Thực trạng kiểm soát mức trợ cấp xã hội chi trả

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiểm soát chi trả kinh phí thực hiện chính sách bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh thái bình (Trang 62 - 66)

Các mức trợ cấp xã hội quy định ở các nghị định là các mức trợ cấp tối thiểu. Tùy vào điều kiện kinh tế và tình hình ở địa phương mà các tỉnh, thành phố

tự cân đối ngân sách, chủ động nâng mức trợ cấp hàng tháng cho các đối tượng trợ cấp xã hội cao hơn mức quy định của Chính phủ. Trong cả nước đã có nhiều tỉnh, thành phố nâng mức trợ cấp xã hội hàng tháng cao hơn quy định như Hà Nội (mức 350.000 đồng/tháng), Bình Dương (mức 340.000 đồng/tháng), Quảng Ninh (mức 300.000 đồng/tháng), …

Riêng tỉnh Thái Bình là một tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, hạn hẹp về kinh phí, mất cân đối ngân sách, thu không đủ chi, nguyên nhân là do miễn giảm thuế môn bài nông, lâm sản chưa qua chế biến, nguồn bán tài sản công, thu tiền sử dụng đất không đạt chỉ tiêu,... Các nội dung thực hiện theo Luật, Nghị định, Pháp lệnh, các đề án, chương trình về an sinh xã hội, phần lớn đều phải xin hỗ trợ từ ngân sách Trung ương. Việc thực hiện trợ cấp xã hội thường xuyên cũng nằm trong số đó. Ngân sách địa phương chỉ thực hiện cho việc trợ cấp đột xuất như trợ cấp cứu đói, hỗ trợ người nghèo ăn tết, hỗ trợ các trường hợp nhà sập, nhà cháy, có người bị thương hoặc mất tích, các trường hợp bệnh nan y có hoàn cảnh khó khăn,… Do đó, tỉnh Thái Bình chỉ quy định mức trợ cấp cho các đối tượng xã hội ở mức tối thiểu. Mức trợ cấp này không đảm bảo được nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của các đối tượng, nhất là đối với các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, vùng hẻo lánh thì chi phí đi lĩnh tiền trợ cấp có khi chiếm hết một phần ba. Còn mai táng phí được hỗ trợ thực tế cho từng đối tượng với mức 3.000.000 đồng/đối tượng.

Với số đối tượng nhiều, kinh phí thực hiện trợ cấp xã hội thường xuyên, bảo hiểm y tế và mai táng phí lớn, tỉnh Thái Bình không đủ ngân sách chi trả nên không thể nâng mức trợ cấp cao hơn quy định của Chính phủ mà hàng năm phải xin hỗ trợ ngân sách trung ương từ 10 tỷ đồng đến 70 tỷ đồng.

Điều dễ nhận thấy là mức trợ cấp liên tục được điều chỉnh trong các nghị định gần đây. Chẳng hạn, Nghị định số 07/2000/NĐ-CP mức trợ cấp tối thiểu bằng 45.000 đồng/người/tháng thì Nghị định số 67/2007/NĐ-CP nâng lên 120.000 đồng/người/tháng, Nghị định số 13/2010/NĐ-CP tiếp tục nâng mức trợ cấp hàng tháng lên 180.000 đồng/người/tháng và gần đây nhất Nghị định số 136/2013/NĐ-CP là 270.000 đồng/người/tháng.

Qua các nghị định cho thấy, nguồn kinh phí dành cho trợ cấp xã hội thường xuyên không ngừng được điều chỉnh hơn 10 năm qua. Nếu Nghị định số 07/2000/NĐ-CP quy định khoản trợ giúp xã hội thường xuyên do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho phù hợp với tình hình thực tế từng địa

phương thì đến Nghị định 67/2007/NĐ-CP quy định phân cấp rõ ràng hơn nguồn kinh phí trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng; kinh phí nuôi dưỡng, kinh phí hoạt động bộ máy, kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản của các cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội tại cộng đồng thuộc cấp nào thì do ngân sách cấp đó đảm bảo theo phân cấp hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật này. Điều 16 Nghị định số 67/2007/NĐ-CP năm 2007 cũng ghi rõ: Cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội tại cộng đồng được tiếp nhận, sử dụng và quản lý các nguồn kinh phí và hiện vật (nếu có) do các tổ chức, cá nhân đóng góp và giúp đỡ từ thiện; bảo đảm sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng và thanh quyết toán theo chế độ tài chính hiện hành. Điều đáng lưu ý là các điều khoản liên quan đến nguồn kinh phí được điều chỉnh nhiều trong các nghị định gần đây, mở rộng các khoản chi và tăng cường sự tham gia đóng góp của cá nhân và các tổ chức xã hội cho nguồn kinh phí trợ giúp.

Như vậy, những thay đổi mức trợ cấp và điều chỉnh về nguồn kinh phí dành cho hoạt động trợ cấp xã hội thường xuyên trong hơn một thập kỷ qua đã góp phần đáng kể vào việc giảm bớt khó khăn và cải thiện cuộc sống của các đối tượng bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều bất cập như: mức trợ cấp cho các nhóm đối tượng còn quá thấp, mang tính bình quân. Ví dụ: người cao tuổi cô đơn, thuộc hộ gia đình nghèo và người từ 85 tuổi trở lên không có lương hưu... đều được hưởng trợ cấp tại cộng đồng như nhau với hệ số 1,0. Một bất cập nữa là việc điều chỉnh mức trợ cấp còn chậm, chưa kịp thời so với các yếu tố khác như mức tiền lương, biến động của giá cả thị trường. Từ năm 2001 đến năm 2013 mức trợ cấp xã hội ở cộng đồng được điều chỉnh tăng 6 lần từ 45.000 đồng, 120.000 đồng, 180.000 đồng và hiện nay 270.000 đồng/tháng, trong khi tiền lương tối thiểu thời gian này đã thay đổi 11 lần (từ 144.000 đồng, 180.000 đồng, 210.000 đồng, 290.000 đồng, 350.000 đồng, 450.000 đồng, 540.000 đồng, 650.000 đồng, 730.000 đồng, 830.000 đồng, 1.050.000 đồng và hiện đang là 1.150.000 đồng), tăng gần 8 lần. Thực tế này ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của các nhóm thụ hưởng.

Ngoài ra, nguồn kinh phí thực hiện trợ cấp thường xuyên hiện nay chủ yếu dựa vào ngân sách địa phương tự cân đối; sự đóng góp của cá nhân, cộng đồng, tổ chức xã hội rất ít. Điều này gây ra rất nhiều khó khăn cho những địa phương nguồn thu ít hoặc các địa phương thường xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Đồng thời cũng dẫn đến sự thiếu công bằng trong việc tiếp cận chính sách xã hội của người

dân ở các địa phương khác nhau. Sự trợ giúp trên tinh thần từ thiện của cộng đồng xã hội cho công tác trợ cấp xã hội là thực sự cần thiết. Tuy nhiên với sự thiếu thuận tiện về mặt thủ tục và những biểu hiện tiêu cực trong việc sử dụng các nguồn tài chính, hiện vật thực hiện trợ cấp xã hội (trong đó có phần đóng góp từ thiện của cộng đồng xã hội) đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới sự tham gia của cộng đồng xã hội vào công tác này. Điều này thể hiện sự bất cập trong công tác quản lý nhà nước về công tác trợ cấp xã hội nói chung, quản lý nguồn tài chính thực hiện trợ cấp xã hội nói riêng, trong đó đáng chú ý là công tác tổ chức thực hiện trợ cấp xã hội.

Bên cạnh việc trợ cấp cho các đối tượng xã hội, đối tượng trợ cấp xã hội còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế; hỗ trợ học văn hóa, học nghề đối với các đối tượng còn đang theo học văn hóa, học nghề; hỗ trợ mai táng phí. Đồng thời, từ ngày 1/6/2014, chính sách hỗ trợ tiền điện được mở rộng thêm đối tượng, không chỉ thực hiện cho hộ nghèo mà còn thực hiện cho hộ chính sách xã hội theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các đối tượng này được tăng mức hỗ trợ từ 30.000 đồng/hộ/tháng lên 46.000 đồng/tháng. Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, mỗi hộ nghèo và hộ chính sách xã hội chỉ được hưởng một mức hỗ trợ tiền điện. Mức hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt hàng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành là 46.000 đồng/hộ/tháng. Phương thức hỗ theo hướng chi trả trực tiếp theo hình thức hỗ trợ bằng tiền từng quý đến hộ nghèo và hộ chính sách xã hội.

Bảng 4.7. Tổng hợp ý kiến của đối tượng BTXH về mức hỗ trợ BTXH được chi trả hiện nay

Phương án trả lời Số lượt chọn Tỷ lệ (%)

Mức hỗ trợ BTXH đã được thực hiện đúng theo chế độ

quy định của Nhà nước 146 97,33

Mức hỗ trợ BTXH chưa đúng theo chế độ quy định của

Nhà nước 4 2,67

Tổng 150 100

Nguồn: Tác giả điều tra khảo sát (2018)

Qua bảng tổng hợp ý kiến của đối tượng BTXH về mức hỗ trợ BTXH được chi trả hiện nay mà họ thực nhận được, hầu hết các ý kiến cho rằng mức hỗ trợ

BTXH đã được thực hiện đúng theo chế độ quy định của Nhà nước chỉ có 2,67% ý kiến cho rằng mức hỗ trợ BTXH mà họ nhận được vẫn chưa đúng theo chế độ quy định của Nhà nước do hồ sơ còn thiếu hoặc bị thất lạc hồ sơ nên họ chưa được xếp vào đúng đối tượng được hưởng theo mức trợ cấp BTXH cao hơn hay như một số đối tượng là người cao tuổi, do tuổi thực tế cao nhưng do bị thất lạc giấy tờ nên họ không được hưởng trợ cấp BTXH.

Bên cạnh đó, tác giả còn tiến hành khảo sát ý kiến của các đối tượng BTXH về mức bảo trợ xã hội hiện nay có đáp ứng được mức sống tối thiểu cho người họ hay không, kết quả thu được như sau:

Bảng 4.8. Tổng hợp ý kiến của đối tượng BTXH khả năng đảm bảo mức sống tối thiếu của mức bảo trợ xã hội hiện nay

Phương án trả lời Số lượt chọn Tỷ lệ (%)

Rất đảm bảo 3 2,00

Đảm bảo 10 6,67

Chưa đảm bảo 102 68,00

Rất chưa đảm bảo 35 23,33

Tổng 150 100,00

Nguồn: Tác giả điều tra khảo sát (2018)

Qua bảng 4.5 cho thấy kết quả có 03 lượt chọn rất đảm bảo chiếm 2%, 10 lượt chọn đảm bảo chiếm 6,67%; có 35 lượt chọn rất chưa đảm bảo chiếm 23,33%; còn lại là 102 lượt chọn là chưa đảm bảo chiểm tỷ lệ 68% đây là phương án có số lượt chọn cao nhất trong các phương án, cho thấy mức hỗ trợ hiện nay theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của người dân, đặc biệt là các đối tượng già không nơi nương tựa, không có lương hưu với mức 270.000 đồng là quá ít không thể đủ trang trải cho mức sống tối thiểu hằng tháng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiểm soát chi trả kinh phí thực hiện chính sách bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh thái bình (Trang 62 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)