Từ nghiên cứu kinh nghiệm thực tiễn một số nước và một số địa phương có thể tổng hợp các bài học, kinh nghiệm như sau:
Thứ nhất: Cần xác định rõ quan điểm, định hướng phát triển hệ thống an sinh xã hội nói chung và TGXH nói riêng. Từ kinh nghiệm các nước cho thấy, các quốc gia đều xây dựng chính sách trên cơ sở quan điểm định hướng. Quan điểm phát triển của quốc gia phụ thuộc vào điều kiện và đặc điểm từng nước. Đối với nước có điều kiện kinh tế (nước giàu) như Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc tiếp cận theo hướng phổ cập chính sách. Nhưng ngay cả quan điểm phổ cập cũng có bước đi là cách vận dụng khác nhau. Cụ thể như Pháp phổ cập bảo đảm quyền cho tất cả cá nhân. Nhật Bản ưu tiên mạnh cho phát triển dịch vụ phúc lợi xã hội, bảo đảm điều kiện tiếp cận và tham gia bình đẳng vào xã hội. Trợ giúp trực tiếp cá nhân có hoàn cảnh khó khăn chỉ là giải pháp bảo đảm điều kiện để các cá nhân tham gia xã hội. Như chính sách trợ cấp xã hội đối với cả người tàn tật khá giàu, người tàn tật có việc làm (trợ cấp theo quyền và không gắn với điều kiện kinh tế). Trung Quốc đi theo hướng phổ cập chính sách theo khu vực. Khu vực thành thị
phổ cập trợ cấp xã hội đối với người thu nhập thấp, không phân biệt hoàn cảnh và năng lực cá nhân. Khu vực nông thôn đi theo hướng phát triển dịch vụ xã hội, thay bằng thực hiện trợ cấp thu nhập thấp, thì chỉ thực hiện trợ cấp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, đồng thời phát triển hệ thống các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng ở cộng đồng (Nguyễn Ngọc Toản, 2011).
Đối với các nước đang phát triển (GDP bình quân 1.000 USD, có điều kiện kinh tế tương đồng như Việt Nam (Malaysia. đã lựa chọn đi theo hướng dung hòa giữa phổ cập và mục tiêu. Ưu tiên chính sách cho một số nhóm khó khăn. Nhưng thực hiện phổ cập chính sách đối với các nhóm ưu tiên này. Đồng thời cũng đã đầy mạnh phát triển dịch vụ phúc lợi xã hội, để từng tạo môi trường thuận lợi cho đối tượng hòa nhâp xã hội (Nguyễn Ngọc Toản, 2011).
Thứ hai: Xây dựng hệ thống chính sách theo các cấp độ và chức năng của chính sách. Kinh nghiệm thành công của Pháp là duy trì 3 cấp độ chính sách là cứu trợ xã hội, an sinh xã hội và phát triển dịch vụ xã hội. Trong đó cứu trợ xã hội thực hiện chức năng khắc phục rủi ro, an sinh xã hội vừa thực hiện chức năng khắc phục rủi ro, vừa có chức năng giảm thiểu rủi ro, dịch vụ xã hội thực hiện cả 3 chức năng là cung cấp các dịch vụ khắc phục rủi ro, dịch vụ giảm thiểu rủi ro và đặc biệt là dịch vụ phòng ngừa rủi ro. Theo 3 cấp độ này, vai trò của Nhà nước được chuyển dần sang vai trò xã hội, vai trò cộng đồng. So sánh với các cấp độ chính sách của Pháp, thì Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của phát triển chính sách xã hội. Để rút ngắn được thời gian chuyển đổi và giảm dần bảo đảm của Nhà nước thì cần hoàn thiện và phát triển chính sách theo cả 3 cấp độ. Trong đó trước mắt ưu tiên cho các chính sách hỗ trợ trực tiếp đối tượng và các biện pháp khuyến khích thị trường cung cấp dịch vụ xã hội (Nguyễn Ngọc Toản, 2011).
Thứ ba: Việc xây dựng, hoàn thiện chính sách và tổ chức thực thi cần tuân thủ các nguyên tắc. Điển hình kinh nghiệm Trung Quốc về việc bảo đảm nguyên tắc trong thực thi chính sách TGXH thường xuyên cộng đồng. Các nguyên tắc đó là (Nguyễn Ngọc Toản, 2011):
(i) Kết hợp giữa bảo đảm công bằng xã hội và hiệu quả thị trường.
(ii) Tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng thực hiện cung cấp dịch vụ xã hội của thị trường.
(iii) Xây dựng chính sách theo các khu vực (khu vực thành thị, khu vực ông thôn, khu vực đồng bằng, khu vực miền núi...).
(iv) Xác định rõ vai trò của Nhà nước và vai trò của tư nhân, tách bạch giữa thương mại và không thương mại. Nhà nước chỉ cung cấp các dịch vụ mà thị trường không cung cấp.
Thứ tư: Cần xây dựng hệ thống luật pháp về TGXH thường xuyên cộng đồng. Kinh nghiệm Pháp, Nhật Bản và Trung Quốc là các nước đã có hệ thống chính sách TGXH tương đối phát triển đều đã thể chế hóa các chính sách, nguồn lực, công cụ chính sách, theo dõi giám sát thành các quy định trong Luật. Việt Nam hầu như các chính sách TGXH mới được quy định ở các văn bản của Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương đã dẫn đến tính hiệu lực chính sách chưa cao. Do phân tán văn bản đã dẫn đến mốt số quy định chưa thống nhất, còn có sự chồng chéo nội dung, đối tượng. Vận dụng kinh nghiệm các nước, về lâu dài Việt Nam cần thiết phải hình thành Luật TGXH (Nguyễn Ngọc Toản, 2011).
PHẦN 3. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU