Tình hình kinh tế xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp nâng cao đời sống văn hóa của công nhân lao động các khu công nghiệp tỉnh bắc ninh (Trang 51 - 53)

phần 3 : Đặc điểm địa bàn nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu

3.1. Đặc điểm địa bàn nghiên cứu

3.1.2. Tình hình kinh tế xã hội

3.1.2.1. Về kinh tế

Ngay sau khi tỉnh Bắc Ninh được tái lập (1997), Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã xác định một trong những giải pháp quan trọng nhằm phát triển kinh tế- xã hội, đẩy nhanh quá trình CNH- HĐH tỉnh Bắc Ninh là tập trung đầu tư, xây dựng và phát triển các KCN tập trung trên địa bàn tỉnh. Ngày 25/8/1998, Ban quản lý các KCN Bắc Ninh được thành lập theo Quyết định số 152/1998/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với các KCN tập trung của tỉnh trên cơ sở Nghị định số 36/1997/NĐ- CP ngày 24/4/1997, đến năm 2008 thực hiện theo Nghị định số 29/2008/NĐ- CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về KCN và Khu kinh tế.

Sau 20 năm tái lập tỉnh (1997- 2017), tốc độ tăng trưởng kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn được cải thiện nhiều. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng cao, mức tăng bình quân sau 20 năm tái lập tỉnh 1997- 2016 là 15,1%/năm; GRDP năm 2017 (giá so sánh 2010) đạt 162.024 tỷ đồng, tăng 19,2% so với năm 2016, chiếm 3,25 % GDP cả nước, đứng thứ nhất toàn quốc. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng CNH- HĐH; năm 2017, công nghiệp- xây dựng 74,4%, dịch vụ 22,7%, nông, lâm nghiệp và thủy sản 2,9% (năm 1997 tỷ lệ tương ứng là 23,8%, 31,2%, 45%). Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2017 đạt 8.654,5 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010). Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2017 đạt 968.846 tỷ đồng, tăng 38,4% so với năm 2016, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 99,8%. Năm 1997 có 01 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 120 triệu USD, đến năm 2017 có 935 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 12,3 tỷ USD, với nhiều tập đoàn kinh tế lớn như Samsung, Microsoft, Canon, Pepsico, Hồng Hải... Thu ngân sách Nhà nước giai đoạn 1997- 2016 tăng bình quân 26,3%/năm; năm 2016 đạt 17,4 nghìn tỷ đồng, gấp 87,7 lần năm 1997. Xuất khẩu có bước đột phá, kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 1997- 2016 tăng bình quân 42%/năm, năm 2016 kim ngạch xuất khẩu đạt 22,8 tỷ USD, gấp 1.120 lần năm 1997 (UBND tỉnh Bắc Ninh, 2017).

3.1.2.2. Cơ cấu dân số

Theo số liệu thống kê năm 2016, dân số Bắc Ninh là 1.178.130 người, trong đó: 598.640 nữ, chiếm 50,79%; 579.640 nam, chiếm 49,19 %. Số dân thành thị 337.969 người chiếm 28,68%, dân số nông thôn 840.161 người chiếm 71,32 %. Bắc Ninh là một trong những tỉnh có mật độ dân số cao nhất cả nước với 1.432 người/km2. Cơ cấu dân số của tỉnh tương đối trẻ, với nhóm tuổi từ 15 tuổi trở lên là 667.443 người, chiếm 56,65% tổng dân số. Dân số cơ học tăng nhanh do nhu cầu phát triển công nghiệp lớn (Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh, 2017).

Năm 2010 số CNLĐ làm việc trong các KCN là 51.176 người, trong đó lao động ngoại tỉnh là 28.645 người, chiếm 56%. Đến tháng hết năm 2017, tổng số CNLĐ đang làm việc trong các KCN là 284.470 người (tăng 5,6 lần so với năm 2010), trong đó lao động ngoại tỉnh là 209.552 người (tăng 7,3 lần so với năm 2010). Trong đó, lao động nữ làm việc tại các KCN tỉnh là 186.112 người, chiếm 65,4% (Ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh, 2017). Số lượng CNVCLĐ trên các lĩnh vực của tỉnh ngày càng lớn mạnh, nhất là CNLĐ trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp đã đóng góp rất lớn vào kết quả phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, đây thực sự là nguồn nhân lực chính tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp và nguồn thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

3.1.2.3. Văn hóa- xã hội

Bắc Ninh là vùng đất “Địa linh nhân kiệt”; văn hóa Bắc Ninh được thể hiện sinh động của những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, những di sản vô giá được nhân dân vùng Bắc Ninh- Kinh Bắc và nhân dân cả nước qua bao thế hệ giữ gìn và phát huy; Tổ đình phật giáo Việt Nam; Trung tâm Hán học lớn nhất cả nước; nơi phát tích vương triều nhà Lý- triều đại khai mở nền văn minh Đại Việt. Bắc Ninh hiện đang lưu giữ 05 nhóm bảo vật quốc gia và 04 công trình danh lam cổ tự: chùa Bút Tháp; chùa Dâu và hệ thống Tứ Pháp; khu di tích lăng mộ, đền thờ các vị Vua triều Lý và chùa Phật Tích được xếp hạng di tích cấp Quốc gia đặc biệt. Bắc Ninh là quê hương của Lễ hội và các hình thái sinh hoạt văn hóa nghệ thuật dân gian tiêu biểu của người Việt như: Tuồng, Chèo, Rối nước, hát Trống quân và đặc biệt là dân ca quan họ và Ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Sau 20 năm tái lập tỉnh, quá trình chuyển dịch cơ cấu đúng hướng đã giúp cho kinh tế Bắc Ninh tăng trưởng ổn định, tạo điều kiện cho đầu tư kết cấu hạ

tầng kinh tế- xã hội, phát triển văn hóa- xã hội, tiến tới công bằng xã hội. Công tác phát triển đô thị theo hướng hiện đại, từ 9% năm 1997 lên 28,7% năm 2016 với 01 Thành phố (đô thị loại II), 01 thị xã (đô thị loại IV), 06 thị trấn (đô thị loại V) và hơn 200 khu nhà ở, dân cư dịch vụ được quy hoạch với khoảng 6.700 ha. Bắc Ninh là tỉnh đứng đầu về kết quả xây dựng trường chuẩn Quốc gia với 91,5% và kiên cố hóa trường lớp học với 96%; 100 bệnh viện đa khoa tuyến huyện đạt Bệnh viện loại II, 100% Trạm y tế xã phường, thị trấn được kiên cố hóa, có bác sĩ, nữ hộ sinh. Bắc Ninh là tỉnh có nhiều chính sách an sinh xã hội đi trước cả nước, nhiều chính sách có mức hỗ trợ, trợ cấp cao hơn cả nước như: trợ cấp người cao tuổi từ đủ 70 tuổi; Chương trình Sữa học đường cho học sinh Mầm non và Tiểu học; cấp Báo Bắc Ninh cho Đảng viên 50 năm tuổi Đảng.... Đời sống của nhân dân đã được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 còn 2,59% (theo chuẩn nghèo đa chiều) (UBND tỉnh Bắc Ninh, 2017).

Hoạt động văn hóa của tỉnh Bắc Ninh trong những năm qua đã có những thành tựu nổi bật, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc được đẩy mạnh, các di tích văn hóa, cảnh quan môi trường tiếp tục được đầu tư tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị. Đưa dân ca Quan họ Bắc Ninh- Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại- vào các trường học; phát triển các làng quan họ... Các loại hình lễ hội dân gian, lễ hội truyền thống đã từng bước được khôi phục và phát huy. Đặc biệt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao sôi nổi, phong phú và đa dạng, với nhiều hoạt động và sự kiện văn hóa mang tầm quốc gia và quốc tế đã góp phần khẳng định vị thế của Bắc Ninh là một trung tâm văn hóa lớn của đất nước.

Tuy nhiên, cơ sở vật chất, hạ tầng xã hội phục vụ ĐSVH mới chỉ đáp ứng được nhu cầu cho nhân dân địa phương. Các thiết chế văn hóa, thể thao mang tính cộng đồng trong các KCN chưa được đầu tư xây dựng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp nâng cao đời sống văn hóa của công nhân lao động các khu công nghiệp tỉnh bắc ninh (Trang 51 - 53)