2.2.1.1. Kinh nghiệm quản lý môi trường tại Nhật Bản
Nhật Bản là một nước đi đầu trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, nhất là xử lý chất thải, bởi sản xuất càng phát triển, chất thải ngày càng nhiều. Những điều Nhật Bản đã và đang làm trong vấn đề xử lý rác thải sẽ là những điều rất quý báu với Việt Nam, nếu chúng ta biết vận dụng kịp thời, biến rác thành tài nguyên. Mỗi năm Nhật Bản thải ra khoảng 55 – 60 triệu tấn rác nhưng chỉ khoảng 5% trong số đó phải đưa đến bãi chôn lấp, còn phần lớn được đưa đến các nhà máy để tái chế. (Lê Văn, 2010). Để làm được điều đó, Nhật Bản đã thực hiện các biện pháp sau:
Phân loại ngay tại thùng: trên các thùng rác hai bên vệ đường có vẽ những loại rác được phép bỏ vào, người dân rất tự nguyện bỏ rác đúng loại vào thùng như là một thói quen sinh hoạt.
Sản xuất đi kèm tái chế: việc thu gom rác ở Nhật cũng không giống như ở Việt Nam, chất thải từ hộ gia đình thuộc trách nhiệm quản lý của Nhà nước, còn chất thải từ các công ty, nhà máy… cho tư nhân đấu thầu hoặc các công ty do chính quyền địa phương chỉ định. Một điều mà Nhật Bản làm rất chặt chẽ trong việc quản lý rác thải công nghiệp là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải tự chịu trách nhiệm về rác thải của mình. Điều này được quy định bởi luật về bảo vệ môi trường.
Khu công nghiệp sinh thái: từ năm 1991, chính phủ Nhật Bản chính thức khuyến khích tận dụng nguồn tài nguyên từ rác thải tái chế, các công ty tái chế chất thải chủ yếu các mặt hàng như bao bì, gỗ, đồ điện tử… Không những khuyến khích các công ty tái chế, tái sử dụng các chất thải, Nhà nước cũng khuyến khích người dân sử dụng rác như một nguyên liệu sản xuất, xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón cho cây trồng.
Giáo dục ý thức người dân: chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức các chiến dịch xanh, sạch, đẹp phố phường nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân và tặng thưởng những cá nhân có thành tích xuất sắc. Chương trình
này đã được đưa vào trường học và đã tỏ ra hiệu quả. Học sinh ngay từ cấp tiểu học đã được dạy về việc ý thức bảo vệ môi trường. Do đó ý thức bảo vệ môi trường của người dân Nhật quả thật đáng để Việt Nam học tập (Lê Văn, 2010).
2.2.1.2. Kinh nghiệm quản lý nước sạch và môi trường tại Trung Quốc
Nước sạch và vệ sinh môi trường ở Trung Quốc được bắt đầu từ những năm 80 của thế kỷ trước, sau khoá họp lần thứ 35 của WHO (phát động thập kỷ nước sạch). Trung Quốc đã xác định vấn đề nước sạch và Vệ sinh môi trường lồng ghép với phát triển kinh tế và là tiền đề cho xây dựng kế hoạch 5 năm tiếp theo. Chìa khoá thành công của Trung Quốc chính là quá trình lập kế hoạch, xác định trách nhiệm tham gia của các cấp chính quyền, các ngành của trung ương và địa phương. Theo kinh nghiệm của Trung Quốc sau khi lập kế hoạch việc đảm bảo nguồn tài chính là rất quan trọng. Chiến lược huy động vốn từ 3 nguồn: Từ nguồn vốn của chính phủ trung ương và địa phương, huy động quyên góp vốn từ các tổ chức, giới kinh doanh, đóng góp của người hưởng lợi từ chương trình. Hiện nay, trong giai đoạn lồng ghép vệ sinh môi trường với phát triển kinh tế thì số lượng vốn từ phía Nhà nước phải nhiều hơn. Ví dụ trong dự án vay vốn WB cho nước sạch và vệ sinh môi trường gồm 50% vốn từ WB, 25% từ Chính phủ Trung Quốc và 25% còn lại là đóng góp của hộ gia đình (đối tượng được hưởng lợi). Chiến lược huy động vốn ở Trung Quốc rất hiệu quả, trung bình mỗi năm huy động trên 10 tỷ nhân dân tệ cho vệ sinh môi trường đô thị.
Về lĩnh vực cấp nước: Trung Quốc chủ trương khuyến khích hình thức cấp nước bằng đường ống và tuỳ theo từng điều kiện cụ thể mà lắp đặt các hệ thống cho phù hợp. Từ cuối năm 2004, tỷ lệ người dân được sử dụng nước máy là 60%. Chính phủ hỗ trợ kỹ thuật qua các thiết kếmẫu, hướng dẫn kỹ thuật theo từng loại hình cấp nước khác nhau, ban hành tiêu chuẩn nước ăn uống. Trong khoảng thời gian 20 năm Trung Quốc đã có 4 giai đoạn vay vốn của WB cho lĩnh vực phát triển hệ thống cấp nước tại 17 tỉnh điểm.
Bài học về kinh nghiệm quản lý nước sạch và vệ sinh môi trường ở Trung Quốc cho thấy, việc thành công chỉ có thể có được khi chiến lược, quy hoạch phải phù hợp với điều kiện và tập quán của nhân dân, công tác truyền thông thông qua các chiến dịch phải được duy trì thường xuyên và rộng rãi kết hợp giữa các bộ, các cấp chính quyền và các tổ chức xã hội, đặc biệt là thanh niên và phụ nữ (Nguyễn Vũ Hoan và Trương Đình Bắc, 2005).