của một số địa phương ở Việt Nam
2.2.2.1. Kinh nghiệm tham gia của người dân trong phân loại rác tại nguồn trên địa bàn quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh
Trong khi bài toán xử lý rác thải ở đô thị vẫn là vấn đề nhức nhối ở nhiều địa phương trong cả nước, thì mô hình phân loại rác tại nguồn đang thực hiện trên địa bàn quận Tân Phú (TP.HCM) với cách thức đổi rác lấy quà tặng là một trong những mô hình được duy trì thường xuyên và hiệu quả nhất trong chương trình phân loại rác tại nguồn ở Thành phố Hồ Chí Minh. Mô hình do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện từ năm 2014 với sự tham gia thường xuyên của hơn 4.200 hộ. Sau gần 5 năm triển khai, mô hình đã mang lại diện mạo môi trường và cảnh quan xanh, sạch, đẹp cho đô thị ở đây.
Tuyến đường Độc Lập, phường Tân Thành, quận Tân Phú được xem là tuyến đường kiểu mẫu về phân loại rác tại nguồn. Hơn 200 hộ dân và các hàng quán trên tuyến đường tham gia phân loại rác. Mỗi hộ có bao bì riêng để đựng các rác thải tái chế trong vòng 01 tuần. Đến cuối tuần, công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường đô thị thành phố đến thu gom rác thải tái chế. Rác thải tái chế được các công nhân phân thành từng loại như nhựa, giấy, kim loại… rồi cung cấp cho các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu tái chế. Tiền thu được từ rác thải tái chế được công ty gửi lại cho người dân bằng quà tặng hoặc phiếu mua hàng siêu thị tùy theo nhu cầu người dân.
Các hộ dân thực hiện phân rác sinh hoạt thành 3 loại, rác hữu cơ và chất thải rắn được tổ vệ sinh thu gom mỗi ngày, rác tái chế được thu gom vào cuối tuần. Phân loại rác tại gia đình rất tiện lợi, rác các loại không còn lẫn lộn với nhau nên dễ dàng thu gom. Thực hiện phân loại rác, gia đình được nhận quà là những đồ cần thiết trong gia đình như: bột giặt, nước rửa chén, nước lau nhà và phiếu mua hàng tại siêu thị.
Việc tặng quà hoặc phiếu mua hàng thay vì trả tiền cho hộ dân vì muốn làm nổi bật ý nghĩa của việc phân loại rác tại nguồn. Tuyến đường Độc Lập có nhiều hộ dân tham gia phân loại rác nên ý thức về vệ sinh môi trường của người dân được nâng cao, không còn tình trạng xả rác bừa bãi.
Ở phường Tây Thạnh (quận Tân Phú), nhiều năm qua hơn 4.000 hộ dân đang sống ở các chung cư đã tham gia phân loại rác tại nguồn. Chiều thứ bảy
hàng tuần, công nhân Tổ vệ sinh 1 đến các chung cư trong khu vực để thu gom rác tái chế. Việc phân loại rác, để riêng rác tái chế giúp nhà gọn gàng hơn, góp phần giáo dục cho các con ý thức vệ sinh môi trường.
Theo chị Ngô Thị Tươi, Tổ trưởng Tổ vệ sinh 1 chia sẻ: Ban đầu có gần 9.000 hộ dân tham gia phân loại rác, sau đó vì nhiều hộ vắng nhà thường xuyên không tập trung rác tái chế vào ngày thứ Bảy nên hiện còn khoảng 4.000 hộ tham gia.Thứ Bảy hàng tuần, việc người dân và công nhân vệ sinh môi trường tập trung phân loại, cân rác tái chế như trở thành niềm vui của các khu chung cư ở đây.
Để chương trình phân loại rác tại nguồn được hiệu quảhơn, ngoài nỗ lực vận động của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh và công nhân ở các đội, cần có sự tham gia hỗ trợ của các đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên. Mỗi thành viên các hội, đoàn thể tự thực hiện phân loại rác ở gia đình và kêu gọi các hộ khác cùng tham gia thì sức lan tỏa sẽ rộng hơn, đạt cao hơn.
Chia sẻ về quá trình thực hiện phân loại rác tại nguồn, bà Tô Lan Thương, đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên MTĐT TP HCM cho biết: Công ty tham gia đấu thầu thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn quận Bình Tân và Tân Phú. Việc triển khai thực hiện phân loại rác ở quận Tân Phú tiến hành từ năm 2014 đến nay. Ban đầu khi thực hiện, các tổ gặp nhiều khó khăn do người dân thấy việc phân loại phiền phức, tốn nhiều thời gian và không có lợi cho gia đình. Do vậy, đoàn viên, thanh niên của Công ty và các Tổ vệ sinh, Đội Vệ sinh Tân Phú phải đến từng nhà vận động, thuyết phục. Khi mô hình phân loại rác được nhân rộng ở quận Tân Phú, Công ty sẽ triển khai thực hiện ở quận Bình Tân.
Mục tiêu của Chương trình phân loại rácgiai đoạn 2017 - 2020 của TP HCM là đến năm 2020 chương trình được thực hiện đồng bộ tại 24 quận, huyện trên địa bàn thành phố nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng và giảm chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt. Các chất thải sinh hoạt được phân thành 3 loại gồm chất thải hữu cơ dễ phân hủy, chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và chất thải còn lại. Chất thải sau khi phân loại được vận chuyển đến Khu liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp (huyện Củ Chi), Khu Liên hợp Đa Phước (huyện Bình Chánh) và xử lý theo công nghệ hiện đại.Cách làm hiệu quả này cần được nhân rộng, góp phần giải quyết bài toán xử lý rác thải tại các đô thị (Thông tấn xã Việt Nam, 2014).
2.2.2.2. Kinh nghiệm triển khai mô hình “Làn nhựa đi chợ” - Mô hình hạn chế rác thải của Chi hội phụ nữ Tổ dân phố 12 phường Quang Trung – Quận Hà Đông – Thành phố Hà Nội
Mỗi sáng đi chợ mua thực phẩm cho bữa cơm gia đình, các mẹ,các chị trong chi hội phụ nữ tổ dân phố đều mang theo chiếc làn nhựa, hộp nhựa để đựng thực phẩm thay vì sử dụng túi nilon.
Chi hội phụ nữ tại đây đã nhận thấy tác hại rất lớn của việc sử dụng túi nilon tràn lan, trong khi đó các hộ dân thường có thói quen cất giữ túi nilon sau khi sử dụng,theo tính toán, trung bình mỗi năm một gia đình sử dụng và thải ra môi trường khoảng 1000 túi nilon. Chi hội phụ nữ đã lên phương án thực hiệnmô hình “làn nhựa đi chợ”, Ban chấp hành chi hội phụ nữ đã thống nhất cụ thể các nội dung từ việc tuyên truyền vận động hội viên như thế nào, kinh phí sử dụng ra sao, tìm nguồn cung cấp làn... Tháng 10/2013, phong trào sử dụng làn nhựa đi chợ được chi hội phụ nữ phát động tới 100% hội viên. Chi hội phụ nữ Tổ dân phố 12 phường Quang Trung hiện có 99 hội viên sinh hoạt trong 5 tổ hội. Bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, chi hội đã mua tặng mỗi chị em trong chi hội 01 làn nhựa để đi chợ. Bên cạnh việc phát động sử dụng làn nhựa, chi hội tổ dân phố 12 còn phát động chị em hãy dùng hộp nhựa đi chợ để đựng thức ăn tươi sống; dùng cặp lồng đựng thức ăn chín cũng góp phần hạn chế túi nilon.
Hình 2.1. Hội viên chi hội phụ nữ tổ dân phố 12 sử dụng làn nhựa đi chợ
Khó khăn lớn nhất đối với mỗi hội viên phụ nữ chính là thay đổi thói quen đã ăn sâu, bám rễ vào ý thức, đó là việc sử dụng túi nilon. BCH chi hội phụ nữ trong các buổi sinh hoạt đã lồng ghép phân tích cho hội viên hiểu tác hại của việc sử dụng túi nilon như thế nào, có ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống môi trường.Đặc biệt với biện pháp mình tự phải nhắc mình, nhắc nhở các hội viên khác, cứ hễ ra đường đi chợ gặp ai không mang làn là mọi người lại nhắc nhở, dần dần phong trào đã đến được với hội viên.
Sau 01 năm nỗ lực thực hiện, giờ đây việc sử dụng làn nhựa đi chợ dường như đã trở thành thói quen “mới” của những hội viên chi hội phụ nữ tổ dân phố 12. Không cần ai nhắc ai, cứ mỗi sáng các bà, các chị lại xách chiếc làn đi chợ. Từ khi sử dụng làn đi chợ, lượng túi nilon giảm rõ rệt, không ít chị em bày tỏ niềm vui vì một hành động nhỏ của mình đã góp phần bảo vệ môi trường, giữ gìn cuộc sống “xanh - sạch - đẹp” và “Làm cho thế giới sạch hơn” (Nguyễn Lợi, 2014).
2.2.2.3. Kinh nghiệm xây dựng tuyến “đường hoa thanh niên” trong xây dựng đô thị văn minh của tuổi trẻ Thành phố Hà Tĩnh
Xây dựng “Đường hoa thanh niên” là mô hình đang được Thành đoàn thành phố Hà Tĩnh triển khai thực hiện trong năm 2018 đặc biệt là trong chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè. Nhằm phát huy vai trò trách nhiệm và tinh thần xung kích, tình nguyện của đoàn viên thanh niên trong bảo vệ, tạo cảnh quan môi trường sống xanh - sạch - đẹp, từ đó nâng cao ý thức tham gia của thanh thiếu nhi và người dân dân trong việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị, góp phần thực hiện có hiệu quả phong trào “Tuổi trẻ chung sức xây dựng đô thị văn minh, xây dựng đô thị mới”, Thành đoàn đã ban hành Kế hoạch xây dựng “Đường hoa thanh niên”.
Thành đoàn đã làm việc với công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Hà Tĩnh để được hướng dẫn về kỹ thuật ươm giống, trồng, chăm sóc các loại cây hoa; chỉ đạo Đoàn xã phường tiến hành khảo sát, đăng ký xây dựng các tuyến đường hoa phù hợp với tình hình tại địa phương.
Tuyến đường đô thị văn minh Vũ Quang đoạn từ Trường THCS Thạch Linh đến Cầu Đông, chiều dài 01km do Đoàn phường Thạch Linh tự quản được chọn chỉ đạo điểm để triển khai rút kinh nghiệm, nhân rộng.Lựa chọn các loại hoa có khả năng sống, sinh trưởng và phát triển tốt như mười giờ, sam, dừa cạn, cúc vạn thọ, chiều tím… để tiến hành làm đất, bón phân, trồng hoa.Đối với
những tuyến đường không có điều kiện trồng hoa trực tiếp, Đoàn phường đã tận dụng lốp xe ô tô cũ và những vật liệu sẵn có khác tạo thành bồn cây để trồng, phân công đoàn viên thanh niên chăm sóc, đồng thời tích cực tuyên truyền vận động các hộ gia đình cùng tự giác chăm sóc bảo vệ đường hoa.
Đến nay, mô hình đã được triển khai nhân rộng ra nhiều đơn vị khác như Đại Nài, Thạch Hạ, Thạch Hưng… Hoa được trồng chủ yếu ở những tuyến đường thanh niên tự quản, tuyến liên phố, đường nhiều người qua lại hoặc tại các nhà văn hóa, tổ dân phố, đài tưởng niệm liệt sĩ...
Nhờ bàn tay chăm sóc của đoàn viên thanh niên, những vạt cỏ ven đường, những bãi rác tự phát, những bồn cây thiếu sức sống trước đây, nay đã được thay bằng những thảm hoa rực rỡ. Đồng chí Nguyễn Duy Ngân, Bí thư Thành đoàn cho biết: “Mô hình đường hoa thanh niên đã đạt được kết quả bước đầu. Trong thời gian tới, Thành đoàn hướng dẫn, chỉ đạo Đoàn phường xã tập trung xây dựng các đường hoa đẹp, góp phần xây dựng thành phố Hà Tĩnh ngày càng giàu đẹp, văn minh”.
Mặc dù còn một số khó khăn trong việc duy trì và chỉnh trang công trình như thiếu nguồn kinh phí, thời tiết khắc nghiệt của khu vực miền Trung… nhưng mô hình đang được đông đảo đoàn viên, thanh niên, người dân ủng hộ và mang lại hiệu quả rõ rệt cho việc tô điểm cho các tuyến phố (Cao Cường, 2018).