Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng công chức ở các xã đặc biệt khó

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao chất lượng công chức của các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện đại từ tỉnh thái nguyên (Trang 37 - 40)

Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn

2.1. Cơ sở lý luận

2.1.4. Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng công chức ở các xã đặc biệt khó

khó khăn

2.1.4.1. Yếu tố bên trong (chủ quan) a. Công tác đào tạo và bồi dưỡng

Chất lượng đội ngũ công chức cấp xã hình thành và chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu và quan trọng là thông qua đào tạo với mục đích "làm cho trở thành người có năng lực theo tiêu chuẩn nhất định".

Đào tạo đội ngũ công chức cấp xã là làm cho đội ngũ này có được những năng lực theo những tiêu chuẩn nhất định. Năng lực ở đây bao gồm trình độ về kiến thức, năng lực về hiểu biết, nhận thức sự việc, năng lực điều hành, tổ chức thực hiện, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm và đề xuất giải pháp để thực hiện đạt mục tiêu...

Hiện nay, đất nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong bối cảnh có những thời cơ, thuận lợi mới nhưng cũng có nhiều khó khăn, thách thức mới. Nhiệm vụ chính trị rất nặng nề phức tạp, đặt ra nhiều vấn đề cho công tác cán bộ và đào tạo cán bộ. Đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân phải xây dựng được đội ngũ cán bộ cơ sở ngang tầm, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất cách mạng, có năng lực thực tiễn góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Tuy nhiên do chưa nhận thức đúng vai trò, vị trí, công tác bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ ở cơ sở nên nhìn chung đội ngũ cán bộ chưa thực sự đảm đương được nhiệm vụ trong tình hình mới, đặc biệt là đội ngũ công chức cấp xã.

b. Công tác quy hoạch nguồn công chức cấp xã

Quy hoạch đội ngũ công chức là dự báo hướng phát triển của đội ngũ cán bộ, công chức trong tương lai, đây là một nội dung trọng yếu của công tác cán bộ. Quy hoạch là cơ sở để đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng và bổ nhiệm công chức, làm tốt công tác quy hoạch sẽ tạo nguồn công chức có phẩm chất và năng lực, có bản lĩnh chính trị, đủ về số lượng đảm bảo sự chuyển tiếp liên tục và vững vàng giữa các thế hệ.

c. Điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương

Địa phương có tình hình kinh tế phát triển mạnh, xã hội ổn định thì càng có điều kiện nâng cao chất lượng đội ngũ công chức cấp xã. Điều kiện kinh tế khá thì nguồn ngân sách dành cho đào tạo càng lớn hơn, thực hiện đào tạo được nhiều hơn và chất lượng công chức càng được cải thiện tốt hơn. Điều kiện kinh tế của địa phương cũng ảnh hưởng không nhỏ tới điều kiện học tập cũng như giảng dạy, cơ sở hạ tầng giáo dục được đáp ứng tốt thì chất lượng dạy học và khả năng ứng dụng tốt hơn.

d. Cơ chế đãi ngỗ của chính quyền địa phương

Chế độ chính sách bao gồm chế độ tiền lương và các chế độ chính sách đãi ngộ đối với công chức. Trong cơ chế thị trường hiện nay thì chế độ, chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đội ngũ công chức. Thực tế cho thấy khi thu nhập của con người không tương xứng với công sức của họ bỏ ra hoặc không có chế độ chính sách đãi ngộ thoả đáng ngoài tiền lương đối với công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao thì họ dễ sinh ra chán nản, thiếu trách nhiệm với công việc, thậm chí có khi còn là nguyên nhân dẫn đến các tệ nạn như tham nhũng, hối lộ. Vì vậy nếu chế độ tiền lương là hình thức đầu tư trực tiếp cho con người, đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội thì chắc chắn sẽ góp phần nâng cao chất lượng công chức.

đ. Công tác kiểm tra, đánh giá, xếp loại công chức hàng năm

Thực tế cho thấy, đối với đội ngũ công chức cấp xã, một số cán bộ khi mới được đề bạt, bổ nhiệm, mới được bầu cử đều là những người tốt, có đạo đức, trung thành, tận tụy, liêm khiết, có uy tín đối với đồng bào nhân dân địa phương song trong quá trình hoạt động vốn dĩ đã hạn chế về trình độ năng lực so với đội ngũ cán bộ các vùng khác nhưng lại thiếu tu dưỡng, rèn luyện học tập, không được quản lý tốt dần dần thoái hóa, biến chất, sa ngã. Trong điều kiện có nhiều đầu tư của Nhà nước, của các tổ chức kinh tế vào khu vực này nhưng do không có một "dây cương" cần thiết nên đã biến chất, vi phạm vào lợi ích của Nhà nước và nhân dân. Điều đó, có phần thiếu sót của công tác kiểm tra, giám sát và quản lý cán bộ.

Qua đây cho thấy công tác kiểm tra, giám sát, quản lý và bảo vệ cán bộ có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đội ngũ CBCC nói chung và đội ngũ công chức cấp xã nói riêng.

2.1.4.2. Yếu tố bên ngoài

a. Chế độ, chính sách của nhà nước

Đây là một yếu tố tác động rất nhiều đến chất lượng của đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã. Trước ngày 01/7/2003, cán bộ chính quyền cấp xã không được coi là công chức nhà nước. Mặc dù chính quyền cấp xã được Hiến pháp 1992 xác định là một cấp hành chính trong hệ thống chính quyền của Nhà nước ta. Cán bộ cấp xã không được hưởng lương trong ngân sách nhà nước và lương thì gọi là phụ cấp được lấy từ ngân sách xã ra để chi trả. Đã có nhiều trường hợp, khi ngân sách xã quá thiếu thì khoản phụ cấp của các cán bộ cấp xã bị nợ lại. Thậm chí có xã nợ phụ cấp cán bộ xã hàng năm trời mới trả. Bên cạnh đó, hoạt động của chính quyền cấp xã cũng bị xem nhẹ. Có khá nhiều xã (nhất là các xã thuộc vùng sâu, vùng xa) chỉ làm việc buổi chiều, còn buổi sáng thì tham gia lao động sản xuất cùng gia đình. Vị thế của người cán bộ cấp xã một thời gian khá dài bị xem nhẹ đã có ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng của đội ngũ cán bộ cấp xã. Hầu như nếu có cơ hội được đi học ở các trường chuyên nghiệp thì có rất ít người quay trở về công tác tại xã. Trong khi đó, các cán bộ cấp xã khi được cử đi học nâng cao trình độ, thì xu hướng chung là tìm mọi cách để được chuyển công tác lên cấp cao hơn như cấp huyện, cấp tỉnh. Bên cạnh đó, khi thấy có cán bộ cấp xã có năng lực, công tác tốt thì huyện cũng đưa lên công tác tại huyện. Đã có khá nhiều đồng chí cán bộ cấp xã công tác rất tốt ở cương vị Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, nhưng khi được đưa lên huyện làm cán bộ huyện thì hầu như không phát huy được sở trường của mình, nhiều người lại được đưa trở về địa phương, nhưng lúc này thì uy tín của họ đã không còn được như trước nữa và hầu như cũng không phát huy được tác dụng.

Chế độ, chính sách và vị thế quá thấp của cán bộ công chức cấp xã làm cho người cán bộ cấp xã không an tâm trong công tác, không có lòng nhiệt tình đối với công việc mà mình được giao, không có chí tiến thủ. Đồng thời, địa bàn cấp xã không có sức hút đối với những người có năng lực, có trình độ học vấn và nhất là đối với đội ngũ sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng về công tác tại cấp xã.

b. Cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm đội ngũ công chức cấp xã

Việc tuyển dụng, bổ nhiệm đội ngũ công chức cấp xã hầu như chưa gắn với việc thi tuyển, lựa chọn về chuyên môn, nghiệp vụ. Đối với các chức danh cán bộ chủ chốt ở cấp xã đều thông qua cơ chế: Đảng cử, dân bầu. Chính vì điều đó đã dẫn đến tình trạng, có khá đông cán bộ cấp xã chưa được đào tạo qua bất

cứ một chuyên môn nào. Đó là chưa kể đến có cả cán bộ mới có trình độ học vấn tiểu học, trung học cơ sở. Bên cạnh đó, kết quả bầu cử phụ thuộc rất nhiều vào trình độ dân trí, dân cư ở địa phương. Yếu tố dòng họ trong nông thôn Việt Nam cũng có ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả bầu cử. Còn đối với cán bộ chuyên trách và không chuyên trách thì việc tuyển chọn cũng không đặt ra các tiêu chí bắt buộc là phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với công việc được giao. Do đó, có khá đông cán bộ chuyên trách mà không có trình độ, năng lực phù hợp với đòi hỏi của nhiệm vụ được giao. Việc tuyển dụng công chức cấp xã hầu như chỉ dựa vào sự nhất trí của đồng chí Bí thư Đảng ủy và đồng chí Chủ tịch UBND cấp xã.

Với cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm như vậy, khó tránh khỏi tuyển dụng những người yếu kém về năng lực, phẩm chất dễ bị "lọt lưới" ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ công chức.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao chất lượng công chức của các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện đại từ tỉnh thái nguyên (Trang 37 - 40)