3.1.3.1. Thuận lợi
- Với lợi thế vị trí địa lý tiếp giáp với thành phố Hòa Bình tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế Kim Bôi có những chuyển biến tích cực trong những năm tới. Lưu thông hàng hoá, giao lưu kinh tế - xã hội ngày càng phát triển hơn.
- Đất đai các khu vực tương đối tốt, màu mỡ, các thung lũng tương đối rộng phân bố rộng khắp toàn huyện. Khí hậu của huyện mang đặc trưng vùng Tây Bắc
đó là nhiệt đới gió mùa và không có biến đổi lớn ở giữa các khu vực. Đó chính là những điều kiện thuận lợi cho phát triển nông lâm nghiệp đa dạng, theo hướng sản xuất hàng hóa.
- Cơ sở hạ tầng tương đối tốt, kết nối giao thông bên ngoài thuận lợi là nền tảng ban đầu cho sự phát triển mai sau.
- Huyện Kim Bôi có nguồn nước khoáng nóng với trữ lượng rất lớn, khoảng sản tương đối đa dạng và phong phú. Bên cạnh đó còn có nhiều thắng cảnh nổi tiếng: Thác Mặt trời, Cửu thác Tú Sơn, thung lũng Thung Rếch, khu bảo tồn thiên nhiên Thượng Tiến, những lễ hội văn hóa dân gian mang đậm bản sắc các dân tộc vùng cao Tây Bắc (đặc biệt là dân tộc Mường). Những yếu tố này chính là tiềm năng to lớn cho phát triển công nghiệp, dịch vụ - du lịch của huyện trong thời gian tới.
3.1.3.2. Khó khăn
- Điểm xuất phát của nền kinh tế còn ở mức thấp, cơ cấu kinh tế còn nặng về nông - lâm nghiệp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, sản xuất mang tính tự cung tự cấp. Sản xuất hàng hóa khối lượng còn nhỏ và phân tán. Các ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ chậm phát triển, quy mô nhỏ, chủ yếu là các hộ cá thể phát triển theo hướng tự phát.
- Lực lượng lao động tuy dồi dào nhưng chất lượng lao động chưa cao, phân bố không đều, có nơi có nhiều việc làm lại thiếu nhân lực và ngược lại.
- Nhu cầu đầu tư lớn song nguồn vốn có hạn.
- Là một huyện miền núi nên quỹ đất dành cho việc xây dựng các cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội luôn là vấn đề khó khăn đối với huyện.
3.1.3.3. Áp lực đối với đất đai
- Trong những năm tới, yêu cầu phát triển nhanh công nghiệp - xây dựng, du lịch - dịch vụ kéo theo nhu cầu sử dụng đất ngày càng lớn. Việc bố trí thỏa đáng đất đai cho nhu cầu này, đặc biệt là yêu cầu cho đất khu, cụm công nghiệp, đất ở… là rất cần thiết đồng thời bắt buộc phải bố trí vào đất sản xuất nông nghiệp, nếu không tính toán và quy hoạch hợp lý sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người nông dân.
- Nhằm đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa nông thôn thì việc bố trí đất cho các khu, cụm công nghiệp, đất sản xuất kinh doanh, việc đầu tư, cải tạo phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng (giao thông, cấp thoát nước, trường học, y tế…) sẽ đòi hỏi
một quỹ đất tương đối lớn, không chỉ gây sức ép về quy mô diện tích mà còn tạo áp lực trong việc xác định vị trí xây dựng, bố trí công trình.
- Cùng với đẩy nhanh phát triển công nghiệp - xây dựng, dịch vụ - du lịch, tốc độ đô thị hóa sẽ diễn ra nhanh trong những năm tới. Nhu cầu đất cho quy hoạch mở rộng đô thị là khá lớn gây áp lực không nhỏ đến sử dụng đất đặc biệt là các khu vực có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển.
- Dân số tăng đòi hỏi quỹ đất lớn phục vụ xây dựng nhà ở, đất sản xuất, xây dựng công trình phục vụ đời sống của con người như công trình văn hóa, thể thao, khu vui chơi… Điều này cũng tác động rất lớn đối với đất đai của huyện.
Như vậy, từ thực trạng phát triển kinh tế - xã hội những năm gần đây cũng như dự báo phát triển trong tương lai (trong khi quỹ đất có hạn) thì áp lực đối với đất đai của huyện đã và sẽ ngày càng gay gắt hơn dẫn đến thay đổi lớn hiện trạng sử dụng đất hiện nay của huyện.