Những thuận lợi và khó khăn từ đặc điểm tình hình cơ bản đến quản lý vốn đầu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tăng cường quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện mai châu, tỉnh hòa bình (Trang 52 - 53)

Phần 3 Phương pháp nghiên cứu

3.1. Đặc điểm địa bàn nghiên cứu

3.1.4. Những thuận lợi và khó khăn từ đặc điểm tình hình cơ bản đến quản lý vốn đầu

3.1.4.1. Thuận lợi

Huyện Mai Châu có vị trí địa lý cửa ngõ vùng Tây Bắc, cách thủ đô Hà Nội khoảng 130km, giáp các tỉnh Sơn La và Thanh Hóa và có 02 tuyến đường Quốc lộ chạy qua (Quốc lộ 6 và Quốc lộ 15) nên rất thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu xây dựng, Đồng thời, cũng dễ thu hút các nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm tham gia vào quy trình quản lý vốn đầu tư XDCB của huyện.

Với địa hình có núi đá bao quanh, phía nam có dòng sông Mã chảy qua, lớp đất chủ yếu gồm đất đỏ, đất mùn rất thuận lợi cho việc tự sản xuất vật liệu xây dựng tại địa phương: đá, cát, sỏi, gạch nung.. Hiện trên địa bàn huyện đang có 02 mỏ đá với trữ lượng lớn, đảm bảo tiêu chuẩn về vật liệu xây dựng; Cát được khai thác từ sông Mã cũng tương đối đảm bảo nhu cầu phục vụ hoạt động đầu tư xây dựng của huyện. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở sản xuất gạch nung vẫn đang hoạt động cũng phần nào đáp ứng nhu cầu xây dựng trên địa bàn huyện. Ngoài ra, với nguồn tài nguyên rừng khá phong phú, chủ yếu là các kiểu rừng tự nhiên với nhiều loại cây nhiệt đới, cung cấp nguồn gỗ, tre, nứa, luồng.. cho hoạt động xây dựng khá dồi dào.

Đặc điểm dân số khá đông cũng tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xây dựng về nguồn cung cấp lao động dồi dào. Bên cạnh đó, tại thị trấn Mai Châu có trạm 110/10KV được cấp từ đường điện cao thế 110KV và 02 nhà máy thủy điện nhỏ cũng cơ bản đảm bảo nguồn điện đáp ứng nhu cầu sử dụng của địa phương cũng như hoạt động xây dựng.

3.1.4.2. Khó khăn

Địa hình khá phức tạp, bị chia cắt mạnh bởi hệ thống núi cao và khe, suối cùng với điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nguồn lực cho công tác đầu tư XDCB hạn chế dẫn tới các dự án, công trình đầu tư thường mang tính nhỏ lẻ, manh mún. Đồng thời, với đặc điểm hệ đất đai được hình thành trên nền đá cổ hoặc trẻ phát sinh trên các loại đá trầm tích biến chất kết hợp với địa hình đồi núi, độ dốc lớn nên việc đầu tư xây dựng công trình khá khó khăn, giá trị công trình cao do phải xử lý đá trong công tác nền móng, san tạo mặt bằng, đường giao thông..

Đặc điểm khí hậu chịu ảnh hưởng rõ rệt của chế độ gió mùa Tây Bắc cũng gây khó khăn trong việc triển khai thi công và tiến độ thực hiện dự án, đặc biệt mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10 nên thời gian thi công các công trình thường bị kéo dài. Hệ thống thủy văn khá dày đặc nhưng do địa hình có độ dốc lớn nên việc tích trữ nước kém gây thiếu nước trầm trọng vào mùa khô cũng gây ảnh hưởng lớn đến công tác thi công do không đủ nước xây dựng.

Cơ sở hạ tầng kém phát triển, đặc biệt là hệ thống giao thông liên xã, liên xóm ảnh hưởng lớn tới hoạt động xây dựng trên địa bàn huyện (cá biệt có xóm Cải, xã Tân Dân còn không có đường giao thông đến trung tâm xóm, phải đi bằng thuyền).

3.2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tăng cường quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện mai châu, tỉnh hòa bình (Trang 52 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(141 trang)