Cơ quan quản lý Nhà nước đối với kinh doanh vật tư nông nghiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước đối với kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn thị xã từ sơn, tỉnh bắc ninh (Trang 26 - 30)

2.1.3.1. Cơ quan quản lý trung ương

* Bộ Nông nghiệp & PTNT

Căn cứ theo Thông tư số 20/2014/TT-BNNPTNT ngày 26/6/2014 của Bộ nông nghiệp & PTNT Quy định một số nội dung về phân công và thẩm quyền quản lý vật tư nông nghiệp và Thông tư số 41/2014/TT-BNNPTNT ngày 13/11/2014 của Bộ Nông nghiệp & PTNT Hướng dẫn một số điều của Nghị định số 202/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ về quản lý phân bón thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp & PTNT thì Bộ Nông nghiệp & PTNT chịu trách nhiệm quản lý đối với các loại vật tư nông nghiệp sau:

- Giống vật nuôi (bao gồm giống vật nuôi và giống thủy sản);

- Giống cây trồng (bao gồm giống cây trồng nông nghiệp chính và giống cây lâm nghiệp);

- Thức ăn chăn nuôi (bao gồm thức ăn chăn nuôi, chất kích thích sinh trưởng dùng trong chăn nuôi và thức ăn thủy sản);

- Sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản;

- Thuốc bảo vệ thực vật, bao gồm cả chất điều hòa sinh trưởng đối với cây trồng;

- Phân bón hữu cơ và phân bón khác.

Bộ Nông nghiệp & PTNT phân công cơ quan đầu mối quản lý chuyên ngành việc khảo nghiệm, thử nghiệm, kiểm nghiệm, công nhận, đăng ký lưu hành vật tư nông nghiệp tại Việt Nam như sau:

- Tổng cục Thủy sản tiếp nhận, thẩm định, xử lý hồ sơ về giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản;

- Tổng cục Lâm nghiệp tiếp nhận, thẩm định, xử lý hồ sơ về giống cây lâm nghiệp;

- Cục Chăn nuôi tiếp nhận, thẩm định, xử lý hồ sơ về giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, bao gồm cả chất kích thích sinh trưởng dùng trong chăn nuôi;

- Cục Trồng trọt tiếp nhận, thẩm định, xử lý hồ sơ về giống cây trồng nông nghiệp chính, phân bón hữu cơ và phân bón khác;

- Cục Bảo vệ thực vật tiếp nhận, thẩm định, xử lý hồ sơ về thuốc bảo vệ thực vật, bao gồm cả chất điều hòa sinh trưởng đối với cây trồng;

- Cục Thú y tiếp nhận, thẩm định, xử lý hồ sơ về thuốc thú y.

Riêng đối với mặt hàng vật tư nông nghiệp là phân bón. Giai đoạn trước khi có Nghị định 202/2013 (d)/NĐ-CP về quản lý phân bón thì hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước về phân bón nói chung và hoạt động kinh doanh phân bón nói nói riêng ở Trung ương có 3 Bộ cùng tham gia quản lý gồm: Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ; tuy nhiên chưa phân định rõ Bộ nào chịu trách nhiệm chính trước Chính phủ thống nhất quản lý phân bón. Do vậy, chưa có cơ quan nào thực sự nắm vững về các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu phân bón. Việc quản lý còn phân tán và có phần chồng chéo. Do sự bất cập trong phân cấp quản lý về phân bón của các cơ quan quản lý Nhà nước, ngày 27/11/2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 202/2013 (d) /NĐ-CP về Quản lý phân bón qua đó đã phân rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với từng cơ quan quản lý Nhà nước về các mặt hàng phân bón, theo đó Bộ Nông nghiệp & PTNT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về phân bón đối với các hoạt động sản xuất và kinh doanh phân bón hữu cơ, phân bón khác.

* Bộ Công thương

Nghị định số 202/2013(d) /NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ về Quản lý phân bón quy định Bộ Công thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về phân bón đối với các hoạt động sản xuất và kinh doanh phân bón vô cơ. Theo đó Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện các nội dung về quản lý phân bón như sau:

- Trình Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý phân bón, các chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch và chính sách phát triển phân bón; xuất khẩu, nhập khẩu phân bón;

- Ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về phân bón vô cơ; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phân bón vô cơ;

- Quản lý sản xuất, kinh doanh và chất lượng phân bón vô cơ;

- Chỉ định, quản lý hoạt động các phòng kiểm nghiệm phân bón vô cơ; - Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ về phân bón vô cơ; thu thập và quản lý các thông tin, tư liệu về phân bón vô cơ; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phân bón vô cơ;

- Đào tạo, bồi dưỡng, tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về phân bón vô cơ;

- Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và chất lượng phân bón vô cơ.

Trường hợp thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân vừa sản xuất phân bón vô cơ, vừa sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện.

Đối với hoạt động kinh doanh phân bón vô cơ Bộ Công thương giao Cục Quản lý thị trường chịu trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và chất lượng phân bón theo quy định. Chủ trì hoặc phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và chất lượng phân bón thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Công thương và xử lý vi phạm pháp luật theo quy định.

2.1.3.2. Cơ quan quản lý địa phương

* Ủy ban nhân dân các cấp

Chỉ đạo hướng dẫn sử dụng các loại vật tư nông nghiệp có hiệu quả, không gây ô nhiễm môi trường.

Ban hành các chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật tư nông nghiệp trên địa bàn.

Tuyên truyền, phổ biến và tổ chức hướng dẫn pháp luật, cung cấp thông tin về chất lượng, quy chuẩn các loại vật tư nông nghiệp cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

Thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm hành chính trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp thuộc địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật.

Phối hợp với các Bộ, ngành trong kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp thuộc địa bàn quản lý (Bộ NN&PTNT, 2014).

* Sở Nông nghiệp & PTNT

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kịp thời, rộng rãi các quy định của pháp luật về đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp, đặc biệt là hoạt động kiểm tra, đánh giá phân loại cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp theo quy định tại Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 03 tháng 12 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

Phối hợp với các cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư, đăng ký kinh doanh thực hiện việc rà soát, thống kê danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định.

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp: Kiểm tra theo chuỗi để xác định và tập trung kiểm soát sản phẩm xung yếu, khâu xung yếu. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về điều kiện đảm bảo chất lượng của các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, vi phạm về chất lượng vật tư nông nghiệp. Thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách cơ sở sản xuất, kinh doanh đủ điều kiện và chưa

đủ điều kiện đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn tỉnh.

Hàng năm, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện việc kiểm tra, đánh giá, phân loại cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo phân công, phân cấp. Căn cứ nội dung, kế hoạch công tác kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp, tổng hợp nhu cầu trang thiết bị, năng lực kiểm nghiệm, dự toán kinh phí cùng với dự toán chi thường xuyên của đơn vị gửi Sở Tài chính để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định giao dự toán ngân sách cho đơn vị (Bộ NN&PTNT, 2014).

*Sở Công thương

Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về chất lượng vật tư nông nghiệp trong quá trình sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh thuộc lĩnh vực được phân công quản lý mà ở đây là phân bón vô cơ. Đồng thời, phối hợp các sở, ban, ngành có liên quan kiểm tra, kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp lưu thông trên thị trường.

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến và tổ chức hướng dẫn pháp luật, cung cấp thông tin về chất lượng phân bón vô cơ cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Tiếp nhận đề nghị của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón vô cơ để tổ chức hội thảo, giới thiệu mô hình phân bón vô cơ theo quy định của pháp luật.

Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón vô cơ thuộc địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật. Định kỳ kiểm tra hoạt động kinh doanh phân bón thuộc địa bàn quản lý theo quy định (Chính phủ, 2013).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước đối với kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn thị xã từ sơn, tỉnh bắc ninh (Trang 26 - 30)