Đời sống văn hóa của công nhân lao động một số nước trên thế giới

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp nâng cao đời sống văn hóa của công nhân lao động các khu công nghiệp tỉnh bắc ninh (Trang 39 - 44)

2.3.1.1. Đời sống văn hóa công nhân ở một số nước phương Tây

Từ thập niên 70 của thế kỷ XX, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ trên thế giới đã làm biến đổi sâu sắc và toàn diện nền kinh tế thế giới. Từ đó, dẫn đến những thay đổi về cấu trúc xã hội trong đó có GCCN. Đối với GCCN, tính linh hoạt, sáng tạo trong công việc là một phẩm chất cần phải có. Những yếu tố bắt buộc là trình độ giáo dục chung vững chắc, được đào tạo nghề nghiệp một cách cơ bản và trình độ văn hóa- kỹ thuật cao, có kỹ năng đổi mới và khả năng bổ sung tri thức nhanh chóng trong mọi lĩnh vực hoạt động. Những yêu cầu này dẫn đến tình trạng thiếu nguồn nhân lực có trình độ cao trên thế giới. Ngay quốc gia vốn có công nghệ đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao như Mỹ cũng không là ngoại lệ. Hiện trên thế giới đang tồn tại xu thế chuyển dịch nguồn nhân lực: Dòng nhân lực có trình độ chuyên môn cao của các nước đang phát triển dịch chuyển đến các nước công nghiệp. Các công ty đa quốc gia cắt giảm việc làm trong nước để chuyển sang các công ty vệ tinh tại các nước.

Trong Toàn cầu hoá với giai cấp công nhân, đăng trên Tạp chí Cộng sản, Số 10/1999 của tác giả La Côn: So với tổng số lao động xã hội trong 30 năm qua, ở những nước công nghiệp phát triển, lượng công nhân tăng và chiếm tỷ lệ trên 70%. Cụ thể một số nước: Pháp 91%, Anh 92,6%, Nhật Bản 76%. Một số nước như Mỹ, Thụy Điển, công nhân chiếm 92% lao động cả nước ( La Côn, 1999).

công việc lao động trực tiếp với máy móc, lao động nặng nhọc có xu hướng giảm về chất lượng. Ở Anh, công nhân mỏ- khai khoáng, năng lượng không còn nhiều. Mỹ chỉ còn 100.000 công nhân khai mỏ. Trong khối EU, năm 1954 có 239 triệu công nhân mỏ, song đến năm 1994 chỉ còn 49.240 người. Ở Mỹ, trong ngành chế tạo máy, công nhân năm 1950 chiếm 35%, năm 1960 là 30%, năm 1980 là 20% và hiện nay là 15%. CNLĐ có trình độ cao, làm việc trong ngành công nghệ thông tin, nhà giáo, nhà khoa học… chiếm tỷ lệ ngày càng cao (ở Mỹ khoảng 70%, ở các nước G8 khác khoảng 40- 60%). Trình độ chuyên môn và văn hóa của CNLĐ cũng ngày càng cao. 40% CNLĐ châu Âu học vấn có trình độ đại học, cao đẳng. Từ năm 1970 đến năm 1990, ở Mỹ có 90% việc làm mới được tạo ra trong các dịch vụ tri thức và xử lý thông tin.

Tìm hiểu các khía cạnh khác nhau của văn hóa CNLĐ hiện nay, cần thấy rõ công nhân trong các nước phát triển (phương Tây, Nhật Bản…), là sản phẩm của quá trình giáo dục- đào tạo có hệ thống và được đầu tư lớn của nhà nước tư bản và các doanh nghiệp. Nhà nước gần như ứng trước chi phí đào tạo cho việc học tập và đào tạo nghề nghiệp và sau đó thu lại bằng thuế thu nhập, thẻ lao động…

Thực tế cho thấy, xây dựng ĐSVH trong CNLĐ là một nội dung quan trọng ở cả các nước đã phát triển và các nước đang phát triển, không phân biệt chế độ chính trị. Mục tiêu của nhiệm vụ này là nhằm tạo nên nguồn nhân lực có chất lượng cao cho sự phát triển của mỗi quốc gia.

2.3.1.2. Đời sống văn hóa công nhân ở một số quốc gia Châu Á

- Tại Hàn Quốc

Những năm 60 của thế kỷ XX, Hàn Quốc vẫn còn là một nước kém phát triển, là một quốc gia không được thiên nhiên ưu đãi về tài nguyên, khoáng sản… đến cuối những năm 80 đầu những năm 90, quốc gia này đã trở thành một trong bốn con rồng châu Á.

Cùng với sự phát triển của đất nước theo hướng CNH- HĐH, đội ngũ CNLĐ ở Hàn Quốc ngày càng đông đảo. Chỉ trong vòng 20 năm, khoảng từ năm 1960 đến năm 1980, số CNLĐ trong các ngành chế tạo tăng khoảng 06 lần, từ 480.000 lên tới 2.970.000 người. Tỷ trọng lao động thuộc ngành chế tạo trong tổng số những người làm công ăn lương tăng từ 07% tới 22% và trong số đó có khoảng 9.900.000 nông dân ra thành thị. Sự phát triển của đội ngũ công nhân và những mâu thuẫn về lợi ích của họ với giới chủ tạo điều kiện cho phong trào

công nhân phát triển. Ngay từ những năm 70- 80 của thế kỷ XX, khi Hàn Quốc đẩy mạnh việc CNH- HĐH đất nước, ý thức GCCN Hàn Quốc phát triển từng bước. Đáng chú ý là phong trào đấu tranh của các nữ công nhân trong các ngành dệt may, điện tử khá cao. Khi phong trào được các Hiệp hội lao động tổ chức và lãnh đạo, CNLĐ đã giành được những quyền lợi thiết thực như được tạo điều kiện về ký túc xá, được tham gia các lớp bổ túc văn hóa phổ thông trung học ban đêm… Quyền lợi giành được đã thu hút được những nữ thiếu niên không có cơ hội học tập ở nông thôn thoát ly làm công nhân (Hoa Hữu Lân, 2002).

Từ sự lớn mạnh của phong trào công nhân, nhiều tổ chức Công đoàn lớn và có uy tín được thành lập, bao gồm Công đoàn của các công nhân “áo xanh” và công nhân “áo trắng”. Một điều cần lưu ý là vị trí của giai cấp CNLĐ ở Hàn Quốc ngày càng cao. Nếu như những năm 70- 80 của thế kỷ trước, Chính quyền sẵn sàng đứng về phía chủ tư bản, đối lập với người công nhân, thì nay đã buộc phải thừa nhận sức mạnh tập thể của họ. CNLĐ Hàn Quốc đã trở thành một lực lượng quan trọng trong hệ thống chính trị.

Thấy rõ được sức mạnh và vai trò của GCCN trong quá trình phát triển đất nước, Chính phủ Hàn Quốc rất quan tâm và kết hợp sử dụng nhiều giải pháp khác nhau để có thể đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đủ khả năng xây dựng đất nước. Điều đó thể hiện trong các công việc cụ thể nhằm xây dựng văn hóa công nhân, như: cải cách chế độ thu nhập, đẩy mạnh hơn việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo đội ngũ lao động lành nghề, cải thiện đời sống, bồi dưỡng và hun đúc các giá trị văn hóa… Chính sách phát triển ĐSVH của CNLĐ được thể hiện qua các chính sách phúc lợi lao động, Luật lao động và đặc biệt lồng ghép trong chính sách văn hóa của Hàn Quốc. Ngay từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX, Hàn Quốc đã xây dựng chính sách văn hóa cho đất nước. Chính sách ấy được thể hiện cụ thể bằng kế hoạch 10 năm phát triển văn hóa với năm mục tiêu cơ bản là: “Văn hóa phúc lợi”, “Văn hóa hòa hợp”, “Văn hóa dân tộc”, “Văn hóa cải cách”, “Văn hóa thống nhất” để hình thành nên sự đồng cảm về văn hóa, tinh thần chung của toàn thể quốc dân và tạo nên nền móng phát triển quốc gia. Mục tiêu “Văn hóa phúc lợi” là văn hóa làm cho cuộc sống mang tính nhân văn, hiện thực hơn. “Văn hóa hòa hợp” là văn hóa loại trừ mâu thuẫn giữa các giai tầng đang ngày càng có xu hướng phát triển…

Dù đặt việc xây dựng ĐSVH cho CNLĐ vào nhiệm vụ xây dựng ĐSVH cho toàn xã hội nhưng do CNLĐ là một lực lượng đông đảo, có tổ chức thông qua

các nghiệp đoàn lại có những đặc thù riêng nên Nhà nước Hàn Quốc coi một trong những đối tượng mà chính sách văn hóa hướng tới là tăng cường phát triển ĐSVH của CNLĐ. Đối với CNLĐ, việc chú trọng đào tạo và nâng cao năng lực chuyên môn là quan trọng nhưng cũng cần chú trọng các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của họ với các yêu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật, thể thao và vui chơi, giải trí, du lịch…Để tạo điều kiện cho công nhân tham gia các hoạt động văn hóa, Bộ Lao động Hàn Quốc đã tổ chức điều tra về các nhu cầu của CNLĐ và dựa vào đó thực hiện một số công việc như xây dựng các trung tâm văn hóa, giáo dục tại các khu vực tập trung nhiều nhà máy, xí nghiệp. Tại các trung tâm này, người ta tổ chức Liên hoan văn hóa, nghệ thuật CNLĐ thường niên, tổ chức Đại hội thi đấu thể dục- thể thao, mở các lớp tư vấn cho vợ công nhân nhằm hướng tới một gia đình hạnh phúc…

- Ở Trung Quốc

Giai cấp CNLĐ ở Trung Quốc dù đã có sự thay đổi về thành phần, song, vị trí GCCN về cơ bản vẫn không thay đổi và được xác định là: “Giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo của Trung Quốc, là đại biểu cho sức sản xuất và quan hệ sản xuất tiên tiến, là đội quân chủ lực của sự nghiệp cải cách, mở cửa và xây dựng hiện đại hóa chủ nghĩa xã hội, là lực lượng xã hội hùng mạnh và đông đảo duy trì ổn định xã hội” (Văn Tạo, 1998).

Sự biến đổi đội ngũ GCCN đương đại Trung Quốc bắt nguồn từ sự phát triển của sức sản xuất xã hội có ảnh hưởng to lớn và phức tạp đến GCCN và toàn xã hội, trong đó có việc xây dựng ĐSVH trong CNLĐ. Những biến đổi ấy thể hiện qua các hiện tượng sau:

Thứ nhất, qua sự phân bố GCCN ngày càng đa dạng, cơ cấu nội tại GCCN ngày càng phân hóa thành nhiều tầng lớp. Số công nhân làm việc tại các công ty tư nhân ngày càng đông. Sự thay đổi này khiến GCCN từ tình trạng tương đối đơn nhất trước đây ngày càng phân hóa thành nhiều tầng lớp, như tầng lớp lao động phổ thông, tầng lớp quản lý công ty, tầng lớp quản lý xã hội (người làm tại cơ quan và đơn vị sự nghiệp nhà nước), tầng lớp trí thức (nhân viên kỹ thuật, chuyên nghiệp) hay còn phân thành tầng lớp “áo xanh”,“áo trắng”…

Thứ hai, lợi ích và mâu thuẫn bên trong giữa các tầng lớp trong GCCN ngày càng phức tạp và đa dạng. Vì, giữa các tầng lớp khác nhau trong GCCN cũng có những mâu thuẫn về lợi ích, dù không phải là gay gắt. Những mâu thuẫn không

chỉ biểu hiện ở thu nhập kinh tế, đời sống vật chất mà còn biểu hiện ở quyền lợi chính trị, nhu cầu tinh thần và tâm lý.

Thứ ba, là sự đa dạng của quan niệm giá trị, nói rõ hơn là sự khác biệt về văn hóa trong chính bản thân GCCN. Bởi, các tầng lớp khác nhau có các lợi ích khác nhau nên về niềm tin, lý tưởng và quan niệm giá trị cũng khác nhau. Điều đó thể hiện trong sự lựa chọn các vấn đề hiện thực, như giữa tập thể và cá nhân, lâu dài và trước mắt, toàn cục và cục bộ, văn minh vật chất và văn minh tinh thần đều có sự khác nhau. Một số cuộc điều tra gần đây ở Trung Quốc cho thấy, trong đội ngũ công nhân, viên chức có tỷ lệ đảng viên, đoàn viên cao (đến 45,45%), tỷ lệ lựa chọn “thực hiện chủ nghĩa cộng sản”, “phấn đấu vì mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” làm lý tưởng sống chỉ đạt 29,42%, giảm 40,48% so với kết quả điều tra năm 1982, trong khi tỷ lệ lựa chọn nội dung như cuộc sống giàu có, hôn nhân hạnh phúc, gia đình hạnh phúc, đời sống ổn định lại tăng mạnh (Lục Học Nghệ, 2012).

Giữa các tầng lớp có sự khác biệt về đời sống vật chất và tinh thần, phụ thuộc vào trình độ giáo dục, tư cách chính trị, thành phần sở hữu… Nhìn chung, tầng lớp trí thức và quản lý có vị trí cao hơn CNLĐ; công nhân là đảng viên Đảng Cộng sản cao hơn công nhân không phải là đảng viên, công nhân và viên chức công ty nhà nước cao hơn công nhân, viên chức các công ty tư nhân… Để nâng cao trình độ giác ngộ, tăng cường điều kiện sinh hoạt vật chất và tinh thần cho GCCN và góp phần giảm bớt sự khác biệt giữa các tầng lớp trong GCCN, Đảng Cộng sản Trung Quốc rất coi trọng nhiệm vụ xây dựng ĐSVH cho họ. Trong việc thực hiện nhiệm vụ này, tổ chức Tổng công hội Trung Quốc (Công đoàn) giữ vị trí rất quan trọng. Nhằm nâng cao trình độ giác ngộ tinh thần yêu nước và lý tưởng XHCN cho GCCN, Công đoàn Trung Quốc đưa ra một số biện pháp nhằm tăng cường công tác nghiên cứu lý luận về Công đoàn, tổ chức các lớp nghiên cứu cao cấp dành cho cán bộ lãnh đạo Công đoàn trong cả nước. Nội dung đi sâu tìm hiểu mục tiêu xây dựng xã hội hài hòa trên cơ sở phối hợp giữa văn minh vật chất và văn minh tinh thần trong xã hội Trung Quốc.

Có thể thấy nét nổi bật của việc xây dựng ĐSVH cho CNLĐ ở Trung Quốc là bên cạnh sự quan tâm của tổ chức Đảng và Chính quyền các cấp, Công đoàn có vị trí rất quan trọng trong công tác tổ chức cũng như giám sát việc bảo đảm các quyền lợi về vật chất và tinh thần cho người công nhân. Trong sự phát triển chung về nhiều mặt của đất nước Trung Quốc trong công cuộc cải cách, mở cửa,

trình độ văn hóa, khoa học, kỹ thuật của CNLĐ đều được nâng cao nhiều. Chính vì vậy, CNLĐ Trung Quốc đã phát huy vai trò quân chủ lực trong phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp nâng cao đời sống văn hóa của công nhân lao động các khu công nghiệp tỉnh bắc ninh (Trang 39 - 44)