Đặc điểm, vai trò sự tham gia của người dân trong quản lý môi trường đô thị

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tăng cường sự tham gia của người dân trong quản lý môi trường đô thị trên địa bàn thành phố việt trì, tỉnh phú thọ (Trang 25 - 30)

Quản lý, bảo vệ môi trường đô thị thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, văn hóa, lịch sử và bảo đảm tỷ lệ không gian xanh theo quy hoạch.

Có kết cấu hạ tầng về bảo vệ môi trường đồng bộ, phù hợp với quy hoạch đô thị, khu dân cư tập trung đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Có thiết bị, phương tiện, địa điểm để phân loại tại nguồn, thu gom, tập trung chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với khối lượng, chủng loại chất thải và đủ khả năng tiếp nhận chất thải đã được phân loại tại nguồn từ các hộ gia đình trong khu dân cư.

Bảo đảm yêu cầu về cảnh quan đô thị, vệ sinh môi trường; lắp đặt và bố trí công trình vệ sinh nơi công cộng.

Chủ đầu tư dự án khu dân cư tập trung, chung cư phải thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Đối với khu dân cư phân tán phải có địa điểm, hệ thống thu gom, xử lý rác thải; có hệ thống cung cấp nước sạch và các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp và an toàn.

Như vậy, ở phạm vi nghiên cứu của đề tài về sự tham gia người dân trong trong quản lý môi trường đô thị cũng mang đầy đủ những nội dung và tính chất của sự tham gia nói chung. Trong nghiên cứu này, sự tham gia của người dân được hiểu là sự tham gia của tổ chức và của mọi người dân trong cộng đồng vào các hoạt động trong chương trình quản lý môi trường đô thị.

2.1.2. Đặc điểm, vai trò sự tham gia của người dân trong quản lý môi trường đô thị trường đô thị

2.1.2.1. Đặc điểm về sự tham gia của người dân trong quản lý môi trường đô thị

Trong công tác quản lý môi trường đô thị, người dân chính là đối tượng quản lý, sự tham gia của người dân vừa có tính bắt buộc, vừa có tính tự nguyện.

Tính bắt buộc nằm ở các quy phạm pháp luật, các chính sách mà chủ thể quản lý là cơ quan Nhà nước đặt ra, yêu cầu tất cả các cá nhân, tổ chức, đơn vị trên địa bàn phải thực hiện (ví dụ: Quy định về tiêu chuẩn bảo vệ môi trường

trước khi xây dựng nhà máy, quy định về đóng phí thu vệ sinh rác thải, quy định về cấm vứt, xả rác bừa bãi không đúng nơi quy định…).

Tính tự nguyện nằm ở yêu cầu hiệu quả của công tác quản lý môi trường đô thị phụ thuộc rất nhiều vào ý thức tự giác của người dân; do cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, công cụ pháp lý phục vụ cho công tác quản lý môi trường ở nước ta còn nhiều hạn chế dẫn đến việc kiểm soát sự tuân thủ của người dân bằng các công cụ quản lý của Nhà nước còn khó khăn (ví dụ như rất khó để có thể bắt được người đổ trộm rác thải vào ban đêm, thiếu chế tài xử lý đối với các trường hợp hộ dân cư không nộp tiền phí vệ sinh…). Người dân là người trực tiếp xả rác ra môi trường, cũng là người trực tiếp được huy động tham gia các hoạt động vệ sinh, bảo vệ môi trường; khi các công cụ chế tài của Nhà nước chưa đủ để buộc người dân phải thực hiện, thì cần phải có sự tự nguyện, ý thức tự giác của người dân thì quản lý môi trường đô thị mới thực sự đạt hiệu quả.

Tùy thuộc vào trình độ nhận thức, văn hoá, điều kiện kinh tế, địa lý của từng vùng miền khác nhau, mức độ tham gia của người dân vào quản lý môi trường đô thị ở các cấp độ khác nhau. Theo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (2011), Sự tham gia của người dân có thể chia thành các mức độ sau:

Tham gia thụ động: Người dân thụ động tham gia vào các hoạt động quản lý môi trường đô thị, bảo gì làm đấy, không tham dự vào quá trình ra quyết định, xây dựng kế hoạch.

Tham gia thông qua việc cung cấp thông tin: thông qua việc trả lời các câu hỏi điều tra của các nhà nghiên cứu. Người dân không tham dự vào quá trình phân tích và sử dụng thông tin.

Tham gia bởi nghĩa vụ hay bị bắt buộc: thông qua việc đóng góp lao động, tiền hay một số nguồn lực khác. Người dân cho rằng đây là nghĩa vụ họ phải đóng góp. Các hoạt động thường do các tổ chức quần chúng, cán bộ dự án khởi xướng, định hướng và hướng dẫn.

Tham gia bởi định hướng từ bên ngoài: Người dân tự nguyện tham gia vào các tổ, nhóm do dự án hoặc các chương trình khởi xướng. Bên ngoài hỗ trợ và người dân tự chịu trách nhiệm trong việc ra quyết định.

Tự nguyện: Người dân tự khởi xướng về việc xác định, lập kế hoạch, thực hiện và đánh giá các hoạt động phát triển không có sự định hướng từ bên ngoài.

Sự tham gia của người dân trong quản lý môi trường đô thị bằng nhiều hình thức. Có thể là trực tiếp (góp công, góp sức, chung tay cùng chính quyền tham gia dọn dẹp, làm sạch đường phố, phân loại rác, …); hoặc có thể là gián tiếp (đóng góp ý kiến, góp tiền của để ủng hộ cho các chương trình quản lý môi trường đô thị, …) hay có thể vừa tham gia trực tiếp, vừa tham gia gián tiếp: vừa góp công, góp sức, góp của, vừa tham gia đóng góp ý kiến, tham gia trong giám sát các đơn vị có chức năng nhiệm vụ quản lý môi trường đô thị.

Sự tham gia của người dân trong quản lý môi trường đô thị bị chi phối rất lớn bởi tính chất cộng đồng đô thị, phân biệt với các cộng đồng khác, cộng đồng thành thị mang những đặc điểm sau:

Sự thân thiện và quan hệ trao đổi giữa các cá nhân thường có tần xuất ít hơn so với ở nông thôn, có tính xã giao, thường xoay quanh các chuẩn mực về văn minh, văn hóa.

Sự thống nhất trong cộng đồng đô thị đạt được dựa trên cơ sở phụ thuộc mục tiêu do chuyên môn hóa.

Vì tính đặc thù của cộng đồng đô thị, nên các chính sách, quy định, chương trình quản lý môi trường đô thị cũng phải có những đặc thù phù hợp với tính chất cộng đồng (ví dụ như quy định về thời gian cho các xe tải, xe chuyên dụng được chạy trên các tuyến đường cụ thể thường chỉ có ở đô thị chứ không có ở nông thôn; mức thu phí vệ sinh đối với các hộ dân ở khu vực đô thị cũng khác so với ở khu vực nông thôn; người dân tại đô thị thường tham gia sinh hoạt Đảng, Đoàn thể tại cơ quan nơi làm việc, do đó các chính sách, văn bản quy định về quản lý môi trường đô thị thường được phổ biến gửi tới các cơ quan, đơn vị…) (Nguyễn Thị Thanh Nhàn, 2011).

2.1.2.2. Vai trò sự tham gia của người dân trong quản lý môi trường đô thị

Quản lý môi trường đô thị là một nhiệm vụ có tính cộng đồng mà người dân là đối tượng chịu sự quản lý. Như vậy, vai trò đầu tiên của người dân trong quản lý môi trường đô thị chính là vai trò của đối tượng chịu sự quản lý, bao gồm: là đối tượng mà các quy định quy phạm, các chính sách, công cụ quản lý môi trường của Nhà nước hướng đến; là đối tượng trực tiếp thực hiện các yêu cầu, tuân thủ các quy định, chấp hành các chế tài của cơ quan quản lý môi trường đô thị.

Mặt khác, trong cơ chế dân chủ, mọi chính sách của Nhà nước đều hướng đến phục vụ người dân, bao gồm cả các chính sách quản lý môi trường đô thị. Ở

đây, người dân sẽ đóng vai trò là người quản lý, bao gồm: là đối tượng được biết, được tham gia ý kiến vào quá trình hình thành các quy định quy phạm, các chính sách của Nhà nước về quản lý môi trường Đô thị; là đối tượng kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý môi trường đô thị; là đối tượng được hưởng lợi từ kết quả của công tác quản lý môi trường đô thị.

Có thể tóm lược vai trò của người dân trong quản lý môi trường đô thị bằng cụm từ: Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra, dân quản lý và dân hưởng lợi. Cụ thể:

a. Dân biết

Thể hiện ở hai khía cạnh; một là người dân cần biết về các quy định, chính sách, dự án, chương trình của cơ quan quản lý đối với quản lý môi trường đô thị, để từ đó họ nắm được thông tin đầy đủ, hiểu được ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường đô thị, tự nguyện tham gia các chương trình, dự án, chấp hành các yêu cầu của cơ quan quản lý và cùng tuyên truyền, kêu gọi người khác bảo vệ môi trường. Hai là, người dân biết các kiến thức, thông tin, và sự phản ánh của người dân có thể đóng góp hiệu quả vào quá trình quy hoạch đô thị, quá trình hình thành các đề án nhằm đạt được các mục tiêu quản lý môi trường Đô thị mà Nhà nước đặt ra.

b. Dân bàn

Đó là việc người dân tham gia ý kiến liên quan đến kế hoạch bảo vệ môi trường,liên quan đến các giải pháp bảo vệ môi trường, bàn luận mở ra một hướng quản lý mới, các mức đóng góp và các định mức chi tiêu từ các nguồn thu, phương thức quản lý tài chính… nhằm chỉ ra các điểm còn hạn chế, đưa ra các phương hướng, biện pháp thực hiện để đạt được hiệu quả tốt hơn cho công tác quản lý môi trường đô thị.

c. Dân đóng góp

Là một yếu tố không chỉ ở phạm trù vật chất, tiền bạc mà còn ở cả phạm trù nhận thức về quyền sở hữu và tính trách nhiệm, tăng tính tự giác của từng người dân trong cộng đồng. Hình thức đóng góp có thể bằng tiền, sức lao động, vật tư tại chỗ hoặc đóng góp bằng trí tuệ.

d. Dân làm

Chính là sự tham gia lao động trực tiếp từ người dân vào các hoạt động quản lý môi trường như: đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, gạch lát vỉa hè, cây xanh

dải phân cách, cây xanh đô thị, đèn điện chiếu sáng, hệ thống thoát nước,... Người dân trực tiếp tham gia vào quá trình cụ thể trong việc lập kế hoạch, hoạt động thi công, quản lý và duy tu bảo dưỡng, từ những việc tham gia đó đã tạo cơ hội có việc làm, tăng thu nhập và trách nhiệm cho người dân.

e. Dân kiểm tra

Có nghĩa là thông qua các chương trình, hoạt động có sự giám sát và đánh giá của người dân, để thực hiện các quy chế dân chủ ở cơ sở của Đảng và Nhà nước nói chung, và nâng cao hiệu quả, chất lượng quản lý. Ở những công trình có nhiều bên tham gia, sự kiểm tra, giám sát của người dân có tác động tích cực trực tiếp đến chất lượng công trình và tính minh bạch trong việc sử dụng các nguồn lực của Nhà nước,của người dân vào xây dựng, quản lý và vận hành công trình. Việc kiểm tra có thể được tiến hành ở tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư trên các khía cạnh kỹ thuật cũng như tài chính.

f. Dân quản lý

Đó là quản lý thành quả của các hoạt động mà người dân đã tham gia; các thành quả sau khi thực hiện xong cần được quản lý trực tiếp của một tổ chức đại diện cho người dân để tránh tình trạng không rõ ràng về chủ sở hữu. Ví dụ điển hình nhất là việc tham qua quản lý của người dân đối với các công trình vệ sinh công cộng, công trình công viên cây xanh. Việc người dân tham gia quản lý, duy tu, bảo dưỡng các công trình sẽ giúp phát huy tối đa hiệu quả trong việc sử dụng công trình, kéo dài tuổi thọ của công trình.

g. Dân hưởng lợi

Người dân chính là chủ thể được hưởng các lợi ích mà hoạt động quản lý môi trường đô thị mang lại. Các lợi ích có thể đến trực tiếp từ chính quá trình tham gia các hoạt động quản lý môi trường: ví dụ như công nhân khi trực tiếp tham gia thu gom rác thải, trồng cây xanh, khơi thông cống rãnh được trả lương; doanh nghiệp khi tham gia các dự án bảo vệ môi trường được hưởng chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư… Hoặc lợi ích đến từ kết quả của hoạt động quản lý môi trường: đó là được thụ hưởng không khí sạch, đường xanh mát bóng cây, môi trường trong lành… (Trần Đức Châm và Nguyễn Thị Minh Huệ, 2016).

Tóm lại, sự tham gia của người dân trong quản lý môi trường đô thị là tất yếu, không thể thiếu, có tính quyết định quan trọng nhất đối với kết quả của hoạt động quản lý môi trường.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tăng cường sự tham gia của người dân trong quản lý môi trường đô thị trên địa bàn thành phố việt trì, tỉnh phú thọ (Trang 25 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(134 trang)