Phần 4 Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.4. Định hướng và giải pháp quản lý nhà nước về đất nông nghiệp trên địa bàn
4.4.1. Căn cứ và định hướng về quản lý đất nông nghiệp trên địa bàn huyện
4.4.1.1. Căn cứ
Căn cứ vào cơ sở pháp lý gồm: Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013; Luật Đất đai năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các nghị định, quyết định liên quan đến quản lý đất đai nói chung và đất nông nghiệp nói riêng.
Căn cứ vào thực trạng quản lý và sử dụng đất nói chung và đất nông nghiệp nói riêng trên địa bàn huyện đã được phân tích ở trên như: Số liệu kiểm kê đất đai năm; Bản đồ hiện trạng sử dụng đất; Bản đồ Kế hoạch sử dụng đất năm 2015 của huyện Kim Bôi; Báo cáo kế hoạch sử dụng đất; Báo cáo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình; Những vi phạm, xủ lý vi phạm về sử dụng đất nông nghiệp...
Căn cứ quy hoạch, kế hoạch về phát triển kinh tế xã hội của huyện Kim Bôi trong thời gian tới.-
4.4.1.2 Định hướng sử dụng đất nông nghiệp của huyện Kim Bôi
Thúc đẩy chuyển đổi tích cực cơ cấu nông nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường về cả lượng và chất, trước hết là thị trường trong
huyện, không ngừng nâng cao sức mạnh cạnh tranh trên cơ sở phát huy những lợi thế so sánh của địa phương.
Phát triển một nền nông nghiệp toàn diện, hiệu quả theo hướng đa canh – sinh thái – bền vững gắn với công nghiệp chế biến và thị trường; Từng bước xây dựng nền nông nghiệp sạch phục vụ nhu cầu nội huyện, tỉnh, khu công nghiệp, khu du lịch và hướng vào xuất khẩu.
Khai thác hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên tự nhiên – sinh thái trên địa bàn (đất, nước, khí hậu....), đặc biệt chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng đất làm cơ sở cho tăng trưởng ổn định nông nghiệp trong bối cảnh đất nông nghiệp có xu hướng giảm trong các giai đoạn phát triển tới.
Trong quá trình phát triển nông nghiệp cần nắm bắt và đưa nhanh các phương thức canh tác tiên tiến, các thành quả khoa học – công nghệ vào ứng dụng rộng rãi đáp ứng yêu cầu chuyển đổi mạnh cơ cấu sản xuất theo hướng hàng hóa, an toàn, chất lượng cao, hiệu quả và bền vững.
Đầu tư cải tạo đất chưa sử dụng, kết hợp phát triển mở rộng trồng cây ăn quả trên đất dốc, dành diện tích đất sản xuất nông nghiệp (đất trồng lúa) cho các mục đích phi nông nghiệp trên cơ sở tiết kiệm, hợp lý và đảm bảo an ninh lương thực.