2.1.4.1. Những nhân tố thuộc về điều kiện tự nhiên
Trong quá trình xây dựng và triển khai các dự án đầu tư không thể không chú trọng đến các điều kiện tự nhiên. Nếu các điều kiện tự nhiên ở tại nơi xây dựng dự án không thuận lợi sẽ rất ảnh hưởng đến tiến độ thi công và chất lượng công trình dự án, điều đó có thể gây rủi ro cho khả năng thu hồi vốn. Ngược lại, nếu các điều kiện thuận lợi thì khả năng thu hồi vốn đầu tư là rất lớn (Từ Quang Phương, 2014).
2.1.4.2. Những yếu tố thuộc về chính sánh của nhà nước
Hoạt động đầu tư chịu sự chi phối từ các yếu tố về chính trị và chính sánh của Nhà nước. Bởi vậy, trong suốt quá trình quản lý dự án đầu tư đều phải bám sát theo những chủ trương và sự hướng dẫn của Nhà nước.
2.1.4.3. Những yếu tố kinh tế - xã hội
Những nhân tố kinh tế có thể ảnh hưởng đến dự án bao gồm: khả năng tăng trưởng GDP-GNP trong khu vực thực hiện dự án; tình trạng lạm phát; tiền lương bình quân; tỷ giá hối đoái; những lợi thế so sánh của khu vực so với những nơi khác. Sự thay đổi của một trong những nhân tố này dù ít hay nhiều cũng tác động đến dự án. Do đó trước lúc đầu tư chủ đầu tư phải đánh giá một cách tỷ mỉ những yếu tố này để đảm bảo chức năng sinh lời và bảo toàn vốn của dự án.
Qua việc xem xét, đánh các yếu tố trên ta mới sơ bộ nhận định được hiệu quả kinh tế của dự án cũng như các yếu tố rủi ro có thể xảy ra để đưa ra biện pháp phòng ngừa (Từ Quang Phương, 2014).
2.1.4.4. Những yếu tố thuộc về tiến bộ khoa học kỹ thuật
Các hoạt động đầu tư phải đi theo trào lưu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế. Do đó sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật có thể tạo ra nhiều thuận lợi
cho quá trình thực hiện và vận hành dự án nhưng cũng có thể gây ra những rủi ra cho dự án chẳng hạn như: các dây chuyền thiết bị hiện đại sẽ góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm độc hại cho người lao động, nhưng ngược lại việc nắm bắt, nhận chuyển giao những công nghệ hiện đại, tiên tiến cũng là thách thức, khó khăn đặt ra đối với chủ đầu tư. Do vậy để đạt được mục tiêu ban đầu đề ra, đòi hỏi bộ máy quản lý dự án của chủ đầu tư phải nỗ lực hoạt động để có thể đảm bảo chuyển giao, nắm bắt được công nghệ đưa dây chuyền chuyền thiết bị vào khai thác sử dụng hiệu quả (Từ Quang Phương, 2014).
2.1.4.5. Năng lực
Có thể coi đây là nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng nhiều nhất đến chất lượng quản lý dự án đầu tư của doanh nghiệp. Năng lực ở đây gồm năng lực tổ chức của người quản lý và năng lực của nhân viên thực hiện.
Năng lực tổ chức tốt sẽ nâng cao chất lượng dự án, tiết kiệm chi phí và từ đó nâng cao hiệu quả đầu tư, còn năng lực của nhân viên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công tác quản lý dự án (Bùi Tiến Hanh, 2016).
2.1.4.6. Trình độ khoa học công nghệ
Việc áp dụng hiệu quả các phần mềm hỗ trợ quản lý dự án hiện đại như: Project, PMS, IBOOM, VTRANET… có ảnh hưởng lớn đến tiến độ và chất lượng của dự án, do đó ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Việc áp dụng những phần mềm hỗ trợ này làm giảm đi đáng kể công sức quản lý, nâng cao chất lượng kiểm soát, triển khai các công việc của dự án (Từ Quang Phương, 2014).
2.1.4.7. Khả năng tài chính
Năng lực tài chính mạnh ảnh hưởng đến vốn, nguyên vật liệu, máy móc… cấp cho dự án và do đó ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng của dự án. Năng lực tài chính của doanh nghiệp cũng ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn đầu tư tư các thành phần kinh tế khác (Bùi Tiến Hanh, 2016).