Nội dung quản lý Nhà nước đối với kinh doanh vật tư nông nghiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước đối với kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn thị xã từ sơn, tỉnh bắc ninh (Trang 30 - 37)

2.1.4.1. Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh doanh vật tư nông nghiệp

Các loại vật tư nông nghiệp luôn đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, tác động trực tiếp đến hiệu quả của hoạt động sản xuất nông nghiệp, việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước để người nông dân được sử dụng các loại vật tư nông nghiệp bảo đảm chất lượng, giá cả ổn định nhằm nâng cao hiệu quả của sản xuất nông nghiệp là hết sức cần thiết. Do đó, việc quản lý

vật tư nông nghiệp nói chung và dịch vụ vật tư nông nghiệp nói riêng luôn được sự quan tâm sát sao của các cơ quan quản lý, trong đó phân bón, thức ăn chăn nuôi là một trong các mặt hàng quan trọng thuộc danh mục nhà nước bình ổn giá và là mặt hàng kinh doanh có điều kiện.

Hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến quản lý vật tư nông nghiệp và việc phân công trách nhiệm còn phân tán, có phần chồng chéo, chưa thống nhất. Về phân công trách nhiệm ở cấp trung ương, có 03 Bộ cùng tham gia quản lý là các Bộ Công thương, Khoa học - Công nghệ và Bộ NN&PTNN; ở địa phương, tùy từng nơi mà đầu mối quản lý phân bón sẽ là Phòng Trồng trọt hoặc Phòng Kỹ thuật thuộc Sở Nông nghiệp &PTNT, hoặc Chi cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Thú y,… hoặc Chi cục Quản lý thị trường. Trong đó, trách nhiệm chính về kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp gần như được mặc nhiên giao cho lực lượng Quản lý thị trường.

Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật về phân bón cũng như có liên quan bao gồm:

* Luật, Nghị định

- Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa 5/2007/QH12, ngày 21/11/2007; - Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 68/2006/QH11, ngày 29/6/2006; - Nghị định số 08/2010/NĐ-CP ngày 05 tháng 2 năm 2010 về quản lý thức ăn chăn nuôi;

- Nghị định 89/2006 (b)/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ về Nhãn hàng hoá; - Nghị định 202(d)/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ về quản lý phân bón;

- Nghị định 163(c)/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp.

Ngoải ra còn có một số nghị định có liên quan như: Nghị định 75/2008(b)/NĐ-CP ngày 9/6/2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ quy định về hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá, Nghị định 59(a)/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 quy định chi tiết Luật thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện,…

* Thông tư hướng dẫn

- Thông tư 55/2012/TT-BNNPTNT hướng dẫn về hoạt động chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Nông nghiệp và PTNT;

- Thông tư ban hành Danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam được ban hành bổ sung hàng quý;

- Thông tư 20/2014/TT-BNNPTNT ngày 26/6/2016 của Bộ Nông nghiệp & PTNT Quy định một số nội dung về phân công và thẩm quyền quản lý vật tư nông nghiệp;

- Thông tư 29/2014/TT-BCT ngày 30/9/2013 của Bộ Công thương quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện một số điều về phân bón vô cơ, hướng dẫn việc cấp phép sản xuất phân bón vô cơ đồng thời sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác tại Nghị định số 202/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về quản lý phân bón ;

- Thông tư 41/2014/TT-BNNPTNT ngày 13/11/2014 của Bộ Nông nghiệp & PTNT Hướng dẫn một số điều của Nghị định số 202/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về quản lý phân bón thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 03/12/2014 của Bộ Nông nghiệp & PTNT quy định việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

2.1.4.2. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục người dân và các đối tượng liên quan trong kinh doanh và sử dụng vật tư nông nghiệp

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định của Pháp luật về quản lý chất lượng, sử dụng hiệu quả các loại vật tư nông nghiệp tới người dân và các cơ sở kinh doanh, cung ứng vật tư nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quản lý Nhà nước đối với vật tư nông nghiệp nói chung và dịch vụ vật tư nông nghiệp nói riêng. Thông qua tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định trong quản lý và sử dụng vật tư nông nghiệp sẽ giúp người dân có những kiến thức để nhận biết chất lượng, chủng loại, công dụng, cách thức sử dụng qua đó nâng cao hiệu quả sử dụng các loại vật tư nông nghiệp, giảm chi phí đầu vào, giảm ô nhiễm môi trường. Đồng thời có tính chất răn đe đối với các tập thể, cá nhân có ý định trục lợi, kinh doanh, cung ứng các mặt hàng vật tư nông nghiệp giả, không đúng chủng loại hoặc kém chất lượng trên thị trường.

Đây là một nội dung quan trọng trong quản lý Nhà nước đối với vật tư nông nghiệp, do đó ngày 20/1/2014, Bộ NN&PTNT đã ban hành chỉ thị số 167/CT- BNN-TTr về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trong đó có nội dung: “Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; chú trọng việc tuyên truyền, phổ biến Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật An toàn thực phẩm, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Nông nghiệp và PTNT”.

2.1.4.3. Cấp phép kinh doanh và thu hồi các loại giấy phép kinh doanh đối với cá nhân, tổ chức kinh doanh vật tư nông nghiệp

Các loại vật tư nông nghiệp có vai trò rất quan trọng với sản xuất nông nghiệp cũng như nền kinh tế của nước ta do đó, trách nhiệm xã hội của các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp là rất cao. Trong khi đó, mục tiêu của các cơ sở kinh doanh là lợi nhuận nên không phải lúc nào các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp cũng chú ý đầy đủ trách nhiệm của mình. Do đó, Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc tạo lập và quản lý các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp. Hầu hết các mặt hàng vật tư nông nghiệp đều thuộc diện kinh doanh có điều kiện, trừ một số công cụ, dụng cụ, trang thiết bị đơn giản. Do vậy, việc cấp phép kinh doanh và thu hồi các loại giấy phéo kinh doanh các mặt hàng vật tư nông nghiệp đối với các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp là một trong những nội dung quan trọng của quản lý Nhà nước đối với dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp (Chính phủ, 2006).

Bộ trưởng Bộ Công thương hướng dẫn cụ thể điều kiện kinh doanh phân bón vô cơ. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cụ thể điều kiện kinh doanh đối với các loại vật tư nông nghiệp còn lại.

Trường hợp tổ chức, cá nhân vừa kinh doanh phân bón vô cơ, vừa kinh doanh các loại vật tư nông nghiệp khác thì phải thực hiện các điều kiện kinh doanh theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Công thương và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNN (Chính phủ, 2013).

Bên cạnh đó, trong quá trình kinh doanh, các đại lý, cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp phải thực hiện các thủ tục về Đại lý quy định trong Luật Thương mại. Người bán hàng phải thực hiện các quy định về quyền và nghĩa vụ

quy định trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá. Một số loại vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc BVTV, thức ăn, thuốc thú y,… khi vận chuyển phải có bao bì hoặc dụng cụ chứa đựng chắc chắn để đảm bảo chất lượng và không gây ô nhiễm môi trường.

Các loại vật tư nông nghiệp khi lưu thông trên thị trường phải có hóa đơn, chứng từ để chứng minh nguồn gốc hợp pháp theo quy định tại Nghị định số 51/2010(a)/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn chứng từ và Thông tư số 60/2011/TTLT-BTC-BCA-BCT ngày 12/5/2011 hướng dẫn chế độ hóa đơn chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường.

2.1.4.4. Ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng vật tư nông nghiệp

Đây là cơ sở, là thước đo để đánh giá, kiểm tra đối với các mặt hàng vật tư nông nghiệp trên thị trường. Trên cơ sở chức năng và nhiệm vụ được giao, Bộ Nông nghiệp & PTNT, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và công nghệ và một số cơ quan quản lý khác chủ trì, hoặc phối hợp để ban hành các quy chuẩn, tiêu chẩn chất lượng đối với từng loại vật tư nông nghiệp được phép lưu thông trên thị trường (Chính phủ, 2003).

Tuy nhiên, đối tượng là vật tư nông nghiệp rất rộng, luôn thay đổi và phát sinh theo quá trình vận động, phát triển của thị trường (giống cây trồng, cây lâm nghiệp, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, lưới và ngư cụ…). Nên trong thời gian qua việc ban hành hoàn thiện đầy đủ hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các vật tư nông nghiệp là rất khó và hiện mới thực hiện được đối với một số vật tư nông nghiệp thiết yếu như phân bón, thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y,…

2.1.4.5.Quản lý quá trình hoạt động kinh doanh của các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp

a. Quản lý về giá cả

Đối với mặt hàng phân bón, giá cả áp theo khung giá trần và giá sàn của Nhà nước, mức giá được thông báo rộng rãi trên các kênh thông tin đại chúng (truyền hình và truyền thanh).

Các loại vật tư khác giá cả được quản lý thông qua hóa đơn chứng từ mua vào và bán ra, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý giá cả vật tư là cơ quan thuế,

kiểm soát trên hóa đơn mua vào bán ra đối với doanh nghiệp và thuế trực tiếp trên doanh thu đối với các hộ kinh doanh.

b. Quản lý về số lượng

Việc quản lý về số lượng vật tư nông nghiệp kinh doanh hiện tại chỉ quản lý được thông qua việc quản lý số lượng những vật tư nông nghiệp nhập khẩu, những vật tư nông nghiệp do các đơn vị sản xuất kinh doanh được cấp phép trong nước sản xuất ra.

Mặt khác, thông qua hóa đơn chứng từ mua vào bán ra, cơ quan thuế kiểm soát số lượng hàng hóa vật tư nông nghiệp tránh tình trạng doanh nghiệp trốn thuế thu nhập doanh nghiệp, các hộ kinh doanh trốn thuế trực tiếp trên doanh thu. Hầu hết số lượng vật tư được kinh doanh buôn bán tại một địa bàn nhất định được quyết định bởi nhu cầu thực tế của địa phương. Nhu cầu người dân tiêu thụ vật tư nông nghiệp bao nhiêu thì các hộ kinh doanh số lượng vật tư bấy nhiêu.

c. Quản lý về chất lượng

Quản lý về chất lượng vật tư nông nghiệp là vấn đề quan trọng nhất trong quản lý Nhà nước đối với kinh doanh vật tư nông nghiệp.

Chất lượng vật tư nông nghiệp không chỉ ảnh hưởng tới kết quả, hiệu quả sản xuất kinh doanh của người nông dân, ảnh hưởng tới thu nhập và mức sống người dân; mà nó còn ảnh hưởng tới môi trường sinh thái chung (những vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, độc hại và có dư lượng chất cấm cao sẽ gây ô nhiễm môi trường sống). Do đó việc quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp rất quan trọng.

Việc quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp được kiểm soát thông qua quản lý về bao bì, nhãn mác sản phẩm, hạn sử dụng,… Đồng thời các cơ quan quản lý Nhà nước quản lý thông qua danh mục các loại vật tư nông nghiệp bị cẩm, tỷ lệ hàm lượng các chất độc, chất trăng trưởng trong vật tư nông nghiệp thông qua việc xem xét nhãn mác, thông tin về hàm lượng các chất của vật tư nông nghiệp, đơn vị sản xuất ghi trên bao bì nhãn mác. Ngoài ra việc quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp còn được quản lý thông qua lấy mẫu xét nghiệm chất lượng vật tư nông nghiệp trong các hoạt đợt thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp.

2.1.4.6. Hướng dẫn, kiểm tra và xử lý các vi phạm đối với các cá nhân, tổ chức kinh doanh vật tư nông nghiệp

Cơ quan chức năng trong quản lý Nhà nước hướng dẫn, tuyên truyền các các quy định quản lý phân bón nói chung và hoạt động kinh doanh phân bón nói riêng để các cơ sở kinh doanh và người dân hiểu và thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật.

Việc kiểm tra đối kinh doanh vật tư nông nghiệp theo quy định được thực hiện theo kế hoạch hàng năm. Trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm các quy định thì thực hiện kiểm tra đột xuất.

Nội dung kiểm tra đối với các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp được quy định tại Thông tu số 45/2014/TT-BNNPTNT bao gồm:

- Cơ sở vật chất, trang thiết bị;

- Nguồn nhân lực tham gia sản xuất, kinh doanh và quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm;

- Chương trình quản lý chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn và ghi nhãn hàng hóa đang áp dụng;

- Lấy mẫu kiểm nghiệm: Việc lấy mẫu kiểm nghiệm được thực hiện khi nghi ngờ sản phẩm không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm; tập trung lấy mẫu kiểm nghiệm đối với cơ sở có dự kiến kết quả xếp loại C.

Căn cứ theo Chỉ thị số 167/CT-BNN-TTr ngày 20/4/2014 của Bộ Nông nghiệp & PTNT Về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm sản yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm theo các quy định của pháp luật, trong đó chú trọng các nội dung sau:

- Truy xuất nguồn gốc, xử lý tận gốc lô hàng, sản phẩm không đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm;

- Thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng loại sản phẩm; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có vi phạm;

- Kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền, thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh của các tổ chức tái phạm;

- Chuyển hồ sơ các vụ việc vi phạm với tính chất và mức độ nghiêm trọng cho cơ quan Công an để xử lý theo pháp luật.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước đối với kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn thị xã từ sơn, tỉnh bắc ninh (Trang 30 - 37)