nông thôn
a. Vai trò của phụ nữ trong công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường
Phụ nữ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, phát huy vai trò phụ nữ tự quản, hình thành ý thức chủ động về bảo vệ môi trường, vận động sâu rộng về quản lý môi trường nông thôn trong hệ thống tổ chức nhằm phát huy đầy đủ, toàn diện nội lực và tiềm năng, sáng tạo của phụ nữ, động viên, khuyến khích phụ nữ chủ động, tích cực tham gia với vai trò chủ thể ở nông thôn.
Phối hợp với Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia quản lý môi trường nông thôn của Trung ương, của huyện và địa phương mình, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến 100% cán bộ, hội
viên, về ý nghĩa, mục đích, chủ trương của Đảng, chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, của địa phương về quản lý môi trường nông thôn, trên cơ sở đó tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động của phụ nữ, khuyến khích, động viên phụ nữ tích cực tham gia, đóng góp công sức, tiền của, đất đai, quản lý môi trường nông thôn với vai trò của người làm chủ (Phạm Huy Hoàng, 2016).
Tổ chức biên soạn tài liệu tập huấn, tuyên truyền về quản lý môi trường nông thôn và tổ chức tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức với nhiều hình thức phong phú như: Hội thảo, giao lưu sân khấu hóa, tọa đàm, thi tìm hiểu kiến thức, các sự kiện truyền thông.
Tổ chức thông tin tuyên truyền thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, các mô hình, điển hình tiên tiến về quản lý môi trường nông thôn, kịp thời động viên và khuyến khích việc học tập các mô hình, điển hình tiên tiến với phong trào “Phụ nữ với phong trào “5 không 3 sạch”.
b. Vai trò của phụ nữ trong xử lý rác thải sinh hoạt và bảo vệ nguồn nước Phụ nữ tích cực vận động, huy động các cán bộ, hội viên, và mọi người dân tham gia tích cực vào các hoạt động quản lý môi trường nông thôn cụ thể, phát triển hạ tầng kinh tế - bằng các việc làm thiết thực như hiến đất làm làm các hố bi đựng rác thải trên đồng ruộng nông thôn, xả rác đúng nơi quy định, ủng hộ vật chất, tiền mặt, ngày công lao động để xây dựng nhà vệ sinh cho các hội viên nghèo, hỗ trợ xây hầm Bio ga cho các hộ gia đình chăn nuôi gia xúc, gia cầm.
Phụ nữ tuyên truyền vận động thành lập các tổ vệ sinh môi trường của từng thôn và đội thu gom rác thải, tăng cường công tác khuyến nông, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị sản xuất.
Bảo vệ, sử dụng nguồn nước sạch hợp lý và tiết kiệm, hiệu quả. Kiên quyết lên án, tạo áp lực xã hội đối với những hành vi cố tình xả, thải gây ô nhiễm môi trường.
c. Vai trò của phụ nữ trong quản lý vệ sinh đường làng, ngõ xóm
Nhận thức rõ vai trò của phụ nữ trong các gia đình, phụ nữ luôn là lực lượng nòng cốt trong việc tuyên tuyền, hướng dẫn và vận động người dân tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm.
Duy trì tổng vệ sinh môi trường toàn xã hàng tháng vào ngày quy định, gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, thu gom rác thải, khơi thông cống rãnh tại các kênh mương và đường làng ngõ xóm.
Duy trì hoạt động của tổ phụ nữ thu gom rác thải, phong trào “Ngày Chủ nhật sạch”, đảm bảo đường làng, ngõ xóm, khu dân cư, khu vực công cộng xanh - sạch - đẹp. Các tổ, nhóm phụ nữ tại các xã, xóm, thôn, tiến hành làm tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm; thu gom rác thải, nạo vét kênh mương, khơi thông cống rãnh. Đăng ký và tổ chức cho phụ nữ tham gia xây dựng, tu sửa đường giao thông nông thôn, đường trục chính nội đồng, hệ thống kênh mương, thủy lợi và các công trình phúc lợi, xây dựng các "Đoạn đường phụ nữ tự quản” và gắn biển các đoạn đường do phụ nữ quản lý xanh - sạch - đẹp, định kỳ huy động lực lượng tham gia vệ sinh, duy tu, bảo dưỡng (Nguyễn Huế, 2016).
Huy động nguồn lực, xã hội hóa với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", đẩy mạnh công tác bê tông hóa đường làng, ngõ xóm tạo cảnh quan và bảo vệ môi trường sống. Với những hình thức hoạt động phong phú, phụ nữ đã góp phần quan trọng bảo vệ môi trường, tạo sức lan tỏa cho cả cộng đồng. Từ đó giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, chăm lo từ nếp ăn ở hợp vệ sinh, sử dụng nước sạch, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình, hình thành hành vi ứng xử thân thiện với môi trường. Phong trào thi đua giữ gìn vệ sinh môi trường, làm sạch nhà, sạch ngõ, sạch đường và khu dân cư của phụ nữ các cấp đã thực sự góp phần hoàn thành tiêu chí môi trường, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới ở các xã, nâng cao chất lượng cuộc sống ở từ khu vực dân cư.
d. Vai trò của phụ nữ trong cải tạo cảnh quan (trồng cây, cải tạo ao hồ sinh thái)
Cây xanh đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội như: điều hòa môi trường không khí, hấp thụ các chất thải độc hại, khói bụi, diệt vi khuẩn, giảm tiếng ồn, góp phần bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, cây xanh với đặc điểm tự nhiên, cùng các công trình kiến trúc khác tạo nên những sắc thái văn hóa đặc trưng, góp phần làm tăng vẻ đẹp cảnh quan đô thị, làm phong phú cuộc sống văn hoá tinh thần của cư dân. Việc phát triển cây xanh tạo cảnh quan đã được phụ nữ rất quan tâm, cải tạo ao, hồ, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, đảm bảo cảnh quan và bảo vệ môi trường. Tích cực vận động phụ nữ và mọi người dân cùng tham gia trồng cây xanh, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên rừng, trồng cây cải tạo cảnh quan môi trường sống, khu dân cư, cơ quan, trường học. Nhiều tuyến đường được trồng cây xanh mới, cùng với các công trình kiến trúc tạo nên diện mạo mới cho nông thôn (Nguyễn Huế, 2016).
e. Vai trò của phụ nữ trong công tác di dời chuồng trại chăn nuôi
Nhằm nâng cao nhận thức cho phụ nữ về công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, vận động người dân phải chuyển toàn bộ chuồng trại trâu, bò của mình ra khỏi khu vực dân cư. Để từng bước xóa bỏ chăn nuôi theo kiểu tự phát, gây nhiều tác động xấu tới môi trường, xây dựng chăn nuôi theo kiểu khoanh vùng và chuồng trại xa khu dân cư. Việc đưa chuồng trại ra khỏi khu dân cư đã làm cho môi trường thôn bản cải thiện đáng kể, chất lượng cuộc sống người dân được nâng lên.
Phụ nữ vận động các hộ gia đình trong đó chị em là người đi đầu trong cải tạo nhà cửa, vườn, ao, di dời chuồng trại ra xa khu vực nhà ở để đảm bảo vệ sinh và giữ gìn sức khỏe.Tổ chức cho phụ nữ tham gia các hoạt động thường xuyên và đột xuất tham gia giải quyết các vấn đề về môi trường trên địa bàn dân cư.
Việc di dời công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi ra xa khu vực nhà ở là một trong những tiêu chí để bình xét danh hiệu Gia đình văn hoá trong năm. góp phần hoàn thành các tiêu chí NTM (Nguyễn Huế, 2016).
g. Vai trò của phụ nữ trong công tác thu gom và xử lý rác thải nông nghiệp ở nông thôn
Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường nông thôn, giám sát việc thực hiện thu gom rác thải trên đồng ruộng. Tất cả lượng rác rau, hoa của nông dân sau khi thu hoạch sẽ được thu gom ủ làm phân bón cho cây trồng hoặc mang đến bán cho các cơ sở chế biến phân vi sinh vừa đem lại thu nhập cho chị em, đồng thời, khắc phục được tình trạng rác thải nông nghiệp tràn lan, góp phần làm cho môi trường ngày càng xanh - sạch - đẹp (Dương Linh, 2016).
Phụ nữ là người đi đầu trong việc thu gom rác thải nông nghiệp đảm bảo cảnh quan và bảo vệ môi trường. Kiên quyết lên án, tạo áp lực xã hội đối với những hành vi cố tình xả rác thải gây ô nhiễm môi trường sống. Kết quả đã đạt được trong những năm qua về công tác bảo vệ môi trường, đã tạo ra ảnh hưởng lớn đến nhận thức của người dân, góp phần tích cực vào việc vận động những hộ nông dân khác tham gia.
Huy động sự tham gia của đông đảo người dân đối với công tác bảo vệ môi trường. Tích cực vận động phụ nữ và mọi người dân cùng tham gia thu gom và xử lý hay tận dụng rác thải giác thải một cách khoa học vừa đỡ lãng phí và cũng tránh ô nhiễm.
h. Vai trò của phụ nữ trong công tác vệ sinh đồng ruộng
Việc vứt bừa bãi vỏ thuốc bảo vệ thực vật ngay tại bờ ruộng, kênh mương ở các cánh đồng đã trở thành thói quen của nhiều người dân. Việc làm này không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước, bởi dư lượng còn sót lại trong các vỏ, bao bì đựng thuốc mà còn có thể gây ra tai nạn cho người dân khi đi làm đồng. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, phụ nữ triển khai mô hình “Thu gom túi ni lông, bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật làm sạch đồng ruộng góp phần xây dựng nông thôn mới”, nhằm nâng cao ý thức trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và tạo thói quen tốt trong canh tác cho cán bộ, hội viên phụ nữ. Không chỉ tổ chức thu gom túi ni lông, bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật làm sạch đồng ruộng, phụ nữ còn thu gom ốc bươu vàng trên đồng ruộng để bảo vệ cây trồng.
Duy trì và nhân rộng các mô hình về bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp, tham gia thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Qua đó, từng bước làm chuyển biến đời sống của từng hội viên, động viên chị em phát huy tiềm năng, sức sáng tạo, đóng góp tích cực vào việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương (Dương Linh, 2016).