- Về vị trí địa lý: Địa giới hành chính của huyện Tam Nông tiếp giáp các địa phương: Phía Bắc giáp thị xã Phú Thọ; phía Nam giáp huyện Thanh Thủy và Thanh Sơn; phía Đông giáp huyện Lâm Thao và thành phố Hà Nội; phía Tây giáp huyện Thanh Ba, Yên Lập và huyện Cẩm Khê.
+ Địa hình, địa mạo: Địa hình chung của huyện Tam Nông tương đối phức tạp, thể hiện những nét đặc trưng của một vùng bán sơn địa, đó là dốc, bậc thang, lòng chảo, hướng nghiêng dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Đặc điểm kiến tạo tự nhiên của huyện hình thành nên 3 tiểu vùng khác nhau: Tiểu vùng núi thấp, đồi cao độ dốc lớn, nằm ở phía Tây Nam huyện nơi giáp ranh với huyện Yên Lập và huyện Thanh Sơn tập trung ở các xã: Tề Lễ, Xuân Quang, Cổ Tiết, Thọ Văn, Dị Nậu; tiểu vùng đồi thấp nằm ở phía Tây của huyện tiếp giáp với huyện Thanh Ba, Cẩm Khê tập trung ở các xã: Hương Nha, Thanh Uyên, Hiền Quan, Văn Lương, Tứ Mỹ, Quang Húc; tiểu vùng đồng bằng ven Sông Hồng, phân bố dọc theo bờ Sông Hồng, và sông Lô là vùng đất phù sa, vùng này tương đối bằng phẳng, có nhiều đầm hồ, tập trung các xã: Vực Trường, Tam Cường, Hồng Đà, Dậu Dương, Thượng Nông, Tứ Mỹ... có độ dốc thường, địa hình lượn sóng. Nhìn chung huyện Tam Nông có địa hình đặc trưng miền núi thấp xen lẫn vùng đất ven sông.
+ Đất đai, tài nguyên: Với tổng diện tích tự nhiên là 15.596,92 ha, được phân chia theo các loại cơ cấu sử dụng đất như sau: Đất nông nghiệp 10903,37 ha (gồm: đất sản xuất nông nghiệp, đất trồng cây hằng năm, đất trồng lúa, đất cỏ dùng chăn nuôi, đắt trồng cây hằng năm khác, đất trồng cây lâu năm); đất lâm nghiệp 3545,47 ha (gồm đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ); đất nuôi trồng thủy sản 641,64 ha; đất nông nghiệp khác 0,45 ha; đất phi nông nghiệp 4306,51 ha.
+ Tài nguyên khoáng sản: Theo tài liệu điều tra về địa chất và báo cáo thuyết minh dự án khảo sát đo đạc xác định khu vực quản lý khai thác và bảo vệ khoáng sản, trên địa bàn huyện Tam Nông có một số điểm mỏ và điểm quặng thuộc các loại khoảng sản: Than Bùn tại Cổ Tiết trữ lượng khoảng 450.000 tấn, Mica tại Thọ Văn trữ lượng khoảng 5.000 tấn, Caolin-Fenpats tại Dị Nậu có trữ lượng Caolin khoảng 3.319.000 tấn, Fenpats khoảng 2.991.000 tấn, cát xây dựng
tại các dòng sông trữ lượng khoảng 3,5 triệu m3, cuội sỏi tại Cổ Tiết có trữ lượng khoảng 12.748.800m3 đang thuộc quyền quản lý và khai thác. Các mỏ khoáng sản trên địa bàn huyện hầu hết chưa được điều tra, khảo sát, đánh giá chính xác trữ lượng và chất lượng. Qua thăm dò ước tính trữ lượng và chất lượng các mỏ này đều ở mức trung bình và nhỏ, tuy nhiên đây là nguồn tài nguyên quan trọng góp phần phát triển kinh tế của huyện.