đã được quan tâm chỉ đạo, thực hiện, tuy nhiên, số lượng các quy hoạch còn rất hạn chế.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp & PTNT, tính đến nay, trong toàn huyện mới quy hoạch chi tiết được 01 điểm tái định cư tập trung phục vụ công tác di dân vùng xung yếu tại thôn Ngọc Tiến, xã Quỳnh Lâm với tổng diện tích 43.972,5 m2 (không kể các hộ đơn lẻ di chuyển vào các điểm xen kẹp trong khu vực an toàn). Trong đó:
- Quy hoạch bố trí các điểm dân cư và khu chức năng nông thôn: Quy hoạch 137 lô đất ở với tổng diện tích 20.907,3 m2.
- Quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho khu tái định cư: Giao thông, điện, cấp thoát nước sinh hoạt: diện tích quy hoạch đường giao thông 20.130,1 m2, diện tích quy hoạch thuỷ lợi 1.800,6 m2, diện tích đất bị ảnh hưởng 680,8 m2, diện tích lưu không đê 453,7 m2.
Tuy nhiên, theo đánh giá của một số hộ, công tác quy hoạch chi tiết vẫn chưa đạt yêu cầu, kết quả điều tra được thể hiện trong biểu đồ sau:
Biểu đồ 4.1. Đánh giá về công tác lập quy hoạch chi tiết của các hộ điều tra Nguồn: Tổng hợp từ kết quả điều tra (2016)
Theo kết quả khảo sát, đa số các hộ cho rằng quy hoạch được chính quyền địa phương xây dựng và phê duyệt là hợp lý (73,3%), tuy nhiên vẫn còn 1 số hộ đánh giá ở mức trung bình (20%), cá biệt còn có hộ đánh giá ở mức kém (6,7%), nguyên nhân theo các hộ là do quy hoạch còn một số bất cập như: diện tích trung bình (150m2/lô đất) là quá nhỏ, khu quy hoạch có một phần nằm dưới đường điện cao thế, điểm quy hoạch còn cách xa trung tâm xã, …. Những bất cập mà các hộ dân đưa ra như trên là khá hợp lý, tuy nhiên nếu xét trên tình hình thực tế: do điều kiện quỹ đất của địa phương rất hạn chế, khu vực gần trung tâm xã đã được các khu dân cư khác phủ kín, … nên việc quy hoạch được một khu dân cư tập trung đảm bảo không có bất cập ở trên là vô cùng khó khăn cho địa phương.
Mặc dù công tác lập, niêm yết, công khai quy hoạch đã được huyện, xã làm khá tốt nhưng với diện tích 996 ha và 603 hộ dân trên địa bàn toàn huyện cần thực hiện di chuyển vào nơi an toàn đã thống kê ở trên, có thể nói công tác quy hoạch các điểm tái định cư phục vụ di dân vùng xung yếu của huyện Quỳnh Phụ vẫn chưa được quan tâm đúng mức và chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, cần được tập trung chỉ đạo và khẩn trương tổ chức thực hiện trong thời gian tới.