Công tác tổ chức xây dựng và quản lý quy hoạch, xây dựng mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và quy hoạch ngành nông nghiệp nông thôn trong đó có quy hoạch phát triển ngành chè trên địa bàn Đoan Hùng trong quy hoạch tổng thể của huyện đã bước đầu được thực hiện.
Huyện Đoan Hùng đã có quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, được Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt tại Quyết định số 2196/QĐ-UBND ngày 22/7/2010. Định hướng quy hoạch phát triển nông nghiệp trong đó có ngành chè thời gian tới với tốc độ nhanh, ổn định, đa dạng, bền vững theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với công nghiệp chế biến và thị trường; sử dụng có hiệu quả cao quỹ đất nông nghiệp bằng thâm canh tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm chè trên một đơn vị diện tích, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm chè, thực hiện tốt chủ trương dồn điền, đổi thửa; xây dựng các vùng chè hàng hoá tập trung gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ như vùng chè sạch, vùng chè chuyên canh sản xuất tập trung gắn với các nhà máy chế biến chè...; gắn phát triển ngành hàng chè của huyện với phát triển các ngành nghề khác, với các ngành hàng chè của địa phương trong vùng.
Huyện Đoan Hùng đã có quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp nông thôn huyện Đoan Hùng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2398/QĐ-UBND ngày 26/9/2011. Tốc độ tăng trưởng GTSX ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản (trong đó có ngành chè) giai đoạn 2010 - 2015 là 7,3%/năm, ngành nông nghiệp tăng 6,4%/năm. Tốc độ tăng trưởng GTSX ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản (trong đó có ngành chè) giai đoạn 2016 - 2020 đạt 6,3%/năm, ngành nông nghiệp đạt 5,8%/năm. Định
hướng quy hoạch phát triển ngành chè của huyện là ổn định các vùng chè theo tiêu chuẩn VietGAP tập trung theo địa bàn xã để hình thành các vùng sản xuất chè hàng hoá, áp dụng quy trình sản xuất chè an toàn. Đến năm 2020 đáp ứng 100% nhu cầu chè an toàn cho các thị trường, diện tích dự kiến là 6.900 ha; năm 2030 là 10.600 ha.
Tuy trên địa bàn huyện đã có quy hoạch chung về phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch ngành như quy hoạch phát triển nông nghiệp nông thôn nhưng cho đến năm 2018 huyện Đoan Hùng vẫn chưa có quy hoạch sản xuất chè an toàn được phê duyệt. Hiện tại huyện Đoan Hùng mới có “Đề án phát triển chè an toàn huyện Đoan Hùng, giai đoạn 2015-2020” được Chủ tịch UBND huyện Đoan Hùng phê duyệt tại Quyết định số 2517/QĐ-UBND ngày 15 tháng 10 năm 2015. Đề án đã đặt ra mục tiêu xây dựng và hoàn thiện các giải pháp cần thiết, đề ra những cơ chế, chính sách thích hợp để khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất chè an toàn trên địa bàn huyện; từng bước tăng dần sản lượng chè an toàn cung cấp trên thị trường, góp phần bảo vệ môi trường, an toàn sức khỏe người tiêu dùng; tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người sản xuất. Đề án đã đặt ra nhiệm vụ cho phát triển chè an toàn giai đoạn 2015-2020 là chú trọng làm công tác quy hoạch vùng chè theo tiêu chuẩn VietGAP tập trung, chuyên canh.
Bảng 4.4 Đánh giá của cán bộ và người dân về đề án sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Đoan Hùng
Mức độ đánh giá
Cán bộ huyện Cán bộ xã Người dân
Số lượng CC (%) Số lượng CC (%) Số lượng CC (%)
- Rất tốt 0 0,00 0 0,00 0 0,00
- Tốt 0 0,00 0 0,00 0 0,00
- Khá 8 80,00 5 83,33 54 90,00
- Chưa phù hợp 2 20,00 1 16,67 6 10,00
Nguồn: Tổng hợp từ số liệu điều tra (2018) Hiện nay, huyện Đoan Hùng đang có kế hoạch tiến hành làm công tác quy hoạch vùng sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP tập trung chuyên canh trên toàn huyện, tuy nhiên việc triển khai thực hiện theo quy hoạch còn chậm so với kế hoạch đã đặt ra. Huyện đang có kế hoạch tiến hành khảo sát, xác định phân
loại vùng đất có khả năng đưa vào quy hoạch, phát triển sản xuất chè an toàn theo hướng tập trung và phân tán. Trên cơ sở kết quả điều tra và phân tích các mẫu đất, nước, môi trường của các vùng trên các địa bàn xã và huyện sẽ tiến hành xây dựng bản đồ quy hoạch các vùng đủ điều kiện và chưa đủ điều kiện sản xuất chè an toàn để có biện pháp cải tạo phát triển sản xuất lâu dài trong tương lai.
Theo kết quả điều tra, phần lớn cán bộ huyện, xã cũng như người dân đều đánh giá đề án sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Đoan Hùng ở mức khá do huyện chưa có quy hoạch cụ thể về sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP tại địa phương. Công tác quy hoạch ngành chè theo tiêu chuẩn VietGAP đang còn rất chậm so với yêu cầu và kế hoạch đặt ra, còn gặp phải nhiều khó khăn vướng mắc. Cần phải đầu tư thực hiện công tác quy hoạch, bổ sung kịp thời cho phù hợp với sự biến động của thực tế. Nguyên nhân bị hạn chế trên là do công tác quy hoạch ngành chè trên địa bàn huyện còn thiếu nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp, thiếu nguồn nhân lực, thiếu sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương, nhiều nơi còn xem nhẹ vấn đề quy hoạch...