2.2.2.1. Tại huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ
Theo Báo cáo Kinh tế xã hội năm 2018 của UBND huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, huyện đã tiến hành phân vùng và có các giải pháp quản lý rõ ràng sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP hiệu quả. Theo đánh giá của UBND huyện Thanh Sơn, chè vùng đồi thấp tập trung ở huyện Thanh Sơn là vùng có diện tích lớn nhưng hiện đang gặp các tồn tại về chất lượng nguyên liệu do thói quen và lạm dụng sử dụng thuốc BVTV. Để hướng tới và thực hiện sản xuất chè an toàn, theo Phòng NN & PTNT huyện Thanh Sơn, vùng này đã có sự quản lý chặt chẽ về quy hoạch vùng phát triển nguyên liệu, xây dựng cơ sở chế biến, chất lượng sản phẩm, mua bán, vận chuyển, sử dụng các hóa chất BVTV. Hạn chế tối đa sử dụng thuốc hóa học, đẩy mạnh áp dụng chương trình quản lý dịch hại; thực hiện nghiêm túc xây dựng các vùng chè tập trung, liền vùng, liền khoảnh để quản lý chất lượng giống, chất lượng nguyên liệu, BVTV...
Đối với các cơ sở sản xuất chế biến chè đã thực hiện nghiêm túc theo đúng yêu cầu của Bộ NN & PTNT về điều kiện VSATTP. Các cơ sở có dây chuyền công nghệ và thiết bị hiện đại đã được quy hoạch vùng nguyên liệu phù hợp với quy hoạch của tỉnh, đảm bảo VSATTP, sản xuất ra được sản phẩm chất lượng sẽ được khuyến khích phát triển.
Đối với vùng đồi cao, tập trung ở các xã Võ Miếu, Văn Miếu chủ yếu trồng các giống chè Shan cổ thụ và sâu bệnh ít phát triển người dân chưa có thói quen sử dụng và can thiệp thuốc hóa học sẽ tiếp tục phát huy lợi thế về các yếu tố
độ cao, khí hậu, canh tác để sản xuất chè an toàn. Tại vùng này sẽ tăng cường công tác quản lý và hướng dẫn chăm sóc chè ngay từ đầu theo hướng phát triển chè an toàn như không sử dụng các loại thuốc trừ cỏ, trừ sâu, kích thích tăng trưởng; đốn, hái đúng kỹ thuật... (UBND huyện Thanh Sơn, 2018).
2.2.2.2. Tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên
Chè là ngành sản xuất mũi nhọn của huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Vì vậy, thời gian qua ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền các văn bản quy định về quản lý ATTP trong sản xuất, chế biến cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh chè. Đồng thời khuyến khích ứng dụng quản lý quản lý dịch hại tổng hợp, chỉ sử dụng các loại thuốc BVTV trong danh mục thuốc được phép sử dụng trên cây chè. Tổ chức các lớp đào tạo dạy nghề trồng, chế biến chè; tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thâm canh, phòng trừ sâu bệnh hại chè, kỹ thuật sản xuất chè an toàn và cung cấp danh mục thuốc được phép sử dụng trên chè cho cán bộ kỹ thuật, các hộ nông dân. Công tác thanh tra, kiểm tra về sản xuất, chế biến chè ATTP cũng được đẩy mạnh. Theo số liệu của Trạm Trồng trọt & BVTV, đến nay toàn huyện đã có trên 370 người là chủ công ty, doanh nghiệp, người trực tiếp chế biến chè được tham gia các lớp tập huấn và được cấp giấy xác nhận kiến thức ATTP. Trong năm 2017, Trạm Trồng trọt & BVTV đã khảo sát đánh giá và xếp loại 40 cơ sở chế biến chè có công suất lớn được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo ATTP trong sơ chế, chế biến chè. Trong đó có 12 cơ sở xếp loại A, 25 cơ sở xếp loại B và 3 cơ sở xếp loại C. Ngoài ra, trong điều kiện hội nhập sâu rộng, sản phẩm chè xuất khẩu ngày càng đòi hỏi yêu cầu gắt gao về vấn đề ATTP cũng như dư lượng thuốc BVTV cho nên việc triển khai mô hình trồng chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là đòi hỏi tất yếu. Các mô hình sản xuất chè an toàn thuộc Dự án “Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp” (QSEAP) đạt hiệu quả cao đang xuất hiện ngày càng nhiều tại khắp các vùng trọng điểm sản xuất chè của huyện (UBND huyện Đại Từ, 2018).