Nhà nước cần ban hành Luật BTXH, tiếp tục hoàn thiện chính sách bảo trợ xã hội và có phương án tăng mức hỗ trợ cho đối tượng BTXH.
Các bộ, ngành trung ương, chủ yếu là Bộ Lao động – Thương và Xã hội, Bộ Tài chính, trước khi tham mưu cho Chính phủ ban hành chế độ, chính sách mới cần phải nghiên cứu sâu, rà soát kỹ tình hình kinh tế - xã hội, điều kiện ngân sách thực hiện để khi chế độ, chính sách mới được ban hành có thể thực thi. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần có hướng dẫn thực hiện các chế độ, chính sách cho đối tượng trợ cấp xã hội kịp thời để các đối tượng sớm được hưởng các chế độ, chính sách như Nghị định số 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành từ năm 2013 thay đổi mức trợ cấp cơ sở từ 180.000 đồng/tháng lên 270.000 đồng/tháng nhưng do điều kiện ngân sách khó khăn, không thể thực hiện được mức trợ cấp mới nên năm 2014 vẫn phải áp dụng theo Nghị định số 13/2010/NĐ-CP với mức trợ cấp cơ sở là 180.000 đồng/tháng. Mãi đến đầu năm 2015, Chính phủ mới cho phép thực hiện mức trợ cấp cơ sở theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP nhưng chỉ áp dụng cho các đối tượng thuộc hộ nghèo và các đối tượng sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Điều này gây khó khăn trong việc hướng dẫn thực hiện các mức trợ cấp cho các đối tượng xã hội.
Số lượng công chức, viên chức, nhân viên làm công tác xã hội không đủ để phục vụ cho hoạt động trợ cấp, chăm sóc các đối tượng trợ cấp xã hội. Vì vậy, Bộ Nội vụ nên xem xét bổ sung biên chế viên chức, nhân viên trong các cơ sở bảo trợ xã hội, bổ sung thêm công chức ngành lao động – thương binh và xã hội để có thể phục vụ tốt hơn trong công tác trợ cấp xã hội.
Thái Bình là một tỉnh nghèo, còn thiếu thốn về vật chất, trang thiết bị trong công tác phục vụ, chăm sóc và phục hồi chức năng cho các đối tượng trợ cấp xã hội nên cần sự quan tâm hỗ trợ của các bộ ngành, các tổ chức, cá nhân để việc chăm sóc và phục hồi chức năng cho các đối tượng trợ cấp xã hội được tốt hơn, giúp các đối tượng trợ cấp xã hội sớm được hòa nhập vào cộng đồng.